Quân Thanh xâm lược Việt Nam lần thứ hai: cuộc xâm lược ít được nói đến ( phần 2 )


Giai đoạn 1 của cuộc can thiệp quân sự của nhà Thanh vào Việt Nam đã kết thúc với sự thất bại và nhà Thanh buộc phải ký hiệp ước Thiên Tân với Pháp vào ngày 11/05/1884. Thông qua hiệp ước này, nhà Thanh buộc phải rút quân khỏi Việt Nam và công nhận hiệp ước về quyền bảo hộ tại Việt Nam mà Pháp đã ký với nhà Nguyễn trước đó. Tuy nhiên, hiệp ước Thiên Tân không ấn định chính xác ngày rút quân của nhà Thanh nên đã gây ra những biến cố sau đó. Trận tập kích Bắc Lệ mà quân Thanh và quân Cờ Đen nhắm vào quân Pháp tại Lạng Sơn đã thổi bùng sự giận dữ của Pháp vì người Pháp xem đây là sự vi phạm trắng trợn hiệp ước Thiên Tân mà nhà Thanh đã ký trước đó. Biến cố này gây nên một cuộc chiến lớn hơn nữa giữa nhà Thanh và Pháp, kéo dài gần 1 năm.
Link phần 1
https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1147740165577285/
**** Dù có những tranh cãi về chuyện nhà Thanh “giúp” hay là “xâm lược” Việt Nam, tác giả vẫn nghiêng về lập luận “xâm lược”. Nếu nói rằng đây là một cuộc “can thiệp quân sự” thì sẽ dễ nghe hơn nhưng can thiệp vì mục đích gì? Chắc chắn, nhà Thanh không đổ xương máu ra để vô tư giúp một đất nước mà họ từng tìm cách xâm lược. Về bằng chứng lịch sử, có những sự kiện cho thấy nhà Thanh muốn xâm lược Việt Nam hơn là giúp đánh Pháp.
Thứ nhất: Lý Hồng Chương đã giàn xếp với đại sứ Pháp tại Trung Quốc là Frédéric Bourée về việc phân chia miền Bắc Việt Nam mà nhà Nguyễn hoàn toàn không hay biết. Sự giàn xếp này chỉ đổ bể sau khi chính phủ Jules Ferry lên nắm quyền và quyết tâm chiếm trọn Việt Nam, không chia phần với nhà Thanh.
Thứ hai: Quân Thanh vào Việt Nam giai đoạn đầu lên đến hơn 50000 quân và cộng thêm cả quân Cờ Đen trên danh nghĩa “giúp” Việt Nam đánh Pháp, đóng khắp các tỉnh miền Bắc, đông nhất tại Sơn Tây, Bắc Ninh nhưng lực lượng này chỉ án binh bất động. Thậm chí, quân nhà Thanh còn bị cho là ăn chơi hưởng thụ. Khi quân Pháp đến thì quân Thanh tan vỡ nhanh chóng. Biểu hiện của quân Thanh giống như một đội quân xâm lược hơn là một lực lượng đến để giúp.
Thứ ba: bản tấu của tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Thụ Thanh với vua nhà Thanh cho rằng: “nước Nam và nước Tàu tiếp giáp với nhau mà thế lực nước Nam thật là suy hèn, không có thể tự chủ được nữa, vậy ta nên mượn tiếng sang đánh giặc mà đóng giữ ở các tỉnh thượng du. Đợi khi có biến thì ta chiếm lấy những tỉnh ở về phía bắc sông Hồng” – Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim, 1919. Đây là một bằng chứng cho thấy tham vọng xâm lược của Trung Quốc.
Thứ tư: ghi chép về thái độ của triều Nguyễn về việc quân Thanh vào Việt Nam “Nước ta ở giữa hai nước lớn. Đối với nước Thanh thì nước ta là kẻ phiên phục ngàn năm, theo nghĩa không thể nào đoạn tuyệt. Mà đối với Pháp lại là nước xa lửa gần, thế buộc không thể dừng được, chi bằng cứ đứng trung lập, đợi hai bên hành động thôi” Đại Nam thực lục chính biên. Sử quan triều Nguyễn. Ghi chép này cũng cho thấy sự bất lực của nhà Nguyễn trước việc nhà Thanh vào Việt Nam.
Thứ năm: Ông Phạm Thận Duật và phái bộ được triều đình Huế cử sang Thiên Tân năm 1882 để đàm phán với nhà Thanh về việc liên kết chống Pháp, tuy nhiên, việc đi sứ này đã không mang lại kết quả nào. Do đó, không có một hiệp ước nào giữa triều đình Nguyễn và nhà Thanh về chuyện quân Thanh vào Việt Nam để phối hợp đánh Pháp. Và việc quân Thanh vào miền Bắc sau đó cũng nằm ngoài sự kiểm soát của nhà Nguyễn. Họ vào rồi, bao giờ sẽ rút đi? Đây rõ ràng là một câu hỏi rõ ràng về chuyện quân Thanh vào để “giúp” hay để xâm lược.
Tóm lại, với những dữ kiện trên, có thể lập luận nhà Thanh vào Việt Nam để “chia phần” với quân Pháp hơn là để giúp người Việt đánh Pháp. Chỉ khi họ bị quân Pháp tấn công quyết liệt thì họ mới bắt đầu chống trả, đặc biệt là sau việc Pháp tấn công vào lãnh thổ của chính nhà Thanh. Đúng với ghi chép của Đại nam thực lục chính biên, nước Việt Nam khi đó giống như bị giằng xé giữa hai con hổ đói và cả hai đều là kẻ xâm lược. Điều đáng ngạc nhiên là một cuộc chiến lớn của Trung Quốc trên đất Việt Nam lại hoàn toàn không được sách giáo khoa nhắc đến mà chỉ tóm gọn trong vài dòng liên quan đến quân Cờ Đen. Đây là một sự thiếu xót nghiêm trọng và gây nên những lầm lẫn trong tư duy của quần chúng đối với sự tham chiến của một lực lượng nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam. ****
—————————————-
Trong giai đoạn 2, cuộc chiến không chỉ diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam mà đã mở rộng ra trên mặt biển và lãnh thổ Trung Quốc. Hải quân Pháp đã đánh bại hạm đội Nam Hải của Trung Quốc và đánh vào một loạt hải cảng lớn như Phúc Châu, Trấn Hải. Quân Pháp cũng chiếm một số hòn đảo của Trung Quốc, bao vây Đài Loan và phong tỏa vùng biển phía Nam Trung Quốc. Trên lãnh thổ Việt Nam, chiến sự tiếp tục nổ ra chủ yếu tại khu vực giáp với biên giới Trung Quốc. Khởi đầu bằng một số trận đánh nhỏ như trận Kép ( ngày 2 đến ngày 15/10/1884), trận giải vây Tuyên Quang lần 1 ( ngày 19/11/1884).
Sau đó, chiến sự nổ ra lớn hơn với trận núi Bóp ( ngày 3-4/01/1885), 12000 quân Thanh đóng tại núi Bóp đe dọa căn cứ chính của quân Pháp tại Chu và có thể đánh tạt sườn chủ lực của quân Pháp tại Lạng Sơn. Trong trận này, 2000 quân Pháp đã đánh bại quân Thanh. Đến đây, trong nội bộ quân Pháp nảy sinh mâu thuẫn giữa hai chiến lược: hoặc là chỉ giữ vùng đồng bằng sông Hồng, hai là đuổi quân Thanh khỏi các tỉnh biên giới để chiếm toàn bộ miền Bắc. Vì mâu thuẫn này mà bộ trưởng chiến tranh Pháp Campenon đã phải từ chức, thay thế ông này là tướng Jules Lewal, người quyết tâm đuổi quân Thanh khỏi Việt Nam.
– Chiến dịch Lạng Sơn từ ngày 3 đến ngày 13/02/1885 với sự tham gia của hơn 11000 quân Pháp và 20000 quân Thanh, một trong những trận giao tranh lớn nhất trong lịch sử tại tỉnh Lạng Sơn. Kết quả là sự thất bại của quân Thanh nhưng họ vẫn không rút lui hoàn toàn khỏi Lạng Sơn. Quân Pháp phải tiếp tục đánh quân Thanh trong trận Đồng Đăng để truy kích quân Thanh đến tận Quảng Tây. Điểm đặc biệt trong trận này là quân Pháp đã cho nổ tung “Ải Nam Quan”, và tướng Pháp De Négrier đã dựng một tấm bảng bằng gỗ trên tàn tích của “Ải Nam Quan”, được viết bằng tiếng Trung Quốc với dòng chữ “Không phải là những bức tường đá bảo vệ biên giới, mà là sự thực thi một cách trung thành các hiệp ước”. Điều này gợi nhớ lại gần hai ngàn năm trước, Mã Viện đã dựng một cột đồng tại biên giới để nhắc nhở người Việt về sự đô hộ của Trung Quốc, giờ đây, người Pháp lại cho dựng nên một tấm bảng để nhắc nhở người Trung Quốc về việc thực thi các hiệp ước về phân định biên giới.
– Tại mặt trận Tuyên Quang, một nhóm nhỏ khoảng 600 lính Lê Dương Pháp đã cầm cự một cách ngoan cố cuộc bao vây kéo dài gần 8 tháng của hơn 12000 lính Thanh và quân Cờ Đen. Để giải vây cho lực lượng này, quân Pháp đã tiến hành trận Hòa Mộc ngày 2/03/1885 đánh bại hơn 6000 lính Thanh và quân Cờ Đen, mở đường đến Tuyên Quang.
– Đến đây, cục diện chiến trường đã nghiêng hẳn về phía quân Pháp nhưng nhà Thanh vẫn chưa rút hoàn toàn khỏi Việt Nam. Quân Pháp có ý định đánh vào lãnh thổ Trung Quốc nhưng vẫn còn e ngại Trung Quốc sẽ đưa một lực lượng lớn đến. Trong khi đó, quân Thanh vẫn tiến hành một số vụ đột kích vào lực lượng Pháp tại Đồng Đăng. Do đó, người Pháp đã tiến hành một cuộc càn quét đến tận Ải Chi Lăng. Tuy nhiên, tại đây, quân Pháp lại bị phục kích và đánh bại với thiệt hại hơn 300 lính vào ngày 24/03/1885. Quân Thanh thừa thắng xông lên nhưng lại bị quân Pháp đánh bại trong trận Kỳ Lừa 4 ngày sau đó.

– Tướng Pháp De Négrier, người chỉ huy các chiến dịch thành công trước đó đã bị thương nặng trong trận Chi Lăng. Thay tướng De Négrier là trung tá Paul-Gustave Herbinger, một anh hùng trong chiến tranh Pháp-Phổ. Tuy nhiên, Herbinger đã bị sốt rét và suy yếu về thể chất lẫn tinh thần nên đã hoang tưởng rằng quân Trung Quốc chuẩn bị bao vây ông ta. Do đó, Herbinger đã ra một quyết định nhục nhã bậc nhất trong lịch sử quân sự Pháp là rút lui khỏi Lạng Sơn. Quyết định này vấp phải sự phản đối quyết liệt bởi các sĩ quan dưới quyền bởi họ biết được quân Trung Quốc cũng đã mất tinh thần chiến đấu chứ không hề có ý định bao vây họ. Cuộc rút quân nhục nhã này được tô đậm bởi sự kiện hơn 3000 quân Pháp rút chạy trước sự tấn công của một nhóm nhỏ 40 lính Trung Quốc mà họ tưởng là một trận phục kích lớn.

– Cuộc rút quân khỏi Lạng Sơn đã gây nên làn sóng những tin đồn về một thất bại quân sự lớn của quân Pháp. Làn sóng tin đồn này lan đến tận nước Pháp thông qua báo chí truyền thông và dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ Lules Ferry. Thậm chí, những chuyện châm biếm về cuộc rút quân này vẫn tồn tại đến vài chục năm sau. Tuy người Pháp rút khỏi Lạng Sơn, nhà Thanh đã không còn ý chí chiến đấu và chấp nhận đàm phán rút quân khỏi Việt Nam.

Cuối cùng, theo sau hòa ước ký với Pháp vào tháng 06/1885, nhà Thanh đã mất hoàn toàn ảnh hưởng tại Việt. Còn đối với Việt Nam, cuộc chiến của nhà Nguyễn đã kết thúc từ sau hòa ước Thiên Tân 05/1884. Quan quân đều đã rút về Huế. Cuộc chiến trên đất Bắc sau đó diễn ra chủ yếu giữa nhà Thanh và quân Pháp. Và sự kết thúc của cuộc chiến này cũng là sự bắt đầu thời gian đô hộ của Pháp tại Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim, 1919.
Đại Nam thực lục chính biên. Sử quan triều Nguyễn.
Thomazi, A., La conquête de l'Indochine (Paris, 1934)
Lung Chang [龍章], Yueh-nan yu Chung-fa chan-cheng [越南與中法戰爭, Vietnam and the Sino-French War] (Taipei, 1993)
Armengaud, J. L., Lang-Son: journal des opérations qui ont précédé et suivi la prise de cette citadel (Paris, 1901)
Lloyd E. Eastman (1 January 1967). Throne and Mandarins: China's Search for a Policy During the Sino-French Controversy, 1880-1885

#QuânThanhxamluocVietnamlan2
#ChientranhPhapThanh




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *