Tại sao người Pháp giỏi biểu tình thế?
Tôi liên tục thấy nhiều bài trên mạng xã hội nói rằng người Pháp là chuyên gia trong việc biểu tình. Tôi đã xem nhiều video và họ chuẩn bị rất kĩ lưỡng và có tổ chức. Rõ ràng là tôi có biết chút về Cách mạng Pháp, nhưng lịch sử các cuộc biểu tình ở Pháp là như nào vậy? Có phải do bị chính phủ đàn áp nhiều hay là người dân chỉ muốn thực hiện quyền biểu tình thôi?
____________________
Link Reddit: https://redd.it/gwd85b
____________________
Nói đơn giản là như này, người Pháp – cụ thể là người dân Paris – đã có bề dày lịch sử biểu tình chính trị, xuất phát từ những điều kiện khiến biểu tình (cũng như bạo động, hôi của và bạo lực quy mô lớn) vừa cần thiết vừa hiệu quả.
Trước Cách mạng 1789, hình thức biểu tình chính ở Pháp (ở các khu đô thị và nông thôn) là bạo động vì sinh kế. Thiếu hụt lương thực đã hoành hành Pháp cận đại: cho tới đầu thế kỉ 18, cứ vài thập kỷ là lại có một nạn đói giết chết hàng trăm nghìn, có lúc là hàng triệu người – ở thời điểm khi toàn bộ dân số Pháp nằm trong khoảng 20 triệu người. Lần cuối nạn đói xảy ra là vào mùa đông 1709-1710, khoảng 600,000 người (3% dân số) đã chết. Các cuộc khủng hoảng này thường xảy ra do thời tiết bất thường, từ đó dẫn tới vụ mùa kém, nhưng bị làm trầm trọng hơn bởi sự yếu kém trong quản lý tài nguyên, và tất nhiên là sự bất công giàu nghèo. Thiếu hụt thóc đã đẩy giá cả lên cao; giá cả tăng đồng nghĩa với việc đa số tầng lớp lao động, những người vốn đã bỏ ra một phần thu nhập đáng kể (lên tới 50%) cho bánh mì, đã không thể mua đồ ăn. Vì thế, dĩ nhiên là người dân đã bạo động.
Bạo động vì sinh kế thường được dựa trên quan điểm rằng thóc có mức phải chăng, và trách nhiệm của nhà vua (cùng các ủy quyền) là phải củng cố được cái mức giá đó. Điều này không sai: Ở giai đoạn cận đại không có thị trường tự do cho thóc (các cuộc thử nghiệm về tự do thương mại như năm 1774-1775 đã không kết thúc tốt đẹp), dự trữ thóc về mặt pháp lý là trách nhiệm của nhà vua. Thiếu hụt và giá thóc cao đã được coi là sự thất bại của hoàng gia, khiến người dân phải tự ra tay xử lý. Trong khi hôi của có xảy ra trong các cuộc bạo động này, nó lại ít phổ biến hơn cái được gọi là “ấn định giá”: lấy hàng hóa để trao đổi cho thứ đám đông coi là giá phải chăng. Nên tuy các cuộc biểu tình này là chiến lược để sống sót, rõ ràng chúng cũng có ý nghĩa chính trị: họ đang phản ứng trước sự thất bại của chính phủ bằng cách tự hành động thay cho chính phủ (phân phát thóc, điều chỉnh giá).
Bạo động vì sinh kế vừa là hiện tượng xuất hiện ở cả vùng nông thôn và đô thị, và nó là hình thức biểu tình chính trị chính ở các vùng nông thôn mỗi khi nguồn cung thì ít và giá thì cao. Dù bạo động sinh kế có xảy ra ở khu đô thị, các người dân thành phố – đặc biệt là người dân Paris – không chỉ có mỗi một hình thức biểu tình. Họ đã biết từ sớm rằng bên phe họ có lợi thế về mặt số lượng, và họ có thể dùng sức mạnh đám đông làm đòn bẩy để đạt được các mục đích chính trị nhất định. Có rất nhiều mục tiêu, thường là bao gồm việc ủng hộ một phe của chính phủ hơn phe khác – ví dụ như ủng hộ Parlement của Paris thay vì các bộ hoàng gia. Tuy Pháp là một nước quân chủ chuyên chế, Paris có nhiều phe phái khác nhau tranh giành quyền lực – với khả năng huy động đám đông thường được coi là quan trọng hơn việc nắm lấy quyền lực. Vào những năm 1770, người dân bạo động để ủng hộ Parlement – dẫn tới việc Parlement cũ được phục hồi. Vào năm 1789, bộ trưởng tài chính Necker với tín nhiệm cao đã bị bãi chức, và người dân đã biểu tình yêu cầu phục chức ông – bạn biết chuyện còn lại rồi đấy.
Người dân Paris có lợi thế về số lượng: Vào thế kỉ 18, Paris là một trong những thành phố lớn nhất thế giới, với dân số trong khoảng từ 500,000 tới 1 triệu người. Số liệu này mơ hồ không chỉ do không có một cuộc điều tra dân số chính thức, mà còn do một phần lớn dân số không ở hẳn tại thành phố: nhiều người di chuyển liên tục, tìm các công việc chân tay làm ban ngày hoặc người hầu hạ, cuối cùng thường phải chọn ăn mày khi không tìm thấy việc làm. Những người này không có nhiều thứ để mất và rất khó để nhận dạng, vì họ không gắn bó ở một khu dân cư, nên họ trở thành những người biểu tình xuất sắc.
Thêm nữa, Paris thế kỷ 18 có tỉ lệ dân biết chữ tương đối cao, nên người bạo động có thể dễ dàng chia sẻ bất bình và hợp tác với nhau. Các tấm áp phích viết tay được dán khắp thành phố mọi lúc: Nhiều cái quảng cáo hàng hóa dịch vụ, cái thì chia sẻ thuyết âm mưu (“âm mưu nạn đói” nổi tiếng), vài cái đe dọa cảnh sát, vân vân. Cảnh sát đã tiến hành theo dõi chặt với hi vọng ngăn chặn các cuộc biểu tình, nhưng cuối cùng họ đã bị áp đảo nặng nề về mặt số lượng, và tầm với của họ bị giới hạn. Hàng ngũ của họ cũng không phản đối việc gia nhập phe người bạo động nếu thấy phù hợp – đây là điều đã xảy ra vào năm 1789, dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của bộ máy cảnh sát.
Về cơ bản, khi Cách mạng Pháp diễn ra, người Pháp – cụ thể là trong Paris, nhưng cả lẫn các khu ngoài – đã có lịch sử biểu tình chính trị bạo lực có tổ chức. Thêm nữa, trải suốt thế kỉ 18, truyền thống đó đã được hiện đại hóa; nó đã được huy động để phục vụ cho nhiều mục đích chính trị đa dạng hơn là kế sinh nhai, và bắt đầu tiếp nhận chủ nghĩa dân tộc và quyền cá nhân được phổ biến bởi thời kì Khai sáng. Kết hợp với vụ mùa kém và sự thay đổi bộ máy chính trị cuối những năm 1780 đã tạo ra thời khắc Cách mạng, nhưng nó chưa dừng ở đó, như chúng ta đã thấy.
Rõ ràng tôi là người chuyên về thời cận đại và không thể nói nhiều về thế giới sau 1800, tuy vậy tôi vẫn thấy điểm chung liên kết các cuộc nổi dậy của Chế độ Cũ với các cuộc nổi dậy của thế kỉ 19, 20 (và giờ là 21). Tuy phải sống dưới các chính phủ đàn áp mạnh mẽ, người Pháp vẫn biết họ xứng đáng được hưởng gì, và sẵn sàng lấy được nó bằng vũ lực nếu cần thiết. Họ đã phát triển và tôi luyện chiến thuật của mình, sử dụng mọi công cụ có sẵn – chữ viết, môi trường đô thị (đá cuội làm đồ ném tốt lắm!), sự cảm thông của chính quyền địa phương.
Thêm nữa, và tôi không biết nhiều lắm nên có lẽ ai đó rành lịch sử hiện đại có thể bổ sung – ở thời hiện đại, tham gia các phong trào biểu tình đã trở thành một nghi thức của giới trẻ Pháp. Trong khi các cuộc biểu tình nổi tiếng thường là hiện tượng của tầng lớp lao động, với các sinh viên và giới trẻ thì yếu tố tầng lớp lại hơi khác. Người trẻ biểu tình không chỉ để phản đối kẻ áp bức mà còn phản đối quan niệm rằng bản thân họ phải trở thành kẻ áp bức – một hiện tượng biểu hiện rõ nhất vào năm 1968 nhưng trước và sau này cũng đã có. Người trẻ kiểu gì cũng sẽ ra biểu tình – vì họ tin vào mục đích, tất nhiên rồi, nhưng cũng vì đó là điều giới trẻ Pháp làm; đó là một phần văn hóa của họ.
Tham khảo thêm (chủ yếu nói về thế kỉ 18, xin lỗi vì dẫn nguồn không tử tế)
Cynthia Bouton – The Flour War: Gender, Class, and Community in Late Ancien Régime French Societ
Arlette Farge – Fragile Lives: Violence, Power and Solidarity in Eighteenth-Century Paris
David Garrioch – The Making of Revolutionary Paris
Steven Kaplan – Bread, Politics and Political Economy in the Reign of Louis XV
Steven Kaplan – The Famine Plot Persuasion in Eighteenth-Century France
Martin Klimke & Joachim Scharloth – 1968 in Europe: A History of Protest and Activism, 1956–1977
George Rudé – The Crowd in History: A Study of Popular Disturbances in France and England, 1730-1848
____________________
Bài đăng của bạn Tuan Anh Nguyen trong group:
https://www.facebook.com/groups/rvn.group/permalink/561282701448609
Formatted by https://rvnweb.site
[Tranh: La Liberté guidant le peuple]