Nhiều năm trước đây, cứ vào dịp tháng 7 âm lịch, phố Hàng Mã (phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại trở nên tấp nập người mua kẻ bán. Đặc biệt là những ngày cận kề Rằm tháng 7, số lượng người dân Hà Nội tới mua sắm hàng mã về cúng rằng tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên theo khảo sát của phóng viên Báo điện tử Dân Việt trong sáng ngày 14 tháng 7 âm lịch, hoạt động mua bán vàng mã trên con phố này không còn nhộn nhịp như trước, cho dù các sản phẩm hàng mã vẫn đa dạng mẫu mã, thậm chí còn nhiều loại đồ cúng mới được sản xuất để phục vụ người tiêu dùng.
Hình ảnh phố Hàng Mã trong những ngày rằm tháng 7 (ảnh chụp sáng ngày 14/7 âm lịch).
Các loại hàng mã truyền thống như quần áo, ngựa, nhà lầu, xe ô tô… được bày bán la liệt tại các cửa hàng trên phố Hàng Mã. Tuy nhiên, lượng khách hàng đến hỏi mua rất ít, khiến nhiều tiểu thương không khỏi lo lắng.
Dù đang trong những ngày cúng Rằm tháng 7 nhưng các cửa hàng bán vàng mã lại chịu cảnh ế ẩm, ít khách qua lại. Đây là thực trạng chung đang diễn ra không chỉ ở phố Hàng Mã mà còn tại các chợ đầu mối và chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Một số chủ cửa hàng bán hàng mã trên phố Hàng Mã cho biết, việc sản xuất và mua bán vàng mã thường nhộn nhịp nhất vào hai thời điểm chính là Rằm tháng 7 và dịp Tết Nguyên đán cuối năm.
Đây là hai mốc thời gian diễn ra nhiều hoạt động tâm linh quan trọng trong tín ngưỡng dân gian của người dân Việt Nam. Đặc biệt là vào dịp Rằm tháng 7, thường được kỳ vọng sẽ mang lại doanh thu cao hơn cả dịp Tết Nguyên đán.
Nhiều đại lý, cửa hàng trên phố Hàng Mã đã chuyển dần sang kinh doanh các loại đồ chơi Trung thu từ giữa tháng 6 âm lịch, hàng mã chỉ còn chiếm một góc nhỏ bên trong cửa hàng.
“Dù giá cả các loại hàng mã năm nay không tăng so với năm trước, nhưng việc người dân đi mua hàng mã về cúng bài không còn đông như trước, số lượng giao dịch giảm đi đáng kể”, một người kinh doanh trên phố Hàng Mã cho biết.
Một gia đình mua cả một biệt thự về hóa cho người thân trong dịp rằm tháng 7.
Theo các tiểu thương, ngoài yếu tố kinh tế, còn có một nguyên nhân sâu xa khác đó là những năm gần đây, việc hạn chế đốt vàng mã đã được các cơ quan, tổ chức tích cực tuyên truyền nhằm tiết kiệm tiền bạc, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phòng tránh hỏa hoạn.
Nhiều người hiểu ra rằng, việc đốt vàng mã gây lãng phí tiền của, khi đốt quá nhiều sẽ gây ô nhiễm môi trường, chưa kể đến việc đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ hỏa hoạn tại khu dân cư.
“Không ít người đã thay đổi quan niệm, thay vì bỏ tiền mua vàng mã để đốt, họ chuyển sang đóng góp vào các quỹ từ thiện, phúc lợi xã hội, thể hiện niềm tin tâm linh theo cách có ích hơn. Đây cũng là một lý do dẫn đến việc mua bán vàng mã trên phố Hàng Mã ngày càng vắng vẻ”, một tiểu thương khác cho biết.
Theo khảo sát, giá một bộ quần áo kiểu dáng mới, trang sức loại thường từ 45.000 – 90.000 đồng/bộ. Các mặt hàng đồ gia dụng như ấm chén, bát đũa có giá 150.000 đồng/bộ. Túi xách hãng hiệu có giá dao động từ 70.000 – 90.000 đồng/túi. Bên cạnh đó, còn có các loại ô tô, xe máy, biệt thự… có giá từ khoảng 150.000 – 300.000 đồng/sản phẩm.
Để tồn tại, một số tiểu thương trên phố Hàng Mã đã dần thay đổi mục đích kinh doanh, họ chủ yếu chuyển sang kinh doanh các mặt hàng trang trí phục vụ người dân vào những ngày lễ lớn trong năm như Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, Giáng sinh…