Mua vui khi ăn tiệc, viết truyện khi khỏa thân – Cuộc đời lập dị của đại văn hào Victor Hugo

Mua vui khi ăn tiệc, viết truyện khi khỏa thân – Cuộc đời lập dị của đại văn hào Victor Hugo
____________________

Nhân dịp Les Misérables (Những người khốn khổ) khởi chiếu trên kênh BBC, hãy cùng tôn vinh tâm hồn cá tính của nhà văn Victor Hugo, người được tôn sùng như thánh thần trên đất Việt, được gái bán hoa thủ đô Paris thương mến, và nổi tiếng vì trò mua vui với một quả cam.

Victor Hugo vốn được người đời tưởng nhớ vì những tác phẩm văn học vĩ đại, vì những hoạt động bác ái dưới cương vị thành viên Quốc hội Pháp, như đấu tranh chấm dứt đói nghèo, miễn học phí cho tất cả trẻ em và bãi bỏ án tử hình. Thế nhưng, vị đại văn hào này còn là một cá nhân đặc biệt lập dị và cực kỳ d.â.m đãng. Ông rất khoái sáng tác khi khỏa thân và sẵn sàng nhai cả quả cam để mua vui tại các bữa tiệc.

Phiên bản remake Những người khốn khổ của BBC hứa hẹn lật lại những gì ta ngỡ mình đã tường tỏ, đào sâu từ vở nhạc kịch cho đến những trang sách gốc. Nhưng nếu giờ ta còn đào sâu hơn để tìm hiểu về người đàn ông đằng sau những trang giấy ấy thì sao? Quý ngài d.â.m đãng Hugo (theo nhiều cách luôn đó) quả thực thú vị hơn so với những gì người đời biết đến nhiều.

Có hẳn tượng đài đánh dấu nơi nhà văn Hugo được thụ thai

Đặt chân đến đỉnh Mont Donon tại đất Pháp, bạn có thể thưởng ngoạn khung cảnh kỳ vĩ trải dài qua biên giới Pháp, Đức và Thụy Sĩ luôn. Thế nhưng, vào tháng Năm năm 1801, tướng Hugo cùng vợ lại chẳng khoái để ý đến cảnh vật nơi đây cho lắm… Và rồi, đến khoảng những năm 1960, một vị giám tuyển bảo tàng đã quyết định đánh dấu vị trí nhà văn Hugo được thụ thai với một khối sa thạch khắc chữ.

Nhà văn Hugo (lúc nào cũng là nhà kể chuyện đại tài) lại còn thêm mắm thêm muối cho câu chuyện: khu bảo tồn Celtic trên đỉnh núi lại thành ngôi đền tình yêu của người La Mã, còn ngọn núi ít ai biết đến kia lại biến thành núi Mont Blanc hùng vĩ hơn (mà cũng cao hơn 3000 ft nữa). Ông còn kể rằng mẹ mình là người phụ nữ mang nửa dòng máu Amazon hoang dã (bà thực chất được sinh ra ở thành phố Nantes).

Có lẽ, Hugo là gã trai ám ảnh nhục dục sung mãn nhất thế kỷ 19

Nhà văn Hugo khoái kể hoài câu chuyện thụ thai của bản thân có khi bởi lẽ: ông đắm cuồng trong giường chiếu. Chính ông kể rằng vào đêm tân hôn, ông cùng vợ Adèle Foucher đã mây mưa những chín cuộc. Người ta cho là bà Foucher sau đó chẳng còn đam mê chăn gối gì nữa – nhưng thành phố Paris vào thế kỷ 19 luôn có đủ nhà thổ giúp đại văn hào khỏa khuây từ sáng đến đêm. Dù được phong như một vị Thánh (chỉ trong đạo Cao Đài ở Việt Nam), khi Hugo qua đời, tất cả các nhà thổ tại Paris đều đóng cửa hẳn một ngày để tang, cho phép gái bán hoa cả thành phố lần cuối tỏ lòng tôn kính tới vị khách hàng trung thành. Nhà phê bình văn học Edmond de Goncourt còn khẳng định có tay cảnh sát đã kể ông nghe rằng các cô gái ấy còn lấy mảnh vải đen che bộ phận sinh dục như một nghĩa cử tôn trọng.

Hugo yêu tiệc tùng…

Gần như trong suốt đời mình, ngày nào Hugo cũng mời độ 30 vị khách đến ăn tối. Ông mua vui tại các bữa tiệc bằng cách tọng vào mồm nguyên quả cam, rồi lấp đầy đường vào hai bên má. Ông nhai tất cả trong miệng rồi nốc hai ly rượu anh đào trước khi nuốt chửng mọi thứ xuống dạ dày. Gọn ghẽ.

Để tưởng nhớ nhà văn, ngay cả lễ tang của Hugo cũng biến thành buổi tiệc; người đời tương truyền rằng chín tháng sau, thủ đô Paris đã trải qua một giai đoạn ngắn bùng nổ trẻ sơ sinh.

… nhưng ông còn đam mê danh vọng hơn cả

Có lẽ, giữ cho mũi đừng phổng tướng lên cũng khá khó khăn khi bạn nổi tiếng đến mức con phố bạn sống cũng được đặt theo tên bạn – trong những năm cuối cuộc đời, Hugo tịnh dưỡng tại chính Đại lộ Victor Hugo, và thư gửi đến đề tên ông là “Kính gửi Ngài Victor, tại đại lộ của ngài, thành phố Paris”. Trước đó, nhà văn sống 15 năm trên hòn đảo Guernsey thuộc Quần đảo Ven Biển, nơi ông sáng tác thơ ca và hoàn thành phần lớn tác phẩm Những người khốn khổ. Đại văn hào nổi tiếng đến mức người hâm mộ còn mang về những viên đá cuội ông từng giẫm lên để làm vật lưu niệm.

Vào bữa tối, Hugo sẽ ngồi liệt kê hàng loạt lý do vì sao ông xuất sắc hơn cả Balzac (1) hay Racine (2) và, tiện mồm nói luôn, tất cả các nhà văn Pháp khác. (Cái trò quả cam có khi lại là trò lừa bí mật mà các vị khách nghĩ ra để khiến ông phải ngậm miệng). Rồi đến năm 1882, nhân dịp mừng thọ nhà văn 80 tuổi, một ngày lễ quốc gia đã được ban hành, các buổi phạt ở trường học được miễn, và Hugo thì ngồi vẫy vẫy tay với đám đông lên đến 600,000 người lượn quanh trước cửa nhà mình.

Người hùng của những kẻ nghèo đói và khốn khổ lại chưa từng nghèo đói và khốn khổ bao giờ

Khi thương thảo với nhà xuất bản về nhuận bút cho cuốn tiểu thuyết Những người khốn khổ, Hugo đưa ra tuyên bố khét tiếng: ông muốn được trả số tiền nhiều hơn bất cứ tác giả khác khi viết sách. Tiểu sử gia David Bellos khẳng định rằng khoản tiền 300,000 francs (tương đương khoảng 3 triệu bảng ngày nay) mà Hugo nhận được vẫn là khoản nhuận bút cao nhất được trả cho một tác phẩm văn học.

May mắn thay cho nhà xuất bản, khoản đầu tư ấy cũng được đền đáp xứng đáng: tiểu thuyết Những người khốn khổ được mong ngóng đến mức công nhân thành phố Paris xếp hàng dài trước tiệm sách, mang theo cả xe cút kít để chất đầy sách mới mua, rồi bán lại cho đồng nghiệp để kiếm lời. Có lẽ đây không hẳn là giải pháp chống đói giảm nghèo nơi thành thị mà Hugo nghĩ đến…

Hugo giấu áo quần đi để ngăn bản thân không chày bửa trì hoãn

Khi đặt bút viết tiểu thuyết, Hugo dành phần lớn thời gian nhốt bản thân nghiên cứu chỉ với mình với giấy và bút mà thôi. Thật sự không còn gì khác. Có thể đây là bịa đặt, nhưng rất nhiều nguồn khẳng định rằng Hugo trút bỏ hết xiêm y và đưa cho người hầu, rồi dặn dò đừng có đem trả ông cho đến khi nào ông hoàn thành xong một chương sách.

Trong hồi ký, vợ Hugo kể lại ngày nhà văn viết tác phẩm Thằng gù nhà thờ Đức Bà, ông đã mua hẳn “một tấm áo choàng dệt kim xám khổng lồ, chùm lấy thân từ đầu đến chân, giấu kín chỗ quần áo quý phái để giữ bản thân khỏi thèm khát lao ra ngoài, rồi đắm chìm trong bộ tiểu thuyết của anh như thể cuốn truyện ấy là nhà tù vậy. Anh đã rầu rĩ lắm.” Bằng bất cứ giá nào.

(1) Honoré de Balzac: Nhà văn hiện thực Pháp lớn nửa đầu thế kỷ 19. Tác phẩm nổi bật gồm tiểu thuyết Tấn trò đời (La comédie humaine), Miếng da lừa (La Peau de chagrin)…

(2) Jean Racine: Nhà viết kịch nổi tiếng của sân khấu Pháp thế kỷ 17, chuyên viết thể loại bi kịch.
____________________
Bài dịch của bạn Pomme de Terre cho page RVN.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *