#review_nguoivietkiemsongReview Người Viết Kiếm SốngSách dành cho những ai quan tâm …

#review_nguoivietkiemsongReview Người Viết Kiếm SốngSách dành cho những ai quan tâm …

#review_nguoivietkiemsong
Review Người Viết Kiếm Sống
Sách dành cho những ai quan tâm nghề viết
NGƯỜI VIẾT KIẾM SỐNG (HẠ CHI): DÀNH CHO NHỮNG AI MUỐN THEO ĐUỔI NGHỀ VIẾT
Cũng khá lâu Carmen không review sách. Hôm nay, Carmen sẽ review về cuốn sách của tác giả Hạ Chi mang tên Người Viết Kiếm Sống. Đây là một cuốn sách mà bạn nên đọc qua khi muốn trở thành một người viết.
Tất nhiên đây không phải là sách kiểu “1.001 cách viết content ngàn đơn” hay là “cách giật tít nghìn like” nhé!
Giới thiệu tác giả:
Hạ Chi là một người viết có 10 năm kinh nghiệm trong nghề. Chị từng giữ nhiều vị trí khác nhau như phóng viên, biên tập, người viết và tác giả. Người Viết Kiếm Sống (NVKS) tuy không phải là tác phẩm đầu tiên nhưng có thể nói đó là những gì đúc kết trong suốt 10 năm làm nghề và sống với nghề của chị.
Giới thiệu tác phẩm: Người Viết Kiếm Sống
NVKS là một cuốn sách viết ra từ góc nhìn chủ quan, từ những kinh nghiệm, từ những điều tác giả đã làm và rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân. Tất cả đều nằm gọn trong cuốn sách Người Viết Kiếm Sống với hơn 200 trang này.
NVKS được phân thành 05 phần rõ ràng theo thời gian mà tác giả đi làm. Nội dung lần lượt là: làm báo, làm quảng cáo, làm người, làm freelance, làm người viết.
Nội dung của Người Viết Kiếm Sống
Phần 1: Làm báo
Đây là phần đầu tiên của sách và ở phần này, tác giả cho người đọc nhìn thấy chị ở những năm tháng bắt đầu với nghề viết. Cuộc sống vốn dĩ không hề như ta nghĩ khi mà tất cả mục tiêu đều quay trở về chữ “tiền”. Chúng ta nhìn thấy một Hạ Chi của 10 năm về trước luôn cố gắng làm việc tốt hơn mỗi ngày bằng cách không từ bỏ, không chấp nhận thua cuộc dù đó không phải là điều chị làm tốt nhất.
Những chỉ dẫn của chị dành cho người mới bắt đầu với nghề viết chính là: viết về bất kì điều gì. Và mỗi bài viết cần có đủ 04 yếu tố: mục tiêu, thông tin, cấu trúc và giọng văn.
Một người viết tốt là một người biết kể chuyện. Một câu chuyện hay sẽ cần các yếu tố: tính bất ngờ, sự cụ thể, sự tin cậy và yếu tố cảm xúc.
Mỗi câu chuyện sẽ luôn có một hành trình riêng được bắt đầu và kết thúc như cách tác giả nói là “cứu con mèo”.
Bên cạnh việc viết thì bạn còn phải đóng vai người đọc để đánh giá và biên tập lại nội dung do chính mình viết ra.
Sau 05 năm làm nghề báo, tác giả chọn từ bỏ công việc tại tờ bào mà bản thân vô cùng yêu thích và có quá trình gắn bó đáng kể để tìm lại chính mình.
Dù điều này không thật sự mang lại hiệu quả như mong muốn nhưng tác giả vẫn nhận được một bài học giá trị từ quyết định của mình.
Có thể nói rằng 05 năm trong nghề là một quãng thời gian mà tác giả nhận ra những sự thật về cuộc sống, về nghề một cách khá phũ phàng so với những gì người ta hay kì vọng.
Có thể nói rằng, kết thúc phần này, Carmen nhận ra một điều tác giả muốn gửi gắm là: mỗi ngày, cho dù tâm trạng có ra sao thì bạn vẫn phải tiếp tục tiến lên phía trước.
Phần 2: Người viết quảng cáo
Đây là phần nói về giai đoạn tác giả bắt đầu làm việc trong ngành quảng cáo với những điều mới mẻ và lẫn lộn giữ biết và không biết. Theo đó, người đọc được giới thiệu bốn ô cửa của biết – không biết.
Việc bắt đầu lại từ vị trí thấp nhất không quá tệ như mọi người vẫn nói và tác giả cũng nghĩ vậy. Tiếp tục học hỏi và chịu những áp lực hàng ngày như một cách luyện tập để có thể làm tốt hơn mỗi ngày là cách mà Hạ Chi chọn lựa.
Và đôi khi, tôi rút ra những bài học cho bản thân rằng:
ü Thành công là không bỏ cuộc.
ü Quay lại vạch xuất phát không phải là điều gì tồi tệ.
ü Mọi nỗ lực đều được đền đáp xứng đáng theo cách nào đó.
ü Không có gì là trở ngại, chỉ là thử thách bạn thêm một chút trước khi thành công mà thôi.
Việc học hỏi theo hệ thống cùng các ứng dụng và nội dung được tác giả đưa ra trong cuốn sách cũng là những điều hữu ích cho người đọc nếu muốn tiếp thu thêm những kiến thức hữu ích và mang tính thực tế. Cũng như cách chính tác giả đã thực hiện.
Tiếp theo là một số chỉ dẫn dành cho người mới bắt đầu vào nghề như: không giấu dốt, cố gắng cam kết và thái độ với công việc của mình.
Tóm lại, bạn chỉ cần nỗ lực học hỏi, làm việc với tinh thần cầu thị thì thành quả là điều sẽ đến trong tương lai.
Tất nhiên nói luôn dễ hơn làm.
Và đôi khi, chỉ làm thôi là chưa đủ. Bạn phải kiên trì, làm đi làm lại đến khi đủ nhiều. Lúc đó, bạn sẽ đủ giỏi.
Không có “hết” đường, không có đích đến nào là giống nhau. Bạn luôn có thể chọn cho mình những điều khiến bản thân thấy thoải mái nhất.
Phần 3: Làm người
Phần này là phần dài nhất với nhiều chương nhỏ bên trong nhất. Và với mình thì đây là phần hay nhất, đáng đọc nhất trong cuốn sách NVKS. Bởi vì, phần này cho người đọc nhìn thấu những khó khăn, những mặt tối mà chính tác giả phải trải qua trong những ngày tháng làm nghề của mình.
Cuộc sống, cách bạn đối đãi với nó và cách bạn chọn cho bản thân một cuộc sống như ý muốn.
Trong phần này, tác giả cho người đọc cảm nhận những nỗi lo sợ rất thật, rất đời và hình tượng hóa chúng, hiện thực hóa chúng thành những điều cụ thể đến mức gần gũi vô cùng.
Tôi tin là bất kỳ ai đọc NVKS cũng sẽ tìm thấy đâu đó hình ảnh của chính mình trong những ngày chạy deadline đến đêm và sáng mệt nhoài nhưng vẫn phải cố ra khỏi giường để đến công ty.
Một bức tranh có phần ảm đạm như thể tác giả đang phơi bày ra những gì xấu xí và thổ ráp nhất sau cánh màn nhung đối lập với ánh đền spotlight đầy sức hút của sân khấu.
Chúng ta đều trông có vẻ rất ổn nhưng thật sự không hề hoặc chưa từng ổn từ sâu bên trong.
Mỗi người, hàng ngày, đều cố diễn tốt vai trò của mình và sẽ đến lúc kiệt sức vì đã cố gồng mình lên cho giống với những gì người khác nghĩ về mình, giống với cái hình tượng mình đã cố xây dựng lên.
Những từ ngữ như “tích cực”, “thấu hiểu”,… khiến chúng ta cứ nỗ lực nhưng đó cũng chính là thứ áp lực vô hình. Lúc nào đó, khi nó đủ lớn để khiến nạn nhân ngạt thở vì sức ép vô hình nhưng vô cùng đáng sợ.
Chúng ta đã chẳng yêu thương chính mình như đã từng nói, như những gì luôn tự nhắc nhở hàng ngày.
Và cảm ơn tác giả vì sau khi đọc cuốn sách NVKS, tôi nghĩ sẽ viết cho bản thân mình một cuốn sách như cách chữa lành những vết thương bên trong.
Phần 4: Làm freelance
Ở phần này, tác giả nói vể cách sống một cuộc đời chất lượng với mức chi phí hợp lý. Và cuộc đời một freelancer có thể đáp ứng đầy đủ các nhu cầu cuộc sống (không xa xỉ) nếu bạn làm đủ tốt.
Cuộc sống khi bạn làm freelance không hề là một giấc mộng đẹp mà là sự tự do được trả bằng cái giá đắt hơn nhiều lần so với khi bạn làm việc ở một công ty nào đó.
ü Tài chính: bạn cần phân tích các khoản chi có cần thiết và hợp lý hay không.
ü Phát triển năng lực bản thân: chọn những công việc lớn, đòi hỏi sự đầu tư về năng lực và bạn dành thời gian tự học tại nhà hàng ngày.
ü Sự cân bằng: đây chính là điều khó nhất khi bạn làm freelance. Bởi vì rõ ràng bạn sẽ luôn thấy thừa thời gian để làm và thiếu thời gian để ngủ. Tác giả đã tự lập ra một lịch trình hàng ngày cho chính mình và cố gắng thực hiện nó.
Chuyên nghiệp chính là mục tiêu lớn mà tác giả muốn hướng đến và dành thời gian để rèn luyện và để thấy mình ngày càng hoàn thiện hơn.
Chuyên nghiệp là vượt qua cái bình thường trước đó và không viện lí do cho những thiếu sót. Điều này nghe đơn giản nhưng không hề dễ dàng.
Và qua việc lựa chọn làm freelance thì tác giả gần như đã có thời gian để tìm thấy lẽ sống của mình. Ở phần cuối của nội dung này, chúng ta nhìn thấy một Hạ Chi tích cực rất khác với hình ảnh một Hạ Chi trước đó. Hay chí ít thì tác giả cũng biết cần làm gì và làm thế nào để sống tốt hơn sau thời gian qua.
Phần 5: Làm người viết
Phần cuối cùng này, chúng ta sẽ nhìn thấy tác giả đã chọn con đường của mình với một lí do đủ để bươc tiếp trên con đường riêng và đủ để sống với nó ít nhất là trong thời điểm này.
Viết như một phong cách sống. Người ta viết không chỉ vì tiền mà còn vì yêu thích, hạnh phúc và hài lòng khi tạo ra những giá trị được ghi nhận dù đơn giản và có phần trẻ con.
Người viết chính là cái hợp đồng bảo hiểm cho tinh thần của tác giả – thứ không thể mua được bằng tiền dù có muốn hay không. Và đó là cách mà NVKS ra đời. Viết cho chính mình, viết vì bản thân là một người viết.
Sau cùng, chính là những việc tác giả đã làm để cho ra đời cuốn NVKS. Mọi thứ được viết ra từ cách bắt đầu, cách làm trong suốt quá trình làm việc và đến khi hoàn thiện.
Không có gì là hoàn hảo nhưng sẽ luôn được hoàn thiện đủ để chấp nhận, để hài lòng. Và đó là cách tác giả đã làm.
Kết luận:
Người Viết Kiếm Sống không phải là một cuốn sách chuyên môn càng không phải là một cuốn sách khuyên bạn nên sống thế nào.
NVKS là một mặt khác của bức tranh, là những khoảng tối sau tấm màn nhung ngăn cách ánh sáng sân khấu soi rọi đến những người âm thầm làm việc phía sau nó.
Tác giả cho người đọc thấy luôn có rất nhiều cơ hội, nhiều sự lựa chọn. Quan trọng là chúng ta chọn gì, làm thế nào và nhận về kết quả ra sao sau một quá trình của chính mình.
Chau Nguyen
#carmen

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *