QUÊ EM ĐẤT ĐỘC

Dưới thời vua Lê Hy Tông có một vụ thảm án, trong đó hung đồ là … cả một làng.

Làng Đa Giá Thượng thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Trường Yên nằm trên con đường thiên lý Bắc – Nam. Cả làng này, kể cả chức sắc trong làng đều là cướp, chúng mở một khách điếm bên đò Khuốt sông Đáy để cho khách đường xa ăn uống và nghỉ lại. Chủ quán chuẩn bị rượu và đồ ăn có thuốc mê, khi khách đang ăn thì có người qua hỏi chủ quán:

– Nhà hàng mai có bò không, cho chúng tôi mượn với nhé!
– Có.
– Bò béo hay bò gầy?
– Bò béo!

Đây là ám hiệu, bò béo tức khách giàu có. Bọn chúng căn cứ theo ám hiệu mà có quyết định hành động hay không. Đêm đến khách hàng đang say giấc thì chúng xông vào, trói gô khách lại, lôi lên núi tống xuống hang Kẽm Trống rồi về chia nhau tiền bạc.

Vì hoạt động kín kẽ, chức sắc trong làng cũng hùa theo cả nên hơn 20 năm trời gây thảm án mà không hề lọt ra ngoài.

Chỉ sau này đến khi có một cặp vợ chồng đi qua đây, chồng bị giết chết, vợ bị bắt đem về làm áp trại phu nhân, hai năm sau cô trốn ra được liều mình đi tố cáo, thì quận công Lê Hải mới đem binh tới bắt được đám hung đồ. Số nạn nhân bị làng này giết hại không biết bao nhiêu mà kể, chủ yếu là những viễn khách đường xa, và người đi du ngoạn, xương trắng dưới hang chất thành đống.

Khâm định việt sử chép:

“Giáp Tuất, năm thứ 15, Thanh Khang Hi thứ 33 [1694]. Tháng Năm, mùa hạ. Bắt giết 52 người dân hung ác xã Đa Giá Thượng. Xã Đa Giá Thượng đường núi hiểm trở hẹp hòi, lại nhiều hang hốc. Dân xã ấy lập riêng khoán ước với nhau, đặt điếm canh, hễ có ai đi lại hoặc ngủ trọ, chúng nhân ban đêm đón đường giết chết, vứt xác vào trong hố mà cướp lấy của cải. Việc này đã trải hơn 20 năm, xương trắng chứa chất thành đống. Đến nay việc phát giác, triều đình sai Thạc quận công Lê Hải đi khám xét, bắt được đồ đảng 290 người, đem chém và bêu đầu 52 người hung ác đầu sỏ, còn những người khác đều đem chặt ngón tay rồi lưu đày viễn châu, xóa bỏ tên làng của xã này”

Đây không phải là vụ án duy nhất kiểu này, trong Vũ Trung tùy bút có một đoạn chép:

“Làng Ngọc Cục ở huyện ta, khi xưa truyền rằng vẫn thờ yêu hổ, phải bắt lấy người làm vật hy sinh để cúng. Cứ mỗi năm trong làng phải một người làm chủ tế. Người chủ tế phải lừa dỗ hành khách nào đi một mình bắt lấy đem giam ở hầm dưới đất, và đem mài da gót chân cho mỏng đi, đến khi tế thần thì đem giết người ấy thái nhỏ trộn lẫn với thịt trâu, thịt bò mà cúng. Cúng rồi thừa huệ cùng ăn, người nào gặp được miếng thịt người thì hí hửng lấy làm mừng, cho là cái điềm năm ấy được thuận lợi.

Sau này một người chủ tế, đem giam người ở hầm dưới đất thế nào, người ấy nhân lúc chủ nhà đi vắng trốn ra ngoài, nhưng gót chân bị mài mỏng không thể đi được nên đành phải bò mà trốn đi. Người ấy lên đến trấn thành mách tỏ sự ấy. Người làng Ngọc Cục phải lên chạy chọt đút lót quan Trấn tướng chuyện ấy mới yên. (Đút lót phát là yên =((((( )

Từ đấy trở đi tế thần phải giết trâu bò thay. Nhưng nếu bắt được người nào đi một mình, thì cũng vẫn đem giết để tế, đó cũng như cái tục Nhâm Ngao tế thần Xương Cuồng vậy. Từ năm Canh Thân (1740) trở về sau, cái thói ấy mới bỏ, nhưng hành khách đi qua làng ấy vẫn còn khiếp sợ.”

Tiến sĩ triều Thanh Thái Đình Lan, một du khách bất đắc dĩ trên con đường thiên lý Bắc Nam để trở về Trung Quốc cũng mô tả hành trình ám ảnh kinh hoàng của mình:

“Từ Quảng Bình đến Nghệ An khoảng 400 dặm, đất đai thấp ướt, đường trơn như mỡ, bùn lầy dính chặt chân không rút chân lên được, đồng không mông quạnh, hàng mấy chục dặm không thấy bóng một căn nhà nào, trộm cướp thường ẩn nấp trong các lùm cây rậm rạp khiến khách đi đường không thể không lo lắng đề phòng. Các nhà trọ thì thường bỏ thuốc độc hại người, khách ăn phải thuốc độc trộn với thịt bò thì vô phương cứu chữa.”
======================================
Cứ thế thì thấy, khi xưa du hành trên con đường Thiên Lý Bắc Nam là một cái chuyện hết sức phiêu lưu, không chỉ đường sá khó khăn, thú dữ lang thang, độc trùng rắn rết, mà cả khi đi đến được các làng mạc có người khéo còn nguy hiểm hơn nơi hoang dã.

Nói chung, quê em ngày xưa đất đã độc, người còn độc hơn

#VN #Đườngsá

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *