****
“Thuỷ binh của Tây Sơn tiến thẳng đến bến Tây Long. Chúa thân hành ra ngự trên lầu Ngũ long bày trận. ….
Quân Tây Sơn từ bãi sông tiến vào, chúa ở trên lầu sai nổi hiệu trống trận, hiệu Tiền bộ liền nổ súng bắn ra. Bắn được một hồi lâu, quân địch khom mình vừa tránh đạn vừa xông
vào. Chúa bèn mặc đồ trận, xuống lầu, trèo lên mình voi, cầm cờ đỏ chỉ ba cái, vẫy ba cái, rồi sai thúc trống làm hiệu cho quân lính tiến về phía trước. Quân lính nghe trống giục, trông theo lá cờ liều mạng tiến lên (Cương mục chép là quân sĩ nhìn nhau, không ai chịu tiến lên <(“) )
Bên địch dùng “hoả hổ” phun lửa bừa vào, quân lính nhà chúa đều sợ mất mật, bỏ cả khí giới ở bờ sông mà chạy thục mạng.”
Cương mục chép kết cục chính quyền hơn 200 năm của chúa Trịnh như sau : “bầy tôi, người thì bỏ trốn, người thì tan chạy, cũng không một người nào biết đến chúa cả.”
****
Lạm bàn
Toàn bộ chiến dịch trên 1 địa bàn trải dài hơn 500 km nhưng chỉ kéo dài 1 tháng mà đã tiêu diệt cơ bản 1 thế lực đã tồn tại hơn 200 năm ! Nhưng thực ra không khó hiểu.
Đàng Ngoài từ lâu đã gặp nạn kiêu binh, đến khi Trịnh Sâm chết rồi binh biến phế Trịnh Cán tôn Trịnh Khải, sau đó quân tứ trấn nổi lên thì quân sự đàng Ngoài đã coi như về số không dù sở hữu quân số hơn về số lượng, vũ khí hơn cả số lẫn chất lượng.
Nguyễn Huệ dụng binh cũng không nằm ngoài binh pháp cổ đại. Đánh kho lương – chỗ trọng yếu – để làm lung lay tinh thần quân địch. Dùng du binh để phản khách vi chủ, khiến địch bối rối ngay chính sân nhà. Cũng như nắm rõ yếu tố tốc độ – đánh nhanh, đánh bất ngờ.
Hơn nữa Tây Sơn đã vận dụng khéo léo hỏa khí của mình. Chỗ này mình bàn kỹ.
Như với hỏa hổ (hỏa đồng) dù nguyên lý đã có từ thời Tống !,lạc hậu hơn nhiều so với súng hỏa mai (sát thương hiệu quả ở khoảng 60 m) mà quân Trịnh Nguyễn hay dùng nhưng lại uy lực của nó khủng khiếp ở tầm gần – phun lửa cùng vô số mảnh đạn. Hỏa thương loại nhỏ chỉ có tầm bắn dưới 3m, hỏa hổ Tây Sơn có bầu dài khoảng 30 cm to hơn, trong Hỏa Long Kinh cũng miêu tả 1 loại hỏa đồng có ống dài tương tự, phun lửa khoảng từ 20-30 feet – như thế dưới 10m nên tạm phỏng đoán tầm bắn hỏa hổ Tây Sơn khoảng 10m đổ xuống.
Chưa kể, như bài cũ đã phân tích, thao tác bắn hỏa hổ khó khăn hơn nhiều súng hỏa mai – để bắn hỏa hổ thì 1 tay cầm ( hỏa hổ cũng không hề nhẹ), 1 tay châm lửa. Như thế không dễ ngắm bắn thẳng cũng như có độ chính xác cao, và tầm bắn xa.
Do đó, quân Tây Sơn chủ động vừa tiến quân vừa né đạn địch rồi đến gần mới bắn. Quân Trịnh đã yếu tinh thần, nay gặp làn lửa đồng loạt nên vỡ trận là điều dễ hiểu.
Tranh: Ấm Chè