QUÂN ĐỘI ĐỨC ĐÃ ĐƯỢC KHÔI PHỤC THẾ NÀO SAU THẾ CHIẾN II?
Khi Wehrmacht đầu hàng vô điều kiện các lực lượng Đồng Minh ngày 8 tháng 5 năm 1945, tình hình đã khác rất nhiều so với năm 1918, thời điểm kết thúc Thế chiến I. Hiệp ước Versailles năm 1919 tuy hà khắc nhưng cho phép Đức giữ lại một đạo quân 100.000 người. Người Đức giữ những quân nhân tốt nhất trong Reichswehr mới và những quân nhân đó sau này trở thành lực lượng nòng cốt để xây dựng Wehrmacht. Lần này, quân Đồng minh chiến thắng đã quyết tâm không phạm sai lầm tương tự. Đức hoàn toàn giải giới và Wehrmacht chính thức bị Hội đồng kiểm soát đồng minh giải tán vào ngày 20/8/1946.
Chỉ chín năm sau, thế giới đã thay đổi đáng kể. Vào cuối chiến tranh, Liên Xô đã chiếm đóng các quốc gia Đông Âu, họ đã giải phóng người Đức khỏi chế độ Đức Quốc xã rồi lại áp đặt chính quyền Cộng sản lên khu vực chiếm đóng ở Đông Đức. Để phòng thủ, các đồng minh phương Tây năm 1949 đã thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), với cấu trúc chỉ huy quân sự phòng thủ tập thể. Liên Xô đã chống lại NATO bằng cách ký hiệp ước phòng thủ Warsaw với bảy quốc gia vệ tinh ở Đông Âu năm 1955. Đến lúc đó, lực lượng NATO đã ít hơn Liên Xô rất nhiều ở trung tâm châu Âu. Hoa Kỳ, Pháp và Anh đã buộc phải kết luận rằng cách duy nhất họ có thể duy trì cân bằng quân sự là tái vũ trang kẻ thù Đức cũ của họ, mặc dù dưới sự kiểm soát hoạt động của NATO. Hiệp định Paris tháng 5 năm 1955 cho phép thành lập Bundeswehr, lực lượng vũ trang đầu tiên của Đức sau Thế chiến II.
KHÔI PHỤC
Vẽ ra một quân đội trên giấy là một chuyện nhưng đưa quân đội đó hoạt động không thể chỉ trong một đêm. Các binh sĩ cấp bậc thấp có thể được nhập ngũ từ dân chúng và được huấn luyện trong khoảng sáu tháng. Nhưng còn lãnh đạo thì sao? Nơi nào bạn tìm thấy các sĩ quan có nền tảng và kinh nghiệm để đào tạo, tổ chức và lãnh đạo một lực lượng quân sự mới được xây dựng từ đầu? Mất bao lâu để đào tạo một phi công chiến đấu hiện đại? Và quan trọng hơn, ai sẽ đào tạo anh ta?
Trong trường hợp của Tây Đức, câu trả lời là rõ ràng nhưng không hề đơn giản. Một thập kỷ trước, Đức đã sở hữu một trong những đội quân tốt nhất trong lịch sử với nhiều tướng lĩnh vĩ đại nhưng đến năm 1955, hầu hết trong số họ đã chết, quá già hoặc bị tổn hại danh tiếng bởi sự đồng lõa của họ trong các tội ác chiến tranh của Đệ tam Đế chế. Không dễ để thuyết phục họ sẵn sàng mặc lại quân phục vào cuối đời.
Tất cả các cựu quân nhân Wehrmacht tình nguyện tham gia Bundeswehr mới đều phải chịu Hội đồng sàng lọc nhân sự nghiêm ngặt của chính phủ Tây Đức. Cuối cùng, chỉ có 42 cựu sĩ quan gia nhập Bundeswehr vào mùa thu năm 1957.
Bundeswehr cũng đã tìm được một vị tướng Luftwaffe cũ được chấp nhận để lãnh đạo Luftwaffe mới. Tướng Josef Kammhuber đã tuyên thệ nhậm chức lãnh đạo Luftwaffe vào ngày 1 tháng 6 năm 1957. Ông trở thành sĩ quan tham mưu Không quân năm 1929, và năm 1930 từng nhận chức chỉ huy của cơ sở đào tạo bí mật Luftwaffe tại Lipetsk , ở Liên Xô.
Ngành công nghiệp quốc phòng của Đức cũng dần được khôi phục lại kể từ năm 1956 với sản phẩm đầu tiên quay lại dây chuyền sản xuất là súng máy MG42. Ngày nay công nghiệp quốc phòng Đức đã có thể sản xuất các sản phẩm khá đa dạng, từ súng cá nhân của hãng Heckler & Kock, xe tăng, xe thiết giáp, pháo tự hành của các nhà sản xuất như Rheinmetal, Krauss-Maffei Wegmann hay tham gia sản xuất máy bay Eurofighter Typhoon…Các sản phẩm quốc phòng Đức nhìn chung được đánh giá cao trên thị trường thế giới.
THÁCH THỨC
Hiện tại Bundeswehr vẫn là một quân đội lớn ở châu Âu, tuy nhiên nó vẫn đang gặp nhiều thách thức. Đức hiện chỉ dành khoảng 1,2% GDP cho quốc phòng. Thủ tướng Angela Merkel muốn một “quân đội Đức mạnh và có thể tham gia các nghĩa vụ quốc tế” nhưng khó khăn của bà là “nhân dân Đức chống lại quân đội”.
Trong khi Đông Đức cai trị cộng sản đã tạo ra một Quân đội Nhân dân theo truyền thống quân sự của Đức, thì ở Tây Đức dân chủ – bị Anh, Pháp và Mỹ chiếm đóng – một lực lượng vũ trang rất khác đã xuất hiện. Bundeswehr sinh ra vào giữa những năm 1950 là một lực lượng khiêm tốn có chủ ý chỉ nhằm bảo vệ lãnh thổ Tây Đức và các tân binh của nó được giáo dục để nghĩ rằng họ là “công dân mặc đồng phục” tương tự như quân đội Phòng vệ Nhật Bản ở châu Á.
Theo sử gia James Sheehan thì người Đức hiện đại, “nghĩ về quân đội của mình theo cách mà hầu hết các quốc gia nghĩ về lực lượng cảnh sát của họ”. Cái mà ông gọi là “sự ngờ vực dai dẳng các tổ chức quân sự”, ông nói thêm, “tiếp tục mạnh mẽ, và theo một cách nào đó đã trở nên mạnh mẽ hơn”. Điều này là do ký ức lâu dài về sự khủng khiếp của Thế chiến thứ hai – không chỉ là sự xấu hổ về tội ác của Đức quốc xã mà còn là sự tàn phá gây ra cho dân thường khiến tâm lý chán ghét chiến tranh trở nên dai dẳng. Chuyên gia quân sự Sophia Besch nói: “Nếu bạn là một người lính [ở Đức], bạn không thể thực sự đi xe lửa trong bộ quân phục…những hành khách sẽ gọi bạn là 'kẻ giết người' '.”