u/LabratSR (180 points)
Điều gì đã thật sự xảy ra với chiếc máy bay bị mất tích của Malaysia?
Năm năm trước, một chiếc máy bay biến mất trong khu vực Ấn Độ Dương. Các quan chức trên đất liền biết nhiều hơn là những gì mà họ dám công bố.
____________________
Phần 3: Manh mối.
Ấn Độ Dương cuốn trôi đi cả vạn dặm bờ biển, nhưng chính xác bao nhiêu thì còn tùy xem bạn tính lượng số đảo như thế nào. Khi Blaine Gibson bắt đầu tìm kiếm những mảnh vỡ, ông không hề lên kế hoạch trước. Ông bay đến Myanmar bởi dù gì ông cũng đang định đến đó, và hỏi người dân những nơi mà mảnh vỡ thường trôi dạt vào. Họ chỉ ông đến hàng loạt bãi biển, và một ngư dân đưa ông đi bằng những cánh buồm. Ông tìm thấy vài mảnh vỡ, nhưng không cái nào thuộc MH370. Thế là ông đành nhờ dân làng giúp đỡ, để lại số điện thoại của mình và tiếp tục đi. Tương tự thế, ông đến đảo Maldives và chuỗi quần đảo Rodrigues và Mauritius mà vẫn không tìm thấy những mảnh vỡ cần tìm. Cho đến ngày 27 tháng Bảy, năm 2015. Gần 16 tháng sau ngày chiếc máy bay mất tích, một đội dọn dẹp bãi biển của đảo Réunion thuộc vùng hải ngoại nước Pháp đã phát hiện một mẩu cánh dài khoảng 6 feet bị sóng đánh dạt vào bờ. Đội trưởng Johnny Bègue nhận ra đây có vẻ là một mảnh cánh máy bay, nhưng chẳng biết là từ đầu. Đắn đo về việc có nên đặt mảnh vỡ lại để tưởng niệm và rải hoa xung quanh – nhưng rồi anh quyết định gọi báo tin cho nhà đài địa phương. Một đội hiến binh xuất hiện và nhanh chóng đem mảnh vỡ ấy đi. Người ta xác định rằng đây là một phần của một chiếc Boeing 777, dựa vào đoạn cánh lái được đính vào phần rìa cánh máy bay. Kiểm tra các số seri trên đó, người ta kết luận rằng đây là một mảnh vỡ của chiếc máy bay MH370.
Đây là vật chứng cần thiết chứng minh những suy đoán từng được đưa ra – rằng chiếc máy bay đã bị đâm sầm vào Ấn Độ Dương, dù vẫn chưa biết chính xác vị trí cụ thể và có thể cách xa hàng ngàn dặm về phía tây đảo Réunion. Thân nhân những hành khách trên chuyến bay bắt đầu từ bỏ mơ tưởng rằng biết đâu, người thân của họ vẫn còn sống. Một cú sốc cho tất cả, dù họ có thực tế và lý tính đến mức nào. Grace Nathan sụp đổ. Cô bảo tôi rằng cơ thể mình đã tê dại hàng tuần liền sau khi cánh lái được tìm thấy.
Gibson bay vội đến Réunion và bắt gặp Johnny Bègue trên bãi biển. Bègue vô cùng niềm nở. Anh chỉ cho Gibson thấy vị trí tìm được bánh lái. Gibson thử tìm kiếm các mảnh vỡ khác mà chẳng trông mong gì cho cam, vì chính phủ Pháp đã cử một đội tìm kiếm sau đó nhưng không có kết quả. Mảnh vỡ kia mất một khoảng thời gian dài trôi dạt qua Ấn Độ Dương, từ tây sang đông. Cánh lái vào bờ sớm hơn bởi vì một phần của nó có thể nổi trên nước và hoạt động như một cánh buồm.
Một nhà báo ở Réunion phỏng vấn Gibson về chuyến ghé thăm của vị điều tra viên độc lập người Mỹ này. Gibson mặc một chiếc áo T-shirt dành riêng cho những ngày đặc biệt. Rồi ông bay đến Úc, trò chuyện cùng hai nhà hải dương học – Chartitha Pattiaratchi của đại học Tây Úc và David Griffin, nhân viên của một tổ chức điều tra chính phủ ở Hobard và hiện tại đang làm tư vấn viên cho Ủy ban An toàn Giao thông Úc – cơ quan dẫn đầu cuộc tìm kiếm MH370. Cả hai đều là chuyên gia nghiên cứu các dòng hải lưu và gió ở Ấn Độ Dương. Griffin đã dành vài năm trong nghề để theo dõi những phao trôi, từ đó cố gắng xác định những đặc điểm trong chuyến trôi dạt của cánh lái đến Réunion – với hi vọng tràn đầy và phạm vi cuộc tìm kiếm dưới biển được thu hẹp lại. Yêu cầu của Gibson được xử lý dễ dàng: Ông muốn biết các vị trí mà các mảnh vỡ trôi có khả năng dạt vào. Câu trả lời là bờ bắc đảo Madagascar và sau đó là bờ đảo Mozambique.
Gibson chọn Mozambique vì ông chưa từng đến đây bao giờ và đây sẽ là quốc gia thứ 177 trong hành trình của ông. Ông đến một thị trấn mang tên Vilanculos vì nơi đây có vẻ an toàn và có bãi biển nên thơ. Lúc này là tháng Hai năm 2016. Hồi tưởng lại, khi ấy ông đã hỏi các ngư dân bản địa, và họ giới thiệu cho ông về một bãi đá có tên Paluma nằm rìa một rạn san hô, nơi mà các ngư dân thường đến đó thu gom lưới và phao trôi dạt từ Ấn Độ Dương. Gibson thuê một người lái thuyền mang tên Suleman để đưa mình đến đó. Họ tìm thấy hàng tá loại rác, đa phần là nhựa. Bất chợt, Sule gọi Gibson nhìn sang. Cầm trong tay một mảnh vụn màu xám hình tam giác dài khoảng 2 feet, anh hỏi, “Đây là của 370 sao?” Mảnh vụn kia có cấu trúc dạng tổ ong có chữ “no step” trên một mặt. Ấn tượng đầu tiên của Gibson là đây không thể là bộ phận của một máy bay cỡ lớn. Ông kể với tôi rằng, “Nên là lý trí tôi bảo rằng đây không phải mảnh vỡ máy bay đâu, nhưng con tim tôi lái mách bảo rằng đây đúng là từ máy bay đấy. Chúng tôi quay thuyền trở về. Và rồi chúng tôi gặp vài chuyện cá nhân. Hai con cá heo xuất hiện và đưa chúng tôi ra khỏi bãi đá – cá heo là linh vật của mẹ tôi. Khi tôi nhìn thấy chúng, tôi nghĩ thầm, đây hẳn là mảnh vỡ máy bay rồi.”
Dù là có ý định gì đi nữa, thì cuối cùng Gibson cũng đã đúng. Mảnh vụn – từ một thanh điều khiển ngang – được xác định gần như chắc chắn từ chiếc MH370. Gibson bay đến thủ đô Mabuto và trao tận tay mảnh vỡ này cho lãnh sự Úc. Rồi ông bay đến Kuala Lumpur, cùng lúc mà buổi tưởng niệm thứ hai diễn ra. Lần này, ông được mọi người chào đón như một người bạn.
Đến tháng Sáu năm 2016, Gibson bắt đầu chú ý đến bờ biển phía đông bắc xa xôi của Madagascar. Hóa ra ông đã trúng mánh. Gibson kể rằng ngay hôm đầu tiên ông đã tìm thấy ba mảnh, và vài ngày sau lại thêm hai mảnh nữa. Tuần kế đó, ở một bãi biển cách đó ba dặm, ba mảnh nữa được gửi đến cho ông. Mọi thứ diễn ra tiếp nối như thế. Người ta kháo nhau rằng ông sẵn sàng trả tiền để có được mảnh vỡ của MH370. Ông từng phải chi rất nhiều – 40 đô la – cho một mảnh vỡ, số tiền mà cả làng rượu chè cả ngày dài. Bởi lẽ rượu rum ở đây cũng rẻ bèo..
Rất nhiều mảnh vỡ được phát hiện chẳng liên quan gì đến chiếc máy bay. Nhưng trong hàng tá mảnh vỡ được xác định chắc chắn hoặc có khả năng cao là đến từ chiếc MH370, thì công lao của Gibson phải đến một phần ba. Một vài mảnh trong số đó vẫn đang được điều tra. Danh tiếng của Gibson vang xa đến nỗi David Griffin dù rất biết ơn người đàn ông này, vẫn quan ngại rằng giờ đây người ta bắt đầu thiên về tìm kiếm các mảnh vỡ ở hướng Madagascar, và có lẽ là ở các vùng xa xôi về phía bắc. Ông gọi sự lo lắng này bằng một cái tên: “Hiệu ứng Gibson.”
Sự thật cho ta thấy rằng, đã năm năm trôi qua và không ai có thể truy ngược vị trí ban đầu của những mảnh vỡ trôi dạt hay tìm được nguồn gốc chính xác ở phía nam Ấn Độ Dương. Kiên định với tinh thần tràn đầy, Gibson vẫn giữ hi vọng tìm kiếm những mảnh vỡ mới có thể lý giải cho vụ mất tích đáng ngờ kia – như là cháy nổ hệ thống gây ra hỏa hoạn, giả dụ thế, hoặc bằng chứng cho một vụ tấn công tên lửa – dù cho hồ sơ về vài giờ cuối cùng của chuyến bay đã loại trừ đi những khả năng đó. Rất nhiều phần của các mảnh vỡ do Gibson phát hiện đã kiểm chứng rằng các phân tích kỹ thuật trước đó hoàn toàn đúng. Chiếc máy bay đã bay sáu giờ trước khi gặp tử thần. Người điều khiển buồng lái lúc ấy không hề cố gắng tiếp nước nhẹ nhàng. Mọi thứ vỡ tan. Vẫn còn cơ hội, Gibson nhủ thầm, như tìm thấy một thông điệp trong một cái chai nào đó chăng – một mẩu ghi chú đầy tuyệt vọng của một anh chàng hay cô nàng nào đó nguệch ngoạc viết ra vào những giờ phút cuối cùng trước khi máy bay nổ tung. Dọc bờ biển, Gibson tìm thấy vài hành lý và ví tiền, tất cả đều trống rỗng. Tờ ghi chú gần nhất ông tìm được, ổng kể lại, là một lời nhắn được viết bên dưới chiếc mũ bóng chày, bằng tiếng Malaysia. Trên ấy viết rằng, “Gửi cho ai đó liên quan. Bạn thân mến, chốc nữa gặp tôi ở nhà nghỉ nhé.”
Phần sau: Âm mưu và giả thuyết, 21h ngày 23/01/2020.
____________________
Link Reddit: https://redd . it/c1mgew
____________________
Dịch bởi RDVN | https://rdvn . page/write