Năng lượng hạt nhân tốt hơn năng lượng tái tạo (cho cả con người và môi trường)
Chào mọi người, bài này sẽ dài đấy, nên nếu ai lười đọc thì hãy kéo xuống phần tóm tắt ở dưới.
Vậy để bắt đầu, tui sẽ nói sơ qua về cuộc đời và học vấn của tui, để mọi người hiểu được điều gì khiến tui có những ý-nghĩ-unpopular đến vậy. Năm nay tui 24 xuân xanh, vừa lấy bằng Thạc Sĩ ngành Hóa Vô Cơ. Kể từ khi còn nhỏ, tui đã luôn chật vật để hiểu được góc nhìn của nhiều người tui gặp về một số vấn đề về môi trường, kiểu không thể ngửi nổi quan điểm ấy. Và, dĩ nhiên, tui cãi nhau ỏm tỏi với mấy người đó. Mà thường thì, kết quả của mấy trận khẩu chiến đó sẽ kiểu: họ chả hiểu được gì hoặc tui sẽ chả học được thêm gì, hoặc là sẽ khiến tui dính vào một chút phiền hà (ờ thì dĩ nhiên rồi). Tới giờ tui vẫn chưa hiểu tại sao không ai hiểu được mấy thứ mình nói. Mục đích của cái post này là để tui có thể nêu rõ ra cái đống hệ-thống-luận-điểm-và-biện-chứng của mình về mấy vấn đề đó, với hy vọng là có thể giúp nhiều người được giác ngộ hơn. Tui sẽ cố để phân định rạch ròi giữa các giả thuyết của cá nhân mình và những kiến thức đã được chứng minh trong bài viết dưới đây. Tui không dám tự nhận mình là chuyên gia trong lĩnh vực này, nhưng chắc chắn là tui có được những hiểu biết và kiến thức đúng đắn về những thứ tui sắp nói (Nhiệt Động Học, Kỹ Thuật Điện, các nguồn năng lượng, và một chút ít về Vật lý hạt)
Điều đầu tiên mọi người cần hiểu là những khái niệm cơ bản về phân phối năng lượng. Toàn bộ lưới năng lượng của chúng ta là kết quả của sự thật rằng việc tạo ra năng lượng là một quá trình cực kỳ kém hiệu quả (trong một mạng lưới điện chung, khoảng 68% năng lượng bị mất trước khi đến được hộ tiêu thụ). Mọi cách thức sản xuất năng lượng (ngoài các tấm pin mặt trời) đều phụ thuộc vào một máy phát tạo điện theo Định Luật cảm ứng Faraday. Tui sẽ không đi sâu về mặt kỹ thuật, nôm na là khi bạn di chuyển nam châm và dây dẫn cạnh nhau, điện được tạo ra. Một số loại nhiên liệu tạo ra khí (thường là hơi nước, phù hợp cho việc này) làm quay một cỗ máy khổng lồ với nam châm nằm xung quanh một dây dẫn khổng lồ. Đây là một cỗ máy siêu hiện đại, chi phí xây dựng siêu đắt đỏ và với những chi phí đó, đáng lẽ ta phải có một hệ thống hiệu quả hơn. Phần còn lại của mạng lưới được xây dựng để đáp ứng được máy phát. Điện được sản xuất trong các nhà máy điện lớn vì chúng hiệu quả hơn các nhà máy nhỏ được phân phối dày đặc hơn. Để giảm hao phí trên đường dây tải điện, người ta sẽ tăng điện áp lên, quá trình này tốn hàng tỷ $ cho cơ sở hạ tầng và bảo trì.
(T/N: Tại sao giảm hao phí cần phải tăng điện áp?
P hao phí = (R*P^2)/U^2 => Điện áp tỉ lệ nghịch với công suất hao phí.)
Như tui đã giải thích ở trên thì chúng ta cần nhiên liệu để làm quay Rotor (bộ phận chuyển động của máy phát). Vậy loại nhiên liệu nào là tốt nhất? Trong cuộc sống, thứ gì cũng có cái giá của nó, và một số thì chắc chắn sẽ tốt hơn những thứ còn lại.
Dưới đây là tổng quan về các nguồn năng lượng phổ biến:
Năng lượng mặt trời: Khác với những nguồn năng lượng còn lại (không làm quay roto để tạo ra điện năng). Năng lượng mặt trời ảnh hưởng đặc biệt xấu tới môi trường, việc sản xuất và xử lý các tấm pin mặt trời rất bẩn và tốn nhiều tài nguyên. Chúng cũng có tuổi thọ rất ngắn, không ổn định (phụ thuộc vào mùa và thời tiết) và hiệu suất thấp. Phương thức duy nhất để sử dụng hợp lý năng lượng mặt trời là sưởi ấm nhà hoặc dùng ở các nước đang phát triển, nơi không có đủ cơ sở hạ tầng để khai thác các nguồn năng lượng khác.
Năng lượng gió: Ngoài việc phá hủy cảnh quan, nó cũng không ổn định. Chắc là hầu hết chúng ta đều nghĩ, gió càng mạnh thì càng tốt, nhưng thực sự thì không, nó làm căng vòng bi của turbine (tui đang giải thích theo nghĩa đơn giản) và cần phải quay chậm lại. Để turbine hoạt động tốt thì tốc độ gió phải nhanh, và đều. Trong điều kiện môi trường tốt, hiệu suất tạo năng lượng lên tới 40%.
Năng lượng địa nhiệt: Đáng buồn là loại năng lượng này không khả thi trên quy mô lớn, nhưng mà hiệu quả rất cao đấy. Nói đơn giản thì hơi nước áp suất cao sẽ chui lên từ lòng đất (có rất nhiều loại, tui sẽ không giải thích nhiều), không cần xử lý gì nhiều mà cứ để nó chui thẳng vào máy phát điện thôi.
Nhiên liệu hóa thạch: Than, khí tự nhiên, dầu – Chúng rất bẩn, rất rất rất là bẩn. Tùy thuộc vào loại than được sử dụng (có nhiều loại lắm), nó thường thải ra chất thải phóng xạ nhiều hơn so với các nhà máy điện hạt nhân (đáng sợ đúng không). Chất thải đó là tro hoặc được phân tán trong khí thải phát ra từ nhà máy. Chủ yếu là carbon phóng xạ, uranium và thorium. Điều đáng buồn là chúng ta cần nguồn năng lượng này. Chúng là thứ duy nhất có thể nhanh chóng đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng và ổn định toàn bộ lưới điện. Tùy thuộc vào nhiều yếu tố mà hiệu suất sẽ rơi vào khoảng 35%. Nhiên liệu hoá thạch không phải là lựa chọn tốt nhất, nhưng bù lại, giá rẻ, đa năng và là nguồn cung cấp điện lớn nhất.
Năng lượng hạt nhân – Hầu hết mọi người không hiểu năng lượng đến từ đâu nên tui sẽ giải thích sơ qua. Nhiều bạn đã biết hoặc đã thấy phương trình nổi tiếng của Einstein: E = mc^2, có nghĩa là khối lượng tỉ lệ thuận với năng lượng. Công thức thần kì này cho ta thấy cách chuyển từ “khối lượng” của vật chất sang “năng lượng”. Một khối lượng rất nhỏ được chuyển thành một nguồn năng lượng khổng lồ khi các nguyên tử bị tách ra. Nó có nhiều nhược điểm như chất thải hạt nhân, sản lượng không đổi, chi phí xây dựng rất cao, v.v., nhưng nó tạo ra năng lượng sạch (khó tin phải không, tui sẽ giải thích chi tiết bên dưới) và giá thành rất thấp.
Đây là phần so sánh giữa năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân. Một sự thật phũ phàng là năng lượng hạt nhân sạch hơn gấp 2 lần so với năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Phần lớn là do việc xây dựng cối xay gió và sản xuất các tấm pin mặt trời rất tốn kém, cần nhiều năng lượng, tài nguyên và có tuổi đời ngắn, nhưng quan trọng nhất là chúng tạo ra rất ít năng lượng. Xây dựng một nhà máy điện hạt nhân rất tốn kém, nhưng chúng tạo ra rất ít chất thải (tui sẽ giải thích thêm ở dưới) và là một nguồn năng lượng khổng lồ. Nếu chúng ta tính toán chi phí sản xuất và xử lý chất thải của các nguồn năng lượng này và đưa vào sản xuất trong thực tế, thì hóa ra nó tạo ra CO2 ít hơn khoảng 2-3 lần trong khi rẻ hơn đáng kể. Ví dụ: Nếu chúng ta thay thế một nhà máy điện hạt nhân bằng năng lượng tái tạo, chúng ta sẽ làm ô nhiễm môi trường và tốn gấp đôi số tiền xây dựng (không bao gồm nhà máy hạt nhân đã được xây dựng).
Rất nhiều người lo lắng khi thấy bất cứ thứ gì có chứa từ “hạt nhân”. Điều này làm tui rất buồn, tui nghĩ rằng nó xuất phát một phần từ sự thiếu hiểu biết và khả năng giật tít của bọn lều báo. Ví dụ, MRI (chụp cộng hưởng từ) trong bệnh viện có tên gọi chính xác là NMR, nghĩa là Cộng hưởng từ hạt nhân, nhưng mọi người sợ nó vì nó được gọi là hạt nhân và từ chối chụp chiếu mà không cần nghe giải thích. Vì vậy, họ gọi nó là MRI, nhưng thực tế hoạt động không khác gì NMR.
Bàn luận về các nỗi sợ nhà máy hạt điện nhân phổ biến:
Nó sẽ nổ!: Chà, luôn có một khả năng nhỏ một nhà máy sẽ nổ, nhưng chỉ nhỏ thôi nhé, tui không hiểu sao người ta phát hoảng lên khi nghe về mấy cái thống kê người chết, hay mấy cái số to to như mật độ phóng xạ, khả năng huỷ diệt của hạt nhân bùm bùm chíu chíu,…. . Trên thực tế, các nhà máy điện hạt nhân ngày nay vô cùng an toàn, với sự giám sát tuyệt vời và nhiều biện pháp bảo vệ, một thảm họa hạt nhân là điều dường như không thể xảy ra.
Nhưng còn Chernobyl thì sao!?!?!?!: Truyền thông đã làm lố lên rất nhiều. Tui không phủ nhận rằng đây là một bi kịch, nhưng về mặt khách quan, nó sẽ không bao giờ xảy ra trong một nhà máy điện hạt nhân hiện đại. Mọi thứ tại Chernobyl đã diễn ra theo một chiều hướng xấu nhất có thể. Kết quả là khoảng 4000 người đã chết. Chà, cúm giết chết 10.000 người chỉ ở Hoa Kỳ hàng năm. Số người chết do giao thông trên toàn thế giới là khoảng 1.250.000 người mỗi năm. Nhìn lại xem, thực sự Chernobyl bây giờ có tệ như người ta vẫn nghĩ không?
Chất thải hạt nhân là một thứ khủng khiếp: Vừa đúng và sai. Bạn thấy đấy, phóng xạ tồn tại trong tự nhiên, thậm chí chuối còn có chút ít phóng xạ (chúng có chứa kali). Chất thải hạt nhân được bọc trong các thùng lớn, làm từ thép, bê tông, v.v … Chúng không thể tự nhiên mà rò rỉ ra ngoài được, thùng bảo vệ rất bền, an toàn và được bảo quản tốt. Hầu hết mọi người chưa bao giờ đến nhà máy điện hạt nhân, tui đã từng đến lò phản ứng. Không cần bất kỳ biện pháp bảo hộ nào, bạn có thể ngang nhiên đi bộ trên bể nước với chất thải hạt nhân đang sôi lùng bùng ở lò phản ứng bên dưới (chuyến đi dành cho những người làm việc/nghiên cứu thực địa quan sát việc bảo trì lò phản ứng để thay viên nhiên liệu). Bức xạ không nhiều và chỉ có nước (vâng, chỉ là nước), rất nhiều nước. Điều lạ kỳ là nước nó có màu hơi xanh thôi.
Những gì mọi người không biết về năng lượng tái tạo:
Sản xuất năng lượng tái tạo không thân thiện với môi trường, không một chút chút nào hết. Silicon không phải được làm từ mỗi cát đâu, việc sản xuất nó rất bẩn. Photpho cũng thế. Cả titan nitrua và nhôm nữa. Không phải là tui anti Hoá học đâu. Nhưng để tinh chế silicon tốn rất nhiều năng lượng. Nhiều năng lượng, nhiều công đoạn, và nhiều nguyên liệu hầm bà lằng. Và dính vào đám đó đúng là thảm hoạ môi trường.
Năng lượng gió và mặt trời bổ trợ lẫn nhau, nhưng chúng rất không ổn định, phụ thuộc vào mùa trong năm và thời tiết. Nếu bạn sử dụng một chút thì ổn. Nhưng nếu bạn phụ thuộc vào nhiều, nó sẽ trở thành một vấn đề đấy. Con người sử dụng năng lượng vào lúc mình muốn, nên cần phải có nguồn cung để đáp ứng được ngay lập tức. Đây là lý do các cơ sở thủy điện lưu trữ bơm khổng lồ tồn tại. Họ sử dụng điện hạt nhân tràn vào ban đêm để bơm nước lên và trong mùa cao điểm sẽ xả nước để sản xuất điện trở lại.
Năng lượng tái tạo không thể gia tăng sản lượng. Cố gắng gia tăng bằng cách xây thêm nhiều turbine gió chỉ khiến tình hình trở nên tệ hơn mà thôi, cần rất nhiều pin để giúp lưới điện ổn định, rất rất nhiều ấy. Điều này sẽ khiến cho lithium bị cạn kiệt (T/N: nguyên liệu sản xuất pin). Chắc chắn điều này sẽ không xảy ra đâu.
Mấy cái ở trên không phải do tui xaolon mà ra đâu. Là thật đấy. Ví dụ: Pháp và Đức. Cả hai đều là những quốc gia phát triển, nơi mọi người quan tâm đến môi trường. Nhưng họ đã chọn hai con đường khác nhau. Đức sử dụng năng lượng tái tạo. Chủ yếu là gió, một phần nhỏ năng lượng mặt trời. Khoảng 35% tổng năng lượng của họ là năng lượng tái tạo, vậy tình hình họ sao rồi? Giá điện của họ rất là đắt, rất rất đắt. Gấp đôi giá năng lượng của Pháp. Vậy ít nhất họ không thải ra CO2 phải không? Đáng buồn là có. Và nhiều hơn cả Pháp, ngay cả khi đưa vào sản xuất. Điều tồi tệ nhất là khoảng cách này ngày càng lớn! Tại sao? Bởi vì năng lượng tái tạo không thể gia tăng sản lượng. Vậy Pháp đã làm đúng phải không? Tại sao năng lượng ở Pháp rẻ hơn và sạch hơn? Chính là do năng lượng hạt nhân. 72% sản lượng năng lượng của Pháp là năng lượng hạt nhân, cao nhất trên thế giới. Và Pháp đã chọn con đường đúng.
Vậy còn tương lai thì sao? Nghe nghiệt ngã quá.
Chà, có và không. Giải pháp ở dưới chủ yếu dựa trên suy nghĩ của tui, nhưng tui tin rằng thực tế cũng sẽ diễn ra như vậy. Trái Đất vẫn sẽ nóng lên trong tương lai gần. Hậu quả có thể tệ đến nỗi, chúng ta sẽ phải chấp nhận mất trắng nền văn minh xây dựng trong mấy triệu năm. Cách tốt nhất là sử dụng nhiều năng lượng hạt nhân nhất có thể, chỉ sử dụng các nguồn năng lượng khác khi cần thiết và đợi cho đến khi năng lượng hợp hạch được phát triển thành công. MÀ CHẮC CHẮN LÀ SẼ THÀNH CÔNG RỒI! Cứ ngồi đó lót dép mà hóng, sẽ là một thành tựu vĩ đại đấy!
Phản ứng hợp hạch phần nào đó trái ngược với các nhà máy điện hạt nhân. Các nguyên tử nặng được phân tách bằng neutron. Đây gọi là “Phân hạch”. Còn hợp hạch thì ngược lại, nó hợp nhất các nguyên tố nhẹ lại với nhau, giúp chuyển đổi khối lượng thành năng lượng. Điều tuyệt vời là phản ứng hợp hạch sử dụng hydro (deuterium và tritium – hai đồng vị không phổ biến nhưng dễ dàng khai thác từ đại dương và lithium, đủ để cung cấp năng lượng cho nhân loại trong hàng ngàn năm). Không có khả năng phát nổ, kể cả về mặt lý thuyết. Không có chất thải. Chỉ có năng lượng sạch và thuần khiết.
Nghe toẹt vời phải không? Vậy tại sao chúng ta chưa phát triển được nó? Nói thì dễ mà làm thì khó. Có nhiều phương pháp đã được đưa ra, nhưng đơn giản thì chúng ta cần tạo ra một mặt trời thu nhỏ (mặt trời sử dụng hydro làm nhiên liệu và thải ra helium (helium bắt nguồn từ helios, có nghĩa là mặt trời trong tiếng Hy Lạp cổ đại). Trong thập kỷ qua, năng lượng nhiệt hạch đã có một bước tiến dài và với ITER (T/N: Lò phản ứng Thí nghiệm Nhiệt hạt nhân Quốc tế) được xây dựng xong trong 5 năm nữa, cuộc vui sẽ bắt đầu. ITER là dự án đắt đỏ nhất từng được xây dựng trong lịch sử loài người và nó sẽ là lò phản ứng nhiệt hạch đầu tiên hoạt động và sản xuất năng lượng (mặc dù chỉ dành cho mục đích nghiên cứu, nhưng mà vẫn sẽ có ý nghĩa rất lớn). Vậy tại sao tui lại biết mấy điều này? Tui đã tham dự một số bài giảng từ các nhà vật lý ở CERN (T/N: Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân Châu Âu), và đã tìm hiểu về năng lượng hợp hạch từ rất là lâu rồi. Phản ứng hợp hạch là một thách thức công nghệ lớn, nhưng con người đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong các lĩnh vực liên quan, đủ để phát triển thành công loại năng lượng này. Hợp hạch sẽ rất đơn giản nếu chúng ta có thể sử dụng trọng lực, nhiên liệu chỉ cần tự ép vào nhau và phản ứng xảy ra. Nhưng mà con người không thể thao túng trọng lực nên chúng ta phải làm gì đây?. Chúng ta sử dụng plasma rất rất nóng (hàng triệu độ) và nén nó, điều này làm cho phản ứng hợp hạch bắt đầu, mới đầu thì dễ, phần khó là duy trì quá trình này. Nó nóng đến mức bạn cần phải giữ nó “bay” trong trường điện từ, và điều khiển độ dốc nhiệt độ khổng lồ (thay đổi nhiệt độ trong khoảng cách ngắn). Có rất nhiều thách thức phải vượt qua: cần nam châm khổng lồ và mạnh, phương thức bảo vệ hiệu quả, cáp siêu dẫn, vật lý hạt, vật lý plasma, robot hiện đại để bảo trì, v.v. Nhưng mà chắc chắn con người sẽ làm được. Vì là một nguồn năng lượng sạch và rẻ, nên nó có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề của nhân loại, tui cũng đang cực kì mong chờ nó đây. Những người giỏi nhất và tâm huyết nhất (hơn cả tui và ông đấy) đang chung tay phát triển loại năng lượng này.
Mặc dù không giải thích kĩ nhưng mà bài này dài hơn tui tưởng. Nếu mọi người hứng thú, tui sẽ viết thêm vài thứ nữa, cũng như là trả lời mấy câu hỏi thú vị của mấy ông. Cảm ơn mọi người vì đã đọc.
Tóm tắt: Năng lượng tái tạo không thể gia tăng sản lượng và sẽ không bao giờ đáp ứng được nhu cầu của nhân loại. Một thực tế đáng buồn là ngày nay con người chủ yếu dựa vào nhiên liệu hóa thạch, khiến tương lai dần đi vào ngõ cụt. Năng lượng hạt nhân rẻ hơn rất nhiều trong khi thân thiện với môi trường gấp 2-3 lần năng lượng tái tạo, hầu hết những gì mọi người biết hoặc nghĩ rằng họ biết về các nguồn năng lượng này đều sai và bị truyền thông dắt mũi. Ví dụ tốt nhất là tình hình thực tế của Pháp và Đức. Gần ba phần tư sản lượng năng lượng của Pháp là hạt nhân và là quốc gia thân thiện môi trường thứ 2 trên thế giới (thứ nhất về năng lượng sạch). Pháp thải ra ít CO2 trên mỗi kW điện hơn so với Đức (sự chênh lệch này đang tăng lên) trong khi có giá điện rẻ hơn khoảng hai lần.
EDIT: Tui sẽ trả lời nhanh một số câu hỏi của mấy ông.
Sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân: Những gì sẽ xảy ra khi một nhà máy điện hạt nhân phát nổ.
Trọng lực sẽ dừng hoạt động. Các lò phản ứng ngày nay được xây dựng theo cách này: Nhiên liệu hạt nhân nằm trong các thanh thẳng đứng trong lò phản ứng được bao bọc bởi nước. Phía trên, có một thanh điều khiển khổng lồ treo trên nam châm điện. Trong trường hợp có điều bất thường xảy ra, thanh điều khiển sẽ được thả ra và rơi vào lò phản ứng. Ở đó, chúng sẽ hấp thụ các neutron gây ra sự phân hạch và dừng phản ứng trong vài giây. Chúng cũng có thể được sử dụng để kiểm soát lò phản ứng bằng cách chỉ thả một số lượng nhất định vào lò phản ứng, điều này sẽ làm chậm quá trình phân hạch phóng xạ.
Chất thải hạt nhân: Đây là một vấn đề nan giải, giống như mọi người tưởng tượng. Chỉ cần chôn nó trong một vị trí cố định cách mặt đất vài km là ổn rồi. Về lý thuyết, đây không phải là giải pháp tốt nhất, có một vài giải pháp khác, chẳng hạn chúng ta có thể phóng nó thẳng vào mặt trời. Chất thải hạt nhân thực sự không gây ra nhiều vấn đề. Ngày nay, nó được lưu trữ chủ yếu trong các nhà máy. Những viên nhiên liệu sẽ được đặt vào các thùng chứa, phủ bê tông và sau đó có nhiều lớp khác ở trên. Bạn thậm chí có thể đi bộ xung quanh thùng chứa. Trừ khi ngày nào bạn cũng tới đây, còn không thì sẽ không có gì tồi tệ xảy ra.
Lò phản ứng Thorium thay vì Uranium: Thorium là một nguyên tố rất giống Uranium. Nhiều ông đã nhắc đến comment phía dưới và cho rằng nó an toàn hơn, điều này chỉ đúng một phần thôi và không tạo ra nhiều khác biệt khi sử dụng đâu. Tui nghĩ rằng Thorium vượt trội về mặt lý thuyết so với Uranium bởi mật độ làm giàu lớn hơn (khoảng 3x lần), dễ sử dụng hơn, v.v. Vấn đề chính là công nghệ nhà máy điện hạt nhân sử dụng Uranium đã được nghiên cứu kỹ lưỡng. Phải mất nhiều thập kỷ nữa để tất cả các nghiên cứu và tạo mẫu cho Thorium trở nên hoàn thiện để nó có thể được sử dụng đại trà. Vì chúng ta có đủ Uranium cho tương lai gần, tui nghĩ chúng ta nên sử dụng tiền để thúc đẩy nghiên cứu hợp hạch. Vào thời điểm chúng ta hết Uranium, thì chắc là Trái Đất lúc đó đã nóng như cái lò rồi nên kiểu gì cũng toang, trừ khi công nghệ năng lượng hợp hạch đã được đưa vào sử dụng.
EDIT 2: Nhiều người đã đề cập đến vùng đất bị ô nhiễm bởi Chernobyl. Đây là một số thông tin mà ông SunnyBunnyBunBun đã liệt kê. Trong tương lai, mực nước biển sẽ dâng lên ngày càng cao và xâm thực ngày càng nhiều nếu chúng ta không hành động để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu. Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, nhưng có thể tác động tới tương lai.
Để sản xuất 1 Megawatt điện, thì cần diện tích đất tương ứng như sau:
– Than: 12 mẫu Anh
– Khí tự nhiên: 12 mẫu Anh
– Điện hạt nhân: 12 mẫu Anh
– Điện mặt trời: 43 mẫu anh ! (gấp ~4 lần!)
– Điện gió: 70 mẫu Anh !! (gấp ~6 lần!)
– Thuỷ điện: 315 mẫu Anh !!! (gấp ~26 lần!!!)
Kém hiệu quả phải không? Và đó còn CHƯA tính đến chi phí sản xuất, xử lý và thay thế các nguyên vật liệu đấy (như tui đã nói, các tấm pin mặt trời được làm từ Silicon. Sản xuất và xử lý chúng không thân thiện với môi trường chút nào.)
Liệt kê từng thứ nào, có vẻ ít. Cộng lại nào, xem thử bao nhiêu. CỰC KÌ NHIỀU!!!! Y như hoá đơn đi siêu thị của mấy ông vậy, mua lẻ tẻ vài thứ nhìn ít đấy nhưng in bill ra thì éo tin nổi đâu. Theo báo cáo của MIT, để đáp ứng đủ 100% nhu cầu điện của Mỹ thì cần diện tích đất tương ứng sau:
– Điện mặt trời – 33,000 km vuông
– Điện gió – 66,000 km vuông
– Điện hạt nhân – 440 km vuông
Mấy con số trên không phải lỗi đánh máy đâu. Thực chất là điện mặt trời tốn diện tích gấp 75 lần điện hạt nhân. Điện gió còn khủng hơn nữa, gần 150 lần. Đừng nghĩ rằng nó không đáng kể, chiếm rất nhiều đất và ảnh hưởng nhiều tới đời sống sinh vật ở đó đấy.
Nguồn:
1: https://www.strata.org/pdf/2017/footprints-full.pdf
2: https://www.energycentral.com/…/how-much-land-does-solar-wi…
3: https://phys.org/…/2018-08-renewable-energy-sources-space-f…
Tui học kỹ thuật tại MIT, có 4 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
____________________
Link Reddit: https://www.reddit.com/f278uo/
____________________
Bài đăng của bạn Tuấn trong group:
https://www.facebook.com/groups/rvn.group/permalink/559168628326683
[Edit ảnh: Pomme de Terre]