Là lực lượng quân đội của thành bang Athen ở thời Cổ đại và từng góp mặt trên các trận chiến mà thành bang này tham chiến trong suốt thời gian tồn tại của mình.
Thành bang Athen là 1 thành quốc của người Hy Lạp cổ nên không có gì lạ khi lực lượng bộ binh của Athen được tổ chức theo lối lính bộ binh vũ trang hạng nặng, hoplite, được tuyển mộ từ các công dân của thành bang như bao thành bang khác trong suốt chiều dài lịch sử
Đây là xương sống của bộ binh Athen và được đảm nhiệm bởi các công dân giàu có của thành bang, những người có khả năng tự trang bị giáp trụ, vũ khí cho chính bản thân.
Điều kiện núi đồi trập trùng, với nhiều thung lũng, ít không gian đồng bằng rộng mở có lẽ đã tạo đất sinh trưởng cho lối đánh phương trận của lính hoplite của không chỉ Athen nói riêng mà còn cả Hy Lạp nói chung
Những công dân có điều kiện tài chính khó khăn hơn hoặc có thể bao gồm các nô lệ sẽ tham gia vào các lực lượng hỗ trợ như lính vũ trang hạng nhẹ peltast vốn được trang bị nhẹ hơn các chiến binh hoplite; đội ngũ này thường đi theo hỗ trợ các binh sĩ hoplite và trong trường hợp rút lui thì họ chính là toán đi đoạn hậu bảo vệ đoàn quân
Các chiến binh hoplite, theo tên gọi bắt nguồn từ cái khiên to tròn lồi nặng bằng gỗ được gia cố thêm kim loại của là hoplon hoặc apis có đường kính khoảng 80-100cm và nặng 6.5 -8 ký, là lực lượng chiến đấu nòng cốt chính của không chỉ thành bang Athen mà còn hầu như ở các thành bang khác như Sparta, Thebes…
Lực lượng chiến đấu này có lẽ xuất hiện đồng thời với sự xuất hiện và trỗi dậy của các thành bang Hy Lạp, polis, vào khoảng thế kỷ thứ 8TCN khi Hy Lạp bước ra khỏi thời đại Đen tối vốn khởi nguồn bởi cuộc xâm lược của người Dorian phương bắc cũng như các bộ tộc Ấn- Âu dẫn đến sự sụp đổ của nền văn minh Mycean một thời huy hoàng với tên tuổi của Ullyses, của Achilles, của Ajax hay Hector.
Trang bị của 1 lính hoplite bình thường bên cạnh chiếc khiên lồi, tròn, to và nặng thì còn có thể kể đến cây giáo dory đuôi có đối trọng dài khoảng 2.4m cho tới 4.5 m với đường kính là khoảng 2.5 cm là vũ khí chiến đấu chính.
Bên cạnh giáo dory thì các chiến binh hoplite đánh trong phương trận phalanx còn được trang bị thêm 1 thanh đỏan kiếm xyphos với độ dài của lưỡi khoảng 60 cm (kiếm xyphos của người Sparta chỉ dài 30-45 cm) để dùng trong trường hợp cần phải cận chiến hoặc khi đội hình phương trận bị vỡ.
Bên cạnh các món khí giới thì giáp trụ cũng là 1 thứ không thể thiếu mỗi khi ra trận của 1 chiến binh hoplite tiêu chuẩn.
1 bộ giáp trụ của chiến binh hoplite bao gồm 1 bộ giáp che thân hoàn toàn bằng đồng nặng tới 32 kg (70 pound) dành cho ai có khả năng cáng đáng được gọi là panolply hay 1 phiên bản nhẹ và phổ biến hơn từ vải lanh dày gọi là linothorax.
Chính vì trang bị nặng như vậy mà một khi bị vỡ trận trên chiến trường thì các chiến binh hoplite chỉ còn cách vứt bỏ lại bộ giáp trụ, khiên đang mang để chạy thoát thân chứ không thì sẽ dễ dàng trở thành mồi ngon cho các lực lượng trang bị nhẹ hơn của kẻ thù kéo ồ ạt tới tàn sát.
Điều này cũng đã đưa vào quy chuẩn đánh giá lòng dũng cảm chiến binh của người Hy Lạp xưa thông qua việc anh ta khi rời khỏi trận đánh có còn mang khiên về được không vì nếu khi từ trận mạc trở về mà không mang khiên thì khả năng cao là người lính đó đã hèn nhát vứt bỏ khí giới để cầu sống hơn là anh dũng chiến đấu tới hơi thở cuối cùng.
Do vậy mà không có gì lạ khi ở người Sparta nói riêng và người Hy Lạp cổ nói chung cảnh người thân chia tay đua tiễn chiến binh ra trận đi kèm 1 câu nói nổi tiếng và bất hủ là “hãy trở về cùng tấm khiên hoặc là nằm trên nó mà về” ( vinh quang mang khiên trở về hoặc lỡ tử trận thì đồng đội sẽ dùng nó để cáng xác về)
Thường thì trang bị của những chiến binh hoplite thuộc tầng lớp thượng lưu bao gồm các bộ giáp bằng đồng, mũ chiến bằng đồng có tấm che má, xà cạp che ống chân và các giáp khác.
Các chiến binh hoplite hạng nặng này chiến đấu trong đội hình phương trận phalanx với khiên ở bên tay trái của 1 chiến binh sẽ che chắn cho phần tay phải cầm khí giới như giáo của chiến hữu đứng ở bên trái mình.
Cũng chính vì lẽ này tác giả John Keegan trong cuốn Lịch sử chiến tranh cho rằng sử gia Thucydides khi nhìn cách bố trí như vậy đã đúc kết ra được các phương trận khi vận động chiến theo đội hình sẽ có xu hướng lệch xiên về phía bên phải
1 đội hình phương trận của các chiến binh hoplite thường bao gồm tới 7 -8 hàng ngang lính hoplite cầm giáo đứng ken vào nhau.
Bên cạnh các chiến binh hạng nặng hoplite thì lực lượng bộ binh nhẹ peltast nhằm hỗ trợ các chiến binh hoplite trên chiến trường cũng là 1 thành phần quan trọng trong quân đội; trong 1 số trường hợp thì đội quân trang bị nhẹ dưới tay 1 viên tướng tài thậm chí có thể đánh bại 1 đội quân hoplite trang bị nặng hơn như trường hợp chiến thắng của đội quân do Iphicrates chỉ huy mà bao gồm phần lớn là quân trang bị nhẹ peltast trước đội quân hoplite hạng nặng và thiện chiến của người Sparta tại Lechaeum năm 391 TCN.
Peltast, các binh sỹ mang khiên, gọi theo tên cái khiên mây hình bán nguyệt pelte mà các chiến binh này hay mang là lực lượng thường đóng vai trò hỗ trợ trong các trận đánh cho các lính hoplite; nhưng ở 1 số trường hợp thì họ cũng được dùng như át chủ bài trên chiến trường.
Khí giới của các chiến binh peltast bao gồm chủ yếu là lao, dao găm hoặc đoản kiếm và có thể là không mang giáp trụ dù họ vẫn đội mũ chiến.
Nếu như lối đánh của lính hoplite trên chiến trường là bước tới gần dồn ép, xô đẩy nhau ở hàng đầu để rồi sức ép gia tăng từ 7 hàng lính sau lưng binh sỹ tại tuyến đầu lên hàng ngũ chiến đấu bên kia của đối cùng với việc đâm giáo bừa của các binh sỹ hoplite tuyến đầu nhằm tạo ra và khoét sâu lỗ hổng trên ở hàng ngũ chiến đấu của đối phương sẽ làm đối phương kiệt sức và vỡ trận thì lối đánh của các binh sỹ mang khiên hạng nhẹ, peltast, lại chủ yếu dựa trên sự cơ động để duy trì khoảng cách với hàng ngũ đối phương và trút trận mưa lao về phía họ nhằm để bào mòn đội hình chiến đấu của kẻ thù tương tự như chiến thuật “đánh – rút” của cung kỵ du mục trước khi có thể tung đòn dứt điểm cuối cùng khi kẻ thù vỡ trận.
Ngoài ra thì các binh sỹ peltast khi phải giáp chiến với các lực lượng được trang bị nhẹ như cung thủ, phóng thạch thủ khác thì ít nhất họ có lợi thế cận chiến hơn nhờ vào khiên và mũ chiến họ mang.
Bên cạnh các lính bộ binh thì Athen cũng sở hữu 1 lực lượng kỵ binh nho nhỏ với số lượng khoảng 300 cho tới khoảng 1200 kỵ binh vào thời điểm đỉnh cao gồm 200 kỵ xạ (hippotoxotai) và 1000 kỵ binh là công dân Athen.
Kỵ binh hippeis của Athen xưa thường xuất thân từ các công dân đẳng cấp cao thứ 2 trong số 4 đẳng cấp xã hội Athen, những người có thu nhập hàng năm ít nhất là 300 medimnos (medimnos là đơn vị đo lường chuyên dùng để đo ác thứ như thóc gạo; tùy vùng mà medimnos được quy đổi khác nhau song tại bán đảo Attic – nơi tọa lạc thành bang Athen thì 1 medimnos tương đương 51.84 lít)
Ngoài ra thì theo 1 vài giả thuyết dựa vào các tài liệu của Hy Lạp cổ thì người Athen còn sở hữu 1 lực lượng công bộc gồm 300 cung thủ người Scythia đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ trị an.
Lực lượng hoplite nguyên thủy của Athen về sau được danh tướng Athen là Iphicrates cải tổ lại để có thể chiến đấu một cách hiệu quả hơn và cũng chính nhờ vào việc học hỏi và cải biến di sản cải cách quân sự này của Icphicrates mà sau này ông già của Alexander Đại Đế là vua Phillip Đệ Nhị của Macedonia đã khiến quân đội Macedonia với những ngọn giáo sarissa dài tới 6m trở nên vô địch về sau.
Trọng tâm cải cách của danh tướng Iphicrates xoay quanh việc thêm vào sự xuất hiện của lực lượng bộ binh hạng nhẹ peltast, kéo dài thêm chiều dài các ngọn giáo, kiếm của các chiến binh Hoplite cũng như giảm thiểu và thu nhỏ dần độ lớn của tấm khiên apis a.k.a hoplon mà các chiến binh này mang khi ra trận, .
Icphirates cũng còn tiến hành cải tổ hạn chế số lượng các chiến binh hoplite tham gia đánh thủy chiến trên các tàu cũng như thay thế giáp trụ của các chiến binh từ chất liệu đồng nặng nề sang loại giáp trụ nhẹ bằng vải lanh để giúp các chiến binh có thể dễ dàng xoay xở tốt hơn trên chiến trường
Bên cạnh giáp trụ thì cuộc cải cách này cũng đưa vào quân ngũ Athen 1 loại giày nhẹ và dễ dàng tháo mở hơn…
Kết quả của cuộc cải cách này của Iphicrate chính là việc quân Athen trở nên hùng cường mà đỉnh cao là trận Lechaeum khi quân Athen đã hủy diệt gần sạch sẽ 1 mora (1 đơn vị lính với quân số 600 người) lính hoplite thiện chiến Sparta.
Theo Lịch sử chiến tranh của John Keegan, vào tđầi điểm trước trận chiến, các chiến binh tham chiến đều được ăn bữa ăn cuối cùng mang tính nghi thức với khẩu phần gồm nhiều rượu vang hơn thường lệ nhằm để góp thêm cho họ lòng dũng cảm
Và khi họ tập họp hàng ngũ để chiến đấu thì các chỉ huy cũng sẽ nói lời động viên cuối cùng để lên morale cho binh sĩ.
Nhưng dù vậy thì không ai chắc được là các tướng lĩnh chỉ huy quân sự có cùng đứng trên tuyến đầu chiến đấu cùng binh sĩ ở Athen hay không cho dù ở Sparta thì điều ấy có xảy ra
Cũng theo John Keegan thì khi viễn chinh thì quân đội cũng lùa theo cừu để làm lễ hiến sinh (sphagia) tại nơi mà họ vượt qua biên giới nước khác, điểm vượt sông, chỗ hạ trại nhằm để xem cầu chúc dấu hiệu tốt lành từ các chư thần đỉnh Olympia
Bên cạnh bộ binh thì nói đến Athen thì không không thể không kể đến hải quân của thành bang này.
Nếu như bộ binh Sparta làm bá chủ trên cạn thì dưới nước, hải quân Athen chính là chúa tể
Thành phần nòng cốt trong hạm đội Athen chính là những thuyền dài trireme có mũi gỗ nhọn ngay mớn nước chuyên dùng để có thể xuyên thủng tàu bè đối phương với 3 tầng chèo (gồm 62 tay chèo ở boong trên cùng, 54 tay chèo ở khoang giữa và 54 tay chèo ở khoang dưới cùng của tàu)
Quy mô hải quân Athen được cho là lên tới 400 thuyền Trireme cùng 80,000 thủy thủ chuyên nghiệp để vận vận hành có gốc gác xuất thân từ các tầng lớp thấp trong xã hội Athen.
Các thuyền trireme không chỉ dùng để hải chiến mà còn dùng cả trong tiếp vận, vận chuyển quân đội và chính nhờ hạm đội này mà Athen trở thành thành bang đầu tiên nắm bá quyền Hy Lạp mà sử gọi là “Đế quốc Athen” cho tới khi quân đội Athen bị quân đội Sparta tiêu diệt trong cuộc chiến tranh Peloponesos (431 TCN – 404 TCN).
Bên cạnh hạm đội tàu trireme dùng để tiếp vận hải chiến thì người Athen xưa cũng có sở hữu vài chiếc tàu thiêng với nhiệm vụ như thông báo hạm và tàu hộ tống ngày nay như chiếc Salaminia và Paralus