#review  //  Không spoil~ THIÊN THẦN SA NGÃ ~Tác giả: Daniel Silva. Dịch giả: Lê Hoà…

THIÊN THẦN SA NGÃ

#review // Không spoil
~ THIÊN THẦN SA NGÃ ~
Tác giả: Daniel Silva. Dịch giả: Lê Hoàng Lan
Thể loại: Trinh thám (hành động + tình báo)
.
.
Vốn đã biết đến và yêu thích truyện của tác giả Daniel Silva qua hai cuốn “Người đưa tin” và “Hỏa thần” nhưng đến cuốn “Kẻ phụng sự thầm lặng” thì Biển bị mất hứng, không muốn đọc tiếp. Tuy vậy, lúc NXB Trẻ phát hành thêm ba cuốn với bìa khá lòe loẹt thì Biển cũng rất muốn đọc nhưng không muốn mua! Nhờ được một anh trong hội trinh thám tặng nên Biển đã có cơ hội đọc “Thiên thần sa ngã”.
“Thiên thần sa ngã” mở đầu bằng cái chết của một phụ nữ xinh đẹp, cô được cho là đã tự sát khi nhảy từ mái vòm của Vương cung Thánh đường Thánh Peter (có độ cao khoảng năm tầng lầu). Ngài Thư ký của Đức Giáo Hoàng muốn có hai cuộc điều tra, một cuộc dành cho dư luận, còn một cuộc dành cho riêng mình thì ông nhờ đến sự cộng tác của Gabriel Allon – “nhà phục chế trứ danh chuyên trị tranh của những Danh họa Bậc thầy, gián điệp và sát thủ đã nghỉ hưu của Israel”. Khi dấn thân vào cuộc điều tra vô cùng nguy hiểm và dính líu rất rộng, Gabriel Allon phát hiện những vụ bê bối trong bảo tàng cổ vật của Vatican, phát hiện những âm mưu khủng bố của Nhóm quân sự Hồi giáo Shiite Hezbollah, thậm chí mạng sống của ông và Chiara vợ ông cũng bị đe dọa. Với những tính cách tiềm tàng của một người Do Thái, với những kỹ năng gián điệp thượng thừa và sự điềm tĩnh của một Thiền sư, ông quyết hy sinh thân mình để hy vọng cứu lấy mạng sống hàng ngàn người khác. Bên cạnh đó, những việc ông làm cũng nhằm để trả lại công bằng cho người phụ nữ đã chết ở đầu truyện.
Khác với “Kẻ phụng sự thầm lặng”, cuốn “Thiên thần sa ngã” cuốn hút Biển ngay từ những trang đầu. Tác giả Daniel Silva có lối viết rất đặc trưng và khác biệt, có chút ít gợi liên tưởng đến Dan Brown, nhưng yếu tố hành động trong truyện của Silva thì máu lửa hơn nhiều. Độc giả sẽ vừa tốn chất xám dõi theo từng bước thu thập thông tin của nhóm tác chiến dưới quyền Gabriel Allon, vừa căng thẳng nhập vai để theo sát từng pha hành động của ông. Biển cho rằng tác giả Daniel Silva muốn đem đến những tiểu thuyết trinh thám – lịch sử – hành động – tình báo vừa đủ ly kỳ để giải trí, chứ không cố tình đánh đố trí óc của người đọc, do đó, tuy vẫn có những trường đoạn khá hồi hộp nhưng vẫn dễ đoán. Tuy hoạt động tổng hợp thông tin tình báo diễn ra xuyên suốt tác phẩm nhưng có lẽ vì chúng không nhiều nên không khiến câu truyện bị khô khan. Ngoài ra, sau cuốn này, Biển mạn phép nêu nhận xét của mình về tác giả: Biển cho rằng bên cạnh kỹ năng viết lách rất điêu luyện, về bản chất ông còn là một người tinh tế và có (nhiều) phần tao nhã. Văn phong của ông có một sự trau chuốt rõ ràng nhưng vẫn toát lên nét cứng cáp vững chãi, hay là Biển đang nhầm lẫn và nhận xét qua văn phong của dịch giả nhỉ..
Không nhớ Biển có từng viết trong review nào khác về sách của Daniel Silva chưa, nếu có thì nay xin được viết lại: Biển nghĩ Gabriel Allon thuộc kiểu nhân vật siêu anh hùng (như Jack Reacher hoặc Dirk Pitt), và Gabriel còn được xây dựng hình tượng hoàn hảo hơn so với các nhân vật siêu anh hùng khác. Dù sao “Gabriel” cũng là tên của một trong các vị Tổng lãnh Thiên thần thuộc Thiên Chúa giáo. Tuy vậy, sự hoàn hảo của Gabriel Allon không hề khiến Biển khó chịu hay nghĩ ông ấy là một kiểu hình tượng Gary Stu (phiên bản nam của Mary Sue), mà chỉ khiến Biển càng ưa thích ông ấy hơn (cũng như Biển đã – đang ưa thích Jack Reacher và Dirk Pitt). Là một người Do Thái, Gabriel có tình yêu mến sâu đậm đối với quê hương còn nhiều ly loạn của mình: “Anh thật sự yêu nó hết lòng. Anh yêu màu sắc của đá vôi và bầu trời. Anh yêu mùi gỗ thông và cây bạch đàn. Anh yêu nó mỗi khi trời trở lạnh vào đêm. Anh thậm chí yêu cả tín đồ Do Thái mắng té tát vào mặt anh khi anh lái xe vào ngày lễ Shabbat”.
Thêm một yếu tố khiến Biển thích quyển “Thiên thần sa ngã” là lời thoại của các nhân vật. Tuy không phải cứ mở miệng là thốt ra những lời khôn ngoan chém đinh chặt sắt như trong truyện của Harry Dolan, nhưng lời thoại của nhân vật trong cuốn này khiến mỗi nhân vật dù chính hay phụ đều thể hiện được tính cách đặc trưng, hoàn thành được vai trò mà tác giả giao phó cho họ.
“Tôi là một bác sĩ chuyên khoa tim, thưa anh Allon. Tôi là người phụ nữ của khoa học, chứ không phải của đức tin. Tôi cũng tin rằng đã có nhiều điều ác được thực hiện nhân danh tôn giáo hơn bất kỳ thế lực nào khác trong lịch sử nhân loại”.
Hoặc
“Là người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã, ta e rằng lựa chọn của ta chỉ giới hạn ở chuyện cầu nguyện”.
Quyển truyện này thẳng thắn đề cập đến sự xung đột căng thẳng kéo dài giữa Israel và Palestine, cũng thể hiện rõ quan điểm của tác giả về những gì các nước Hồi giáo đã – đang thực hiện. Bài phát biểu của Đức Thánh Cha khiến Biển càng nể phục tài viết của tác giả Daniel Silva:
“Một số lãnh đạo đã đảm bảo với tôi rằng Israel có thể chung sống với một nước Iran trang bị đầy vũ khí hạt nhân. Nhưng đối với những người đã sống sót qua cái điên rồ của Chiến tranh Thế giới thứ hai, nói vậy chẳng khác gì bảo người Do Thái không cần sợ hãi một nước Đức cầm đầu bởi Hitler và quân đội phát xít của ông ta. Ngay đây, trên chính thành phố Jerusalem linh thiêng, mỗi ngày chúng ta đều được nhắc nhở rằng những đế quốc và nền văn minh vĩ đại có thể biến mất trong chớp mắt. Cổ vật của họ lấp đầy viện bảo tàng của chúng ta, nhưng quá thường xuyên, chúng ta quên mất bài học từ lỗi lầm của họ. Chúng ta bị cám dỗ, muốn nghĩ rằng chúng ta đã đi đến chương cuối của lịch sử, và chuyện đó không bao giờ có thể xảy ra lần nữa. Nhưng lịch sử được tạo nên mỗi ngày, thỉnh thoảng bởi kẻ ác. Và rất thường xuyên, lịch sử vẫn tái diễn.
… Jerusalem là đô thành của Chúa. Nhưng nó cũng chính là bia mộ cho sự điên rồ của nhân loại”.
Vì vốn liếng từ vựng tiếng Anh của Biển về lĩnh vực Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo còn hạn chế (thật ra là chẳng biết chút gì) nên trong lúc đọc, Biển không thể tìm xem được hình ảnh các địa điểm tôn giáo linh thiêng được đề cập trong truyện, do đó cũng không hình dung được những điều tác giả nói về “ngôi nhà mà vua Solomon kiến thiết cho Thiên Chúa” hoặc “Núi Đền ở Jerusalem” trông như thế nào. Tuy vậy, trong phần “Ghi chú của tác giả” ở cuối sách, Daniel Silva viết rằng đã “sử dụng thông tin từ tác phẩm của nhà khảo cổ học vĩ đại người Anh, Charles Warren, để viết cao trào của tiểu thuyết này”. Bên cạnh đó, vì xung đột giữa Israel và Palestine vẫn chưa chấm dứt nên giới khảo cổ vẫn chưa thể tự do nghiên cứu những di tích trong khu vực thánh địa Jerusalem, vì vậy người đọc sẽ tự hiểu rằng những mô tả về các địa điểm đó (tạm thời) do tác giả hư cấu. Khi Biển search Google image về hai cột trụ bằng đồng Jachin và Boaz thì chỉ tìm được hình ảnh đồ họa mô phỏng chứ không có hình chụp thực tế từ bảo tàng.
Phần “Ghi chú của tác giả” và “Lời cảm ơn” cuối sách đọc cũng lôi cuốn tương tự nội dung chính của câu truyện.
Biển thích kiểu chữ tựa sách nhưng không thích phong cách thiết kế bìa của ba cuốn Daniel Silva vừa được Trẻ xuất bản gần đây. Tuy nhiên, vì nội dung “Thiên thần sa ngã” quá hay + dịch thuật tuyệt vời + trình bày đẹp + chất giấy không hại mắt nên về tổng thể thì Biển chấm cuốn này 9/10. Bạn nào chưa từng đọc và muốn thử truyện của Daniel Silva thì có thể tìm đọc ebook các truyện khác cùng tác giả trước khi quyết định mua sách giấy. Lan man thêm một chút: bìa gấp sau của sách có hình Daniel Silva, nếu không biết ông là tác giả truyện trinh thám thì có lẽ Biển sẽ cho rằng ông là diễn viên chuyên đóng vai phản diện kiêm giáo viên Toán..
(Sea, 10-8-2020)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *