Điều gì đã thật sự xảy ra với chiếc máy bay bị mất tích của Malaysia?
Năm năm trước, một chiếc máy bay biến mất trong khu vực Ấn Độ Dương. Các quan chức trên đất liền biết nhiều hơn là những gì mà họ dám công bố.
____________________
Phần 4: Âm mưu và giả thuyết.
Ba cuộc điều tra chính thức đã được tiến hành đối với vụ mất tích của chiếc MH370. Cuộc điều tra đầu tiên mang quy mô lớn nhất, diễn ra một cách khắt khe và sử dụng trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến cùng nỗ lực tìm kiếm dưới nước của Australia, tập trung vào việc xác định vị trí những mảnh vỡ chính của chiếc máy bay nhằm mục đích thu hồi dữ liệu chuyến bay và bản ghi âm trong buồng lái. Trong đó bao gồm việc tính toán hiệu suất máy bay, phân tích các dữ liệu ghi lại được của radar và vệ tinh, các nghiên cứu về sự trôi dạt trên đại dương, nhiều phân tích thống kê và thí nghiệm vật lý về vật trôi dạt vùng biển Đông Phi – phần lớn tới từ Blaine Gibson. Cuộc điều tra đòi hỏi phải tiến hành nhiều hoạt động hàng hải phức tạp ở một số vùng biển khắc nghiệt nhất trên thế giới. Một nhóm tình nguyện viên tự xưng là Nhóm Độc Lập bao gồm các kỹ sư và nhà khoa học tìm thấy nhau qua mạng internet cũng tham gia vào nỗ lực tìm kiếm, và sự cộng tác của họ hiệu quả tới mức chính phủ Úc đã ghi nhận thành quả công việc của họ và chính thức gửi lời cảm ơn. Điều này chưa từng xảy ra trong lịch sử các cuộc điều tra về tai nạn trước đây. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm và tiêu tốn tới 160 triệu đô la, cuộc điều tra của Úc khép lại mà không có thành công. Tới năm 2018, cuộc điều tra lại được tiếp tục tiến hành bởi một công ty của Mỹ tên là Ocean Infinity, theo hợp đồng “không-thấy, không-lấy-tiền” với chính phủ Malaysia. Cuộc tìm kiếm sử dụng những thiết bị giám sát dưới nước hiện đại và tập trung vào một phần nghiên cứu mới của Nhóm Độc Lập mà có nhiều khả năng mang lại kết quả nhất. Tuy nhiên sau vài tháng, lại kết thúc trong thất bại.
Cuộc điều tra chính thức thứ hai là của cảnh sát Malaysia: tiến hành kiểm tra thông tin của tất cả các hành khách có mặt trên chiếc máy bay cũng như vài người trong số bạn bè của họ. Khó mà biết được quy mô thực sự của những phát hiện từ phía cảnh sát, vì kết quả của cuộc điều tra đã không được công bố toàn bộ. Báo cáo của cuộc điều tra này được đóng dấu tuyệt mật và giấu kín ngay đối với cả các nhà điều tra khác trong nước, nhưng sau đó đã bị rò rỉ ra ngoài từ nội bộ, và những điểm không thoả đáng đã trở nên rõ ràng. Đặc biệt, các báo cáo chần chừ trong việc tiết lộ tất cả những gì đã biết về phi cơ trưởng, Zaharie. Không một ai ngạc nhiên. Thủ tướng chính phủ đương nhiệm là một gã bê bối tên Najib Razak, người bị cáo buộc liên quan tới các vụ tham nhũng. Truyền thông Malaysia bị che đậy. Các nhà chức trách có lí do để thận trọng. Họ cần bảo vệ sự nghiệp, và thậm chí có thể là tính mạng của mình. Rõ ràng là nhiều quyết định đã được đưa ra để tránh dẫn hướng điều tra vào con đường trực tiếp liên hệ và có thể gây ảnh hưởng bất lợi cho Malaysia Airlines hay phía chính phủ.
Cuộc điều tra chính thức thứ ba không mang chủ đích xét xử về mặt pháp lý mà chỉ nhằm tìm ra nguyên nhân khả thi, dưới sự kiểm soát theo những tiêu chuẩn quốc tế cao nhất do một nhóm chuyên biệt liên quốc gia do chính phủ Malaysia thành lập đảm nhiệm. Cuộc điều tra là một mớ lùm xùm cẩu thả ngay từ những bước đầu tiên, khi bị phía cảnh sát và quân đội coi khinh, còn các bộ trưởng chính phủ thì coi đó là một mối đe doạ. Những nhà khoa học nước ngoài được gửi đến để gia nhập nhóm nghiên cứu rút lui ngay khi họ vừa đặt chân tới. Một chuyên gia Hoa Kỳ, khi nhắc tới giao thức hàng không quốc tế đáng ra được dùng trong quá trình điều tra về tai nạn, cho hay, “Phụ lục 13 được thiết kế cho những cuộc điều tra tai nạn ở những đất nước với nền dân chủ đáng tin cậy, còn ở những đất nước như Malaysia, nơi có bộ máy điều hành không vững vàng, độc đoán, quan liêu, hàng không thì thuộc quyền sở hữu của chính phủ và còn được coi là vấn đề ảnh hưởng tới thể diện của quốc gia, thì khó mà phù hợp và phát huy tác dụng.”
Một người theo dõi sát sao các diễn biến của vụ MH370 cho hay, “Dần dần mục đích của chính phủ Malaysia trở nên rõ ràng: họ muốn vụ việc chìm vào quên lãng. Ngay từ ban đầu, cách xử lý đã không có xu hướng muốn công khai minh bạch, không phải vì có những bí mật đen tối thâm sâu nào, mà vì chính phủ không biết sự thật nằm ở đâu, vì thế lo sợ trong quá trình điều tra sẽ để lộ ra điều gì đó đáng xấu hổ. Họ có che giấu điều gì không? Có. Họ che giấu điều mà chính họ cũng không biết là gì.”
Cuộc điều tra kết thúc bằng một báo cáo dài 495 trang, đáp ứng yêu cầu của Phụ lục 13 một cách qua loa. Bản báo cáo được nhồi nhét bằng những mô tả hệ thống có sẵn được bê ra từ một quyển hướng dẫn về Boeing 777 nào đó và không có giá trị về mặt kỹ thuật. Thực chất, bản báo cáo không có bất kỳ thông tin nào có giá trị về mặt kỹ thuật, vì bản công bố trước đó của phía Úc đã bao gồm đầy đủ thông tin có liên quan về tín hiệu vệ tinh và phân tích về sự trôi dạt trên biển. Báo cáo của chính phủ Malaysia không khác gì một bản trần tình mà đóng góp duy nhất là mô tả một cách thẳng thắn những sai phạm của bộ phận điều khí không lưu – có lẽ bởi vì một nửa trong số chúng có thể đổ cho phía Việt Nam, và bộ phận không lưu của Malaysia là đối tượng yếu nhất về mặt chính trị. Bản báo cáo được công bố vào năm 2018, hơn 4 năm sau sự kiện, nhắc lại sự thật rằng đội điều tra vẫn không có khả năng xác định nguyên nhân mất tích của chiếc máy bay.
“Ý nghĩ rằng một cỗ máy tinh vi với những trang thiết bị hiện đại cùng hệ thống liên lạc nhiều tới mức thừa thãi có thể cứ thế biến mất không còn dấu vết, thật ngoài sức tưởng tượng.”
Một kết luận như vậy là lời mời gọi cho các phỏng đoán và suy luận tiếp tục được đưa ra, ngay cả khi chúng không xác đáng. Dữ liệu vệ tinh cung cấp bằng chứng tốt nhất về đường di chuyển của máy bay và rất khó để tranh cãi, nhưng mọi người phải tin tưởng vào những con số để chấp nhận câu chuyện họ kể. Những nhà giả thuyết học đưa ra đủ loại kết luận, được phóng đại bởi phương tiện truyền thông, mà bỏ qua hoàn toàn dữ liệu vệ tinh, trong một số trường hợp còn phớt lờ cả hệ thống theo dõi radar, hệ thống máy bay, hồ sơ kiểm soát không lưu, các định luật vật lý của máy bay và những cấu trúc cơ bản của địa lý hành tinh. Ví dụ, một phụ nữ người Anh viết blog dưới cái tên Saucy Sailoress và sống bằng nghề bói bài Tarot đang đi du ngoạn khắp miền Nam Á với chồng và lũ cún cưng trong một chiếc thuyền buồm. Cô nói rằng vào đêm mà chiếc MH370 biến mất, họ đang lênh đênh trên biển Andaman và cô phát hiện ra thứ trông giống như một tên lửa hành trình đang tiến về phía mình. Quả tên lửa biến thành một chiếc máy bay tầm thấp với buồng lái sáng rực, ngập trong thứ ánh sáng màu cam kỳ lạ và để lại một vệt khói dài phía sau. Khi nó bay qua, cô cho rằng đó là một chiếc máy bay mang nhiệm vụ cảm tử chống lại một hạm đội hải quân Trung Quốc ở xa hơn ngoài biển. Lúc đó cô ta chưa biết về sự biến mất của MH370, nhưng vài ngày sau khi biết được điều đó, cô đã tự liên hệ rõ ràng sự kiện đó với những gì mình đã nhìn thấy.
Thật không thể tin được, có lẽ là vậy, nhưng cô ta cũng đã có một người theo dõi.
Một người Úc trong nhiều năm trời đã tuyên bố rằng mình đã tìm thấy chiếc MH370 bằng Google Earth ở vùng nước nông và còn nguyên vẹn. Anh này đã từ chối cung cấp vị trí chính xác bởi anh ta đang thực hiện gây quỹ cho một cuộc thám hiểm. Trên Internet, bạn có thể dễ dàng tìm thấy những tuyên bố kiểu như đã tìm thấy chiếc MH370 trong rừng rậm Campuchia, hay trên một con sông ở Indonesia, hay là giả thiết về việc chiếc máy bay rơi vào một nứt gãy thời gian hoặc một lỗ đen nào đó. Thậm chí còn có thông tin cho rằng chiếc máy bay đã được sử dụng để thực hiện một cuộc tấn công nhắm vào căn cứ quân sự Mỹ ở Diego Garcia nhưng không thành công do đã bị bắn hạ trước đó. Gần đây trên mạng lại rộ lên thông tin phi công trưởng Zaharie đã được phát hiện là còn sống và hiện đang nằm trong một bệnh viện ở Đài Loan với chứng mất trí nhớ. Chính phủ Malaysia đã tức giận và ngay lập tức phủ định thông tin trên. Đây là thông tin được đăng tải trên một trang web châm biếm thô bạo. Trước đó trang này còn đăng tải về việc một du khách Mỹ và hai người Sherpa khác đã bị tấn công tình dục bởi một sinh vật có hình dạng giống yeti ở Nepal.
Một cây viết ở New York tên là Jeff Wise đã đưa ra giả thiết rằng một trong những hệ thống máy móc trên máy bay đã được lập trình lại để cung cấp dữ liệu sai lệch, MH370 không hề hướng xuống phía Nam mà thực chất đã bay lên về phía Bắc, hướng về Kazakhstan nhằm đánh lạc hướng công tác điều tra. Wise gọi đây là kế “dương Đông kích Tây” và tập trung nghiên cứu xoay quanh viễn cảnh này, thậm chí mới đây anh còn phát hành một ebook để mô tả về giả thuyết của mình. Wise tin rằng người Nga đã đánh cắp chiếc máy bay để khiến cả thế giới phân tâm khỏi hoạt động thôn tính Crimea đang được âm thầm tiến hành. Song một điểm yếu trong những lập luận của Jeff Wise là nếu chiếc máy bay đã bay tới Kazakhstan thì tại sao người ta lại tìm thấy những mảnh vỡ của nó ở vùng biển Ấn Độ Dương. Wise đáp rằng, có lẽ chúng đã được thả ở đó.
