Covid-19 “kéo lùi” thành tích phòng chống bệnh lao 7-8 năm
Tại hội thảo tổng kết dự án sàng lọc lao, Covid-19 và một số bệnh nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến ở tuyến y tế cơ sở tại Việt Nam ngày 3/8, PGS-TS Nguyễn Bình Hoà, Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó trưởng ban điều hành Chương trình lao Quốc gia nhận định, dịch Covid-19 đã “kéo lùi” thành tích phòng chống lao xuống 7-8 năm và tác động nghiêm trọng đến công tác chẩn đoán, điều trị lao.
PGS Hoà nhận định, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến công tác phòng chống lao, làm trầm trọng hơn gánh nặng do bệnh lao vốn đã rất cao tại Việt Nam. Những yêu cầu trong phòng chống Covid-19 đã gián tiếp làm giảm hoạt động xét nghiệm phát hiện các ca nhiễm mới, giảm tiếp cận dịch vụ y tế, giảm hiệu quả điều trị cho người bệnh, và tăng nguy cơ phơi nhiễm với cán bộ y tế.
Số bệnh nhân lao được phát hiện, điều trị năm 2021 giảm 23,7% so với năm 2020. Rất may, tình hình bắt đầu hồi phục từ quý 4 năm 2021, số ca mắc lao mới được phát hiện đang tăng dần đều.
Sàng lọc bệnh lao, Covid-19 và nhiều bệnh viêm đường hô hấp khác
Theo PGS Hòa, hoạt động sàng lọc lao, Covid-19 và một số bệnh đường hô hấp phổ biến tại cơ sở ở Việt Nam được xuất phát từ ý tưởng sàng lọc đồng thời bệnh lao và Covid-19 có một số triệu chứng gần giống nhau sẽ mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động phòng chống lao đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
“Theo thống kê, Việt Nam đứng 11/30 nước có gánh nặng về lao và bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất toàn cầu. Ước tính, tại Việt Nam có khoảng 169.000 ca bệnh lao mới mắc, 8.900 trường hợp kháng đa thuốc và khoảng 14.200 ca tử vong”
PGS.TS Nguyễn Bình Hòa
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì phòng ngừa và chăm sóc lao phổi trong suốt đại dịch, và khẳng định việc khám sàng lọc hai chiều cho lao phổi và Covid-19 là một công việc cốt lõi cần được triển khai.
Từ ý tưởng đó, Chương trình Chống lao Quốc gia và Tổ chức Tổ Chức Phi Lợi Nhuận Về Y Tế Toàn Cầu Foundation For Innovative New Diagnostics (FIND) tại Việt Nam đã phối hợp triển khai dự án “Sàng lọc lao, Covid-19 và một số bệnh nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến ở tuyến y tế cơ sở tại Việt Nam” từ tháng 9-2022 đến tháng 6-2023.
Dự án nhằm nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở trong thực hiện xét nghiệm đa tác nhân cho Covid-19, bệnh lao và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến.
Dự án được triển khai tại huyện Ứng Hoà và Phúc Thọ, Hà Nội, với 57 cơ sở y tế tham gia, bao phủ 55 xã với dân số khoảng 524.000 người. Những người có triệu chứng nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính được khám sàng lọc Covid-19, Cúm A, B và virus hợp bào hô hấp (RSV).
Theo đó, trẻ em dưới 15 tuổi có triệu chứng hô hấp hoặc phát ban, nổi hạch bạch huyết, buồn nôn và nôn mửa được xét nghiệm liên cầu nhóm A, bên cạnh các xét nghiệm Covid-19, Cúm A, B và RSV.
Những ca có triệu chứng lao hoặc nằm trong nhóm nguy cơ cao nhiễm lao được lấy mẫu đờm tại Trạm y tế xã và gửi đến Trung tâm y tế huyện để xét nghiệm lao bằng phương pháp GeneXpert – phương pháp có khả năng phát hiện lao và lao đa kháng thuốc.
Đây cùng là lần đầu tiên các Trung tâm y tế huyện tham gia dự án được hỗ trợ thực hiện xét nghiệm lao bằng Xpert. Những ca lao phát hiện được điều trị tại Trung tâm y tế huyện, trong khi những ca lao kháng thuốc được chuyển lên Bệnh viện Phổi Hà Nội.
Sau 6 tháng triển khai khám sàng lọc, tổng số 22.604 người dân tại 2 huyện đã được sàng lọc lao, Covid-19 và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác.
Trong đó, 3,776 người được sàng lọc lao, với 78 ca lao thường và 3 ca lao kháng thuốc được phát hiện. Con số này cao hơn nhiều lần số ca phát hiện tại 2 huyện vào năm 2021 và 2022.
TS Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng Văn phòng FIND Việt Nam cho biết dự này cũng chứng minh tính khả thi của mô hình xét nghiệm tích hợp cho Covid-19, bệnh lao và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Các chuyên gia cũng khẳng định, kết quả của Dự án cho thấy, số ca lao tiềm ẩn trong cộng đồng không hề nhỏ. Do nhiều lý do khác nhau, người dân còn chưa tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là sàng lọc lao sớm.
Việc “tìm đến tận nhà” để rà soát bệnh lao có hiệu quả rõ rệt trong việc phát hiện ca mắc lao mới. Đưa các ca lao vào quản lý và điều trị sẽ giúp bệnh lao không lây lan ra cộng đồng, sớm tiến đến mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2030 của Việt Nam.