~ CẬN KỀ TỔ ẤM ~
Tác giả: Robert Dugoni. Dịch giả: Khánh An
Thể loại: Trinh thám pháp lý
.
.
Thứ tự đọc những cuốn trinh thám pháp lý của tác giả Robert Dugoni đã xuất bản tiếng Việt là “Căn hầm tối”, “Hơi thở cuối cùng”, “Trảng đất trống”, “Mắc kẹt”, “Cận kề tổ ấm”. Mỗi cuốn là những vụ án khác nhau, đều có nhân vật chính là cô điều tra viên / cảnh sát Tracy Crosswhite. Tuy đọc riêng từng cuốn vẫn hiểu được cốt truyện nhưng nếu đọc theo thứ tự Biển vừa liệt kê bên trên thì sẽ hiểu rõ hơn về diễn biến cuộc đời của Tracy Crosswhite.
“Cận kề tổ ấm” mở đầu với cảnh cậu bé da đen 12 tuổi đang trở về nhà sau khi tập bóng rổ ở CLB thì bị một chiếc xe đâm chết người rồi bỏ chạy. Đội A thuộc Ban Tội phạm Bạo lực TP Seattle nhận trách nhiệm điều tra vụ án. Vốn là một trong các điều tra viên đầu tiên đến hiện trường và sau đó đã tìm được chiếc xe gây án, Tracy Crosswhite trở thành nhân chứng trong phiên tòa tiền thẩm nơi kẻ tình nghi đang chờ phán quyết tiếp theo. Cuộc điều tra tiến triển không suôn sẻ do vấp phải sự kháng án mạnh mẽ từ phía Hải quân. Bên cạnh công việc quá mức kiệt sức của cảnh sát, bản thân Tracy cũng đang ở trong hoàn cảnh hoang mang và thất vọng: vì tuổi tác nên có thể cô sẽ không mang thai được một cách tự nhiên. Tuy nhiên, Daniel O’Leary – chồng của Tracy – vẫn hết lòng yêu thương và chung thủy với mình cô. Delmo Castigliano – đồng nghiệp của Tracy trong Ban Tội phạm Bạo lực – lại đang đối mặt với quãng thời gian giận dữ và đau buồn khôn xiết vì cháu gái của anh vừa qua đời do sốc ma túy.
Sau khi đọc vài review khác về “Cận kề tổ ấm”, Biển chưa hứng thú lắm với cuốn này nên đã ngâm một thời gian không ngắn trước khi đọc, nhưng khi đọc được vài chục trang thì Biển nhận ra văn phong quen thuộc của Robert Dugoni mà mình từng rất ưa thích, do đó dù diễn tiến nửa đầu truyện hơi chậm nhưng Biển vẫn kiên nhẫn theo đến cùng, càng về sau càng có nhiều điều bất ngờ nên Biển thấy công sức đọc của mình được đền đáp xứng đáng. So với “Căn hầm tối” và “Trảng đất trống” thì “Cận kề tổ ấm” không kịch tính bằng, nửa đầu truyện nhàn nhạt với rất nhiều thuật ngữ pháp lý phức tạp có thể khiến một số bạn đọc bị buồn ngủ, nhưng Biển cho rằng độc giả nữ nói chung và những ai đã từng làm mẹ nói riêng sẽ cảm nhận sâu hơn về những thông điệp mà tác giả muốn truyền đạt qua quyển sách này.
Đến trang 130+1, độc giả sẽ hiểu tại sao tựa đề của quyển sách này là “Cận kề tổ ấm”. Nhưng ngoài ý nghĩa hiển hiện rõ ràng của bốn từ “cận kề tổ ấm”, Biển suy diễn rằng cụm từ này còn gián tiếp nói đến việc những đứa trẻ / những thành viên trong các gia đình lương thiện vẫn có thể bị lôi kéo mãnh liệt và rơi vào vòng xoáy chết người của ma túy. Có một câu được nhắc lại nhiều lần trong cuốn này là “rất nhiều con nghiện là những đứa trẻ ngoan xuất thân từ những gia đình tử tế”.
Vì đoạn trên đã nhắc đến “ma túy” nên Biển xin nói luôn rằng vấn đề xuyên suốt trong cuốn sách này là việc buôn bán ma túy, cách những người trẻ không thể cưỡng lại lời rủ rê và sa chân vào con đường nghiện hút vạn kiếp bất phục, cuộc chiến trường kỳ không khoan nhượng giữa cảnh sát và người thân của các con nghiện với bọn tội phạm buôn bán ma túy… Trước đây, Biển rất ngưỡng mộ tác giả Jeffery Deaver vì hầu như trong mỗi cuốn trinh thám ông đều đề cập đến một lĩnh vực mới, và đề cập một cách rõ ràng thành thạo, chứng tỏ ông rất nghiêm túc nỗ lực trong việc sáng tác. Giờ sau khi đọc “Cận kề tổ ấm”, Biển nhận ra rằng Robert Dugoni cũng đang trở nên “giống” Jeffery Deaver, tức là đang bắt đầu đưa thêm những lĩnh vực khác vào dòng sách trinh thám pháp lý của ông, hay là ông đã viết về nhiều lĩnh vực từ lâu rồi nhưng Biển chưa đọc nên chưa biết?
“Bây giờ giá heroin còn rẻ hơn giá một gói thuốc lá. Không chỉ vì việc hợp pháp hóa cần sa. Các nhà nghiên cứu còn truy ra được một nguyên nhân nữa khiến số lượng con nghiện gia tăng đột biến, đó là sự thay đổi trong quan niệm chữa bệnh. Ngày nay các y bác sĩ bắt đầu chú trọng đến việc làm dứt cơn đau của bệnh nhân hơn là điều trị tận gốc căn bệnh. Điều đó dẫn đến sự gia tăng việc sử dụng các loại thuốc giảm đau nhóm opioid”.
“…các tổ chức buôn bán ma túy đang phá bỏ những cánh đồng cần sa và trồng những cánh đồng anh túc…”
Nếu Biển tiết lộ về khía cạnh tình cảm trong truyện trinh thám thì không phải spoil đâu nhỉ. Nếu trong cuốn “Mắc kẹt”, độc giả nữ sẽ vỡ òa với cảnh cầu hôn giữa Daniel O’Leary và Tracy Crosswhite, thì đến “Cận kề tổ ấm”, anh Dan vẫn giữ nguyên hình tượng là chàng luật sư hoàn hảo ngọt ngào, có “khả năng suy xét mọi thứ để tìm ra điều gì đó dẫu không tích cực thì ít nhất cũng lạc quan”. Theo Biển thấy, giữa hai người họ không có ai là người “đứng sau” người kia, họ vừa bình đẳng vừa là điểm tựa vững chắc cho nhau. Tuy dòng trinh thám pháp lý của Robert Dugoni dường như chú trọng hướng đến đối tượng độc giả nữ nhưng trong truyện không hề có những cảnh tình cảm lãng mạn quá mức như truyện của Nicolas Sparks. Tuy vậy, người đọc vẫn cảm nhận rõ được tình cảm khăng khít trìu mến và sự hòa hợp giữa Tracy và Dan. Cuốn này cũng có nhắc đến món sở trường mà anh Dan thường làm là enchilada (bánh ngô cuộc thịt, rau và nước xốt). Anh Daniel O’Leary của Biển quá là tài hoa mà.
Không thể quên kể đến nhân vật phụ Đại úy Leah Battles trong cuốn này. Đây là một nữ luật sư làm việc trong Hải quân, sự xuất hiện ban đầu của cô có thể sẽ gây ác cảm với các độc giả ít kiên nhẫn, nhưng Biển thấy tác giả cố ý dẫn dắt cảm xúc của người đọc. Tuy ở vào thế đối đầu với Tracy nhưng Leah thể hiện rõ bản thân là một phụ nữ tài giỏi kiên cường, có thể đứng vững và tự bảo vệ mình dù đang ở giữa tâm bão (mưa bão thời tiết và cả giông bão cuộc đời). Tuy Biển cho rằng Leah là nhân vật phụ nhưng cô ấy đóng vai trò quan trọng trong truyện, “đất diễn” cũng như “kết cuộc” của nhân vật này sẽ đem lại nhiều hứng thú cho độc giả.
Trong “Cận kề tổ ấm” có khá nhiều đoạn triết lý hay về cuộc sống khiến Biển muốn ghi chép lại (và đã ghi chép lại), nhưng nếu viết hết vào thì review sẽ rất dài, nên Biển chỉ chọn trích lại một đoạn truyền cảm hứng cho người đọc, đây là lời người cha quá cố của Tracy thường dặn dò cô trước những cuộc thi bắn súng:
“Nếu con bước vào cuộc thi với ý nghĩ rằng con sẽ thua, vậy thì con đã thua rồi đó. Nếu con bước vào cuộc thi với ý nghĩ rằng con sẽ thắng, vậy thì con sẽ thất vọng nếu bị thua. Vì vậy, cứ bước vào cuộc thi với ý nghĩ rằng con sẽ chiến đấu hết mình, dù sao đi nữa, đó là tất cả những gì con có thể kiểm soát được”.
Cuối sách có Lời Cảm Ơn khá dài do chính tác giả Robert Dugoni viết, Biển đã chăm chỉ đọc hết và càng có thiện cảm hơn với tác giả này. Lời Cảm Ơn cho thấy nỗ lực học hỏi của ông trong quá trình sáng tác. “Cận kề tổ ấm” có nội dung không quá mới lạ nhưng vẫn đủ lôi cuốn, chất trinh thám vừa đủ, chút cao trào ở cuối sẽ giúp cộng thêm điểm cho truyện. Sách được dịch thuật và biên tập RẤT TỐT, không có lỗi chính tả hoặc lỗi in ấn nào. Bìa sách nhìn qua thì thấy không có gì đặc sắc nhưng nếu đã đọc 1/2 truyện và nhìn kỹ bìa thì sẽ thấy bìa thể hiện khá rõ nội dung vụ án. Tuy Biển định không tiếp tục theo loạt truyện về Tracy Crosswhite (cuốn sắp tới là “Đam mê đắt giá”) nhưng vì tin tưởng rằng truyện về Tracy Crosswhite chắc chắn sẽ hay (không hay lắm cũng không sao) + có thiện cảm với tác giả nên Biển vẫn sẽ mua đọc.
(Sea, 4-6-2020)