Blaine Gibson là tay mơ trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông, nên khi mới bắt đầu tìm kiếm thì ông vô cùng ngỡ ngàng. Ông hồi tưởng lại, những kẻ bỡn cợt ồ ạt xuất hiện ngay khi ông vừa tìm ra mảnh vỡ đầu tiên – phần cánh lái có chữ “nostep” trên đó – và chúng lan truyền nhanh chóng sau đó, đặc biệt là khi bãi biển Madascar được phát hiện. Mạng internet kích động mọi người dù cho đó là phản ứng của những sự việc chẳng có gì nghiêm trọng. Người ta kiếm chác trên nỗi tai ương, khiến cho mọi việc trở nên kinh khủng. Gibson bị tố cáo là bòn rút các thân nhân và là một tên lừa đảo, một kẻ tìm kiếm sự chú ý, một gã nghiện, điệp viên Nga, điệp viên Mỹ hay bèo nhất cũng là một tên bịp bợm. Ông bắt đầu nhận được những lời dọa giết – những tin nhắn trên mạng xã hội và những cú điện thoại làm phiền bạn bè ông, đe dọa về một tương lai tối đen cho người đàn ông này. Một tin nhắn bảo rằng, hoặc là ông ngừng tìm kiếm mấy mảnh vỡ đi, hoặc là ông sẽ được rời khỏi Madagascar trên chiếc xe rồng. Một tin nhắn khác thì cảnh cáo, rồi ông sẽ chết vì ngộ độc polonium. Còn nhiều cái kinh khủng hơn thế. Không lường trước được điều này, và ông cũng chẳng thể gạt nó sang một bên. Những ngày gặp tôi ở Kuala Lumpur, ông theo dõi những lần công kích gần nhất nhờ có sự hỗ trợ từ một người bạn ở London. Ông kể lại, “Tôi từng mắc sai lầm với những gì xảy ra trên Twitter. Về cơ bản thì lũ người đó là những kẻ khủng bố trên mạng xã hội. Và họ đã thành công. Hiệu quả lắm.”. Và ông bị sang chấn tinh thần.
Đến năm 2017, Gibson xây dựng một quy trình chính thức cho công tác chuyển giao các mảnh vỡ: Ông sẽ gửi bất kỳ phát hiện mới mẻ nào cho chính quyền ở Madagascar, rồi họ đưa đến lãnh sự quán Malaysia để được gói ghém và chuyển về Kuala Lumpur để kiểm tra và lưu trữ. Đến ngày 24 tháng Tám năm ấy, viên lãnh sự quán bị ám sát, tên thủ phạm bỏ trốn trên một xe máy và chưa được tìm thấy. Một tờ tin tức Pháp cáo buộc rằng viên lãnh sự này có quá khứ mờ ám, và vụ ám sát anh ta không có liên hệ gì đến chiếc MH370. Tuy nhiên, Gibson lại cho rằng giữa hai sự kiện này có gì đó. Cảnh sát bắt đầu cuộc điều tra.
Đến tận bây giờ, Gibson vẫn hạn chế tiết lộ các điểm đến hay các kế hoạch du lịch, cũng như tránh sử dụng email và trả lời các cuộc điện thoại với cùng lý do. Ông thích Skype và WhatsApp vì tính năng bảo mật của hai cái này. Ông thường xuyên đổi thẻ SIM. Và ông tin rằng thi thoảng mình bị theo dõi và bị chụp ảnh lại. Không gì phủ nhận rằng Gibson là người duy nhất tự mình đứng lên, tìm kiếm chiếc MH370 và tìm thấy mảnh vỡ. Nhưng cái mảnh vỡ ấy đáng để giết một người là điều khó mà nghiêm túc tin tưởng được. Dù sao, việc đó cũng khiến cho người ta dễ dàng tin rằng những mảnh vỡ kia che đậy một bí mật đen tối và mưu đồ quốc tế nào đó. Chỉ là các bằng chứng – phần nhiều trong số đó đã được sáng tỏ – lại hướng ta sang một ngã rẽ khác.
Phần sau, Những khả năng, 21h ngày 24/01/2020.
____________________
Link Reddit: https://redd . it/c1mgew
____________________
Dịch bởi RDVN & Trần Phương Dung | https://rdvn . page/write