Thoạt nhìn, nhiều người sẽ lầm tưởng chúng là giun đất trưởng thành, cho đến khi chiếc lưỡi chẻ đôi đặc trưng của loài rắn thè ra khiến họ giật mình hãi hùng. Chúng thực sự là một loài rắn với đầy đủ các đặc điểm cấu tạo của rắn: có xương sống, có vảy, và đầu ngóc lên khi bò.
Chúng chính là loài rắn có tên gọi là rắn giun, có thể được bắt gặp tại nhiều nơi ở Việt Nam, từ miền Bắc cho tới miền Nam, thậm chí là ngay tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM. Đúng như tên gọi của mình rắn giun có một ngoại hình rất giống với loài giun đất thường gặp với đầu tròn, có màu nâu bóng. Chúng thường sống dưới mặt đất, các đống đổ nát hoặc củi mục.
Phải nhìn thật kỹ mới có thể nhận ra chúng không phải là giun, qua các đặc điểm sau: cơ thể có vảy và không phân đốt, có một đôi mắt nhỏ xíu trên đầu, có miệng mở ra được, và đặc biệt là có chiếc lưỡi chẻ đôi đặc trưng của loài rắn. Nếu như giun đất sống bằng mùn cây thì thức ăn chủ yếu của rắn giun là trứng kiến và mối.
Do tập tính sống trong đất nên mắt rắn giun thoái hóa, chỉ còn một chấm nhỏ hầu như không có tác dụng thị lực (vì vậy nhiều nơi còn gọi chúng là rắn mù). Rắn giun có màu nâu đen gần giống màu giun đất nhưng sậm hơn.
Một đặc điểm kỳ lạ khác của rắn giun là chúng có thể sinh sản mà không cần đến con đực. Giun đất đẻ mỗi lần khoảng 8 trứng, trong kiểu sinh sản không cần thụ tinh này, tất cả trứng nở ra đều là con cái.
So với các loài rắn thông thường, chúng thực sự là một loài rắn “tí hon”.
Một con rắn giun trưởng thành chỉ dài xấp xỉ 20cm, nhỏ hơn cả một con giun đất cỡ lớn.
Đây là một loài rắn không có nọc độc
Kể cả có nọc độc thì chúng cũng vô hại, vì cái miệng quá nhỏ và yếu để có thể gây tổn thương trên bề mặt da người.
Dù phân bố rộng ở Việt Nam, nhưng rắn giun vẫn là loài khá hiếm gặp.
Theo báo khoa học