Chiến tranh Việt Nam có phải là cuộc chiến giành độc lập không?
Tôi vừa tìm thấy một câu trong lớp nâng cao (Advanced Placement) hỏi rằng liệu Chiến tranh Việt Nam có giống như Chiến tranh Triều Tiên (nơi Hoa Kỳ chống lại sự bành trướng của Chủ nghĩa Cộng sản) hay nó là một cuộc chiến mang tính cách mạng giống như Cách mạng Hoa Kỳ (miền Bắc Việt Nam chiến đấu vì nền độc lập của họ). Tôi muốn biết rõ hơn về vấn đề này. Giáo viên của tôi nói đó KHÔNG PHẢI là để giành độc lập, còn tôi thì cho rằng Mỹ đã tiếp quản chiếm đóng Việt Nam sau khi người Pháp rời đi, nên đó là lý do họ muốn giành độc lập.
Ai có ý kiến hoặc tài liệu nào không? Nếu sai thì tôi muốn biết thêm về vấn đề này, nếu đúng thì hi vọng mọi người có thể cung cấp thêm thông tin cho tôi. Cảm ơn mọi người.
____________________
Link Reddit: https://redd . it/bpd27x
____________________
u/KippyPowers (33 points)
Thực sự mà nói, chương trình nâng cao chỉ toàn kiến thức sử sai lệch thôi. Và tôi tin rằng trường hợp này cũng vậy, hoặc ít nhất là còn quá đơn giản. Đây vốn là một chủ đề khá phức tạp do tình hình chính trị ở Việt Nam vào thời bấy giờ, nhưng tổng thể lại thì đó có thể xem như là một cuộc chiến giành độc lập. Không chỉ độc lập cho miền Bắc, mà còn cho cả miền Nam. Nhưng tôi không hoàn toàn công nhận đây chỉ là chiến tranh giành độc lập, nhưng vẫn có lập luận ủng hộ quan điểm này. Dù sao đi nữa, khi xét theo góc nhìn của người Việt thì đây không phải là cuộc chiến về Chủ nghĩa Cộng sản. Thực tế thì cả miền Bắc lẫn miền Nam vốn cùng thuộc một quốc gia, và chính phủ của cả hai miền đều muốn đại diện cho một nước Việt Nam độc lập. Thêm vào đó, bên cạnh các hoạt động đòi quyền độc lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì cũng có các tổ chức khác làm giống vậy, đơn cử như Việt Nam Quốc dân Đảng – đây là một tổ chức của những người theo chủ nghĩa dân tộc phi cộng sản, mục tiêu của họ là giành độc lập cho dân tộc. Tổ chức này có liên quan tới Trung Hoa Quốc dân Đảng.
Những cuộc chiến này (bao gồm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất chống lại quân Pháp và chiến tranh Đông Dương lần thứ hai giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Việt Nam Cộng hòa, có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ) đều liên quan đến chủ nghĩa thực dân. Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất chính là một cuộc chiến giành độc lập, đây là điều không thể chối cãi. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) tuyên bố độc lập cho Việt Nam vào năm 1945, và người Pháp bắt đầu gây chiến để giành lại thuộc địa đã mất của mình trong thời kì Đệ nhị Thế chiến. Song, chiến tranh Đông Dương lần hai thì lại phức tạp hơn do có liên quan tới chính trị. Tuy vậy, tôi tin rằng cốt lõi của cuộc chiến này chính là mong muốn có được quyền tự quyết của người Việt. Khi VNDCCH đánh bại Pháp vào năm 1954, mọi chuyện lẽ ra phải kết thúc vào thời điểm ấy rồi. Dù người Pháp đã thua cuộc và Hội nghị Geneva được diễn ra, nhưng phía VNDCCH lại chỉ có một vài đồng minh. Kết quả là họ đành phải chấp nhận thay đổi một vài điều khoản do áp lực từ phía Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa: thành lập một khu phi quân sự tạm thời và tổ chức một cuộc tổng tuyển cử giữa VNDCCH với chính phủ ở miền Nam vốn được người Pháp dựng nên. Cuộc tuyển cử này sẽ quyết định phía nào sẽ quản lý toàn bộ Việt Nam. Vào thời điểm này, Hồ Chí Minh đã thành huyền thoại ở nơi đây, phần lớn là nhờ bản Tuyên ngôn Độc lập do ông đọc vào năm 1945 và mối quan hệ tốt đẹp với nhân dân. Cho nên việc chính quyền của Hồ Chí Minh giành thắng lợi là tất yếu. Chính vì lẽ đó, Ngô Đình Diệm (khả năng cao là được cố vấn bởi Hoa Kỳ) đã giải tán chính phủ miền Nam hiện tại (Quốc gia Việt Nam) và thành lập Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Trên thực tế, điều này đã giúp Diệm lách qua được thỏa thuận ở Geneva, và đây là lý do chính khiến cho những sự kiện về sau diễn ra.
Có một số người nhầm lẫn rằng chiến tranh Đông Dương lần hai là nội chiến. Nguyên nhân cho sự hiểu lầm này có lẽ là do bản chất của sự can thiệp của Hoa Kỳ ở Việt Nam. Người Mỹ đã can thiệp vào đất nước này kể từ khi VNDCCH tuyên bố độc lập. Nói đúng hơn là từ lúc cuối chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, Hoa Kỳ đã viện trợ quân sự cho Pháp một khoảng rất lớn. Đây hoàn toàn không phải là từ một nước trung lập, Quốc gia Việt Nam là sự kết hợp giữa Pháp và vua Bảo Đại. Theo một cách nào đó (về mặt pháp lý), Quốc gia Việt Nam là một chính phủ thuộc địa, chính phủ này không phải là vì độc lập, mà nó chỉ là một phần của Liên hiệp Pháp. Kết quả là đời sau của chính phủ này, tức VNCH, cũng có một cơ số người Việt theo ủng hộ. Tuy nhiên, Quốc gia Việt Nam rõ ràng chỉ được thành lập theo phương thức thỏa hiệp (còn VNDCCH thì khác, Hồ Chí Minh vốn đã theo Chủ nghĩa Cộng sản từ trước đó hàng thập kỉ do bị các nước tư bản phương Tây từ chối hỗ trợ ông giành độc lập cho dân tộc; song, mối quan hệ giữa ông với Trung Quốc và Liên Xô thì không giống như kiểu một quốc gia thuộc địa). Ngay cả những người làm việc trong chính phủ Hoa Kỳ vào năm 1946 cũng nói rằng họ, người Pháp, cũng như các nước phương Tây nên can thiệp vào Việt Nam.
Một cựu giáo sư của tôi, chuyên nghiên cứu về Việt Nam vào thế kỉ 20, đã miêu tả tình hình chính trị ở Quốc Gia Việt Nam như thế này (theo góc nhìn của VNDCCH): hãy thử tưởng tượng đất nước của bạn bị chiếm bởi ngoại bang. Sau này, một tổ chức nào đó đã đánh bại đám thực dân và giành lại độc lập, nhưng thế giới lại chẳng công nhận điều ấy. Thay vào đó, đất nước bị chia thành hai nửa bởi những quốc gia khác, kiểu như bị phân thành hai miền Đông và Tây tách biệt vậy. Phía Tây được lãnh đạo bởi một kẻ bị thất sủng nhưng lại thân với phe thực dân, nói đúng hơn thì chính phủ phía Tây được thành lập bởi thực dân. Về sau, miền Tây còn được tài trợ thêm về tài chính lẫn quân sự (đối với trường hợp của Quốc gia Việt Nam thì kẻ được viện trợ chính là đời con của nó, VNCH) từ một quốc gia hùng mạnh khác, và cũng là đồng minh với lũ thực dân. Rõ ràng là phía Đông có trách nhiệm phải thống nhất toàn bộ đất nước về cùng một ngọn cờ. Đúng như thế, Quốc gia Việt Nam sau này bị thay thế bởi VNCH, một chính phủ quốc dân đích thực, nhưng vẫn nhận hỗ trợ quân sự cực kì lớn (ví dụ như vào năm 1966, có tới 350,000 lính Mỹ ở Việt Nam) từ một nước lớn bên ngoài. Từ những điều trên, liệu bạn sẽ gọi đây là cuộc chiến về Chủ nghĩa Cộng sản hay một cuộc chiến giành độc lập từ tay thực dân ngoại bang?
Chủ nghĩa Cộng sản cũng có ảnh hưởng lớn trong cuộc chiến này, vì VNCH là chính phủ chống cộng, song nó cũng không hẳn là một chính quyền bù nhìn (dù cho lịch sử hình thành của nó). VNCH vẫn có người ủng hộ. Cho dù đây không đơn giản chỉ là một cuộc nội chiến và nguyên nhân nó nổ ra là bởi sự can thiệp của nước ngoài, chứ không phải hoàn toàn là vì chính trị ở Việt Nam.
Có rất nhiều tập sách bàn luận về Cách mạng ở Việt Nam và về cuộc chiến. Cuốn “Thuyết cấp tiến và cội nguồn của Cách mạng Việt nam” (Radicalism and the Origins of the Vietnamese Revolution) của Hồ Tài Huệ Tâm đã nói về thuyết chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam bất kể lý lịch chính trị của người tham gia có là gì. Tương tự như thế, cuốn “Đam mê, phản bội, và Cách mạng ở Sài Gòn Thuộc địa: Hồi ký Bảo Lương” (Passion, Betrayal, and Revolution in Colonial Saigon: The Memoirs of Bao Luong) của bà cũng đã đưa cuộc cách mạng vào bối cảnh văn hóa xã hội. Tư tưởng cách mạng và cả cộng sản không chỉ là một hiện tượng ở riêng miền Bắc. Với Việt Nam trong thời hiện đại, cuộc cách mạng và những cuộc chiến sau đó được xem xét theo một cách song song. Theo những gì Christoph Giebel đã chỉ ra trong cuốn “Tiền bối tưởng tượng của những nhà Cộng sản Việt Nam: Tôn Đức Thắng và chính trị của lịch sử và ký ức” (Imagined Ancestries of Vietnamese Communism: Ton Duc Thang and the Politics of History and Memory), Bảo tàng Tôn Đức Thắng được xây dựng lớn ở thành phố Hồ Chí Minh là do khao khát của những nhà cách mạng miền Nam muốn được nhìn nhận như một phần thiết yếu của cuộc cách mạng, cuộc chiến cũng như khi thống nhất. Cuốn “Cuộc chiến thiêng liêng: Chủ nghĩa Dân tộc và Cách mạng ở một Việt Nam bị chia cắt” (Sacred War: Nationalism and Revolution in a Divided Vietnam) của Duiker tuy có hơi lỗi thời, nhưng các câu nói từ quan chức chính phủ Hoa Kỳ, những nguồn dẫn, cũng như các thông tin chung ở trong đó thì không hề lạc hậu chút nào, vì chúng chính là sự thật. Để gần gũi với lịch sử ngày nay hơn (về cả Việt Nam lẫn cuộc chiến), thì cuốn “Việt Nam, Một Trang Sử Mới” (Vietnam, A New History) của Christopher Goscha cũng rất đáng để đọc. Cuốn “Hồ Chí Minh – Một cuộc đời” (Ho Chi Minh, A Life) là một cách hay để biết về lịch sử và chính trị của ông.
>u/crrpit (3 points)
Ông có thể giải thích thêm một tý về phần “nội chiến” hoàn toàn không phải là tên gọi phù hợp được chứ?
>>u/KippyPowers (10 points)
Tôi nghĩ rằng cuộc xung đột này sẽ không thể nổ ra nếu không có sự can thiệp của nước ngoài. Và hậu quả của sự can thiệp này chính là cuộc chiến. Chính quyền miền Nam được thành lập bởi thực dân và một vị cựu hoàng đế. Khu phi quân sự vào năm 1954 thì lại không phải do người Việt dựng nên. Nếu không vì nước ngoài can thiệp, Đảng Cộng sản sẽ trở thành chính phủ hợp pháp vào 1945. Ngay cả trước đó, phe Cộng sản đã đánh bại những phong trào của phe dân tộc như Việt Nam Quốc dân Đảng, và sau đó là chiến đấu với Pháp. Đương nhiên, có một số người sau này đi về phía của Quốc gia Việt Nam, nhưng với bản chất của chính phủ ấy thì lại khác. Dù rõ ràng là có một cuộc nội chiến giữa người Việt với người Việt, nhưng tôi cho rằng nguồn gốc của xung đột này là do Chủ nghĩa Thực dân: Việt Nam bị chia cắt bởi ngoại bang chỉ vì những kẻ đó không chịu chấp nhận rằng Việt Nam đã tự mình giải quyết hầu hết các vấn đề của họ.
>u/Rittermeister (2 points)
[còn VNDCCH thì khác, Hồ Chí Mình vốn đã theo Chủ nghĩa Cộng sản từ trước đó hàng thập kỉ do bị các nước tư bản phương Tây từ chối hỗ trợ ông giành độc lập cho dân tộc; song, mối quan hệ giữa ông với Trung Quốc và Liên Xô thì không giống như kiểu một quốc gia thuộc địa]
Ông có thể mở rộng thêm về vấn đề này không? Tôi thường nghe hai câu chuyện khác nhau về cách Bác Hồ tham gia vào cộng sản, nên tôi sẽ rất mừng nếu biết về bối cảnh khi đó.
Chuyện A: Hồ Chí Minh là một người theo Chủ nghĩa Dân tộc, bởi vì các nước tư bản từ chối giúp ông giành độc lập cho Việt Nam, nên ông quyết định kết đồng minh với Liên Xô/Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa, do đó Hồ Chí Minh không hoàn toàn là người theo Chủ nghĩa Marx.
Chuyện B: Hồ Chí Minh đã đi theo Chủ nghĩa Cộng sản kể từ khi còn là một sinh viên ở Pháp, có nhiều thập kỉ làm thành viên của ban lãnh đạo Đảng cộng sản (Apparatchik) theo Chủ nghĩa Stalin ở Nga và Chủ nghĩa Mao ở Trung Quốc, sau đó sao chép hệ tư tưởng của họ ở Bắc Việt. Vì thế, Chiến tranh Việt Nam thực sự chỉ là một cuộc chiến được hai thế lực đối địch trên thế giới hậu thuẫn mà thôi.
>>u/KippyPowers (10 points)
Cái đúng là A. Hồ Chí Minh đã từng yêu cầu sự giúp đỡ của Hoa Kỳ vào thời tổng thống Woodrow Wilson, sau khi Đệ nhất Thế chiến kết thúc. Nhưng đã bị từ chối. Sự thật thì không có quốc gia phương Tây nào chịu giúp đỡ ông cả. Và đó là động lực chính để ông đi theo Cộng sản, vì Lenin có hứa rằng chống thực dân là một phần quan trọng của Chủ nghĩa Cộng sản. Hồ Chí Minh khi đó đã nhận ra: Trong mắt người phương tây, tự do và tự quyết chỉ dành cho những kẻ da trắng.
Khi mới thành lập, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng có những sai lầm lớn trong chương trình cải cách ruộng đất vào những năm 1950. Hậu quả là nhiều người đã chết và chương trình bị chấm dứt ngay sau đó. Cho nên tôi không nghĩ là VNDCCH đã phỏng theo hệ tư tưởng của Mao hay Stalin đâu. Những cái đó vốn khác nhau rồi.
Tôi thấy giận thay cho người Việt vì nhiều người đã coi CUỘC CHIẾN GIÀNH ĐỘC LẬP CỦA HỌ (dù là với miền Bắc hay Nam) là một trò chơi giữa các thế lực lớn. Người Việt Nam không hề nghĩ như vậy. Bất kì quốc gia nào trên thế giới khi có chiến tranh đều nhận viện trợ từ nước khác. Đương nhiên là tôi không hề vơ đũa cả nắm, tôi chỉ muốn nói rằng lối suy nghĩ như vậy thực sự làm tôi khó chịu.
____________________
Bài đăng của bạn Axelista trong group:
https://www.facebook.com/groups/rvn.group/permalink/546504289593117