Seol con có hạnh phúc không?

Seol con có hạnh phúc không?

Câu chuyện được kể lại từ chính góc nhìn của nhân vật chính – cô bé Seol. Không giống với những đứa trẻ bình thường khác, ngay từ lúc lọt lòng, Seol đã bị cha mẹ vứt bỏ và được tìm thấy trong thùng rác thực phẩm trước cô nhi viện vào ngày đầu tiên của năm tuyết rơi. Cho đến năm 12 tuổi, cuộc sống của Seol luôn hỗn loạn và bị xô đẩy khắp nơi: Cô bé được nhận nuôi rồi bị trả lại những ba lần, phải chuyển đến trường tiểu học tư thục dành cho con nhà giàu và bị bắt nạt bởi xuất thân của mình, và sau một sự cố, cuối cùng cô bé lại được nhận nuôi bởi chính gia đình của đứa trẻ đã bắt nạt mình. Qua những sóng gió trong cuộc đời của cô bé, tác giả đã khéo léo lồng vào câu chuyện những thông điệp ý nghĩa về tình cảm gia đình và giáo dục trẻ em.

Đọc cuốn sách này, tôi không khỏi cảm thấy tức giận và buồn bã bởi hình ảnh hoàn hảo mà các bậc cha mẹ cố gắng xây dựng cho gia đình mình và áp đặt con cái trong khuôn khổ ấy. Con người không bao giờ hoàn hảo, nhưng không hiểu sao họ luôn giả vờ như vậy và cố gắng đánh bóng những thứ bề ngoài mà không hề để tâm tới nội tâm của những đứa trẻ, không hề lắng nghe xem chúng thực sự mong muốn điều gì.

Seol và Shi Hyun, hai đứa trẻ trong cuốn sách này tuy có xuất thân khác nhau, nhưng đều bị mắc kẹt giữa tham vọng của những người lớn, mà để phản kháng, chúng chỉ có một cách duy nhất: Trở thành “đứa trẻ hư” trong mắt người lớn. Điều ấy làm tôi bàng hoàng nhận ra, không có đứa trẻ nào là xấu xa cả, ngược lại những hành động của chúng chính là tín hiệu kêu cứu mà người lớn cần phải nhận ra để xem xét lại chính mình, bởi từng việc làm của họ đều có tác động không nhỏ tới con cái của mình.

Dõi theo câu chuyện, tôi cũng giống như cô bé Seol, không ít lần tự hỏi: Tình yêu thương của cha mẹ rốt cuộc là gì? Liệu nó có phải là cung cấp cho con những điều tốt nhất, hay là nghiêm khắc uốn nắn con theo ý mình không? Có lẽ đó là cách mà các bậc phụ huynh cho là tốt thể hiện tình yêu với con cái mình, song thực ra, đó lại không phải điều những đứa trẻ thực sự cần. Sau khi trải nghiệm cuộc sống với gia đình bác sĩ Kwak Eun Tae – người Seol luôn ngưỡng mộ, cuối cùng cô bé đã chọn trở về sống cùng người dì ngốc nghếch và nghèo khó của mình, bởi ở người dì ấy có một điều mà gia đình giàu sang của bác sĩ Kwak Eun Tae không có được: thứ tình yêu trước sau như một, trao đi mà không đòi hỏi bất cứ điều gì và chấp nhận Seol như những gì cô bé vốn là. Quả thực, đây là điều mà rất nhiều người lớn đã quên mất: Chúng ta đều muốn được yêu thương vì chính bản thân mình, và những đứa trẻ cũng vậy. Trao cho con cái tình yêu bao dung, vô điều kiện mới chính là điều tốt nhất mà cha mẹ nên làm cho những đứa con của mình.

Gấp lại cuốn sách, tôi nhớ mãi lời nhắn nhủ của tác giả ở những trang cuối cùng: “Giá như ngày càng có nhiều người lớn thật sự chấp nhận một cách nghiêm túc với tấm lòng rộng mở khi bọn trẻ nói ra chính kiến của mình thì tốt biết mấy. Bởi vì mọi đứa trẻ trên đời đều rất quan trọng, và vì tất cả chúng ta cũng đã từng một thời là trẻ con.” Đúng vậy, bởi chúng ta đều đã từng là trẻ con, nên hãy tôn trọng những suy nghĩ và mong muốn của những đứa trẻ, cũng như những người xung quanh chúng ta. Mong rằng sẽ có nhiều người hơn nhận ra điều ấy sau khi đọc cuốn sách này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *