Xuyên đêm đánh gió, xoa dầu vì voi lăn ra ốm
Trưa một ngày gần giữa tháng 8, anh Uông Huy Hoà (50 tuổi), công nhân chăn nuôi tổ voi, hà mã (Vườn thú Hà Nội) ôm theo những bó cỏ tươi xanh mang cho 2 chú voi đang được chăm sóc nuôi dưỡng tại đây ăn. Cỏ vừa được đưa đến, hai chú voi tên gọi là Thái và Banang thích thú dùng chiếc vòi lớn vặt lá quật vào cơ thể để rũ sạch côn trùng sau đó cho vào miệng. Lúc này, anh Hoà cùng đồng nghiệp đứng cạnh trò chuyện, vuốt ve và xem chúng như những người bạn, thậm chí như con của mình.
Trong câu chuyện với PV Dân Việt, anh Hoà kể đã chăm sóc voi tại Vườn thú Hà Nội đến nay tròn 24 năm. Từng ấy năm gắn bó với loài động vật trên cạn lớn nhất này với anh có không ít kỷ niệm. Có những lúc anh Hoà phải trực cả ngày lẫn đêm vì voi bỗng chốc lăn ra ốm do thay đổi thời tiết. Cả hai cá thể voi được nuôi dưỡng tại đây có tuổi thọ 60-70 năm nên việc chú ý chăm sóc sẽ vất vả hơn.
Quản tượng kể chuyện mất ăn mất ngủ khi voi lăn ra ốm, trắng đêm đánh gió, xoa dầu. Clip: Gia Khiêm
“Loài vật không nói cho mình biết cần gì, thiếu gì nên những người chăm sóc phải tự học hỏi, nhìn nhận đánh giá tình hình sức khoẻ của chúng. Hai con voi được nuôi dưỡng bảo tồn tại đây đã cao tuổi chăm sóc vất vả hơn nhiều khi khối lượng thức ăn và chất thải rất lớn. Với tôi thì chăm sóc voi có rất nhiều kỷ niệm nhưng đáng nhớ nhất là chữa trị vất vả. Khi thời tiết miền bắc giao mùa voi rất hay bị chứng chướng bụng đầy hơi.
Nhiều hôm mất ăn mất ngủ canh voi cả đêm để quan sát xem voi có biểu hiện gì không. Rồi hôm đó anh em thay nhau đánh gió, xoa dầu cho voi. Vào mùa đông phải có biện pháp chống rét cho voi. Voi rất hay bị đầy bụng, vận động rất kém nên kể cả mưa gió chúng tôi phải cho ra ngoài vận động, xoa dầu, đánh gió. Có lúc thò tay vào sâu hậu môn, phân bắn tứ tung vào mặt mũi mình nhưng vì luôn xem chúng như con nên vất vả thế nào chúng tôi cũng không ngại, chỉ mong voi khoẻ lại”, anh Hoà tâm sự.
Chỉ vào chú voi Banang, anh Hoà cho hay đây là voi nhà. Thời điểm mới đầu được đưa từ Tây Nguyên ra, chú voi này có nhiều hạn chế như trước đây bị khống chế việc đi lại kể cả ăn uống. Khi được đưa ra Vườn thú Hà Nội các nhân viên phải chăm sóc để voi thích nghi dần dần, đặc biệt là khẩu phần ăn. Do vậy so với thời điểm ốm yếu ban đầu thì giờ Banang béo khoẻ hơn rất nhiều.
“Nếu voi về với tự nhiên không riêng gì quản tượng chúng tôi mà cả mọi người làm việc tại vườn thú sẽ rất buồn”
Chính việc chăm sóc, huấn luyện voi hằng ngày khiến anh Hoà và nhiều công nhân khác có tình cảm đặc biệt với voi. Anh nhớ có lúc không may bị trượt chân voi cũng giật mình tưởng anh bị làm sao đã đi tới sán lại gần. Anh hiểu rằng chúng như đang muốn thể hiện sự quan tâm tới người hằng ngày chăm sóc cho mình.
“Mùa hè ngoài sân bãi voi thường lấy bùn đất hất lên người để tránh côn trùng như ruồi, muỗi. Hàng ngày chúng tôi phải tắm sạch sẽ, voi to nên phải trèo lên lưng kỳ cọ thật sạch để khách tham quan trông đỡ bị bẩn. Những lúc tắm như thế chúng rất thích thú”, anh Hoà kể.
Trước thông tin mới đây, Tổ chức Động vật châu Á (Animal Asia) vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề xuất phương án đưa 2 con voi ở Vườn thú Hà Nội về vườn quốc gia Yók Đôn (Đắk Lắk), anh Hoà cho hay bản thân anh rất buồn vì đã gắn bó với voi bao nhiêu năm qua.
“Đây là khu trưng bày bảo tồn để khách tham quan mà nghe tin thông tin đề xuất như vậy không riêng gì quản tượng chúng tôi mà cả mọi người làm việc tại vườn thú sẽ rất buồn. Người dân đi vào hỏi voi đâu? voi đâu? chúng tôi không biết nói thế nào. Người dân không phải bỗng chốc mà đi hàng nghìn km vào Tây Nguyên để nhìn thấy voi tận mắt được. Voi giống như con mình, nhiều lúc về nhà nhất là mùa đông giá rét tôi cứ canh cánh trong lòng, chỉ sợ anh em gọi điện báo. Lúc đó chúng tôi phải tìm cách điều trị cho voi sớm khoẻ nhanh nhất”, anh Hoà nói thêm.
Anh Hoà cũng cho rằng, nếu đưa voi về tự nhiên anh rất lo lắng cho sức khoẻ của 2 cá thể voi vì tuổi đã cao. Anh là người chăm sóc hàng ngày, hiểu rõ tính nết của từng con, về thức ăn rồi chăm những lúc voi đau yếu cần can thiệp thú y.
“Tính của 2 con voi có lúc rất hung dữ, khác đàn nên có những lúc xung đột là không thể tránh khỏi. Vậy di chuyển với quãng đường xa như thế voi chắc chắn sẽ bị stress thậm chí rủi ro cao nhất là bị chết trong lúc vận chuyển, điều này không ai có thể nói trước được có hay không xảy ra.
Rồi về đến rừng khả năng hoà nhập với đàn là rất khó. Chúng chắc chắn không thể chủ động kiếm thức ăn ngay được vì quen được quản tượng cho ăn hàng ngày, thậm chí được cưng nựng như con. Còn những lúc đầy hơi chướng bụng thì ai là người can thiệp giúp… Quản tượng chúng tôi rất lo lắng cho sức khoẻ của 2 con voi này nếu bị ép buộc thả về rừng…”, anh trải lòng.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Sĩ Dũng, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vườn thú Hà Nội cho biết, tại Vườn thú Hà Nội, chức năng giáo dục bảo vệ môi trường rất lớn. Chắc chắn không phải trẻ nhỏ nào cũng nhìn thấy voi ngoài đời, xem kích thước thế nào, âm thanh nó kêu ra sao mà chỉ nhìn qua sách báo, ti vi.
“Tuy nhiên, ở vườn thú các em có thể tận mắt nhìn thấy, có thể biết voi là một trong những loài hiện nay đang cần được bảo vệ. Đó là giáo dục trực quan. Những người chăm sóc voi ở vườn thú cũng rất vất vả, thậm chí mất ăn mất ngủ khi voi trở bệnh”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, có những thời điểm voi ốm, các nhân viên thay nhau trực cả đêm. Có người ngồi trên lan can xuyên đêm chỉ để nhìn xem có gì bất thường không. Tất cả điều đó tạo ra kỷ niệm, cảm xúc giữa loài vật với con người.
“Nuôi voi khoẻ mạnh đó là công sức, thành quả của người lao động. Voi có làm sao thì quản tượng tâm tư lắm. Những hình ảnh công nhân vào chuồng dọn dẹp, cho ăn uống động vật hoang dã cọ vàongười, vuốt ve. Hình ảnh đó mang giá trị nhân văn, cảm giác đó không phải ai cũng có được, chúng tôi cũng không có chỉ có quản tượng họ có được”, ông Dũng chia sẻ thêm.