Review sách ‘ CUỘC CÁCH MẠNG MỘT CỌNG RƠM’ (Masanobu Fukuoka)

‘CUỘC CÁCH MẠNG MỘT CỌNG RƠM’ (Masanobu Fukuoka)

Triết lý cuộc đời dưới cái nhìn của một nông dân trồng ngũ cốc

Ông đã theo đuổi đam mê đời mình như thế nào?

Năm 25 tuổi, công việc của ông là kiểm tra cây trồng để tìm ra sâu bệnh. Thời gian rãnh rỗi ông nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Những lần vui chơi và quá bận rộn vì công việc cuối cùng đã khiến ông bị ngất xỉu trong phòng thí nghiệm vì chứng viêm phổi cấp. Ranh giới giữa sự sống và cái chết đã đẩy ông vào bóng đêm trầm cảm. Ông lang thang, không ngủ, mê mụ ngắm nhìn bến cảng gần nơi làm, bỗng một con diệc xuất hiện, thét một tiếng chói tai làm ông bừng tỉnh, ông thốt lên ‘trong thế giới này chẳng có gì sất..’

Và bốn mươi năm cuộc đời sau đó của ông đã chứng minh cái khoảnh khắc ‘thoáng qua’ đó không phải là sự nhầm lẫn.

Sau khoảng khắc eureka đó, ông bỏ việc trước sự ngạc nhiên của mọi người. Mọi người cho rằng ông mất trí. Ông quay lại nông trại trồng quýt của cha mình, sống trong một căn lều trên núi, cuộc sống vô cùng đơn giản. Ông muốn chứng minh cho mọi người biết điều ông nói là đúng thông qua việc làm nông nghiệp tự nhiên. Trong khi mọi người nghĩ tới việc phát triển nông nghiệp bằng cách thử phương pháp mới, ông thì nghĩ tới việc bỏ cái cũ. Và ông kết luận rằng chẳng cần bón hay ủ phân, chẳng cần cày cuốc, chẳng cần thuốc diệt côn trùng.

Ông cho rằng con người không hiểu tự nhiên. Vì những thứ được nhìn nhận chỉ là những ý tưởng về tự nhiên nảy ra trong tâm trí mỗi người. ‘Một đối tượng được nhìn tách biệt khỏi tổng thể thì không còn à thứ có thực nữa’. Lấy ví dụ về việc các chuyên gia cùng nghiên cứu về một nhánh lúa, chuyên gia về rầy xanh chỉ thấy được bệnh do rầy xanh gây nên, mà không thấy được mối quan hệ giữa các loài côn trùng với nhau như ếch và nhện, thì cuối cùng cũng không trả lời được câu hỏi tại sao không cần diệt côn trùng mà lúa vẫn sống tốt, ông không thể hiểu rằng hệ sinh thái xung quanh có hoạt động cân bằng riêng của nó mà không cần đến sự can thiệp của hóa chất nào cả.

Khi ông nổi tiếng và được mời đến dự các hội thảo về nông nghiệp, ông đã kiến nghị cần phải ngưng sử dụng các loại hóa chất để đối phó với tình trạng ô nhiễm, và ông hứng chịu sự khó chịu từ ngài chủ tịch trong của cuộc họp ấy. Vì nếu áp dụng như vậy thì sẽ không cần tới các công ty hóa chất, và thế nên các cơ quan chính phủ cũng không có ngân sách để tiếp tục tồn tại.

Những chính kiến của ông luôn đối đầu với lợi ích của những nhà chức trách, nhưng ông nhất quyết không thỏa hiệp với họ.

Ông vẫn kiên quyết với con đường mình chọn, không nương nhờ ai, mà chỉ với một cọng rơm, ông có thể khiến họ thay đổi toàn bộ nhận thức của mình trong việc làm nông.

Ông thử nghiệm nhiều, thất bại có, thành công có, và ông tự đút rúc ra những kinh nghiệm rằng con đường nông nghiệp tự nhiên của ông là đúng đắn nhất. Nó cho năng suất ngang hoặc cao hơn với việc làm nông với máy móc và phân bón, mà sản phẩm lại không hại đến người tiêu dùng.

Ông không cố kiếm tiền dựa trên công việc của mình. Sự minh triết của ông giúp ông luôn kiên trì theo đuổi con đường ông đã chọn. Ông như đứng trên một đỉnh núi cao hơn mọi người, thấy rõ những vấn đề mà mọi người đang gặp phải, rằng đó đều xuất phát từ cách nhìn nhận vấn đề cố hữu của mọi người, người ta cố nhồi nhét bản thân vào những cái khung quen thuộc…ví dụ từ khởi đầu của trái đất đã không có đông hay tây, chẳng có bốn mùa, không có cả âm lẫn dương…

Bản thân chúng ta cũng không cần phải đi tìm ‘ý nghĩa cuộc sống’, cái mà có thể chúng ta không bao giờ biết được câu trả lời…MÀ CÓ KHÔNG HIỂU THÌ CŨNG CHẲNG LÀM SAO CẢ! Chúng ta được sinh ra là để trực diện với hiện thực của cuộc sống trên trái đất này.

An trú trong hiện tại – đấy là căn cốt thực sự của đời sống con người. Khi kiến thức khoa học trở thành nền tảng của việc sống, con người sẽ chỉ suốt ngày đong đếm lượng tinh bột, chất béo, protein..còn cây cối thì chỉ phụ thuộc vào mỗi nito, photphat và kali. Chúng ta bị cột chặt trong những kiến thức hạn hẹp nghèo nàn.

Con đường ông đi đến nay đã có thành công, đã được công nhận, nhưng vẫn cô độc, và nghèo nàn đến cả một đôi xăng-đan cũng không có.

Trên khu đồi của ông hay có các thanh niên trẻ ở lại để làm, và họ hay cùng ông trò chuyện về cây cối và sự đời. Tôi thích những câu chuyện triết lý dưới ngọn đèn dầu và mọi người dùng bữa cơm rất đạm bạc chỉ gồm cơm gạo lứt và rau củ. Ông tuyên bố khẳng định với họ rằng ‘ Chỉ từ một cọng rơm này thôi, tôi có thể khai thác cả một cuộc cách mạng’. Trước ánh mắt hoài nghi của các thanh niên, ông chỉ nhìn thấy những hình ảnh tươi đẹp lướt trong đầu của mình. Họ không tin rằng rơm có thể thay thế được hết tất cả các công đoạn cày xới, bón phân, diệt côn trùng…

Đám thanh niên cười phá lên ‘ Đấy là cuộc cách mạng một người’

Nhưng ông vẫn cười ‘Đấy không phải là cuộc cách mạng một người, mà là cuộc cách mạnh một-cọng-rơm’

Ông bước ra khỏi căn chòi trong ánh nắng ban chiều, chăm chú ngắm nhìn cây cối xung quanh vườn đang nặng trĩu những quả chin, những con gà đang bới đất trong đám cỏ dại và cỏ ba lá. Ông bắt đầu chuyến xuống thăm đồng quen thuộc của mình.

Khi gấp cuốn sách lại, tâm trạng tôi hỗn độn nhiều cảm xúc khác nhau. Nhìn hình ảnh ông với vầng trán cao và khuôn mặt cương nghị hiền từ, dấy lên trong tôi cảm giác nể phục ông vì ông đã can đảm theo đuổi đam mê lẽ sống của mình mà không màng tới những lợi ích cá nhân khác, vì ông đã nhìn thấu hết tất cả những đạo lý, về vũ trụ, về trái đất, về con người nhỏ bé…MỌI THỨ LÀ HƯ VÔ! Ông đi trên con đường đơn độc một mình với tâm thái hiển nhiên và hiên ngang.

TUỔI TRẺ CỦA CHÚNG TA, MẤY AI LÀM ĐƯỢC GIỐNG ÔNG?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *