Phim Mộc Lan của Disney dựa trên câu chuyện dân gian của Trung Quốc, nhưng có rất nhiều tình tiết lại mang hình tượng văn hóa Nhật Bản. Vậy là Disney làm sai hay là có những tác động văn hóa giữa hai nước vậy?
Ví dụ như đoạn đầu của phim, Mộc Lan có cách trang điểm khuôn mặt và trang phục giống như Geisha. Đoạn sau thì phân cảnh cánh hoa anh đào lại trở thành phép ẩn dụ quan trọng.
____________________
Link Reddit: https://redd.it/aqfahk
____________________
u/Lettow-Vorbeck (2.6k points)
Ừ thì trước hết cậu cần phải hiểu sự giao lưu văn hóa của Trung Quốc và Nhật Bản đã bắt đầu kể từ khi các sứ thần Nhật Bản đến Trung Quốc vào năm 607 sau Công Nguyên thời nhà Đường, thậm chí sự giao lưu văn hóa này còn diễn ra trước đó cơ. Nhật Bản bị văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng của Trung Quốc cuốn hút. Một ví dụ điển hình cho việc này là Nhật Bản thay vì xây dựng bộ chữ cho riêng mình nhưng lại chọn cách tiếp nhận chữ Hán và vẫn còn dùng đến ngày nay. Một vài từ còn có âm na ná nhau cũng như từ “thư viện” ở tiếng Trung, Nhật và Hàn ấy. Ví dụ hay ho khác là trà đạo Nhật Bản cũng được du nhập từ Trung Hoa bởi Sen no Rikyo vào những năm 1500, mà các loại trà cũng được nhập từ trước đó rồi. Phần lớn kiến trúc, nghệ thuật, triết học và thậm chí cả tín ngưỡng cũng ảnh hưởng nặng nề từ Trung Quốc.
Trang phục và thời trang của TQ nhìn chung rất thịnh hành vào thời kỳ Heian Nhật (795-1185) cho đến khi thời đại Edo bắt đầu, nhưng kimono thường được cho là sự cách điệu của Hán phục thời Đường. Trang phục thoạt nhìn giống nhau nhưng lại có sự khác biệt. Ví dụ như khi dựng lên, Kimono hiện đại sẽ có form đứng trong khi Hán phục sẽ mềm mại theo dáng người. Phụ nữ TQ cũng trang điểm bằng bột lên mặt trong rất nhiều triều đại lịch sử. Chỉ riêng về mặt này thì phim Mộc Lan không phải là không chính xác đâu, vì cung cách của Nhật và Trung đều gây bối rối nhất định khi Nhật vay mượn nhiều thứ từ thời trang của Trung mà.
Loài hoa trong phim là hoa mộc lan, có thể là mộc lan hồng. Đó là một biểu tượng ưa thích của TQ như NB thôi. Và nữa, Mộc Lan (Mulan) tron tiếng Trung cũng chính là tên loài hoa này 花木蘭. Vậy nên hình tượng đóa hoa thật ra rất sâu sắc khi người cha ban cho Mộc Lan đóa hoa đã bung nở.
Bộ phim dựa trên The Ballad of Hua Mulan, tuy cốt truyện về cơ bản là như nhau, nhưng bị chỉ trích nặng nề ở Trung Quốc vì thiếu tính chính xác của huyền thoại và lịch sử của câu chuyện gốc. Nó dường như bị Mỹ hóa đối với nhiều người Trung Quốc, nhưng tôi chưa từng nghe thấy những lời chỉ trích về việc nó giống Nhật. Tôi mong bạn đã có được câu trả lời cho câu hỏi của mình. Tôi đã nghiên cứu văn hóa Nhật Bản tại Nhật được hai năm rồi và tôi không nhớ có bất kỳ hiện vật/văn hóa độc quyền nào của Nhật Bản xuất hiện trong phim.
>u/cthulhushrugged (363 points)
TL;DR: Nhật Bản có tác động đến Trung Quốc một cách gián tiếp khi thông thương thời nhà Minh, các nước phương Tây muốn cơ số mặt hàng và Trung Quốc thì muốn bạc đổi lại, Nhật lại sở hữu những mỏ bạc khổng lồ nên lượng bạc đó đã được tuồn vào Trung Quốc. Lượng bạc vào TQ quá nhiều khiến cho đất nước này bị lạm phát => tiêu cực.
—
Câu trả lời này nói khái quát về những điều thớt muốn biết. Và nếu được thì tôi muốn bổ sung một số chi tiết về mối quan hệ văn hóa giữa Trung Quốc và Nhật Bản (Đặc biệt là nó liên quan đến câu hỏi tiếp theo của /u/the_apple_is_safe), nền giao lưu này phần lớn (gần như là toàn bộ ấy) là nền giao lưu văn hóa một chiều suốt chiều dài lịch sử.
Mặc dù thời đại hiện nay, Nhật Bản được nhìn nhận là đất nước xuất khẩu văn hóa mạnh mẽ nhưng chuyện đó mới chỉ xảy ra gần đây thôi. Cái nhìn của Trung Quốc đối với lãnh thổ Nhật Bản chỉ là một hòn đảo nhỏ không hơn, không có vai trò gì với thế giới. Mặc dù không có nhiều sự khác biệt về văn hóa nhưng Nhật Bản không có bất cứ nét văn hóa đặc biệt nổi trội như Trung Quốc với các đời Hán, Đường, Tống. Thậm chí ngay cả đến giữa thời Thanh, cái nhìn từ các nền văn hóa khác dành cho Nhật Bản cũng chỉ là “Hơ, lũ mọi rợ đó cố gắng đú theo nền văn minh của chúng mình nè, mà đương nhiên là thế rồi!”
Đây là một ví dụ điển hình và hài hước khi Càn Long gửi đến Vua George III (vâng, Vua George đó đấy hỡi những người hâm mộ Hamilton) vào năm 1793, sau khi nước Anh gửi một phái viên xấu số để cố gắng bắt đầu các mối quan hệ giao thương tốt hơn (ý kiến của tôi thôi nhé):
[Lược dịch lá thư:
– Hoan nghênh khanh đến tận hưởng văn minh của chúng ta, cảm ơn đã tặng quà trẫm nhân ngày sinh nhật và cảm ơn phái viên của khanh.
– Nhưng trẫm thích bế quan tỏa cảng hơn vì đất nước và nền văn hóa đại Thanh đã lớn mạnh và không cần giao lưu gì đâu.
– À này, ban thưởng cho này, quà quê đấy, quý lắm mới cho đấy!]
Lá thư này, mỉa mai thay khi ngay sau những lời từ chối phũ phàng (Càn Long cũng bế quan với nước Anh) tiếng Anh đã ngập tràn Trung Quốc, thuốc phiện Ấn Độ ở khắp nơi và cuộc chiến tranh giành ma túy xảy ra khiến triều đại này rơi vào lầm than và vị thế của Trung Quốc trên thế giới đã thay đổi.
Mặt khác, một trong những cách mà Nhật Bản ảnh hưởng đáng kể đến Trung Quốc trong thời kỳ tiền hiện đại không phải là văn hóa, mà là thương mại. Nhà Minh (1368-1644) cai trị Trung Quốc trong Thời đại Khám phá & Thực dân Châu Âu. Điều này dẫn đến nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc như lụa và lá trà tăng lên. Và những gì Trung Quốc muốn được trả lại là bạc. Mexico à nhầm New Spain sở hữu một ngọn núi bạc (về mặt nghĩa đen luôn ấy) mà người Tây Ban Nha đã khai thác đến kiệt quệ. Tương tự như vậy, vào thế kỷ 16, người Bồ Đào Nha đã đến và đánh một mốc là “argenti fodinante” (vẫn có nghĩa là ngọn núi bạc nhé). Điều này, kết hợp với một kiểu khai thác mới được gọi là phương pháp 灰 吹 hoặc Haifukiho dẫn đến Nhật Bản trong thế kỷ 16, từ một nhà nhập khẩu ròng bạc trở thành một nhà xuất khẩu ròng… và những thỏi bạc đi từ Nhật Bản, đến các phần thuộc Tây Ban Nha ở Philippines, sau đó chuyển thẳng vào kho bạc của nhà Minh – Trung Quốc để đổi lấy giao thương mà Tây Ban Nha muốn.
Nghe tuyệt nhỉ? Ừ… thì nó là việc khi bạn sở hữu một dòng tiền khổng lồ từ một thế giới xa lạ/Nhật Bản và dòng tiền đó tuồn vào vào một nền kinh tế khá khép kín (và một nơi về cơ bản mà nói có lịch sử lâu dài và có vấn đề về dòng tiền), thì bạn có thể tạo ra một lượng lạm phát đáng kể đấy. Ừ nhưng nếu như việc này được kiểm soát một cách hợp lý (thương thay, những năm 1500 đó cả Trung Quốc và Tây Ban Nha không tài nào tìm ra cách đấy), thì đã có thể gây bất ổn to to kể cả khi đối mặt với nền kinh tế lớn như thời Minh – Trung Quốc. Hẳn là Nhật Bản vô can khi nhà Minh phát triển vào những năm 1640… nhưng sự sụp đổ kinh tế vô tình thay là bởi Trung Quốc ngấu nghiến nhiều bạc nước ngoài (ở đây là Nhật) hơn và không thể kiểm soát được lượng bạc ấy. Vì vậy, đó có lẽ là “ảnh hưởng” đáng kể nhất mà Nhật Bản đã có đối với Trung Quốc (mặc dù là gián tiếp) trong thời kỳ tiền hiện đại …
…đối với Thời đại hiện đại, đó là một câu chuyện hoàn toàn khác.
>u/venuswasaflytrap (27 points)
Có thể coi phim này mang theo chất Mỹ không?
>>u/Pandalite (68 points)
Mộc Lan và tất cả các nhân vật khác đều hành xử như người Mỹ. Các trò chơi khăm, cảnh vị vua, v…v… Cô ấy đậm chất Mỹ, và chả có tính Trung nào cả. Họ cũng rơi vào những khúc mắc vô lý như là chạy trốn hôn nhân, con dế, hồn ma trong nhà, Mushu, và hàng đống kiểu mẫu Mỹ khác gắn lên Trung Quốc. Nhìn chung thì bộ phim này vẫn rất hay, đậm tính giải trí, nhạc tuyệt vời, nhưng nó không nói về một cô gái Trung Quốc. Mushu cũng chả phải rồng TQ luôn. Nhân vật duy nhất hành động kiểu Trung chỉ có ông bố mà đất của nhân vật này lại không nhiều.
https://www.baltimoresun.com/…/bs-xpm-1999-05-03-9905030250… cái này giải thích chi tiết hơn này: Mộc Lan quá ư là ích kỷ và bị phóng đại – cô ấy chỉ đơn giản chẳng phải người Trung. Hơi khó giải thích, ngại quá.
>u/_bronze (6 points)
Vậy chữ viết nào của Nhật được dùng trước khi có chữ Hán vậy? Họ có con chữ thất truyền như thế không?
>>u/GobtheCyberPunk (20 points)
Để làm rõ hơn về post này thì chưa có một bằng chứng nào cho thấy Nhật Bản có chữ viết riêng cho đến khi du nhập Hán tự của Trung Quốc vào năm 700.
Giả thuyết thường thấy nhất dể giải thích việc này là người Nhật sử dụng ngôn ngữ nói mà các quốc gia khác cũng dùng, và cũng lý giải cho sự hình thành ngữ pháp tiếng Nhật. Gần như tất cả các cú pháp đều được truyền tải bằng các từ hậu đề; sự kết nối các câu (hãy nghĩ như là động từ “to be” của chúng ta là từ nối chủ ngữ vị ngữ ấy) với các từ như là “desu”; và động từ là từ duy nhất có thể chia trong câu (chia theo thể động từ để thể hiện tâm trạng, phong cách…) Những khía cạnh này rất quan trọng vì phù hợp với ngôn ngữ xuất hiện trong xã hội nơi mà việc truyền tải thông tin rõ ràng bằng lời nói theo cách gần như trực tiếp.
Việc cân nhắc về ý nghĩ “Nếu không cần thiết không có chữ viết” khá là có ích đó nếu như bạn sống ở trong một nhóm người nhỏ lẻ, ngày qua ngày chỉ giao tiếp với người trong cộng đồng của mình, chẳng cần giao tiếp bên ngoài, thế nên chẳng cần viết đâu. Hệ thống chữ viết của Trung Quốc là một sự so sánh khác biệt khi việc ghi lại ngôn ngữ là cần thiết để cai trị một vùng đông dân nhưng khoảng cách địa lý lại xa nhau.
Xã hội Nhật Bản được biết là một môi trường nơi các nhóm gia đình nhỏ săn bắn và thu thập các loại thực phẩm khác nhau, khác với người hàng xóm Trung Hoa nhé. Ngay cả sau khi nông nghiệp được phát triển, mọi người vẫn thường dựa vào săn bắn, thu thập các loại hạt và ngũ cốc hoang dã, và đánh bắt cá để bổ sung vào nguồn thực phẩm chính hoặc thậm chí thay thế nông nghiệp của họ. Tại sao lại có hiện tượng này?
1. Có rất ít đất trồng trọt ở Nhật Bản, nó còn dễ bị cạn kiệt chất dinh dưỡng, xói mòn nhanh và bị lở đất do nạn phá rừng, còn cả lũ lụt hoặc hạn hán do thiếu các con sông.
2. Quặng sắt nghèo nàn. Sắt được nhập khẩu từ Hàn Quốc vì phần lớn các mỏ sắt ở Nhật Bản nằm dưới lòng sông, chất lượng lại kém nữa.
3. Không có việc chăn nuôi như gia súc trước khi giao dịch với Hàn Quốc và Trung Quốc, trong hàng trăm năm, chỉ có người giàu mới sở hữu được gia súc do chúng quá đắt. Nếu mùa màng thất bát, nhà bạn mà có con bò thì bò cũng thành thịt luôn.
Tuy câu trả lời có hơi dài, nhưng hãy biết rằng những từ được đem ra làm chứng cứ cho sự tồn tại của tiếng Nhật cổ (tức là trước khi kết thúc thời kỳ Nara năm 794 CE) là những danh từ được viết bằng các ký tự Trung Quốc cho ngữ âm và phần còn lại của bản viết trên những cổ vật đó là tiếng Trung Quốc cổ điển. Trong hàng trăm năm, giới quý tộc Nhật hầu như không quan tâm đến tiếng Nhật, họ đọc và viết tiếng Trung, vì họ tán thưởng sự tinh vi trong đó, giống như tán thưởng văn hóa Trung Quốc vậy.
>u/the_apple_is_safe (45 points)
Nghe như thể chỉ có Nhật bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc thôi nhỉ? Thím có cái nào nói về thời kỳ Trung Quốc bị Nhật ảnh hưởng không?
>>u/NegativeLogic (86 points)
Quan điểm của thớt cũng nhấn mạnh sự ảnh hưởng một chiều của mối quan hệ Trung – Nhật còn gì. Trung Quốc được coi như là anh cả trong nền văn hóa và kinh tế (trong khi Nhật thì từng rất nghèo) và bất cứ sự ảnh hưởng nào của Nhật Bản cũng đều là dạng “man di” nên chẳng đáng để du nhập. Nhật cũng là một xã hội khép kín ở nhiều góc độ suốt chiều dài lịch sử nên văn hóa của họ cũng khó mà tuồn ra ngoài được.
____________________