Hoa tím ngày xưa & Từ biệt Berlin – Christopher Isherwood

Review nhanh những cuốn mình đọc đợt vừa rồi, toàn những cuốn cứ buồn rầu sầu khổ, chả hiểu sao lại cứ tự ngược bản thân.
Hoa tím ngày xưa & Từ biệt Berlin – Christopher Isherwood
Tiểu thuyết Hoa tím ngày xưaTừ biệt Berlin đều sáng tác trong thời gian tác giả sống tại Đức, khi mầm mống Quốc xã đang rình rập toàn cõi châu Âu. Berlin mở ra trước mắt người đọc là một thành phố ăn chơi trụy lạc, những quán bar thâu đêm suốt sáng và đời sống phóng túng thơ mộng ấy chỉ là vỏ bọc che đi dấu chấm hết đang kề cận của một thời đại hào hoa. Hoa tím ngày xưa theo Diana Trilling của tờ The Nation nhận định, như là những viên sỏi ném xuống hồ nước, từ đó lan tỏa thành những vòng tròn hàm ý: ở vòng đầu tiên, cuốn sách có tính trần thuật và quan sát mang đậm màu sắc hài hước; kế đến đó là cuộc điều nghiên khi bắt một nhà thơ nhạy cảm đương đầu với tính nhạy cảm của nghề làm phim, bắt một người ngoại quốc nhạy cảm đương đầu với tính bảo thủ Anh quốc; xa hơn, nó là cái nhìn thấu suốt đi vào phẩm tính tận tuỵ mà bất kỳ công việc nào cũng yêu cầu; xa hơn nữa, vòng tròn xa hơn nữa, nó là cuộc điều nghiên về mối tương quan giữa cá nhân với xã hội, đặc biệt là một cá nhân có ý thức chính trị đối với hành động chính trị.
Tà dương – Dazai Osamu
Câu chuyện kể về một gia đình quý tộc sa sút, có hơi hướm giống với gia đình 4 chị em Makioka trong Mong manh hoa tuyết, đều rơi vào tình trạng khủng hoảng khi những giá trị truyền thống bị xem nhẹ giữa thời buổi Nhật Bản canh tân. Gia đình Kazuko gồm ba người: bà mẹ, Kazuko và cậu em trai, ba số phận ngắc ngoải rồi lụn tàn dần trong buổi chiều tà. Bà mẹ của hai chị em Kazuko như hình mẫu lý tưởng cho vẻ danh gia vọng tộc mà gia đình này vẫn cố gắng bám níu. Bà cao sang và tao nhã, từ cử chỉ đến lời ăn tiếng nói, thậm chí cả một chi tiết nhỏ là húp thìa súp cũng toát lên vẻ quyền quý của tầng lớp quý tộc. Cậu em trai Naoji vô cùng tôn sùng bà mẹ, thông qua hình ảnh bà mẹ, cũng chính là tôn sùng vẻ quý tộc mà gia đình cậu đã mất đi vì chiến tranh. Vậy nên khi người mẹ qua đời vì bệnh lao mà thực chất là do nghèo không còn tiền bồi bổ, Naoji chẳng còn gì luyến tiếc. Con người vốn dĩ đều như nhau cả thôi, sống thì phải chịu đựng đắng cay cuộc đời, còn chết thì được giải thoát.
Xứ tuyết – Kawabata Yasunari
Kawabata Yasunari được Viện hàn lâm Thụy Điển ca ngợi là người đã tôn vinh cái đẹp hư ảo và hình ảnh u uẩn của hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và trong định mệnh con người. Những sáng tác của ông trước nay hướng tới những nét đẹp truyền thống, như geisha, trà đạo. Đọc văn chương của Kawabata, người ta như đắm chìm trong vẻ đẹp cổ xưa của Nhật Bản, thấm thía nỗi buồn cô đời và nếm trải dư vị đắng cay của Nhật bản sau thất bại ê chề ở Thế chiến. Shimamura trong Xứ tuyết sinh ra trong một gia đình giàu có ở Tokyo nhưng lại say mê nghệ thuật vũ đạo Tây phương và hoạt kịch, cũng như ngao du đây đó, đặc biệt là những khu tắm suối nước nóng. Chàng ghé thăm xứ tuyết ba lần, và mỗi lần đều bàng hoàng trước vẻ đẹp núi rừng nơi đây, từ khu vườn nhỏ, bụi tre hay những cây bá hương cô độc, bị lãng quên dưới màn tuyết trắng. Tại xứ tuyết, Shimamura gặp nàng geisha Komako, cô gái mạnh mẽ, dám theo đuổi tình yêu. Cảm giác bên nàng Komako thật thanh khiết, như tuyết đầu mùa. Tuy say đắm Komako nhưng Shimamura vẫn thảng nhớ về Toko, một cô gái anh tình cờ gặp trên tàu trong lần thứ hai đến xứ tuyết. Hai người con gái cho anh những xúc cảm khác nhau, nhưng tựu chung vẫn là một tình cảm da diết.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *