REVIEW SÁCH THE LIFE OF GREECE của WILL DURANT

Mở đầu tập 2 của bộ sách Story of Civilization – The Life of Greece, tác giả viết:

Tôi muốn ghi chép lại và nghiền ngẫm sự ra đời, phát triển, trưởng thành và suy thoái của văn minh Hi Lạp đi từ những tàn tích cổ xưa nhất xứ Crete và thành Troy cho đến khi La Mã chinh phạt Hy Lạp. Tôi ước ao được chứng kiến và cảm nghiệm nền văn hóa phức tạp ấy không chỉ trong nhịp điệu thịnh suy thường tình, nhưng đan xen muôn vàn yếu tố sống động…” (Trích Lời nói đầu)

Quả thật The Life of Greece là bức tranh vừa hùng vĩ vừa tỉ mỉ, vừa bao quát vừa chi tiết, về trọn cuộc đời của nền văn minh Hy Lạp, kể từ khi thai nghén, ra đời, thời thơ ấu, trưởng thành, thời tráng kiện, rồi già nua, và cuối cùng qua đời dưới gót giày của các binh đoàn La Mã.

Trước khi nói cụ thể hơn về nội dung tập sách này có lẽ cần điểm qua về tác giả và bộ sách The Story of Civilization đồ sộ.

VỀ TÁC GIẢ

Will Durant (1885-1981) là triết gia và sử gia nổi tiếng người Mỹ. Trước khi trở thành tác giả ăn khách, ông là giáo viên dạy tiếng Latinh, tiếng Pháp, tiếng Anh, và môn hình học tại đại học Seton Hall.

Ông sinh vào tháng 5/1885 tại North Adams, là một trong số 11 người con của hai vợ chồng Joseph và Marie Allors Durant, những người Pháp gốc Canada di dân.

Nguyện vọng của ba mẹ là muốn ông trở thành một tu sĩ, nhưng Will Durant xem việc đi tu là một thứ “giả hình và lãng phí, theo chủ nghĩa lý tưởng và tự cao tự đại.” Vậy nên thay vì làm linh mục thì ông trở thành triết gia và sử gia, là những người vốn luôn hoài nghi tôn giáo.

Có một thời gian khi còn trẻ ông làm giáo viên một trường trung học, đem lòng yêu một cô học trò nhỏ hơn ông 13 tuổi. Sau này ông cưới cô gái ấy, âu yếm gọi bà là Ariel. Ariel không chỉ trở thành người bạn đời, mà về sau còn là cộng tác và đồng tác giả của bộ sách Story of Civilization rất nổi tiếng.

Năm 1926 ông cho xuất bản cuốn Story of Philosophy, một tác phẩm có tính dẫn nhập triết học cho người bình dân. Với lối viết súc tích và cuốn hút, kiến thức tổng hợp ngắn gọn, rõ ràng, tác phẩm nhanh chóng trở thành best seller và mang lại cho hai vợ chồng một nguồn tài chính ổn định.

Thoát khỏi nỗi lo cơm áo, hai ông bà gác lại tất cả mọi việc khác, dành toàn bộ thời gian và phần đời còn lại để nghiền ngẫm và viết bộ sách Story of Civilizations.

BỘ SÁCH STORY OF CIVILIZATION

Ý tưởng viết bộ sách này xuất hiện trong đầu Durant năm 1912 khi ông 27 tuổi, nhưng đến mãi năm 1927 ông mới khởi sự viết. Và khi kết thúc vào năm 1975, bộ sách dài tới bốn triệu từ, 10.000 trang giấy, chia làm 11 tập, bao quát một khoảng thời gian hơn 110 thế kỷ lịch sử loài người.

Ý tưởng của ông khi khởi sự viết đó là “kể được càng nhiều càng tốt, và ngắn gọn nhất có thể, về di sản văn hóa cho loài người tạo ra từ sức lao động và tài năng của nhân loại. Mục tiêu của ông đó là “phác họa tổng thể văn hóa của mỗi quốc gia, thể chế, những gì họ đã khai phá và lối sống của họ, theo từng thời kỳ.”

Tập đầu tiên của bộ sách là Our Oriental Heritage (Di sản Phương Đông, đã có bản dịch tiếng Việt), đi từ khởi đầu của nhân loại và câu chuyện văn minh phương Đông. Tập thứ 10 là Rosseau and Revolution, nói về giai đoạn bình minh của thế kỷ 19.

Sau khi xuất bản tập 10 thì Durant đã 81 tuổi, vợ 69. Hai ông bà đã định sẽ dành hai thế kỷ còn lại cho “những tinh thần trẻ khỏe hơn”.

Nhưng năm 1975, khi Durant 90 tuổi, họ xuất bản tiếp tập 11 là The Age of Napoleon cũng là tập cuối cùng của bộ sách.

Tập 10 Rousseau and Revolution đã giúp hai ông bà chiến thắng giải Pulitzer cho tác phẩm phi tiêu thuyết vào năm 1968, cùng với 10 tập còn lại trở thành best-seller. Tức là tổng số bản in lên tới hơn 2 triệu bản với 9 thứ tiếng. Hiếm có sử gia nào đạt được thành tích ấy.

Thành công của The Story of Civilization một phần đến từ tài năng văn chương của tác giả. Văn ông súc tích, ngắn gọn, lôi cuốn, và rõ ràng, phần khác đến từ nỗ lực lao động phi thường của tác giả. Trong căn nhà nhỏ của họ tại Hollywood Hills, hai vợ chồng chuẩn bị khoảng 500 bộ sách khác nhau để đọc lấy tư liệu. Họ viết các trích dẫn ra những mảnh giấy màu lục, các ý tưởng và nhận xét quan trọng ra những tấm giấy màu trắng. Sau đó tác giả sẽ xem lại tất cả các ghi chú, tài liệu tham chiếu, và viết bản thảo vào một cuốn sổ để sau đó đánh máy lại.

The Story of Civilization trở thành cuộc sống của hai vợ chồng. Họ làm việc bảy ngày một tuần, từ 8 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Cứ lần lượt 4 năm thì xong một tập.

Danh sách đầy đủ 11 tập của bộ Story of Civilization:

I. Our Oriental Heritage (1935)

II. The Life of Greece (1939)

III. Caesar and Christ (1944)

IV. The Age of Faith (1950)

V. The Renaissance (1953)

VI. The Reformation (1957)

VII. The Age of Reason Begins (1961)

VIII. The Age of Louis XIV (1963)

IX. The Age of Voltaire (1965)

X. Rousseau and Revolution (1967)

XI. The Age of Napoleon (1975)

GIỚI THIỆU TẬP 2- THE LIFE OF GREECE

Về cấu trúc nội dung

Ngay trong phần Lời nói đầu tác giả đã khái quát, và ví cuộc đời Hy Lạp là một vở kịch năm hồi thịnh suy hùng vĩ.

Hồi thứ nhất, tác giả bắt đầu đi từ đảo Crete và nền văn minh Aegean phát xuất tại đây từ 3500 TCN, tạo tiền đề cho văn minh Hy Lạp sau này. Cuộc chiến thành Troy, các truyền thuyết anh hùng, thế giới trong thơ Homer, và kết thúc bằng cuộc chinh phạt của người Dorian.

Hồi thứ hai về sự trỗi dậy của Hy Lạp, bắt đầu với Sparta, sau đó đến Athen dưới thời Lycurgus và Solon. Tác giả khái quát và phân tích sự mở rộng của Hy Lạp trên toàn vùng Địa Trung Hải, quần đảo Aegean, vùng duyên hải Đông Á, Biển Đen, châu Phi và Ý, Sicili, Pháp và Tây Ban Nha; khởi đầu của triết học Hy Lạp; Thần thánh của họ, và văn hóa phổ quát: chữ viết, văn chương, nghệ thuật, kiến trúc, âm nhạc, kịch nghệ v.v. Cuối cùng là cuộc chiến tại Marathon bảo vệ tự do trước sự xâm lăng của đế quốc Ba Tư.

Hồi thứ ba nói về thời hoàng kim của văn minh Hy Lạp, bắt đầu từ Pericles và sự hình thành nền cộng hòa của Athen. Athen trong thời gian này trở thành trung tâm của nền văn minh. Tác giả lược thuật và phân tích những thành tựu của Athen: luật pháp, công lý, quản trị, công nghiệp, thương nghiệp, giáo dục, đạo đức v.v. các thành tựu về toán học, triết học, khoa học. Tác giả kể về những nhân vật nổi tiếng trong giai đoạn này: chính trị quân sự với Pericles, triết học với Anaxagoras, Socrates, y học với Hippocrates; thi ca với Pindar, kịch nghệ với Aeschylus, Sophocles và Euripide; sử học với Herodotus và Thucydides, cùng rất nhiều các nhân vật khác, và các trào lưu văn hóa, tư tưởng trong giai đoạn này.

Hồi thứ 4 nói về giai đoạn Hy Lạp đánh mất tự do của mình, bắt đầu từ chiến tranh Peloponnisos, với sự nổi dậy của các đế quốc lớn: Sparta, Syracuse, và Macedonia. Tác giả tiếp tục kể chuyện về những nhân vật nổi tiếng trong giai đoạn này: Isocrates, sử gia Xenophon, họa sĩ Apelles, triết gia Plato và Aristotle, và cuối cùng là nhà chinh phạt Alexander đại đế, kế nghiệp vua cha Philip, đánh dẹp từ tây sang đông. Cùng với những nhân vật là những thành tựu về triết học, khoa học và các trào lưu tư tưởng.

Hồi cuối là cơn hấp hối của Hy Lạp, kết thúc trong cuộc chinh phạt của La Mã. Trong giai đoạn tan rã này Hy Lạp đạt được những đỉnh cao về khoa học với các nhà toán học Auclid, Archimedes, các nhà thiên văn Aristarchus, Hipparchus, các nhà vật lý Theophrastus, Herophilus, Erasistratus. Nhưng triết học Hy Lạp bị tấn công bởi những trào lưu tư tưởng mới: chủ nghĩa hoài nghi, chủ nghĩ hưởng thụ, chủ nghĩa khắc kỷ, và cuối cùng Hy Lạp quay trở lại với tôn giáo. Hy Lạp chìm sâu trong xung đột dân sự và giai cấp; đất đai, tinh thần và thể xác kiệt quệ. Sự tan rã của văn minh Hy Lạp xảy ra trên diện rộng mở đường cho La Mã chinh phạt và thống trị toàn vùng Địa Trung Hải.

Phong cách viết của tác giả

Sức cuốn hút của cuốn sách trước tiên đến từ văn tài của Will Durant. Một tác phẩm lịch sử nhưng hấp dẫn như một tác phẩm văn chương. Bạn có thể sẽ bị lôi cuốn ngay từ những dòng đầu tiên. Văn của tác giả ngắn gọn, súc tích, từ vựng phong phú, chuẩn xác, diễn đạt mạch lạc. Bạn sẽ phải thường xuyên thốt lên khi bắt gặp những ý tưởng rất phức tạp được mô tả gọn gàng, giản dị. Có những trường đoạn viết rất hấp dẫn, như đoạn kể về Alexander đại đế:

Sau khi khái quát bối cảnh lịch sử và những yếu tố tác động đến tâm hồn của Alexander; con đường chinh phạt từ tây sang đông, chính sách cai trị và đối ngoại của nhà chinh phạt, sự thay đổi từ một nhà quân sự tài ba thành một nhà cai trị đắm chìm trong quyền lực, tác giả đúc kết:

Như mọi vĩ nhân, ông không tìm được người kế thừa xứng đáng, và sự nghiệp còn dang dở tuột khỏi tầm tay. Nhưng thành tựu của ông không chỉ to lớn, mà còn ảnh hưởng lâu dài về sau hơn ta tưởng. Đóng vai trò là một tác nhân lịch sử cần thiết, ông chấm dứt thời đại thành bang, và bằng cách hy sinh cơ chế tự do bản địa, ông tạo ra một hệ thống ổn định rộng lớn và trật tự hơn mà châu Âu chưa từng biết đến. Ý tưởng về chính quyền tối cao, dùng tôn giáo áp đặt hòa bình trên các quốc gia rải rác thống trị châu Âu cho tới khi chủ nghĩa ái quốc và cộng hòa xuất hiện trong thời hiện đại. Ông phá vỡ rào cản giữa Hy Lạp và “man di”, chuẩn bị cho chủ nghĩa phổ quát trong thời đại Hy Lạp, mở đường cho quá trình Hy Lạp hóa sang châu Á, và thiết lập những vùng định cư Hy Lạp về viễn đông tới tận Bactria; ông hiệp nhất thế giới phía đông Địa Trung Hải thành một mạng lưới thương mại rộng lớn, giải phóng và kích thích thương nghiệp. Ông mang văn chương, triết học, và nghệ thuật Hy Lạp sang châu Á, và qua đời trước khi nhận ra mình đã dẫn đường cho tôn giáo châu Á chinh phục phương Tây. Việc ông chấp nhận phục trang và lối sống phương Đông là sự khởi đầu cho cuộc báo thù của châu Á.

Tác giả giữ đúng tinh thần của bộ sách, đó là “story”, viết theo lối kể chuyện, dẫn dắt. Qua cách thuật chuyện, ta thấy tác giả giữ được sự khách quan và điềm tĩnh. Ngay cả khi nói về những hôn quân, bạo chúa, những cuộc tàn sát lên tới hàng vạn người, những cuộc bách hại dân thường quy mô có khi cả một thành phố, sự ngu ngốc và trần trụi của chiến tranh, lòng tham và tàn ác của giai cấp cai trị hoặc tướng lĩnh v.v. tác giả vẫn viết cách bình thản, không có ngôn từ của cảm xúc hay phán xét theo cảm tình. Cảm nhận và sự đánh giá tác giả dành cho độc giả.

Tuy thế, bằng kiến thức sâu rộng của một nhà nghiên cứu, kỹ thuật truyền đạt của một giáo sư, sự điềm tĩnh của một triết gia, và sự hóm hỉnh của một nhà văn, trong tất cả mọi sự kiện hay nhân vật tác giả đều cung cấp cho người đọc những phân tích ngắn gọn nhưng sâu sắc. Những phân tích kiểu như thế nhiều khi chỉ ngắn trong một vài câu, thậm chí vài cụm từ, đan xen vào diễn biến câu chuyện; có khi là một đoạn dài có tính khái quát trước khi bước vào câu chuyện, hoặc đúc kết khi kết thúc một trình thuật; có khi là cả một mục dài. Tùy theo đòi hỏi của ngữ cảnh và nhận định của tác giả mà dài ngắn khác nhau. Những “chỉ điểm” tinh tế này của tác giả có lẽ là một nửa giá trị của tác phẩm.

Như đoạn khái quát về thần thánh của Hy Lạp:

Khi tìm kiếm những yếu tố nối kết văn minh của những thành bang rải rác này ta nhận ra năm điểm cơ bản: một ngôn ngữ chung với các phương ngữ địa phương; một đời sống tri thức chung, trong đó có những nhân vật lớn về văn chương, triết học, khoa học mà tên tuổi vượt xa những biên giới chính trị; một niềm đam mê chung về thể thao với các cuộc thi nội địa và liên thành bang; tình yêu cái đẹp thể hiện trong những hình thức nghệ thuật; và một phần có chung tín ngưỡng và nghi thức tôn giáo.

Tôn giáo vừa chia rẽ vừa hiệp nhất các thành bang.

Được giải phóng bởi sự độc lập bản địa, trí tưởng tượng tôn giáo của Hy Lạp sản sinh ra đầy rẫy những truyền thuyết và quần thể đông đảo các vị thần. Mỗi vật thể hay nguồn lực trên trời dưới đất, mỗi phước lành hay tai họa, mọi đức tính hay thậm chí tật xấu của con người để được gán cho một vị thần, thường là hình người; không có tôn giáo nào mà thần thánh lại giống người như của Hy Lạp. Mọi ngành nghề, nghệ thuật đều có sự linh thiêng riêng, hay nói cách khác, đều có thần bảo trợ; ngoài ra còn có ma quỷ, yêu tinh, yêu quái, tiên, quỷ dạ xoa, mỹ nhân ngư, thần rừng, tất cả đều đông đúc như con người trên mặt đất.

Để có chút minh bạch trước bách vạn thần thánh này chúng ta cần phải đặt ra một chút trật tự, có thể phân chia họ thành bảy loại: thần trên trời, thần dưới đất, thần sinh sản, thần động vật, thần trong lòng đất, các á thần và tiên tổ, và các thần trên đỉnh Olympia.

– Các nhân vật trong lịch sử Hy Lạp qua ngòi bút của tác giả hiện lên sinh động, có tính cách rõ ràng, có hành động cụ thể, và đặc biệt là không rườm rà. Cuộc đời của họ được kể ngắn gọn; tài năng, tư tưởng, và thành tựu của họ được đúc kết mạch lạc và cô đọng. Là triết gia, sử gia, nhà chính trị, tác giả rất am hiểu về các trào lưu tư tưởng triết học, các thể chế quản lý đất nước của Hy Lạp.

– Cách viết chung của tác giả là tiếp cận diễn biến lịch sử trước, sau đó đi vào đời sống văn minh. Đối với mỗi thời kỳ, tác giả sẽ khái quát tiến trình lịch sử, biễn biến các trận đánh, sự thay triều đổi đại v.v. sau đó mới kể những thành tựu họ đạt được về văn học, văn hóa, khoa học v.v. những nền tảng xã hội: tôn giáo, chính trị, đạo đức, giáo dục, thế giới quan. Vì là câu chuyện về nền văn minh, nên chiến tranh không phải là vấn đề tác giả nói nhiều. Các cuộc chiến khi được kể lại luôn là hệ quả của những xung đột, hoặc nguyên nhân của những thay đổi, về văn minh, và thường kể rất vắn tắt. Cho nên có thể ban đầu khi chưa nắm được cách viết của tác giả, người đọc sẽ gặp bối rối về diễn biến thời gian.

– Cuối cùng, khi đọc những tác phẩm lớn và quy mô như bộ Story of Civilization, ta cảm thấy thán phục và ngạc nhiên trước sức lao động, tính kiên nhẫn, và sự cẩn thận của tác giả. Qua từng trang sách, ta không khó nhận ra rằng mỗi câu văn, mỗi nhận định đều là kết quả của một quá trình nghiên cứu, tìm tỏi, suy nghĩ, và lựa chọn. Với mục đích lớn lao là khái quát một nền văn minh phức tạp, lâu dài, và sâu rộng sao cho ngắn gọn và đầy đủ nhất, đồng thời phải dễ hiểu và hấp dẫn với người đọc bình dân, tác giả không phung phí một câu văn nào, và không xem nhẹ một tình tiết nào. Cuối sách là một dãy dài dằng dặc những tài liệu được tác giả tham khảo và tổng hợp, trung bình khoảng 500 cuốn cho một tập, bảng thuật ngữ để độc giả tra cứu, và bảng index công phu để tra cứu nội dung. Chỉ riêng sự nghiêm túc của vợ chồng tác giả cũng đủ để ta phải trân trọng tác phẩm. Với một thoáng ngậm ngùi, ta tự nghĩ không biết trong tiếng Việt có được nhà nghiên cứu nào với tinh thần, tri thức, và sức làm việc như của tác giả không.

  • Về tình hình bản dịch tiếng Việt của bộ sách này. Hiện tại thì có bản dịch đầy đủ của tập 1: Our Oriental Heritage của nhà xuất bản Hồng Đức, Huỳnh Ngọc Chiến dịch.

Một phần của tập XI: The Age of Napoleon cũng có bản dịch.

Đáng chú ý nhất là những bản dịch tuy không đầy đủ nhưng rất chất lượng của học giả Nguyễn Hiến Lê. Ông dịch chương Văn minh Ấn Độ, Văn minh Trung Quốc, và Nguồn gốc Văn minh trong tập I; dịch phần Văn minh Ả Rập trong tập IV. Nguyễn Hiến Lê dịch chủ yếu từ tiếng Pháp. Nhưng như người ta vẫn nói, chỉ có một nhà văn mới có thể dịch cho một nhà văn khác. Văn tài của Nguyễn Hiến Lê chính là yếu tố cần thiết để có thể truyền tải được văn phong của tác giả, và ông đã làm rất tốt điều đó. Bản dịch của NHL đọc lôi cuốn không kém gì bản gốc, dịch hay, gọn, và chuẩn xác.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *