Review nhanh những cuốn sách mình đã đọc trong tháng 4 nhé
Người chuyển tàu – Christopher Isherwood
Berlin của thập niên 30 được bất tử hóa qua những khuôn hình trứ danh từ chiếc camera mang nhãn hiệu Isherwood. Hồi trước mình đã từng đọc qua Một con người, Từ biệt Berlin của ông này, phải nói là rất hay, giọng văn hài hước tưng tửng nhưng cũng không kém phần u ám, đậm chất Anh quốc. Nội dung Người chuyển có thể gói gọn trong câu “uống nhầm một ánh mắt, cơn say theo cả đời”. Trên một chuyến tàu đến Berlin vào cuối năm 1930, vô tình hai ánh mắt giao nhau giữa William Bradshaw và Arthur Norris; người này là giáo viên người Anh sống tha hương, người kia là một quý ông hài hước và kỳ dị liên tục lo lắng chuyện xuất trình hộ chiếu ở cửa hải quan, và đội một mái tóc giả hơi lộ. Từ đó bắt đầu một tình bạn khó tin tại khu phố tuềnh toàng giữa lòng Berlin, nơi Norris – một đảng viên Cộng sản nhiệt thành – điều hành một doanh nghiệp xuất nhập khẩu mờ ám, sống trong nỗi sợ hãi người thư ký kiêm “bảo mẫu”, và hằng tuần lại hẹn hò với người bạn gái bạo dâm Anni. Khi cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu hành hạ công chúng, còn đảng Cộng sản Đức đang vật lộn yếu ớt trước Phát xít và cuộc chiến sắp nổ ra, Norris bắt đầu bán tin tức nội bộ của Đảng và trở thành điệp viên hai mang, thậm chí bán đứng cả bạn bè mình (không phải là không dính dáng đến Bradshaw). Càng về sau câu chuyện càng kịch tính, không nên spoil thêm nữa.
Dịch hạch – Albert Camus
Cuốn này quá nổi tiếng rồi nhưng gần đây mình có mua lại bản mới của Nhã Nam, giấy in rất đẹp, cầm chắc tay ưng ghê. Câu chuyện diễn ra ở một thành phố phía Bắc Algerie. Một ngày đẹp trời, bác sĩ Rieux từ trong phòng bước ra ngoài thì gặp một con chuột chết, ngoài đường ông cũng thấy la liệt xác chuột. Số lượng chuột chết càng ngày càng tăng, thế là dịch bệnh bùng phát. Câu chuyện đơn giản nhưng qua giọng kể của Camus đã lồng ghép chủ nghĩa hiện sinh mà ông luôn hướng tới trong cả cuộc đời mình, sự dấn thân. Dịch hạch biểu trưng cho khó khăn vất vả, và những nhân vật như bác sĩ Rieux trong tiểu thuyết, dám đối đầu với bệnh dịch là biểu trưng cho sự dấn thân. Họ sẵn sàng hy sinh bản thân để đem lại sự sống cho người khác, mặc dù chính họ cũng rất ham sống. Trong thời điểm đại dịch đang hoành hành như hiện tại, thì một cuốn sách mang đâm nét chủ nghĩa hiện sinh như vậy, rất đáng để nghiền ngẫm.
Roi thần – Phùng Kí Tài
Cuốn này nằm trong bộ Quái thế kỳ đàm, gồm bốn cuốn nói về phong tục tập quán Trung Quốc. Các bạn xem phim Trung Quốc dưới thời Minh-Thanh hẳn đều thấy đàn ông họ có một bím tóc đuôi sam sau lưng. Đó có thể xem là một điểm đặc trưng của người thời đó, nhưng trong Roi thần, công phu bím tóc còn được nâng lên một tầm cao mới, như thể quốc hồn quốc túy của Trung Hoa. Nhờ vào công phu bím tóc mà Hai Ngố từ kẻ vô danh tiểu tốt trở thành anh hùng thiên hạ, đả bại Thủy Tinh Hoa, võ sĩ sumo Nhật Bản khiến cho đám ngoại bang phải run sợ, thuê người đi cắt lén bím tóc. Tuy nhiên chiến tranh nổ ra, Hai Ngố nhận thấy không thể chỉ dựa vào bím tóc mà bình định được ngoại bang, nên anh đã lên đường nhập ngũ. Câu chuyện như một bộ phim hành động Hongkong gay cấn với những tình tiếc ngàn cân treo sợi tóc và một cái kết có hậu. Nếu bạn thích tiểu thuyết dạng phong vị dân tộc, thì có thể thử xem.
Giã từ vũ khí – Ernest Hemingway
Tiếp tục một cuốn sách quen thuộc với độc giả Việt Nam được Nhã Nam làm mới, bìa đẹp ghê. Hemingway trước giờ vẫn nổi tiếng với những tác phẩm có chiều sâu. Câu chuyện trong Giã từ vũ khí được thuật lại thông qua lời kể của trung úy Henry, anh đã gặp Catherine và bắt đầu một tình yêu đầy sóng gió. Kết thúc truyện đã từng được tác giả chia sẻ là đã phải viết đi viết lại đến 39 lần đến khi ông thấy hài lòng. Câu chuyện có thể được xem như nỗi lòng của tác giả, và thật kì lạ khi đoạn kết, tác giả không đào sâu vào nỗi đau đớn khôn cùng của Henry sau hai lần liên tiếp chia li với những người quan trọng nhất đời anh, mà chỉ mô tả: “Cũng không khác nào nói lời từ biệt trước một pho tượng. Một lát sau tôi bước ra khỏi phòng, rời bệnh viện, và tôi trở về khách sạn dưới trời mưa”. Có lẽ đi dưới cơn mưa nặng hạt ấy cũng không đủ để xóa đi nỗi đau đang đè nặng lên hai vai anh.