Review sách “Bỉ vỏ”

Tác phẩm đầu tay cũng như cột mốc đánh dấu sự nghiệp sáng tác của mỗi nhà văn là rất quan trọng. Tuy nhiên việc trở nên nổi tiếng chỉ sau đó là điều khá khó, và thường khá ít nhà văn làm được ngay từ bước khởi đầu. Chúng ta đã từng được biết tới nữ sĩ Emily Bronte với viên ngọc quý trong văn học anh là Đồi gió hú hay J.K.Rowling với bộ sách Harry Potter. Cũng phải kể đến series Anne tóc đỏ của nữ sĩ người Canada là Lucy Montgomery hay Helena Mniszek của văn học Ba Lan với tác phẩm Con hủi. Và ở Việt Nam vào năm 1937, một kiệt tác đã ra đời và được đông đảo quần chúng đón nhận cũng như tạo tiếng vang cho tác giả. Tác phẩm sau đã được dựng thành phim phản ánh cuộc đời và số phận nghiệt ngã của một người phụ nữ thì không thể nào khác ngoài Bỉ Vỏ của cố nhà văn Nguyên Hồng. 

Nội dung cuốn sách kể về một cô gái quê tên là Tám Bính. Do ngây thơ, nhẹ dạ cả tin mà cô đã trao tất cả cho một gã sở khanh rồi dẫn đến việc có bầu. Bị cha mẹ ghẻ lạnh và đay nghiến, Bính bỏ nhà lên Hải Phòng và bắt đầu cuộc đời khổ sở, nơi mà chỉ có bất hạnh và bão tố phía trước. Bị cưỡng hiếp, hành hạ và bị đưa vào lục xì, cuộc đời Tám Bính không khác gì địa ngục trần gian. Không thể chịu nổi, cô quyết định tự tử thì được một gã trùm tên Năm Sài Gòn cứu mạng rồi được hắn chuộc thân và đem và nhà. Cuộc sống với tên tội phạm bắt đầu và sau này cô dù ban đầu không muốn nhưng cũng đi chung con đường tội lỗi. Và từ bỉ vỏ ra đời với nghĩa người đàn bà ăn cướp. 

Một tác phẩm ghi chép số phận đau thương của cả một kiếp người. Đó là sự tha hoá biến chất của một người vốn dĩ trong sáng mà do một chút lầm lỡ làm hại cả một đời. Qua đó, ta có thể thấy Nguyên Hồng khắc hoạ rất rõ nét hình ảnh người phụ nữ và nỗi khổ của họ thời bấy giờ. Có lẽ bởi chính ông cũng là người từng trải nên Nguyên Hồng mới thấu hiểu và tả thực được như vậy. Trong tập truyện hồi ký Những ngày thơ ấu năm 1940, người mẹ của Hồng trong đó cũng rất khổ sở, lấy nhau do sự sắp đặt, có con cũng chỉ để nối dõi chứ không hề có tình yêu thương. Rồi bà cũng có con riêng và sau những lần nhẫn nhục mà phải bỏ nhà đi tha phương cầu thực. Hình ảnh ông và mẹ hiện nên như khúc nhạc buồn và bi thảm của định mệnh và sau này đã ảnh hưởng sâu sắc tới phong cách sáng tác của ông. Những trang viết đầy nước mắt và cảm xúc chứa hiện thực bạo tàn đã khiến cho tác phẩm trở nên thành công vượt trội và sau đó được Tự Lực Văn Đoàn trao giải nhì năm 1937. Cách xây dựng cốt truyện lẫn nhân vật phản ánh một xã hội đầy rẫy những tệ nạn cũng như số phận hẩm hiu của những người cô gái ngây thơ cả tin mà dẫn tới lầm đường lạc lối. Nếu như Thuý Kiều được Từ Hải cứu và  giúp rửa hận trong Đoạn Trường Tân Thanh  hay mẹ của cậu bé Simon được bác thợ rèn Remy chấp nhận làm vợ trong tác phẩm của Guy De Maupassant thì ở đây là ngược lại. Tác phẩm là một màu đen không có điểm sáng, người cứu giúp Tám Bính là một tên tội phạm và chính hắn đã khiến đời cô trở nên khốn nạn trong vai một người đàn bà trộm cắp. Sự tha hoá biến chất trong nhân tình thế thái đã đưa tác phẩm lên đỉnh cao tội lỗi và đồng thời cũng như một sự đồng cảm cho nhân vật trong truyện. Điều này phần nào làm cho chúng ta nhớ tới nàng Fantine trong tác phẩm Những người khốn khổ của đại văn hào Pháp Victor Hugo. Vì yêu thương con mình mà đánh mất đi sắc đẹp, bán tóc bán răng và trở thành gái ngành. Đó là những thiên thần sa ngã, bị vẩn đục như ác quỷ Lucifer bị đuổi khỏi chốn thiên đường. Cái gì cũng có lí do của nó và Nguyên Hồng ở đây cũng có lẽ muốn người đọc cảm nhận và đồng cảm với nỗi thống khổ của nhân vật. Từ bỉ vỏ ngoài nghĩa người đàn bà trộm cắp phải chăng cũng mang một ý nghĩa khác? Liệu có phải là người lương thiện mang vỏ bọc của ác nhân do dòng đời xưa đẩy. Đặc biệt chi tiết cuối truyện cho chúng ta thấy được một hiện thực tàn nhẫn nhất, một cái kết đen tối nhất mà người đọc có thể thấy. Đó là nghiệp chướng mà Tám Bính phải nhận khi cùng Năm Sài Gòn thực hiện tội ác. Câu cuối tác phẩm”sống một cuộc sống khốn nạn đến hết đời” như một thông điệp đầy ý nghĩa mà tác giả muốn gửi gắm. Nghiệp chướng đến bất cứ khi nào và có thể trong bất cứ hoàn cảnh nào, tội lỗi gây ra thì sẽ có trừng phạt thích đáng. Một khi đã lầm đường lạc lối nhưng vẫn tiếp tục đi vào vết xe đổ thì hậu quả lẫn dư âm để lại sẽ ám ảnh hết cả một đời người. 

Khép lại cuốn sách là khi con tim chúng ta hoà với con tim của nhân vật trong câu chuyện. Đây giống như một tấn trò đời mà Balzac đã khắc họa, một đại bi kịch trong các vở của Shakespeare. Nếu nói Nguyễn Nhật Ánh là hoàng tử bé trong thế giới tuổi thơ thì với Nguyên Hồng thì đó là điều hoàn toàn trái ngược. Sự tươi sáng hồn nhiên không thể có được trong tác phẩm của cố nhà văn bởi đó chính là sự thật ở đời mà Vũ Trọng Phụng đã đề cập tới trước đây. Dù có mơ mộng thế nào thì phần lớn cuộc đời tác giả sẽ gây ảnh hưởng đến với những đứa con tinh thần của mình. Phong cách của những ngày thơ ấu một phần cho chúng ta thấy được cuốn tự truyện như Nhân gian thất cách của nhà văn thiên tài Osamu Dazai. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Nguyên Hồng được nhận định là nhà văn của phụ nữ và trẻ em bất hạnh. Chính hiện thực bạo tàn mà chỉ những người từng trải đời mới hiểu đã làm nên kiệt tác văn học mang tên Bỉ Vỏ. Sau khi đọc xong, sẽ có một câu hỏi được đặt ra: 

“ Liệu số phận người phụ nữ thời ấy có thay đổi không nếu như gặp được đúng người? “

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *