Quang Trung – Gia Long nhận sắc phong như thế nàoNgày 13 tháng 4 năm Kỷ Dậu 1789…

Quang Trung – Gia Long nhận sắc phong như thế nào

Quang Trung – Gia Long nhận sắc phong như thế nào
Ngày 13 tháng 4 năm Kỷ Dậu 1789. Tổng đốc Lưỡng Quảng sai Thang Hùng Nghiệp mở cửa quan tiếp đoàn của Tây Sơn do cháu vua Quang Trung là Nguyễn Quang Hiển dẫn đầu đem theo các đồ cống phẩm vào chầu Càn Long và dâng biểu xin phong vương. Thế là chỉ mấy tháng sau, trấn mục tỉnh Lạng Sơn nhận được thông báo của quan hộ đạo Tả Giang tỉnh Quảng Tây họ Lâm cho biết “đại hoàng đế” đã có chỉ dụ phong cho Quang Trung làm vua nước ta và phái hai đại viên là chức quan hậu bổ tên là Đạo Thành và Tả đường phủ Nam Ninh là họ Vương mang đạo sắc và bài thơ ngự chế do chính tay nhà vua viết đến thành Thăng Long để làm lễ thụ phong.
Lúc đầu để thể hiện lòng nhiệt thành, nhà vua cho biết sẽ hoãn việc sửa thành Nghệ An để kịp ra Thăng Long vào trung tuần tháng 9, đón tờ sắc và thư của “đại hoàng đế”. Ông cũng đề nghị cho mở cửa quan từ thượng tuần tháng 9 để các đại viên nhà Thanh cũng đến vào dịp này và tỏ lòng cảm tạ ân sủng phi thường của vua Càn Long, coi đây là một “điển sách rất long trọng”. Nhưng về sau nhà vua lại có những lý do không thể đến Thăng Long được. Ông cho biết bị ốm, mắc chứng bệnh thương hàn, đã gượng ra đi đến huyện Đông Thành, bệnh cũ lại tái phát, phải quay về thành Nghệ An để điều trị. Ông ủy nhiệm cho con đẻ là Nguyễn Quang Thùy và các quan văn, võ là: Loan Hồi Đại, Ngô Thì Nhậm, Ngô Văn Sở ra Thăng Long thay ông đón các quan sứ mang tờ sắc lên đường vào Nghệ An rồi đến trước thành Phú Xuân để tuyên phong.
Tuy vậy sứ bộ nhà Thanh vẫn mực khăng khăng không chịu vào phía Nam tuyên phong để giữ thể diện cho “thiên triều”, một nước lớn và rất nhiều lần gửi thư ép vua nước ta phải gượng ốm ra Thăng Long nhận sắc phong.
Vậy vua Quang Trung nước ta có thay đổi ý định, ra Thăng Long nhận sắc phong hay không? Trong Đại Việt quốc thư không thấy có chỗ nào nói rõ buổi lễ nhận sắc phong này. Nhưng ta có thể biết sự việc qua các thư cảm tạ sau đây:
Thư của hai quan sứ trở về đưa cho quan tư mã Ngô Văn Sở (trích): “… Còn như lễ vật quốc vương gửi đưa cho tôi, tôi thiết nghĩ chơi với nhau gần một tháng, thật là thông cảm, trong khi chia tay, lại vâng nhã ý đưa cho vật phẩm, đã không được gặp để cáo biệt, bụng tôi không nguôi, nay lại sai người từ xa đem thư lại thăm, đủ rõ tình luyến ái của quốc vương, với hậu tình ấy, tôi càng thêm nghĩ ngợi…”.
Lá thư thứ hai viết cho Ngô Văn Sở (trích): “Ngày 29 xe ngựa chúng tôi đến cửa quan… lòng riêng vui vẻ, người này, người khác giống như nhau…”.
Thư của hai quan sứ trở về gửi cho vua Quang Trung (trích): “… Mấy hôm chúng ta lại thêm nghĩ ngợi, lễ tuyên phong đã thành, vôi vàng trở về không kịp giáp mặt để nói chuyện tương biệt… Tôi lúc mơ màng vẫn thấy quy mô khí tượng của quốc vương hơn vượt người thường… lại còn tặng cho nhiều vàng để giúp thêm cảnh sắc trong lúc đi đường, càng thấy là quốc vương hậu tình…”.
Khi mới thống nhất, Gia Long buộc phải giải quyết bài toán mà ông chưa từng có kinh nghiệm: quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Từ quá khứ của ông cha lúc muốn thành lập một nước mới vẫn phải nghĩ đến sự cầu phong, Gia Long biết không thể đi ra ngoài khuôn khổ cũ, mà truyền thống giao tiếp với phương Bắc lại nằm trong tay các nhân sĩ Bắc Hà, thuộc hạ mới của ông. Cần họ, ông đã lưu ý tha các sủng thần của Quang Trung: Phan Huy Ích, Nguyễn Gia Phan, Ngô Thì Nhậm. Vị trí triều đình của những vị quan này là chức Thượng thư, sự khoan dung độ lượng của Gia Long dường như khá hào phóng. Lý do là bởi vì Gia Long phụ thuộc vào họ trong việc đối ngoại với Trung Quốc.
Gia Long vào thành Thăng Long vào ngày 21/6/1802 (âm lịch) và ông rời Thăng Long vào ngày 27/9 năm đó. Gia Long gửi Lại bộ thiêm sự Lê Chính Lộ và Binh bộ thiêm sự Trần Minh Nghĩa lá thư cho Tổng đốc Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây) để đề nghị bắt đầu quá trình “bang giao”, và cho phép họ vào Nam Quan (trấn Nam Quan từ phía Trung Quốc) ở khu vực biên giới Lạng Sơn.
Vào thời điểm này, Gia Long đưa ra một đề nghị : “… cho rằng nước nhà mới dựng, muốn tiếp sứ nhà Thanh ở cửa ải, để làm lễ tuyên phong cho đỡ phiền phí, đem việc ấy hỏi Ngô Nhậm và Phan Huy ích, họ đều nói việc như thế từ trước chưa nghe bao giờ …”(ĐNTL)
Có phải là để giảm những phiền phí ? Đó cũng không thể là vì Gia Long không biết rằng chưa từng có vị vua nào có cuộc thăm viếng gặp gỡ ở Lạng Sơn.
Việc cầu phong lần này so với các lần trước của cha ông có vẻ “thoải mái” hơn nhiều. Gia Long nhận ra rằng nhà Thanh vốn sợ Tây Sơn từ trận Đống Đa, “…Sứ nhà Thanh là án sát Quảng Tây Tề Bố Sâm đến cửa Nam Quan. Trước là người Thanh bị Nguyễn Văn Huệ đánh thua, vẫn sợ thế giặc Tây Sơn là mạnh. Kịp khi nghe quân ta dẹp giặc, đánh đâu được đấy, lấy làm kinh dị…”(ĐNTL) khi nghe quân Nguyễn thắng. Cho nên khi nghe triều đình Thanh không chịu tên nước mới vì trùng với vùng đất của Triệu Đà xưa thì ông lên giọng: “không chịu thì không xin phong”. Sự thoả thuận chỉ đạt được nhờ một cách diễn giải khéo léo của nhà Thanh.
Có vẻ như Quang Trung và Gia Long đều chả mặn mà chuyện nhận sắc phong ở “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Vì sao vậy ?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *