QUAN HỆ BANG GIAO ĐẠI VIỆT – CHAMPA: MỘT CÁCH TIẾP CẬN MỚI – 2
MỐI QUAN HỆ ĐẠI VIỆT – CHAMPA TRƯỚC THẾ KỶ XI
1. Bối cảnh hai quôc gia trước thế kỷ XI:
1.1 Nước Đại Việt trước thời nhà Lý
Lịch sử nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam bắt đầu khi nào, từ mấy nghìn năm nay vẫn là điều mà chúng ta còn bàn cãi, bởi vì xung quanh vấn đề này có nhiều lý giải khác nhau. Nhưng chủ yếu gốc tích của dân tôc Việt Nam có hai cách hiểu khác nhau:
Thứ nhất: thời đại đầu tiên của lịch sử là thời của Kinh Dương Vương với quốc hiệu là Xích Quỷ, Đế Minh sinh ra Lộc Tục, tức là Lạc Long Quân. Kế tiếp Lạc Long Quân và vợ là Âu Cơ sinh được 100 người con trai, 50 người theo mẹ lên núi cùng suy tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Bạch Hạc – Phú Thọ. Nhưng chủ yếu thời kì này được xây dựng chủ yếu dựa vào truyền thuyết và điều này không có sự xác nhận, ghi chép trong lịch sử[1].
Thứ hai: theo các nhà nghiên cứu hiện đại, nhà nước đầu tiên của Việt Nam là nhà nước Văn Lang, được hình thành vào khoảng 2879 TCN. Người Việt gồm khoảng 15 nhóm Lạc Việt khác nhau sống trên vùng núi miền Bắc và miền châu thổ sông Hồng và hơn 12 nhóm Âu Việt sống ở vùng Đông Bắc. Để tiện việc trao đổi buôn bán, phòng chống lụt lội, chống lại kẻ thù… những bộ lạc Lạc Việt dần được gom lại thành một nước lấy tên Văn Lang và người đứng đầu tự xưng là Hùng Vương[2].
Như vậy nêu như dựa vào các nghiên cứu khoa học thì chúng ta có thể nhận định nhà nước đầu tiên trong lịch sử nước ta là Văn Lang Đứng đầu nhà nước này là Vua Hùng, nước Văn Lang chia ra làm 15 bộ, có các quan Lạc Hầu và Lạc Tướng.
Văn Lang là nhà nước được hình thành trên cái nôi của nền nông nghiệp lúa nước, mà người ta thường gọi là nền Văn Minh Sông Hồng. Ngay từ khi xuất hiện, hoạt động kinh tế chủ yếu của nhà nước này là hoạt động nông nghiệp.
Trải qua 18 đời vua hùng, năm 214 TCN Tần Thủy Hoàng đêm quân xâm lược Văn Lang,Thục Phán, thủ lĩnh của bộ tộc Âu Việt, là một trong những bộ tộc của Bách Việt ở phía bắc Văn Lang đã cùng vua Hùng Vương thứ 18 đánh bại cuộc xâm lược của nhà Tần. Sau khi thắng quân Tần, Vua Hùng đã nhường ngôi cho Thục Phán, sát nhập lãnh thổ của người Âu Việt và Lạc Việt lập nên nước Âu Lạc, đóng đô tại Cổ Loa, thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội ngày nay.Ông tự xưng là An Dương Vương.
Nhưng còn có một nhận định khác về sự thành lập của Âu Lạc thì nhà nước Âu Lạc được Thục Phán (thủ lĩnh bộ tộc Âu Việt) thành lập vào năm 258 TCN sau khi đánh bại vị vua Hùng cuối cùng của nước Văn Lang, ông lên ngôi và lấy niên hiệu là An Dương Vương. Sau đó nhân dân Âu Lạc mới kháng chiến chống Tần. Nước Âu Lạc của An Dương Vương bị Triệu Đà thôn tính năm 208 TCN (hoặc 179 TCN). Sự kiện này còn gắn liền với sự tích Nỏ Thần.
Cuối thời Tần, nhân khi nhà Tần rối loạn sau cái chết của Tần Thủy Hoàng (210 TCN), Triệu Đà (người nước Triệu), là quan úy quận Nam Hải (Quảng Đông ngày nay), đã cát cứ quận Nam Hải, sau đó ông đem quân thôn tính sát nhập các vương quốc Âu Lạc, Mân Việt, quận Quế Lâm lân cận và thành lập nước Nam Việt với kinh đô Phiên Ngung tại Quảng Châu vào năm 207 TCN.
Vương quốc Nam Việt trong thời Triệu Đà bao gồm Quảng Đông, Quảng Tây và miền Bắc Việt Nam ngày nay và được chia thành 9 quận, ba quận phía nam – Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân. Biên giới phía bắc là dãy núi Lĩnh Nam, biên giới phía nam là dãy Hoành Sơn.
Năm 111 TCN nhà Triệu làm vua được mấy đời thì bị nhà Hán xâm lược kể từ đó cả 1000 năm chúng ta rơi vào sự đô hộ của các vương triều Trung Hoa từ Hán, Ngô, Tùy,Đường… mà lịch sử gọi là Bắc Thuộc. Trong thế kỷ thứ 1, các tướng Lạc vẫn còn được giữ chức, Trung Quốc bắt đầu chính sách đồng hóa người Việt cải tổ luật hôn nhân để biến Việt Nam thành một xã hội phụ hệ để dễ tiếp thu quyền lực chính trị hơn, đem chữ viết dạy cho người Việt, bắt theo tư tưởng và văn hóa Hán… Ban hành những chính sách, thuế khóa, lao dịch nặng nề…người dân khổ sở trăm bề.
Một cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo đã nổ ra ở quận Giao Chỉ, tiếp theo sau đó là các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và các địa phương khác hưởng ứng trong năm 40-43. Sau đó nhà Hán phái tướng Mã Viện sang đàn áp cuộc khởi nghĩa này. Do bị cô lập và quân đội chưa tổ chức hoàn thiện nên không đủ sức chống cự lại quân do Mã Viện chỉ huy, Hai Bà Trưng đã tuẫn tiết trên dòng sông Hát để giữ vẹn khí tiết. Vào thời thuộc Đông Ngô có các cuộc nổi dậy tiêu biểu như khởi nghĩa anh em Triệu Quốc Đạt và Triệu Thị Trinh.Từ thời bắc thuộc Lưu Tống, Nam Tề có cuộc nổi dậy của anh em Lý Trường Nhân và Lý Thúc Hiến, từ năm 468 đến 485.
Năm 541, Lý Bí nổi dậy khởi nghĩa, đã đánh đuổi được thứ sử Tiêu Tư nhà Lương, sau 3 lần đánh bại quân Lương những năm kế tiếp, Lý Bí tự xưng đế tức là Lý Nam Đế, lập ra nước Vạn Xuân vào năm 544. Đến năm Năm 545, nhà Lương cử Trần Bá Tiên và Dương Phiêu sang đánh nước Vạn Xuân, Lý Nam Đế bị thua trận, giao lại binh quyền cho Triệu Quang Phục. Sau khi Lý Nam Đế mất, Triệu Quang Phục đánh đuổi được quân Lương vào năm 550, bảo vệ được nước Vạn Xuân. Ông tự xưng là Triệu Việt Vương, đến năm 571 một người cháu của Lý Nam Đế là Lý Phật Tử đã cướp ngôi Triệu Việt Vương, tiếp tục giữ được sự độc lập cho người Việt thêm 30 năm đến khi nhà Tùy sang đánh năm 602.
Đến thời thuộc Đường chúng lập ra An Nam Đô Hộ Phủ, tức phần hành chính nước Việt.Thời này đã nổ ra các cuộc khởi nghĩa chống bắc thuộc như khởi nghĩa Lý Tự Tiên và Đinh Kiến, khởi nghĩa Mai Hắc Đế, khởi nghĩa Phùng Hưng và khởi nghĩa Dương Thanh từ cuối thế kỷ 7 đến thế kỷ 9.
Trong các thế kỷ 8 và 9 nhà Đường bị suy yếu trầm trọng Từ sau loạn An-Sử (756-763), cuộc nổi loạn của Hoàng Sào và các chiến tranh quân phiệt tại Trung Quốc.Tại Việt Nam, năm 905, một hào trưởng địa phương người Việt là Khúc Thừa Dụ đã chiếm giữ thủ phủ Đại La, bắt đầu thời kỳ tự chủ của người Việt.
Năm 939 sau trận chiến lịch sử trên sông Bạch Đằng trước đoàn quân Nam Hán, Ngô Quyền xưng vương.Năm 944 ngô vương băng hà Dương Tam Kha cướp ngôi các, xưng là Bình Vương, các bộ tướng cũ của nhà Ngô không thần phục, mỗi người cát cứ một phương. Hình thành thế mà sử gọi là: Loạn 12 sứ quân.
Đến năm 968 Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp loạn 12 sứ quân xưng đế và đặt tên nước là Đại Cồ Việt. Đặt quan chế, quân đội và luật pháp…Năm 979 Đỗ Thích giết chết vua và Nam Việt Vương Đinh Liễn, Vệ Vương Đinh Tuệ nhỏ tuổi lên ngôi. Nhà Tống ở phía Bắc lại đêm quân sang xâm lược nước ta.
Vì thế mà toàn thể triều đình mới đưa Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn lên ngôi, cầm quân đánh đuổi quân Tống.Vua lên ngôi lấy tên là Lê Đại Hành, tiếp tục định đô ở Hoa Lư, lấy tên nước là Đại Cồ Việt, sử gọi là nhà Tiền Lê. Vương triều này cũng tồn tại không được bao lâu, năm 1005 Lê Đại Hành băng hà, Long Việt lên thay ngôi vua, được ba ngày thì bị Long đĩnh cướp ngôi.Long Đĩnh dâm ô, tàn bạo, ăn chơi vô độ mất năm 1009,thái tử còn bé, đình thần bèn tôn Lý Công Uẩn lên làm vua, khai sáng nhà Lý.
1.2. Nước Chăm Pa ra đời và cường thịnh đến thế kỷ XI
Cho đến ngày nay việc nghiên cứu một cách chi tiết, kỹ càng về vương quốc Chăm Pa vẫn còn nhiều khó khăn, vì các nguồn tư liệu nghiên cứu về nó không nhiều, phần lớn đã bị tự nhiên và nhân tạo phá hủy. Lịch sử vương quốc Chăm Pa được khôi phục dựa trên ba nguồn sử liệu chính:
Các di tích còn lại bao gồm các công trình đền tháp xây bằng gạch còn nguyên vẹn cũng như đã bị phá hủy và cả các công trình chạm khắc đá;
Các văn bản còn lại bằng tiếng Chăm và tiếng Phạn trên các bia và bề mặt các công trình bằng đá;
Các sách sử của Việt Nam và Trung Quốc, các văn bản ngoại giao, và các văn bản khác liên quan còn lại.
Lịch sử Vương quốc này kéo dài từ năm 192 đến năm 1832, trải qua nhiều tên gọi khác nhau như: Lâm Ấp, Hoàn Vương, Chiêm Thành (Chăm Pa) và cuối cùng là Panduranga-Chăm Pa trên phần đất nay thuộc miền Trung Việt Nam.
Lãnh thổ của vương quốc Chăm Pa trước kia lúc mở rộng nhất trải dài từ dãy núi Hoành Sơn (Quảng Bình) ở phía Bắc cho đến Bình Thuận ở phía Nam và từ biển Đông, phía Tây, tuy lãnh thổ Chăm Pa bao gồm cả Tây Nguyên và đôi khi còn mở rộng sang tận Lào ngày nay.
Trước kia trên vùng đất của vương quốc này vào thời tiền sử, đã có sự định cư của những nhóm cư dân đầu tiên mà theo các nhà khảo cổ họ là chủ nhân của nền văn hóa Sa Huỳnh, Các nghiên cứu khảo cổ học của các tác giả Việt Nam đã cho thấy người Chăm chính là hậu duệ về mặt ngôn ngữ và văn hóa của người Sa Huỳnh cổ. Người dân Chăm Pa có nguồn gốc Malayo-Polynesian di cư đến đất liền Đông Nam Á từ Borneo ở thế kỷ thứ 1 và thứ 2 trước Công nguyên.
Theo sử liệu cổ nhất về vương quốc Chăm Pa của Trung Quốc (Tấn Thư- sử nhà Tấn), vương quốc này đầu tiên được gọi là Lâm Ấp. Nước Lâm Ấp độc lập từ nhà Hán năm 192. Trước kia nhà Hán sau khi chiếm nước Nam Việt chia lãnh thổ nước ta ngày nay ra làm 3 quận: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam (Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta).
Năm 192, một viên quan bản địa tên là Khu Liên ở huyện Tượng Lâm (Huế ngày nay) nổi dậy lật đổ sự đô hộ của nhà Hán, xây dưng Lâm Ấp Quốc.Trong nhiều thế kỷ sau đó, quân đội Trung Quốc đã nhiều lần cố gắng chiếm lại khu vực này nhưng không thành công, Lâm Ấp cũng đã nhiều lần tìm cách mở rộng lãnh thổ về phía Bắc.
Vào thế kỷ 4, Lâm Ấp nhanh chóng hấp thu nền văn minh Ấn Độ từ phía nam. Đây chính là giai đoạn mà người Chăm đã bắt đầu có các văn bản mô tả trên đá bằng chữ Phạn và bằng chữ Chăm, và họ đã có bộ chữ cái hoàn chỉnh để ghi lại tiếng nói của người Chăm. Từ đó Chăm Pa trở thành một quốc gia Ấn hóa.
Từ thế kỷ 8 đến 9 Chăm Pa trở nên hùng mạnh, được sử sách Trung Quốc ghi nhận dưới tên Hoàn Vương, trong thời kỳ này nhiều công trình Ấn Độ giáo được xây dựng tại Mỹ Sơn. Vương quốc Chăm Pa trong lịch sử bao gồm bốn địa khu với tên gọi xuất phát từ lịch sử Ấn Độ. Vị trí và lãnh thổ của các khu vực này như sau:
Amaravati: Nay là thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Địa khu này có hai trung tâm là thành phố Indrapura nằm ở khu vực Đồng Dương ( Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) và thành phố Simhapura (Trà Kiệu huyện Duy Xuyên, Quảng Nam ngày nay). Địa khu này lúc mở rộng nhất bao gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên–Huế ngày nay.
Vijaya: Thủ phủ cũng là thành phố cùng tên Vijaya mà trong sách sử của người Việt gọi là Chà Bàn (thời Lê) mà sách sử Việt viết là thành Đồ Bàn nằm ở gần Qui Nhơn Địa khu này là toàn bộ khu vực tỉnh Bình Định ngày nay.
Kauthara: Thủ phủ là thành phố Kauthara, nay là Nha Trang (thuộc tỉnh Khánh Hòa). Địa khu này bao gồm hai tỉnh mà ngày nay là Khánh Hòa và Phú Yên
Panduranga: Thủ phủ là thành phố Panduranga ngày nay là Phan Rang (thuộc tỉnh Ninh Thuận). Địa khu này bao gồm hai tỉnh mà ngày nay là Ninh Thuận và Bình Thuận.
Thời kỳ này Chăm Pa thường diển ra chiến tranh với Java (các quốc gia hải đảo), như là vào các năm 774, 781, 787…Trong những trận chiến này đã có nhiều đền đài, thành phố bị phá hủy.
Từ thế kỷ thứ 9 sử liệu Trung Quốc Đường Thư bắt đầu gọi Chăm Pa là Chiêm Thành hay Cham Pa. Đây chính là giai đoạn thuộc vương triều Indrapura mà ông vua sáng lập là Indravarman.Trong thế kỷ thứ X thì nước Đại Việt ở phía bắc mới giải phóng thoát khỏi ách thống trị của Trung Quốc.
Giai đoạn này bắt đầu ghi nhận những hoạt động sôi động trong bang giao với Chăm Pa của Đại Việt. Đồng thời giai đoạn này sẽ đánh dấu cái thời kì mà vương quốc Chăm Pa bước vào giai đoạn suy thoái và khủng hoảng, dẫn tới không lâu sau đó là sự thoái hóa dần về Nam của vương quốc này trong tiến trình “Nam Tiến” của Đại Việt và ít lâu sau đó là sự cáo chung vĩnh viễn của vương quốc này.
2. Quan hệ bang giao Đại Việt – Chăm pa trước TK XI.
Nếu tính từ những năm đầu của thiên niên kỉ, những dấu ấn lịch sử đã ghi nhận những sự kiện được coi là mở đầu cho mối bang giao giữa người Lâm Ấp (sau là Chiêm Thành hay Chăm Pa) và người Việt theo các thời kì từ Giao Chỉ, Cửu Chân hay sau này là nước Vạn Xuân và nước Đại Cồ Việt.
Đó chính là những tiền đề quan trọng, đặc nền mồng cho mối quan hệ hai nước sau này,nhất là sau khi nhà Lý hình thành và trở thành quốc gia cường thịnh trong khu vực.
Trong đó, có thể thấy thời Vua Lê Đại Hành là thời mà quan hệ hai nước có những hoạt động sôi nổi và quan trọng, mà vẫn còn nhiều vấn đề bí ẩn cẩn giải thích rỏ hơn, mà trong phạm vị bài này chúng tôi chưa thể giải thích mà chỉ dám đặc ra những nghi vấn.
Chắc chắn để có những nhận định và nghiên cứu một cách khoa học mối bang giao hai nước sau này thì cần phải nghiên cứu khái quát về những sự kiện tiền đề ở các giai đoạn trước.
Cho dù nước Đại Việt chỉ mới thoát ra khỏi ách thống trị của Phương Bắc từ năm 938, nhưng những “ hạt giống” đầu tiên của mối quan hệ Việt-Chăm đã xuất hiện rất lâu trước đó. Thời kì mà cả hai dân tộc cùng bị nhà Hán đô hộ, dưới sự thống trị tàn bạo của nhà Hán nhân dân Giao Chỉ, Cửu Chân ( nước Việt sau này) và quân Nhật Nam (Chăm Pa sau này):
+ Đầu tiên vào năm 137 ở huyện Tượng Lâm quận Nhật Nam nổi lên đánh quân huyện giết trưởng lại.Thứ sử Giao Châu là Phàn Diễn đêm quân Giao Châu và Cửu Chân hơn 10000 quân, nhưng các binh sĩ nhất loạt phản chiến quay lại đánh phá quận trị, ủng hộ cuộc khởi nghĩa của nhân dân huyện Tượng Lâm nói chung, nhân dân quận Nhật Nam nói chung. Nhờ đó mà phong trào của nhân dân Tượng Lâm có điều kiện xây dựng và phát triển[3].
+ Lịch sử còn ghi nhân vào năm 144 người Nhật Nam lại vùng lên khởi nghĩa, hàng ngàn nghĩa quân đánh đốt quận huyện của bọn quan lại đô hộ.Nghĩa quân còn liên kết với nhân dân Cửu Chân. Nhờ thứ sử Giao Chỉ là Hạ Phương nhà Hán mới chiêu dụ, dẹp yên được cuộc khởi nghĩa này[4].
+ Năm 157-160 Chu Đạt người Cửu Chân lại hợp với người Nhật Nam (mà sách Hậu Hán Thư nói là người Man), đánh giết huyện lệnh vùng lên khởi nghĩa, nghĩa quân đông đến 4000-5000 người[5]. Cuộc khởi nghĩa này chỉ thất bại khi Hạ Phương lại được cho về làm Thứ sử mới chiêu dụ được nghĩa binh ra hàng[6].
Năm 192 quốc gia Lâm Ấp mà sau này là tiền đề của Chăm Pa (Chiêm Thành), độc lập thoát khỏi sự thống trị của Trung Hoa, bắt đầu xây dựng một quốc gia tự chủ mà lúc nào cũng nổ lực Bắc Tiến nhầm mở rộng lãnh thổ cho dù phải đối chọi với Thiên Triều phương Bắc.
Chiến tranh giữa Lâm Ấp và Trung Hoa chủ yếu diễn ra trên địa bàn Nhật Nam, nơi mà vào năm 340, Phạm Văn xin nhà Đông Tấn cho sát nhập quận Nhật Nam, vào lãnh thổ Lâm Ấp nhưng không được. Phạm Văn liền đem quân tấn công vào Nhật Nam, lấy mũi Hoành Sơn (nam quận Cửu Chân) làm biên giới phía bắc, cho xây lại thành Khu Túc (cạnh sông Gianh) phòng giữ. Từ đó phần lãnh thổ từ đèo Ngang trở xuống thuộc về Lâm Ấp và cũng kể từ đó phía bắc đèo Ngang là nơi xảy ra những trận thư hùng giữa Lâm Ấp và Giao Châu trong suốt hai thế kỷ 4 và 5[7].
Những năm 399, Phạm Hồ Đạt mang quân chiếm quận Nhật Nam, năm 413, Phạm Hồ Đạt mang bộ binh chiếm đóng Nhật Nam, ra lệnh cho thủy binh đổ bộ vào Cửu Chân đốt phá các làng xã ven duyên. Năm 415, quân Lâm Ấp vào cướp Giao Châu, năm 431, Phạm Dương Mại II dẫn hơn 100 chiến thuyền tấn công các làng ven biển tại cửa Thọ Lãnh, Tứ Hội và Châu Ngô (quận Nhật Nam và Cửu Chân) nhưng bị đánh bại, Năm 433, Phạm Dương Mại II xin “lãnh” đất Giao Châu về cai trị nhưng vua Tống không chịu, chiến tranh lại xảy ra…
Các triều đại phong kiến phương bắc cũng đã bao lần phát quân trừng trị thái độ mà quan trọng nhất là vào năm 443 vua Tống phong thống chế Đàn Hòa Chi làm thứ sử Giao Châu, mang đại quân đánh Lâm Ấp, Phạm Dương Mại II chạy thoát được ra củaTượng Phổ, vịnh Bành Long (chưa rõ vị trí địa lý), tổ chức lại lực lượng, tăng cường thêm nhiều đội tượng binh rồi ra lệnh tổng phản công nhưng không địch nổi quân Tống. Đàn Hòa Chi thu rất nhiều vàng bạc, châu báu, tượng đồng và đập phá rất nhiều đền đài. Đàn Hòa Chi lấy được nhiều tượng vàng (mười người mới ôm xuể), đem nấu chảy, thu được hơn 10 vạn cân (40.000 kilogam vàng). Từ đó Trung Quốc biết Lâm Ấp có nhiều vàng nên mỗi khi có dịp là xuống đánh cướp[8].
Khoảng gần một thế kỷ sau vào năn 543 chính sử lại ghi nhận sự kiện đầu tiên trong bang giao của nước Việt với Chăm Pa, mà thời đó vẫn gọi là Lâm Ấp trên danh nghĩa của một quốc gia có chủ quyền đó là nước Vạn Xuân của Lý Nam Đế, mà sử nước ta gọi là nhà Tiền Lý.
Theo sử liệu thì vào khoảng năm 541-542 Lý Bí khởi nghĩa, đánh đuổi thứ sử Giao Châu là Tiêu Tư, lúc đó vua nhà Lương sai các tướng Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng đêm quân sang hòng chiếm lại Giao Châu nhưng thất bại. Sau đó Lý Bí lên ngôi đế, lập ra nước Vạn Xuân[9].
Trước đó vào năm 543, tiếp nối chính sách của các ông vua Lâm Ấp trước nhân lúc mà ở phía Bắc nghĩa quân của Lý Bí đang khởi nghĩa chống lại Nhà Lương vua mang quân xâm chiếm quận Nhật Nam và tiến đến quận Cửu Đức. Lý Nam Đế sai Phạm Tu cầm quân vào nam đánh Lâm Ấp. Lâm Ấp mới rút về [10].
Sự kiện trên là mốc quan trọng và đặt nền móng đầu tiên trong một loạt các sự kiện sau này liên quan đến quan hệ hai nước Đại Việt-Chăm Pa. Ít lâu sau, nhà nước Vạn Xuân lại bị đánh bại và sụp đổ. Cho đến năm 938 nước Việt mới khôi phục lại độc lập.
Từ năm 938-980 nền độc lập lâu dài của nước ta bắt đầu được xác lập nhà Ngô, rồi Đinh thay nhau xây dựng nền tự chủ bước đầu cho dân tộc. Nhưng năm 980 Đinh Tiên Hoàng đế băng hà, hoàng tử còn nhỏ, nhà Tống âm mưu sang xâm lược, triều thần tôn Lê Hoàn lên ngôi tức Lê Đại Hành hoàng đế.
Lê Đại Hành chính là ông vua mà vào năm 982 đã đêm quân chinh phạt Chiêm Thành, về sự kiên này Đại Việt Sử Kí Toàn Thư ghi lại như sau: ”Trước đây vua sai Từ Mục và Ngô Tử Canh sang sứ Chiêm Thành, bị họ bắt giử. Vua giận, mới dóng thuyền chiến, sửa binh khí, tự làm tướng đi đánh, chém được Phê Mị Thuế tại trận; Chiêm Thành Thua to; bắt sống được binh sĩ không biết bao nhiêu mà kể; bắt được kỹ nữ trong cung trăm người và một người thầy tăng Thiên Trúc; lấy các đồ quý mang về, thu được vàng bạc của báu kể hàng vạn; san phẳng thành trì, phá hủy tôn miếu, vừa một năm thì trở về kinh sư”[11].
Nhưng trước đó, sách Cương Mục thì có đề cập về việc Ngô Nhật Khánh dòng dõi Ngô Vương, là một trong 12 sứ quân thời loạn, sau đó khi Đinh đế dẹp loạn xong thì hắn trốn sang Chăm Pa. Đến khi Đinh chúa chết thì hắn, lại đem người Chiêm sang xâm phạm bờ cõi nước Đại Cồ Việt bằng đường biển nhưng khi vừa sang đến cửa Đại Nha và Tiểu Khang thì bị chìm, Nhật Khánh chết và nhiều binh sĩ cũng bị chết đuối, chỉ có vua Chăm Pa Paramecvaravarman I (Phê Mị Thuế) thu gom tàn binh mà thoát được[12].
Sau đó, sử liệu nhà Tống còn nhắc đến việc một số người chiêm bị bắt, vài tháng sau vua Lê Đại Hành vừa lên ngôi mới gửi sứ sang nhà Tống và đem những tù nhân trên dâng cho vua Tống Thái Tông, vua Tống mới săn sóc họ và cho người mang họ về trả cho vua nước Chăm Pa[13]. Đó có thể là nguyên nhân dẫn tới Việc sau này, khi vua Lê cử sứ giả sang Chăm Pa bị vua Paramecvaravarman I (Phê Mị Thuế) chăng?
Thời kì này liên hệ giữa hai nước còn có một sự kiện đáng chú ý nhưng ít được biết đến trong sử Việt đó là vấn đề liên quan đên nhân vật Lưu Kế Tông, một người nước Việt làm vua Chăm Pa. Về nhân vật này dường như sách cương Muc không đề cập đến, sách Toàn thư thì chỉ đề cập như sau: “ Trước đây, vua đi đánh Chiêm Thành, quản giáp là Lưu kế Tông trốn ở lại nước ấy, đến đây vua sai con nuôi (không biết tên) đi bắt được Kế Tông đem chém”[14].
Điều đó không có gì đáng nói nếu không có một luận điểm hoàn toàn trái ngược với sử nước ta trong Tống Sử, theo đó trong lúc mà vua Lê Đại Hành đang thân chinh đi đánh Cham Pa, vua Paramecvaravarman I (Phê Mị Thuế) bị giết, Indravarman IV được tôn lên làm vua Chăm Pa và chạy về miền nam Cham Pa mà kháng chiến. Lê Đế đưa quân về kinh sư Hoa Lư. Trong khi đó ở phía bắc nước Cham Pa, Lưu Kế Tông tự xưng lên làm vua, sau đó kế Tông sai chém đầu người con nuôi của Lê Đại Hành được phái sang, rồi còn đem quân tiến đánh Đại Cồ Việt, Lê Đại Hành đem quân đi đánh nhưng do những khó khăn về đường xá và khí hậu nên vừa đến đoạn từ núi Đồng Cổ đến sông Bà Hòa, phải khổ sở mới rút lui trong cảnh đại bại[15].
Như vậy, rõ ràng trong hai chính sử Việt và Trung Quốc, đã có những mâu thuẫn và khác biệt, tư liệu phía Chăm Pa thời này lại hiếm do đó chúng ta không thể biết sự tình cụ thể thế nào. Nhưng trong sử nhà Tống chép rằng năm 986, Ung Hy thứ 3, tức đời Tống Thái Tông, sứ giả của Lưu Kế Tông là Lý Triều Tiên mang vật phẩm sang cống[16]. Như vậy sao còn có chuyện năm 983 Lê Đại Hành sai người đi chém Lưu Kế Tông ? Sử việt còn chép năm 992 vua nhà Tiền Lê cho người Chăm Pa nhận hơn 630 người ở thành cũ châu Địa Lý đem về châu Ô Lý mà không nói rõ gì thêm[17].
Đó chính là những cột mốc đầu tiên đánh dấu sự khởi đầu căn bản cho mối quan hệ Việt-Chăm giai đoạn sau thế kỷ thứ XI và sẽ chính là những tiền đề quan trọng để hiểu một cách khoa học về mối quan hệ này.
[1] Luận điểm thứ nhất chỉ là truyền thuyết nhưng được chép lại trong Đại Việt sử Ký Toàn Thư và Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục.
[2] Luận điểm thứ hai được các nhà học giả đương thời xác nhận, được đề cập trong Lịch Sử Việt Nam Từ Nguồn Gốc Đến Thế Kỷ XIX (Đào Duy Anh), và các sách giáo khoa lịch sử của Bộ giáo dục…
[3] Đại Việt Sử Kí Toàn Thư, Q1, tr 115.
[4] Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Q2 tiền biên, tr28.
[5] Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Q2 tiền biên, tr28.
[6] Đại Việt Sử Kí Toàn Thư, Q1, tr 115.
[7] G.Maspero, Le Royaume De Champa, tr 57-58
[8] G.Maspero, Le Royaume De Champa, tr 70-74.
[9] ĐVSKTT, sđd, QIV,ngoại kỷ ,tr14b-15a.
[10] G.E.Coedes, Cổ Sử Các Quốc Gia Ấn Độ Hóa Ở viễn Đông, tr135.
[11] ĐVSKTT, QII, tr16a.
[12] Cương Mục, chính biên, Q I.
[13] G.Maspero, Le Royaume De Champa, tr 121-123.
[14] ĐVSKTT, QII, tr16a.
[15] G.Maspero, Le Royaume De Champa, tr 124-125.
[16] G.Maspero, Le Royaume De Champa, tr 124-125.
[17] Trong các sách sử Việt Nam( toàn Thư, tr16b, Q II) chỉ ghi về sự kiên này mà không đệ cập đến cuộc hành quân lần thứ 3 của Lê Đại Hành vào Cham Pa năm 990, mà Le Royaume De Champa của G.Maspero (tr125),G. Coedes trong cổ sử các quốc gia Ân Độ hóa ở Viễn Đông (tr223) đã đề cập đến.
…
(còn phần 3)