*Trận chiến 5 đạo quân giành lại Nội Mông (1912 – 1915).
Sau khi giải phóng những vùng đất cuối cùng khỏi tay người Mãn Châu giữa năm 1912 (xem lại phần trước), cuối năm đó, các tướng lĩnh quân sự Mông Cổ lại có tham vọng giành lại luôn vùng Nội Mông đang bị Trung Quốc kiểm soát. Lợi dụng tình hình Trung Hoa đang cực kỳ rối ren sau Cách mạng Tân Hợi, người Mông Cổ quyết định dùng một cuộc chiến tranh để đoạt lấy Nội Mông. Cuộc chiến đó được người Mông Cổ gọi là ”Cuộc chiến 5 đạo quân” (Таван замын байлдаан).
Vào lúc phát động cuộc chiến này, các lãnh đạo Ngoại Mông đang rất kỳ vọng vào sự giúp đỡ của Nga. Do đó, họ dường như đã dồn mọi nguồn lực ít ỏi của quốc gia vào trận chiến. Cuối năm 1912, quân Mông Cổ cho tuyển lính trên toàn bộ Ngoại Mông, gom được khoảng 45.000 quân. Gần như toàn bộ những con ngựa, lạc đà tốt nhất trên cả nước đều được gửi ra chiến trường. Toàn bộ kho đạn của quân Mông Cổ được vét cạn, trong khi trông chờ Nga sẽ cấp thêm súng đạn trong tương lai. Cùng với đó, hầu hết khoản tài trợ 2 triệu rúp Nga cho Mông Cổ vay lúc trước đã được Mông Cổ đổ vào quân đội, khiến cuộc sống trong nước của người dân Mông Cổ càng khốn khó.
Cuối năm 1912, quân đội Mông Cổ được giao cho tướng Manlaibaatar Damdinsuren làm tư lệnh. Theo chính sử Mông Cổ, lực lượng này chia thành 5 đạo quân đi theo 5 con đường tiến vào Nội Mông. Tuy nhiên, họ lại không ghi rõ ràng mục tiêu hướng đến của các đạo quân này, nên rất khó để hình dung được 5 đạo quân này rốt cuộc đã đi theo hướng nào. Cùng lúc đó, các nhà ngoại giao Nhật Bản đang ở gần Nội Mông, đã theo dõi cuộc chiến và có các ghi chép riêng của mình. Ghi chép của Nhật Bản cụ thể và rõ ràng hơn nhiều về lực lượng quân Mông Cổ. Theo đó, quân Mông Cổ thực tế có đến 6 đội quân.
-Đạo quân thứ 1: hướng về Hohhot (Hao Hòa Hạo Đặc) – ngày này chính là thủ phủ của vùng Nội Mông. Quân số có 5.860 bộ binh, 1.400 kỵ binh, 15 đại bác, 6 súng máy.
-Đạo quân thứ 2: băng qua sa mạc để tránh quân Trung Quốc. Quân số 4.120 bộ binh và 2.470 kỵ binh, 24 đại bác và 22 súng máy.
-Đạo quân thứ 3: hướng về phía Thừa Đức (tiếng Mông Cổ là Чендэ) – nơi có nhiều cung điện của vua nhà Thanh. Quân số có 7.720 bộ binh và 1.650 kỵ binh. Có 12 súng máy.
-Đạo quân thứ 4: hướng về phía Khai Lỗ (tiếng Mông Cổ là Кайлү). Quân số có 4.340 bộ binh và 1.590 kỵ binh, 34 súng máy.
-Đạo quân thứ 5: ở phía Đông Nội Mông nói chung. Có 1600 bộ binh, 900 kỵ binh và 6 đại bác.
-Đạo quân thứ 6: đi vòng qua hướng Mãn Châu. Có lẽ vì đi hướng khác nên Mông Cổ không tính đạo quân này vào 5 đạo quân chính thức. Không rõ lực lượng chính xác của đạo quân này, và có vẻ như nó cũng không bao giờ kịp đối đầu với quân Trung Quốc.
Đối phó với cuộc xâm nhập của Mông Cổ, chính quyền lúc đó của Trung Quốc do Viên Thế Khải làm Tổng thống đã giao quyền chỉ huy cho tướng Vương Hoài Khanh (王懷慶). Cuối năm 1912, Vương Hoài Khanh được bổ nhiệm làm Trấn thủ Nội Mông, ứng chiến với quân Mông Cổ. Vương Hoài Thanh cho đóng sở chỉ huy của quân Trung Quốc ở Dolon Nor (Đa Luân Đáo Nhĩ). Sở dĩ Vương cho đóng ở Đa Luân Đáo Nhĩ được cho là vì đất này thuộc đất Thượng Đô cũ của Hốt Tất Liệt ngày trước, quân Mông Cổ không dám xâm phạm. Thậm chí giai thoại kể rằng, Vương Hoài Thanh trong lúc đóng quân đã cho lính lùng sục khắp nơi và cướp được con dấu của Hốt Tất Liệt lấy đi mất, không cho quân Mông Cổ tìm thấy.
Các ghi chép của Nhật Bản cũng cung cấp số lượng quân Trung Quốc thời gian này, vào khoảng 7 vạn quân, 146 khẩu pháo và chừng 80-90 súng máy. Ngoài ra, quân Trung Hoa cũng cho đóng nhiều quân ở các khu quan trọng xung quanh ở Sơn Tây và Hà Bắc, phòng khi Nội Mông thất thủ sẽ quyết chiến để bảo vệ Bắc Kinh nếu quân Mông Cổ tiến xa hơn. Đặc biệt là ở Trương Gia Khẩu cửa ngõ phía Bắc của Bắc Kinh có đến hơn 1 vạn quân bảo vệ.
Cuộc chiến tranh này diễn ra trong vùng sa mạc hẻo lánh của Nội Mông. Không rõ trận chiến đầu tiên giữa quân Mông Cổ và Trung Quốc diễn ra thời gian nào, nhưng ghi chép đầu tiên được các nhà ngoại giao Nhật Bản gửi đi là ngày 9 tháng 9 năm Đại Chính thứ nhất (大 正 元年), theo đó ”trận chiến lớn giữa quân Mông Cổ và Trung Quốc đã diễn ra”. Ngày 11 tháng 10 năm đó, đại sứ Nga ở Bắc Kinh có bức điện báo, cho thấy tình hình khá nguy cấp, nội dung đại khái là ”không khí lo sợ diễn ra ở Bắc Kinh khi nghe tin quân Mông Cổ tấn công. Các tuyên truyền chống Mông Cổ và Nga được các kẻ cực đoan lan truyền. Chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi quyên góp ủng hộ binh sĩ ngoài mặt trận”. Như vậy, dựa trên các điện báo ngoại giao của Nga và Nhật Bản, có thể suy đoán ra cuộc chiến giữa Mông Cổ và Trung Quốc đã bắt đầu vào khoảng tháng 9-10 năm 1912, với bất lợi ban đầu nghiên về phía Trung Quốc.
Quả nhiên, tháng 11 năm đó, chính phủ Trung Quốc của Viên Thế Khải thừa nhận chiến tranh với Mông Cổ và triệu tập hội nghị nhân dân toàn quốc bàn cách đối phó. Hội nghị ra quyết định vay tiền thêm tiền của Nhật Bản để bổ sung chiến phí. Tháng đó, Bộ Quốc Phòng của Trung Hoa Dân Quốc trình bày một kế hoạch phản công để đánh lui quân Mông Cổ, ”tấn công đồng loạt từ các tỉnh Sơn Tây, Nhiệt Hà, Sát Cáp Nhĩ, Tuy Viễn” và nhất là tấn công vào vùng Dariganga, cực đông Mông Cổ để khiến quân Mông Cổ lo sợ mà rút về.
Cùng lúc đó, chính phủ Dân Quốc cũng quyết định thu phục các tàn binh cũ của nhà Thanh còn đang kẹt trên dãy núi Altai (nay thuộc nước Cộng hòa Altai của Liên Bang Nga), về để gây áp lực lên biên giới phía Tây Mông Cổ. Nghe theo lời kêu gọi của chính phủ Dân Quốc, hơn 1 vạn quân đội nhà Thanh cũ trên dãy Altai đã hành quân đến biên giới phía Tây Mông Cổ đe dọa nước này. Mông Cổ phải rút bớt một số quân và tướng giỏi đang ở Nội Mông về bảo vệ biên giới phía Tây. Cùng với đó, quân Nga lo sợ cho lãnh sự Nga và dân thường Nga ở Tây Mông Cổ, nên cuối năm 1912 cũng cử hơn 3.000 kỵ binh từ Buryatia và Kyrgyzstan đến bảo vệ. Điều này khiến quân Trung Quốc không dám tấn công và sự dè chừng đó đến hết chiến tranh.
Mặc dù vậy, cuộc phản công của Trung Quốc ở Nội Mông vẫn thảm bại. Riêng cuộc tấn công táo bạo vào Dariganga cực đông Mông Cổ của quân đội Dân Quốc đã bị đánh tan tác và khiến tướng Dân Quốc gốc Mông Cổ là Trác Thập Hải (卓什海) bị quân Mông Cổ bắt sống, mãi đến năm 1915 mới được thả về (mặc dù vậy khi được thả về Trác Thập Hải vẫn được Viên Thế Khải khen và thăng hàm Trung Tướng. Đúng là tấu hài!). Toàn bộ số quân Trung Quốc theo Trác Thập Hải bị tiêu diệt hoặc đầu quân cho Mông Cổ. Chẳng những thế, do tấn công Dariganga bị thất bại nên quân Trung Quốc bị Mông Cổ chiếm luôn cả vùng Xilin Gol (Tích Lâm Quách Lặc) đông dân với hơn 30 vạn dân. Tích Lâm Quách Lặc nằm ngay cạnh Trương Gia Khẩu – vốn được biết là cửa ngõ phía Bắc kinh thành Bắc Kinh, nên việc nó thất thủ khiến tin đồn ”quân Mông Cổ đã đến cửa ngõ Bắc Kinh” lan truyền gây hoang mang cực độ cho dân chúng Bắc Kinh lúc đó. May mắn cho quân Trung Quốc là các dân quân địa phương cũ còn sót lại từ thời Thanh là Nghị Quân (毅 军) và Hoài Quân (淮军) đã kịp mang quân từ Sơn Tây, Giang Tây lên ứng cứu kịp thời cho Trương Gia Khẩu, làm quân Mông Cổ không thể tấn công.
Dù vậy, nhìn tổng quan đến hết năm 1912, quân Mông Cổ đã giành được nhiều thắng lợi ban đầu, đánh thiệt hại nặng quân Trung Quốc và chiếm nhiều thành phố quan trọng ở Nội Mông.
*Giai đoạn sau của chiến tranh (1913-1915)
Sau những thắng lợi ban đầu năm 1912, quân Mông Cổ thận trọng chưa dám tiến xa hơn khỏi Nội Mông để tấn công vào các thành phố lớn hơn của Trung Hoa. Thủ phủ của Nội Mông là Hohhot cũng chưa chiếm được. Thay vào đó, từ đầu năm 1913 quân Mông Cổ tập trung vây diệt quân chủ lực Trung Quốc do Vương Hoài Khanh chỉ huy đóng ở Dolon Nor – chính là cố đô Thượng Đô của triều Nguyên cai trị Trung Hoa khi xưa. Việc này có vẻ mang ý nghĩa về mặt biểu tượng hơn là ý nghĩa quân sự. Cuộc vây hãm ở Dolon Nor là những diễn biến chính của chiến tranh trong năm 1913.
Tháng 1 năm 1913, khi quân Mông Cổ tiến gần đến Dolon Nor, quân Trung Quốc cử một Sư đoàn Tân Quân do Hà Tôn Liên (何宗莲) lên cứu viện. Họ bị quân Mông Cổ chặn đánh thương vong mất một nửa, ước chừng 4.000 quân bị diệt nhưng vẫn củng cố được cho quân của Dương Hoài Khanh đang phòng thủ Dolon Nor.
Trong những tháng tiếp theo, quân Trung Quốc duy trì phòng thủ chắc chắn nhờ vào quân số vượt trội nhiều lần. Quân Mông Cổ dù chưa chiến bại nhưng đã bắt đầu rơi vào tình trạng mơ hồ, rối loạn do không rõ mục tiêu cụ thể để chiến đấu. Trong thời gian dài, quân Mông Cổ không chiếm giữ thêm thành phố nào mà chỉ tổ chức thành các đội kỵ binh đi cướp bóc lẻ tẻ ở nhiều địa phương trong khắp vùng Nội Mông để duy trì hậu cần. Cuối tháng 5 năm 1913, quân Mông Cổ chiếm được Bao Đầu, thành phố giàu có bậc nhất Nội Mông thời đó, nổi tiếng là thủ phủ than đá của Nội Mông. Nhưng họ cũng không thu được gì quý giá. Những thứ cần thiết cho chiến tranh là ngựa, súng đạn và áo ấm đã bị người dân ở Bao Đầu tẩu tán trước khi rơi vào tay quân Mông Cổ.
Trong khi những yếu phẩm khác có thể bổ sung bằng cướp bóc, một thứ rất quan trọng mà quân Mông Cổ không thể có được đó là đạn. Hầu hết số súng đạn của quân Mông Cổ là do Nga cung cấp, số còn lại là những vũ khí đã cũ nát từ thời Thanh. Cho đến hết mùa hè năm 1913, các báo cáo về cho thấy quân Mông Cổ cạn kiệt đạn. Vào lúc đó, vua Bogd Khan ở Ngoại Mông phải viết thư cho Nga Hoàng Nikolai 2, cầu viện thêm pháo và đạn. Tuy nhiên, không như kỳ vọng của vua Bogd Khan, người Nga đã không đáp lại yêu cầu này của Mông Cổ. Do tình hình ngoại giao phức tạp lúc đó với Trung Quốc, và chiến tranh thế giới thứ Nhất đang đến gần, Nga đã quyết định không viện trợ thêm súng đạn cho Mông Cổ.
Quyết định từ chối viện trợ của Nga đẩy quân Mông Cổ ở Nội Mông vào tình thế khốn cùng. Tháng 8 năm đó, Bogd Khan có gửi thư cho các binh lính Mông Cổ đang chiến đấu ở Nội Mông, nội dung khá bi quan. Ông ra lệnh cho các binh sĩ Mông Cổ rút hết về phía Bắc sông Hoàng Hà. Cuối bức thư, vua Bogd Khan dặn ”Khi đã đến được đất Mông Cổ, không chiếm thêm đất của người khác” (”Монгол газартаа хүрвээс барваа, бусдын газар нутагт халдаж эс болмой”). Điều này được quân Mông Cổ hiểu là rút về phía Bắc sông Hoàng Hà và coi như đó là biên giới phía Nam Mông Cổ. Từ đó, họ bắt đầu xây rào chắn định làm biên giới mới.
Nhưng quân Trung Quốc không cho phép người Mông Cổ làm vậy. Khi người Mông Cổ rút lui, họ thừa cơ chuyển sang tấn công truy kích. Họ ngạc nhiên khi thấy quân Mông Cổ chống trả yếu ớt và rút lui nhanh chóng. Đúng lúc đó, ngày 28/11/1913, George Ernest Morrison – một nhà thám hiểm sau đó trở thành Cố vấn của Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc – vừa đi từ Nội Mông về đã viết thư cho Viên Thế Khải nói rằng ”tình hình quân Mông Cổ rất thê thảm” và hối thúc quân đội Trung Hoa tấn công. Nghe tin đó, tháng 11 năm 1913 Viên Thế Khải ra lệnh cho tướng Vương Hoài Khanh đang bị vây ở Dolon Nor phá vây. Quả nhiên họ đại thắng và tiêu diệt số lượng lớn quân Mông Cổ đã cạn kiệt đạn dược.
Hết tháng 11 năm đó, cuộc chiến tạm ngưng vì mùa đông giá lạnh ập đến. Trước đó, trong nỗ lực cứu vãn cuối cùng, ngày 16/11/1913 vua Bogd Khan của Mông Cổ gửi thư đến Nhật Hoàng ở Tokyo, đề nghị vay tiền của Nhật Bản và nhờ họ dùng áp lực ngoại giao để buộc quân Trung Quốc rút đi. Nhưng cũng như Nga, người Nhật thận trọng với yêu sách của Mông Cổ, và cuối cùng đã không giúp được gì.
Sang đến năm 1914, quân Mông Cổ cố gắng trở lại một lần nữa. Lần này họ chỉ tập trung vào một đội quân duy nhất, do các tướng giỏi nhất của họ là Manlaibaatar Damdinsuren và Khatanbaatar Magsarjav chỉ huy, và mục tiêu duy nhất là thủ phủ Hohhot của Nội Mông nằm ở phía Bắc sông Hoàng Hà. Nhưng cũng như lần trước, quân Mông Cổ lại rơi vào tình trạng cạn kiệt đạn dược trước khi có thể thực hiện một cuộc tấn công lớn nào. Quân Mông Cổ đã đến được sát Hohhot vào mùa hè năm 1914 thì hết sạch đạn pháo và không thể tấn công tiếp. Lúc này, Thế chiến thứ 1 đã bùng nổ và mọi sự cầu viện giúp đỡ với bất cứ cường quốc nào cũng không thể thực hiện. Do đó, quân Mông Cổ lại phải ngậm ngùi rút về khi chưa vào được Hohhot.
Cuộc tấn công bất thành vào Hohhot được coi là hành động lớn cuối cùng của quân Mông Cổ trong cuộc chiến. Từ đó cho đến khi chiến tranh chấm dứt hoàn toàn năm 1915, chỉ có một vài cuộc tấn công nhỏ của Trung Quốc và cũng bị đẩy lùi. Giữa lúc đó, từ tháng 9 năm 1914 3 nước Nga-Trung Quốc-Mông Cổ bắt đầu một cuộc đàm phán dài hơi ở Kyakhta, mà sau đó dẫn đến Hiệp ước 3 bên Kyakhta năm 1915, được coi là quyết định số phận Ngoại Mông sau này. Nội dung bản hiệp ước Kyakhta năm 1915 và các sự kiện sau đó dẫn đến việc Trung Quốc tái chiếm Ngoại Mông sẽ có ở phần sau.