“Mẹ hiền sinh con giỏi”, đó là những gì người đời sau hình dung về Quang Thục Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, một phi tần của vua Lê Thái Tông và là sinh mẫu của vị hoàng đế nổi tiếng trong lịch sử – Lê Thánh Tông. Hậu thế ghi nhận công lao to lớn của bà với 3 triều vua Lê sơ – thời kỳ hưng thịnh bậc nhất trong chiều dài lịch sử phong kiến nước ta. Phong quang, cao quý là vậy thế nhưng, ít ai biết, cuộc đời vị Thái hậu họ Ngô cũng phải trải qua không ít gian nan, họa hiểm.
Ngô Thị Ngọc Dao sinh ra tại làng Động Bàng, phủ Thanh Hóa, là con gái Dụ Vương Ngô Từ, một khai quốc công thần đã theo Thái Tổ Lê Lợi từ những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược.
Năm 1436, Ngọc Dao vừa tròn 16 tuổi, vì là con nhà lương gia nên được tuyển vào cung. Nhờ nhan sắc diễm lệ lại thận trọng ngôn hành nên bà được vua Lê Thái Tông yêu mến, phong làm Tiệp dư. Hậu cung của Thái Tông vốn chẳng yên bình, lúc này lại đang nằm trong tay Thần phi Nguyễn Thị Anh, người phụ nữ có không ít tâm cơ và tham vọng, thành ra càng hiểm nguy trùng trùng, khác nào đầm rồng hang hổ. Sử cũ chép lại rằng sau khi hạ sinh được một hoàng nữ, Tiệp dư Ngô thị đi cầu tự ở chùa Huy Văn, về liền nằm mộng thấy Thượng đế sai Kim đồng xuống đầu thai làm con bà. Sau dạo đó, bà phát hiện ra bản thân đã mang long chủng được một thời gian, lại thêm tin vào giấc mơ kỳ lạ kia nên thuận miệng mà đem kể với cung nữ thân cận. Tiếc thay tai vách mạch rừng, chuyện chẳng mấy mà đến tai Nguyễn thị. Bấy giờ, sau nhiều sóng gió, ngôi vị Thái tử đã thuộc về Bang Cơ – người con trai Thần phi sinh hạ. Cái thai trong bụng Ngô Tiệp dư lúc này đối với địa vị mẫu tử họ mà nói chính là sự uy hiếp lớn nhất. Nếu để nàng thuận lợi cho ra đời một quý tử, nội cung vốn đang tĩnh lặng tạm thời sẽ lại khó tránh khỏi phen sóng gió. Vì nỗi lo ấy, Thần phi không từ quỷ kế, hết vu cho Ngô thị tội đồng đảng với Huệ phi, âm mưu dùng tà đạo hãm hại Thái tử lại đồn thổi rằng đứa trẻ trong bụng nàng là một quái thai, khắc tinh của hoàng thất,… May thay, nhờ vào lời can gián của vợ chồng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ cùng mấy vị hoàng thân, Ngọc Dao mới giữ được một mạng, mang danh nghĩa đi cầu phúc mà lánh sang chùa Huy Văn trong thành Đông Kinh, ít lâu sau thuận lợi hạ sinh Hoàng tứ tử Lê Tư Thành. Tiểu hoàng tử thần sắc tuấn tú, trên trán lại mang vết sẹo ứng với giấc mộng Kim đồng khi xưa của mẫu thân. Kẻ mang thiên chức, sau ắt làm nên nghiệp lớn.
Khi Tư Thành mới được vài tháng tuổi, thảm án Lệ Chi Viên xảy ra. Thái Tông đột ngột băng hà, phu thê Nguyễn Trãi mang tội tru di tam tộc. Thái tử Bang Cơ lên ngôi kế thừa đại thống, còn Nguyễn Thị Anh giờ đây trở thành Hoàng thái hậu nhiếp chính, xuân phong đắc ý. Vài năm sau, phần vì địa vị đã vững, giang sơn tứ bề yên ổn, mẫu tử Ngô thị không còn là mối đe dọa; phần vì ăn năn chuyện xưa, bà cho đón vị Tứ hoàng tử về ăn học tại Kinh Diên cùng các vương thân, công tử, lệnh phong làm Bình Nguyên vương. Ngô Tiệp dư cũng được thăng làm Sùng viên, phụng sự ở Thái Miếu. Tương truyền, Tư Thành học tập chăm chỉ, sớm khuya không rời sách vở, được Tuyên Từ Thái hậu và vua Nhân Tông thập phần yêu quý.
Thế sự xoay vần, năm 1459, Lê Nghi Dân – trưởng tử của Tiên đế cùng đồng đảng đã thành công lẻn vào cung cấm, hành thích vua Nhân Tông cùng Thái hậu, chiếm lấy đại quyền. Tuy không bị hại nhưng sau biến cố này, Lê Tư Thành cũng phải cải hiệu thành Gia vương, sống giữa muôn vàn hiểm nguy.
“Nhẫn một chút sóng yên gió lặng. Lùi một bước biển rộng trời cao”. Lời răn dạy của cổ nhân quả đúng với mẹ con Ngô thị. Được ngự trên ngôi báu, ở vào vị trí của bậc cửu ngũ chí tôn là khao khát của biết bao kẻ trong thiên hạ. Huynh đệ hoàng thất tranh đấu, biết bao việc thảm cũng từ ấy mà ra. Đế vương bao đời, mấy ai không đa nghi. Muốn bình an mà sống không thể không khéo léo, cẩn trọng hành sự, lại càng phải an phận thủ thường, hoàn thành đạo nghĩa của một thần tử. Không thể giữ mạng, hỏi còn mong chờ gì ở tương lai?
Chín tháng sau tức tháng 6 năm Canh Thìn 1460 các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Lăng, Lê Niệm, Nguyễn Đức Trung, Ngô Khế… tiến hành binh biến giết chết Lê Nghi Dân, sau đưa Gia vương Lê Tư Thành lên ngôi, tức Lê Thánh Tông. Lên làm vua, Thánh Tông tôn sinh mẫu Ngô thị lên Hoàng thái hậu. Hoàng đế còn ra lệnh cho xây dựng Thuần Mậu đường ở làng Động Bàn để thờ tổ tiên bà. Ngô Thái hậu sau này cũng thường về đây ở, ăn chay niệm phật, một lòng hương khói cho tiền nhân. Tuy nay đã ở ngôi cao nhưng bà luôn lấy kiệm cần mà răn dạy người đời, lấy nhân hậu mà nhắn nhủ nhà vua, lấy đức hạnh mà hành xử với kẻ dưới, quả khiến muôn dân bá tánh vạn kẻ tán dương, người người kính phục.
Năm Hồng Đức thứ 27 (1496), bà cùng vua về Lam Kinh rồi mắc bệnh, Lê Thánh Tông và Thái tử Lê Tranh ngày đêm bên giường chăm nom chuyện thuốc thang, ăn uống. Ngày 26 tháng 2, Thái hậu qua đời, thọ 75 tuổi. Lê Thánh Tông đau buồn, truy tôn bà làm Quang Thục Hoàng thái hậu, đích thân lo việc khâm liệm, viết điếu văn.
Ngô Thị Ngọc Dao, tư chất cao quý thuần hòa, thông minh mẫn tiệp, lại sinh ra trong đại tộc vương hầu khanh tướng, số phận bà dường như được định sẵn là dành cho gia đình đế vương. Từ ngày nhập cung, cuộc đời Quang Thục Thái hậu có giây phút nào không vì cơ nghiệp họ Lê mà tận hiến, từ Thái Tông, Thánh Tông đến cả Hiến Tông sau này. Trời xanh cũng thật công bằng khi cho Ngô thị được hưởng những năm xế chiều bình an bên con cháu. Thế nhưng, để đi được ngày vén mây thấy mặt trời ấy, người phụ nữ yếu đuối ngày nào đã phải chịu biết bao gian khổ, thản nhiên đón nhận những điều tiếng, thị phi từ những người khác? Phu quân không mảy may tin tưởng, năm lần bảy lượt nghe lời ly gián, muốn tước đoạt mạng nàng cùng đứa con chưa chào đời. Kế đến lại là những năm tháng ẩn nhẫn, nơm nớp tựa đi trên tấm băng mỏng khi hoàng quyền liên tục đổi chủ. Đoạn kết viên mãn này, sau bao khổ cực đắng cay đã chịu, liệu có phải điều trong sơ tâm thuở ban đầu bà hằng mong mỏi? Hay chỉ là thứ phù phiếm bù đắp vào những vết thương bà từng phải mang mà thôi?