Chăm Pa a.k.a Chiêm Thành, Campanagara (Nagara: xứ sở; Campanagara: Xứ sở Chăm Pa) và Lâm Ấp trước thế kỷ thứ 8 là tên tập hợp liên bang các tiểu quốc của đồng bào Chămđược thành lập và tồn tại trên dải đất miền Trung từ phía Nam hoành Sơn trở vào tới khu vực Bình Thuận từ năm 192 cho tới khi người Chăm hoàn toàn bị bàn tay độc tài của minh Mạng xóa bỏ hẳn quy chế tự trị của Thuận Thành Trấn năm 1832 cũng như sự đàn áp thẳng tay người Chăm trong cuộc khởi nghĩa Ja Thak Wa nổ ra sau đó (1834-1835) kết cục là dẫn đến việc người Chăm bị đàn áp nặng nề
Lãnh thổ miền Trung Việt Nam từ khoảng thời gian trước Công Nguyên đã có những cư dân thuộc văn hóa Sa Huỳnh nói ngữ hệ Mã Lai Nam Đảo sinh sống.
Những đợt di cư của các nhóm tới sau đẩy dần các nhóm tới trước lên vùng Tây Nguyên
Vào những năm đầu Công Nguyên thì trên lãnh thổ Việt Nam hình thành 3 cộng đồng chính là người Việt thuộc ngữ chi Việt Mường ở phía bắc, người chăm thuộc ngữ hệ Mã Lai – Nam Đảo ở miền Trung và khu vực Nam Bộ thuộc Phù Nam
Người Chăm trong các thư tịch cổ được chép lại gồm 2 thị tộc chính là thị tộc Dừa (Narikelavamka) ở phía Bắc và thị tộc Cau (Kraukavamka) ở phía Nam
Đây là 2 nhóm quan trọng hình thành nên nhà nước liên bang Chăm Pa về sau cũng như là mối mâu thuẫn truyền kiếp dẫn đến sự hưng suy của vương quốc Chăm Pa
Sau khi tướng Mã Viện đánh bại Hai Bà Trưng năm 43 và tái lập nền đô hộ lên đất Âu Lạc xưa thì bộ phận người Chăm ở phía Bắc cũng bị nằm dưới ách đô hộ của quân Hán
Vùng đất người Chăm bị nhà Hán đô hộ, đặt huyện Tượng Lâm ở phía nam sông Gianh, Hoành Sơn trở vào thuộc châu quận Nhật Nam
Tượng Lâm là châu quận xa nhất và thường xuyên xảy ra nhiều cuộc xung đột giữa chính quyền với người bản địa khi khu vực này có khá nhiều bộ tộc không thần phục Hán triều được Hán triều gọi là rợ Khu Liên (trùng tên với vua Khu Liên, Sri Mara lãnh đạo người Chăm giành độc lập về sau)
Chiến sự giữa người bản địa và quân Hán đồn trú tiếp tục xảy ra như cơm bữa ở các khu vực Nhật Nam – Tượng Lâm cho đến tận năm 184 khi 3 anh em họ Trương là Trương Giác, Trương Bảo và Trương Lương ở Cự Lộc lãnh đạo giáo đồ Thái Bình đạo thành lập lực lượng Khăn Vàng và đứng lên nổi dậy chống lại Hán đình
Cuộc nổi dậy của quân Khăn Vàng cũng như các cuộc nổi loạn của người Khương ở Tây Lương và vô số các cuộc khởi nghĩa khác cũng như các cuộc đấu đá nội bộ giữa sỹ phu với hoạn quan, nạn tham nhũng đã làm cho Hán đình bước vào con đường tàn vong
Năm 192, Khu Liên lãnh đạo nhân dân huyện Tượng Lâm đứng lên đánh đuổi người Hán và thành lập nên nhà nước riêng của người Chăm, sử gọi là Lâm Ấp
Lãnh thổ Lâm Ấp ban đầu được xác định là tương đương vùng Tượng Lâm cũ tức là từ dãy Hoành Sơn trở vào nam.
Cương giới phía Nam của Lâm Ấp có thể không xác định được d nhiều nguồn tài liệu khác nhau đưa ra chỉ dẫn khác nhau song có thể đoán định là ở vòng vòng khoảng khu vực Đèo Cả trở ra, không thể xa hơn về phía nam vì từ khu Phú Khánh trở vào thuộc địa bàn Panduranga nhóm thị tộc Cau phía nam
Sở dĩ cho là cương giới như vậy bởi vì dựa trên việc 2 nhóm Nam Chăm (thị tộc Cau) và Bắc Chăm (thị tộc Dừa) có 2 khu Thánh địa khác nhau trong suốt quãng thời gian tồn tại cũng như tranh giành quyền lãnh đạo liên bang Chăm Pa giữa 2 nhóm Nam Chăm và Bắc Chăm
Nhóm phía Nam có thánh địa thờ Yang Po Inư Nagar (Bà Mẹ xứ sở; người Việt gọi là Thiên Y A Na) ) ở tại thành phố Nha Trang mà ngày nay mỗi dịp Rija Nưgar (ngày lễ xứ sở; lễ mừng năm mới) vào tháng 4 âm lịch (theo Chăm lịch là tháng 1; dao động trong khoảng thời gian trong cùng 1 tháng với các lễ té nước của người Thái, Lào hay Myanmar và Khmer cũng được tổ chức ăn mừng dịp đầu năm theo lịch của họ) vẫn được người Chăm hành hương lên tháp làm lễ hằng năm
Trong khi đó thì nhóm phía Bắc cũng xây dựng khu Thánh địa quy mô riêng của mình ở Mỹ Sơn ( Thánh địa Hào quang) nhằm thờ thần tổ của Lâm Ấp
Trong suốt thời kỳ tồn tại của mình thì Chăm Pa được tổ chức theo hệ thống liên bang mandala khi các tiểu quốc yếu hơn phải thần phục bá quyền của vua tiểu quốc mạnh hơn, chủ nhân của lọng trắng, còn nếu không phục thì tất sẽ phải dùng binh lực để so cơ
Tùy vào từng thời kỳ mà Chăm Pa có số lượng tiểu quốc khác nhau song dao động khoảng 5-6 tiểu quốc chính là Indrapura ở Đồng Dương, Quảng Nam; Amaravarati ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Vijaya ở khu vực Bình Định, Aiaru ở Phú Yên, Kauthara ở Khánh Hòa cùng Panduranga ở Ninh Thuận – Bình Thuận
Trở lại với Lâm Ấp thì Khu Liên sau không có con nên cháu ngoại là Phạm Hùng và con Phạm Hùng lên kế vị cho tới khi cháu Phạm Hùng bị nô bộc Phạm Văn người gốc Hoa ở Dương Châu đoạt vị
Ngôi vị quốc chủ Lâm Ấp truyền sang dòng hậu duệ của Phạm Văn
Phạm Văn cùng các hậu duệ đã ra sức mở rộng bờ cõi, chinh phục các tiểu quốc Đại Kỳ Giới, Tiểu Kỳ Giới, Thức Đô Bộc…ở xung quanh cũng như Bắc tiến đánh vào các châu quận Thiên Triều ở bên kia sông Gianh
Ngoài ra thì Phạm Văn với gốc gác ngoại quốc đã du nhập nhiều cái mới vào nhà nước Lâm Ấp non trẻ như tổ chức quân đội, xây dựng kinh đô, thành trì…
Kinh đô đầu tiên của Lâm Ấp đóng tại Kandapura (Điển Xung) ở xã Thủy Xuân thuộc Thừa Thiên Huế
Ngoài ra thì để bảo vệ vùng đất cũ ở phía nam sông Gianh thì Lâm Ấp cũng xây thêm thành Khu Túc (Kurung) thuộc địa phận Cao Lao Hạ, Hạ Trạch, Bố Trạch của tỉnh Quảng Bình)
Quân đội Lâm Ấp do các vua chỉ huy nhiều lần giao chiến với quân Thiên triều Trung nguyên cũng như nhiều lần đánh ra tận Nhật Nam
Sau trận thua năm 455, tình hình nội trị Lâm Ấp không được mấy sáng sủa khi vào năm 472 Phạm Đang Căng Thuần giết chết quốc chủ Lâm Ấp là Phạm Thần Thành để đoạt vị
Theo các sách thì năm 472, 1 người Phù Nam là con hoặc quan của vua Phù Nam là Phạm Đang Căng Thuần đã giết vua Lâm Ấp để đoạt vị
Sự kiện này và có thể gồm 1 phần các sự kiện rời rạc trước đó đã đưa vào cộng đồng Chăm bộ phận dân cư thị tộc Dừa ở vùng Panduraga, (Phan Rang a.k.a Bôn Đà Lãng), Kauthara
Lãnh thổ thị tộc Dừa có thể trước đó từng bị chinh phục nhiều lần bởi các vua Lâm Ấp song về cơ bản và căn cứ theo Các tiểu quốc của vương quốc Phù Nam ở Nam Bộ của Nhà xuất bản Đại học quốc gia thì vùng Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận lúc này theo 1 số giả thuyết về cơ bản vẫn chịu ảnh hưởng và là thuộc hạt của khu thánh địa Cát Tiên của Phù Nam
Nhìn theo căn cứ tổ chức tiểu quốc của 1 số quốc gia cổ theo Bà La Môn bấy giờ thì hầu như các tiểu quốc và trên mức đó là các vương quốc đều tổ chức cho mình 1 khu thánh địa đền đài , tùy theo cấp độ là quy mô của riêng tiểu quốc hay của 1 nhóm
Dựa vào bản đồ các tháp Chăm đã từng và đang tồn tại cũng như khu vực bản đồ địa khu thì có thể thấy hầu như các tiểu quốc Chăm Pa cấu thành nên liên bang Chăm Pa đều có đặc điểm này điển hình như tiểu quốc Indrapura (Lôi Điện Thành; Indra là Sấm sét, Pura là thành) với lãnh thì có khu thánh địa phật viện Đồng Dương, Amavaravati thì có khu tháp Chánh Lộ là tối thiểu, Vijaya thì có khu tháp Bánh Ít – Cánh Tiên – Dương Long…, Phú Yên tùy theo giai đoạn trong lịch sử Chăm Pa là tiểu quốc Aiaru thì cũng có khu Tháp Nhạn với tiểu quốc Kauthara thì sở hữu khu thánh địa thờ Yang Po Inư Nagar và tiểu quốc Panduranga Ninh Thuận – Bình Thuận thì có 1 loạt các đền tháp Po Klong Garai, Po Rome, Po Sah Inư…
Theo Các tiểu quốc thuộc vương quốc Phù Nam ở Nam Bộ thì lãnh thổ Phù Nam ở Nam Bộ đại để có thể chia ra làm 3 tiểu quốc lớn căn cứ theo sinh thái, kinh tế, hiện vật là tiểu quốc Na Phất Na (Naravaranagara) ở khu vực từ sông Tiền trở về nam tới tận mũi Cà Mau – là trung tâm đầu não chính của khối liên bang Mandala Phù Nam, tiểu quốc “chinh phục từ đầm lầy” là phong ấp của thái tử Gunarvarman với 1 số khu di chỉ phế tích có quy mô như Gò Tháp ở Đồng Tháp Mười hay Gò Thành ở Tiền Giang có phạm vi trải dài từ sông Tiền lên sông Đồng Nai (1 số thành bang nhỏ có thể do các cháu hoàng tộc Phù Nam trấn giữ tồn tại mãi tới thời Chân Lạp như Adinintapura tức là TP Hồ Chí Minh, Sài Gòn sau này) và từ sông Đồng Nai lên phía bắc tới tận biên giới Lâm Ấp là thuộc xứ Cát Tiên gồm các tiểu quốc mà về sau này khi Phù Nam banh chành thì tan rã thành vô số tiểu quốc như tiểu quốc Mạ, tiểu quốc Lạt, Bà Lị, Thù Nại cũng như các tiểu quốc Panduranga của nhóm Chăm phía Nam
Ngoài ra thì dựa vào vương vị của các đời quốc chủ Lâm Ấp – Chăm Pa mà cũng có thể thấy có 1 số đặc điểm phân biệt giữa 2 nhóm Chăm Nam và bắc là ở cuối vương hiệu của các vị vua dòng phía Bắc thường là varman (vào thời Hoàn Vương và cả 1 số thời kỳ khi các vua thuộc Panduranga cai quản luôn lãnh thổ nhóm Chăm phía Bắc thì cũng để đuôi “varman” vào cuối vương hiệu) trong khi từ sau năm 1477 khi Chăm Pa mất lãnh thổ phía Bắc vào tay người Việt thì các quốc chủ Champa Panduranga đều xưng Po (Ppo) trước tên hiệu của mình như Ppo Rome, Ppo Mưh Taha
Khi Phạm Đang Căng Thuần cướp hoàng vị Lâm Ấp vào năm 472 thì khu vực các tiểu quốc ở phía Bắc của nhóm Cát Tiên của Phù Nam đã chuyển chủ từ Phù Nam sang Lâm Ấp tuy nhiên thì triều đình Lâm Ấp cũng như thị tộc Dừa phía Bắc vẫn tồn tại sự phân biệt với nhóm phía Nam với gia nhập và sự phân biệt này đã dẫn đến sự đấu đá nội bộ trong nhiều thế kỷ
Sau các thất bại vào năm 602 trước sự tấn công của tướng Tùy Lưu Phương thì kinh thành Điển Xung bị phá hủy buộc Lâm Ấp phải dời đô đến Simhapura (thành phố Sư Tử) ở làng Trà Kiệu thuộc Duy Xuyên , Quảng Nam và tồn tại mãi cho đến khi vua Lâm Ấp cùng các thành viên nam trong hoàng tộc Lâm Ấp của vương triều Gangaraja vào năm 654 khiến cho chính trường Lâm Ấp bị bất ổn trong nhiều năm với các vua kế tiếp của Lâm Ấp lần lượt dùng tới vũ lực để kế vị
Sự suy tàn của Lâm Ấp kéo dài tới năm 757 khi vị vua xứ Bôn Đà Lãng (Panduranga) là Prithi Indravarman đã nổi lên lật đổ vua cuối cùng của Lâm Ấp là vua Bhadravarman Đệ Nhị và chuyển quyền lực chính trị về tay nhóm Nam Chăm
Vương triều do vua Prithi Indravarman thành lập được sử gọi là Hoàn Vương (757-859)
Vua Prityhi Indravarman 1 mặt cho xây đền thờ nữ thần tổ bằng gạch tại khu thánh địa đền Po Nagar
Ngoài ra thì từ thời Hoàn Vương, các vua cũng bắt đầu trồng cây Kraik (cây vấp) vốn được xem là thần mộc che chở cho Đại Chăm quốc
Thần mộc Kraik về sau đi vào sử thi Chăm với việc vua Po Rome (1627-1651) dưới sự mê hoặc của công nữ Ngọc Khoa, con gái chúa Nguyễn mà cho đốn đi thần mộc khiến cho vương triều tàn lụi, binh bại thân vong
Sự giàu có của Hoàn Vương đi kèm với cái nhìn đố kỵ và thèm khác của nhiều lân bang
Lần lượt các đợt tấn công và nổi dậy của giặc Chà Và (quân đội xứ Sailendra từ Java), quân đế quốc Khmer (Kur) mới thành lập cũng như các bộ lạc vùng Cao nguyên như Candra ở phía Bắc, Agni (Đông), Indra (Đông Bắc), Yama (Nam) và Yaksha là các bộ lạc người Thượng ở phía Nam trên đất của người Khmer cũng như việc Hoàn Vương bắc tiến đánh nhau với nhà Đường
Trong số các kẻ thù này thì ngu hiểm và lâu dài nhất chính là thế lực người Khmer của đế quốc Angkor
Năm 857, vua cuối cùng của Hoàn Vương mất, quyền lực chính trị của liên bang Champa lại chuyển vào tay vua Jaya Indravarman II của tiểu quốc Indrapura ở Đồng Dương
Dù tên gọi Chăm Pa a.k.a Campa xuất hiện trên các bia ký trước đó của người Chăm song chính từ năm 857-859 trở đi quốc danh Chăm Pa/Chiêm Thành/Nagaracampa được ghi vào thư tịch của các quốc gia trong khu vực mãi cho tới khi Chăm Pa tiêu vong
Quân đội Liên bang Champa dưới sự lãnh đạo và dẫn dắt của tiểu quốc Indrapura đã nhiều lần đánh bại quân Khmer ( Kur/Kvir trong tiếng Chăm) và bành trướng tới tận vùng Đồng Nai Thượng cùng 2 tỉnh Ratanakiri và Mondulkiri ở trên đất Campuchia ngày nay
Ngoài ra thì có lẽ vương triều Indrapura Đồng Dương cũng là vương triều duy nhất của Chăm Pa du nhập và sùng bái cả Phật giáo với phế tích Phật viện Đồng dương còn tồn tại đến ngày nay
Bên cạnh thế lực mới nổi của người Khmer đế quốc Angkor thì Champa cũng phải đối phó với sữ trỗi dậy của người Việt ở phía Bắc sau khi Khúc Thừa Dụ giành lại quyền tự chủ và Ngô Quyền đánh bại thủy quân Nam Hán tại trận địa cọc Bạch Đằng năm 938 để bảo vệ nền độc lập (bấy giờ còn dùng danh hiệu hành chính cũ của nhà Đường là Tĩnh Hải Quân) trước quân xâm lược phương Bắc.
Sau khi Ngô Quyền mất năm 944 thì người Việt bước vào giai đoạn nội chiến 12 sứ quân
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh với bộ chúng kế thừa của sứ quân Trần Lãm (Trần Minh Công) cùng sự phò tá của các tướng tài đã lần lượt thống nhất các sứ quân, lên ngôi vạn thống với tôn hiệu Đại thắng Minh Hoàng Đế a.k.a Đinh Tiên Hoàng, lập ra nhà Đinh, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt
Trong số các sứ quân bị chinh phục có con cháu trong tông tộc họ Ngô của Ngô Quyền là Ngô Nhật Khánh được vua Đinh Tiên Hoàng thu phục, gả cho công chúa
Song Ngô Nhật Khánh vẫn không phục, đào tẩu sang Chiêm quốc và khi nghe tin vua Đinh Tiên Hoàng cùng trưởng tử Đinh Liễn bị ám hại đã xin vua Chăm là Jaya Paramecvaravarman Đệ Nhất a.k.a Phê Mị Thuế cho mượn quân về phục quốc
Đoàn binh thuyền Chăm Pa hộ tống Ngô Nhật Khánh tiến vào 2 cửa biển Đại Ác a.k.a cửa bể Thần Phù (nay đã bị bồi lấp, nằm trên khu vực 2 huyện Nga Sơn của Thanh Hóa với Yên Mô Ninh Bình hiện nay) và cửa Tiểu Khang thì bị bão nhấn chìm gần hết chỉ còn vua Chăm cùng 1 số tàn quân thoát được
Năm 981, quân Tống kéo sang xâm lược Đại Cồ Việt lần 1 song bị tự quân là Lê Hoàn (Lê Đại Hành) được tướng sỹ ủng lập đánh tan
Sau khi chiến thắng quân Tống, vua Lê Đại Hành đã cử sứ sang Chăm Pa song bị bắt giam (có lẽ do Chăm Pa vẫn còn xem họ Ngô với họ Đinh là hoàng thất hợp pháp) nên đã kéo quân sang đánh thẳng vào tàn phá quốc đô Indrapura, chém vua Chăm tại trận
Người Chăm đại bại, buộc phải dời chuyển trung tâm chính trị về tiểu quốc Vijaya (Phật Thệ/ Đồ Bàn/ Chà Bàn) ở Bình Định
1 người Việt là Lưu Kế Tông nhân cơ hội khoảng trống quyền lực được tạo ra do sự tấn công của quân Tiền Lê mà chiếm cứ Bắc chăm để tự lập làm vua cho đến năm 988
Sau khi trung tâm quyền lực chuyển về xứ Vijaya thì Chăm Pa cùng Đại Cồ Việt (từ năm 1054 thì đổi sang quốc hiệu Đại Việt) và đế quốc Khmer hình thành mối quan hệ tay 3 khi hòa khi chiến, chủ yếu là chiến sự thường xuyên nổ ra giữa người Chăm và người Việt hoặc người Chăm với người Khmer song cũng nhiều lúc thì người Khmer cũng phát sinh xung đột với người Việt
Giữu lúc này thì nội bộ chính trường Chăm Pa cũng lục đục do sự tranh đấu quyền lực giữa 2 miền Nam – Bắc
Khoảng năm 1145, quân Angkor tràn sang đánh và chiếm cứ Champa, vương triều của thành Vijaya tiêu vong
Trong cơn binh lửa, quyền lực lại chuyển về phía nam vào tay xứ Panduranga
Khoảng năm 1149-1150, vua Champa Harivarman Đệ Nhất tiến hành cuộc nội chiến chống lại anh rể kiêm đối thủ Vamcaraja (Ung Minh Ta Điệp) vốn được sự ủng hộ của các đồng bào Tây Nguyên như người Mleccha, Mada
Vì người Chăm gọi chung là người Thượng là Kirata nên sử gọi đây là loạn Kirata
Quân đội Champa đánh bại các chiến binh Tây Nguyên ở nhiều trận như tại trận làng Slây khiến Ung Minh Ta Điệp kế cùng chạy sang mượn quân nhà Lý Đại việt về giúp sức nhưng vẫn thua
Các đời vua Panduranga sau đó kế tiếp nhau cho tới năm 1167 khi vua Jaya Indravarman Đệ Tứ lên phát dương quang đại và đưa cái tên Champa lên bản đồ thế giới với đại thắng tại trận thủy chiến trên sóng nước Tonle Sap năm 1177
Vua Jaya Indravarman Đệ Tứ, nổi danh hơn là Po Klaong Garai theo truyền thuyết là tên lúc nhỏ là Jatol do có thiên mệnh nên được vua Nuhol của tiểu quốc Aiaru ở Phú Yên gả con gái là Thakol
Sau khi vua Jaya Harivarman Đệ Nhị băng hà tại kinh thành Bal Sri Banoy (Thị Nại) năm 1167 thì quần thần đón về tôn làm quốc chủ
Vua Po Klaong Garai sau khi lên ngôi đã dùng lễ đuổi quân Khmer của tướng Hakral đang trú đóng ở vùng Balhul thuộc Panduranga thông qua việc chiến thắng thử thách cuộc thi xây tháp nhanh
Sau khi tiễn hết quân Khmer về nước thì vua Po Klaong Gatrai lợi dụng tình thế triều đình Angkor đang xảy ra bất ổn, kèn cựa, tranh giành hoàng vị mà xây dựng kinh tế và đội quân mạnh rồi 2 lần phát đại quân tiến đánh Angkor.
Trong 2 lần tiến đánh Angkor theo sử thì lần 1 với hàng ngàn cỗ xe có lẽ do lưỡng bại câu thương, ảnh hưởng đến chiến sự nên vua Po Klong Garai đã phát động cuộc hành binh bằng ngả đường thủy, ngược dòng Mekong, vào Biển hồ Tonle Sap, âm thầm áp sát kinh thành Angkor của người Khmer
Khi người Khmer phát hiện ra được quân champa động binh thì đã muộn
Người Khmer vội vã tập hợp hạm đội do vua Tribhuvanadityavarman cùng vương tử thành Vijaya thù địch là Vidyanandana ra nghênh chiến với hạm đội Champa đang áp sát gần thành
Hạm đội Champa do vua Po Klong Garai chỉ huy nhanh chóng giành thắng lợi, đánh bại quân Khmer cũng như giết vua Tribhuvanadityavarman và tạm thời cướp phá, đồn trú trên đất Angkor cho tới khi họ bị suy yếu do phải chiến đấu xa nhà
Nắm được cơ hội này, quốc chủ mới của Angkor là Jayavarman Đệ Thất đem quân nổi dậy, tái chiếm lãnh thổ cũng như đem quân ủng lập ứng viên cho ngai vàng Champa của mình là Vidyanandana về nước
Lực lượng quân Khmer nhân cơ hội vua Po Klong Garai đang mải lo tập trung phát triển kinh tế, khôi phục sản xuất sau chiến tranh mà giành thắng lợi cũng như đưa Vidyanandana lên ngôi quốc chủ Champa
Tuy nhiên Vidyanandana sau khi đánh bại và khiến cho Jaya Indravarman Đệ Tứ bị đế quốc Angkor bắt làm tù binh đã tìm cách ly khai khiến cho Angkor phải thả Jaya Indravarman Đệ Tứ về để làm đối trọng kìm hãm song âm mưu của người Khmer bị thất bại
Quân khmer sau đó kéo sang tấn công, đánh bại Champa cũng như đô hộ xứ này cho tới khi vua Jaya Paramesvaravarman Đệ Nhị đem binh đánh đuổi người Khmer giành lại độc lập
Giữa lúc người Chăm đang khôi phục lại kinh tế bị ảnh hưởng bởi chiến tranh với Khmer thì năm 1283, hạm đội nhà Nguyên gồm 1000 thuyền với 200,000 quân do Toa Đô (Sugetu) chỉ huy kéo sang xâm lược trong 1 phần âm mưu lớn hơn là cô lập và giáp công Đại Việt từ nhiều phía
Trước thế mạnh quân Nguyên, vua Champa là Indravarman Đệ Ngũ cùng con trai là Chế Mân a.k.a Sri Harijit Po Devada Svor (sau là Jaya Simhavarman Đệ Tam) cùng rút lên rừng núi liên hợp với người Thượng kháng chiến khiến quân Nguyên đuổi theo gặp nhiều tổn thất cũng như buộc Toa Đô phải cho quân co cụm lại làm đồn điền ở ven biển để rồi tới năm 1285 thì lên Bắc hội quân với Thoát Hoan (Toghan) và tử trận trên chiến trường Đại Việt
Sau khi cùng giành thắng lợi với người Việt trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông, Chăm Pa đã kết hữu hảo khi thượng hoàng Trần Nhân Tông gả Huyền Trân công chúa (vương hiệu hoàng hậu Chăm là Paramecvari) cho vua Chế Mân (vua còn có 1 hoàng hậu người Java là Tapasi) với sính lễ của người Chăm là 2 châu Ô, Lý (khu vực Quảng Nam tới Quảng Bình)
Tuy nhiên, hạnh phúc của cuộc hôn nhân này không bền lâu khi công chúa Huyền Trân vừa sinh hạ xong hoàng tử thì vua Chế Mân qua đời
Triều đình nhà Trần vì khiếp hãi trước phong tục tự thiêu trên giàn hỏa của hoàng hậu (Sati) của Bà La Môn giáo mà cho Trần Khắc Chung mượn cớ viếng tang sang lén đón công chúa về
Sự hiểu lầm tai hại và không rõ đầu cua tai nheo của tục Sati này dẫn đến các vua Chăm sau đời vua Chế Mân coi là quốc sỉ và động binh với đại Việt nhằm để thu hồi của hồi môn là 2 châu Ô Lý về
Sati tuyđúng là tục người vợ của các chiến binh (Rajah, Kshaktria) phải tự mình lên giàn hỏa để chết theo chồng ở quy mô cá nhân hoặc quy mô tập thế (Jauhar) song ở Chăm Pa thì không phải hoàng hậu nào hễ muốn tử tiết thì là có thể tử tiết ngay và luôn như các liệt nữ bên văn hóa Nho giáo đồng văn hay bên Ấn Độ cùng thời hay làm theo ý mình mà việc muốn tiến hành nghi thức tự thiêu Sati còn phải qua sự hội ý của các đại thần cùng người kế vị là kế vương (Yuravaja) cùng các tu sỹ tăng lữ và hội đúng điều kiện thì mới được chuẩn ý cho làm
Sự căng thẳng giữa Chăm Pa và Đại Việt lên đỉnh điểm khi Zainal Abidin lên kế vị với vương hiệu Chế Bồng Nga a.k.a Po Binasuor, Po Bhinethuor, R’căm B’nga
Quân đội Chăm Pa dưới sự chỉ huy của vua Chế Bồng Nga tài ba đã nhiều lần làm cho quân đội nhà Trần điêu đứngvới 4 lần đánh vào Thăng long cùng 1 lần phục kích giết chết vua Trần Duệ Tông tại thành Đồ Bàn vào năm 1377
Năm 1390, trong trận thủy chiến sông Hải Triều thì quân Trần do tướng Trần Khát Chân chỉ huy với sự chỉ điểm của hàng tướng người Chăm là Ba Lậu Kê đã bắn chết vua Chế Bồng Nga
Thuộc tướng vua Chăm là La Ngai (Ko Ceng) đã thu thập tàn quân về nước để giành ngôi
Trong khi người Việt đang bị quân Minh đánh bại và đô hộ thì quân Chăm Pa chủ yếu bắc tiến thu lại các vùng đất đã mất khi trước rồi lại quay về nam giao tranh với người Khmer
Tận dụng đế quốc Angkor cũng đang bầm mình bầm mẩy với người Thái mới nổi, quân đội Chăm đã nhanh chóng nam tiến vào lãnh thổ người Khmer và chiếm được thành trì Nagara Brah Kanda (thuộc Biên Hòa, Đồng Nai ngày nay) và duy trì cho tới khi họ bị người Khmer mượn tay quân đánh thuê Tây Ban Nha đến đuổi đi
Sau khi người Việt giành lại độc lập từ tay Minh triều năm 1428 trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thì giữa Chăm Pa và Đại Việt lại phát sinh xung đột và đến năm 1471 thì quân đội Hậu Lê do vua Lê Thánh Tông chỉ huy đánh bại vua Chăm là Bàn La Trà Toàn ở Đồ Bàn cũng như chia 3 Chiêm quốc thành Chăm Pa Panduranga do Bô Trì Trì (từ đây trở đi các quốc chủ Champa đều có chữ xưng hiệu đầu là Ppo) cùng Hoa Anh (Kauthara) và Nam Bàn (tiểu quốc Jarai)
Năm 1611, chúa Nguyễn Hoàng cử tướng gốc Chăm là Văn Phong đánh chiếm tiểu quốc Aiaru và lập ra Phú Yên
Văn Phong về sau làm loạn, liên kết người Chăm chống lại chúa Nguyễn song vua Chăm khi đó do thân phận là con rể chúa Nguyễn nên không dám ra mặt công khai trợ giúp
Năm 1627, vua Po Rome a.k.a Jakathaut người Churu lên ngôi sau lấy con gái vua Po Klong M’hnai là Bia (hoàng hậu) Than Cih
Vua Po Rome sau đó còn được chúa Nguyễn gả con gái là công nữ Ngọc Khoa (Bia Ut Yuôn) bên cạnh hậu cung gồm hoàng hậu Bia Than Cih và thứ phi bia Than Can người Ê Đê
Chính từ lúc này mới là điểm nghi vấn trong sử vì trong sử thi Chăm cũng như vài nguồn sử Việt sau này như Nguyễn Phúc tộc thì đều ghi và truyền lại rằng vua Po Rome vì lấy vợ Việt nên cuối cùng bị trúng mỹ nhân kế của Chúa Nguyễn (Nguyễn Phúc tộc thì lại ghi là do 2 hoàng hậu trước đố kỵ với công nữ Ngọc Khoa nên khích binh sỹ làm loạn tiến đánh Đàng Trong) dẫn đến quân thua trong khi bản thân bị bắt và tự sát để tránh nhục
Tuy nhiên, thời trị vì của vua Po Rome trong sử là từ năm 1627 tới năm 1651 trong khi theo ghi chép của Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn đang làm quan cho họ Trịnh thù địch với họ Nguyễn cùng thời thì chỉ ghi mỗi sự kiện năm 1653 quân chúa Nguyễn đánh bại quân Chăm, bắt vua Po Nraop (1651-1653) nhốt cũi đem về cũng như sát nhập đất tiểu quốc Kauthara thuộc Khánh Hòa vào địa bàn Đàng Trong
Bên cạnh đó vua Po Rome trong chính sử được mô tả là vị vua anh minh , chăm lo phát triển kinh tế quân đội và thậm chí vua còn biết đối ngoại khi giao thiệp và cho phép thương nhân Tây dương buôn bán tại xứ Panduranga với điều kiện là không gây xích mích nội bộ giữa các thương nhân đến từ các cường quốc châu Âu đang thù địch nhau
Về tôn giáo thì vua sát nhập, dung hợp các yếu tố Bà la Môn từ trước với Hồi Giáo tới sau để làm hình thành nên tín ngưỡng và lễ Katê sau này
Về hậu cung thì có nguồn còn ghi hậu cung vua Porome không chỉ có 3 người mà còn thêm 1 công chúa Nam Dương
Như vậy với các công nghiệp trên mà kết luận vua Po Rome để mất cơ đồ Champa vì nữ nhi có lẽ là quá vội vã và không chắc chắn
Có chăng là vua Po Rome băng hà giữa lúc quan hệ Chăm Việt đang rơi vào khủng hoảng để rồi 2 năm sau đó (1653) thì họ Nguyễn chiếm được Kauthara và tới năm 1692 thì tạm thời bắt vua Po Saot, chiếm toàn bộ Champa cho tới khi nổ ra cuộc nổi dậy của Ốc Nha (Okya) Thát cùng thương nhân người Mãn là A Ban đánh bại và giết 1000 quân cùng 13 tướng của chúa Nguyễn buộc họ Nguyễn phải tái lập Champa dưới tên gọi Thuận Thành trấn cho con thứ của Porome là Po Saktiray Daputih a.k.a Kế Bà Tử vào năm 1693
Nền kinh tế Champa bên cạnh nông nghiệp thì còn có khai thác lâm khoáng sản như vàng và trầm hương và thương nghiệp, trong đó thì các ngành khai thác lâm khoáng sản cũng như thương nghiệp rất phát triển
Trong số các sản vật Chăm Pa thì có trầm hương với vàng là thuộc dạng nổi tiếng là nhiều nhất
Trầm hương của Chăm Pa được các tài liệu phương Bắc đánh giá là thuộc hạng nhì của khu vực “Chân Lạp vi thượng, Chiêm Thành thứ chi” (trầm Chân Lạp đứng nhất, kế là trầm hương Chăm Pa)
Về vàng thì sau khi tướng Đàn Hòa Chi đánh bại và tràn vào kinh thành Lâm Ấp thì Champa bấy giờ mới được phương Bắc biết đến có rất nhiều vàng và hễ cứ lần nào quân các triều đại phương Bắc tràn vào được kinh thành của Lâm Ấp là xác định lần đó nặng gánh trở về
Trong lần đánh vào kinh đô Điển Xung của Lâm Ấp thì số vàng mà quân Lưu Tống cướp bóc, vơ vét và nấu chảy lên tới hơn 100,000 cân vàng (1 cân tùy nước nhưng tương đương khoảng 500 -600 gam)
Để có thể duy trì được nền độc lập ngần ấy năm trước 1 bầy hổ báo cáo chồn từ Việt, Khmer, Chà Và (Java) và cả thiên triều Trung Quốc thì các vua Chăm Pa đã biết dựa vào quân đội của mình
Chiến tranh với người Chăm có 2 loại là chiếm đất mở rộng bờ cõi và chinh phạt đánh phá tiềm lực đối phương
Trong thời kỳ đầu thì chiến tranh của Lâm Ấp – Chăm Pa chủ yếu là mở rộng bờ cõi cho tới thời kỳ sau thì lại thiên về chinh phạt, đánh phá tiềm lực hơn
Quân đội Chăm Pa là đội quân chuyên nghiệp được vua cấp cho lương thực và quần áo trên cơ sở của cải thu được từ nhân dân hơn là tự túc theo chính sách ngụ binh ư nông như ở các quân đội đương thời
Thường thì khoản ấy gồm 2 giạ lúa (1 giạ tương đương 1 cân và bằng 20 -22 kilogram) 1 tháng cùng với 3 -5 bộ quân phục cho mùa đông và mùa hè
Bên cạnh đó thì các cấp chỉ huy của quân Lâm Ấp – Chăm Pa cũng có nhiều hạng từ tiểu vương (rajah) như tiểu vương Phạm Trân Trân con vua Lâm Ấp của xứ Giao Long bên Lâm Ấp bị quân Tấn chém trong cuộc chiến năm 413 cho tới các cấp bậc thấp hơn như Mahasenapati (Đại tướng), senapati (tướng quân), Agrasenapati (tư lệnh)…
Các cấp này thường có lương bổng là 1 khoản tiền ngân quỹ cũng như sở hữu đặc quyền được miễn đóng thuế và để đổi lại thì họ phải tuyên thệ trung thành với vua cho tới chết
Nhân lực cho quân đội Chăm Pa không chỉ gói gọn trong các tráng đinh người Chăm vùng đồng bằng mà còn cả các dân tộc miền Tây Nguyên như người Rang Đê (khối cộng đồng Ê đê – Jarai trước khi tan rã thành 2 nhóm Ê Đê và Jarai sau này), người Churu, K’ho, Mạ…
Trong loạn Kirata xảy ra năm 1149 -1150 (Kirata là tên gọi mà Chăm Pa dùng để gọi chung các nhóm người Thượng ở cao nguyên như người Rađê, Mạ… bên cạnh cái tên Mleccha/ người hoang dã cũng hay được người Chăm xưa dùng để gọi các nhóm người Thượng khác ở Tây Nguyên) thì theo các nguồn, các vị thủ lĩnh người Kirata đã tập hợp lại lực lượng và đặt họ dưới sự lãnh đạo của anh vợ kiêm đối thủ tranh giành hoàng vị với vua Chăm Jaya Harivarman Đệ Nhất là Vamcaraja (sử Việt gọi là Ung Minh Ta Điệp) và ra giao chiến với quân đội Chăm Pa của Jaya Harivarman để rồi bị thất bại khiến cho Vamcaraja phải chạy sang mượn quân nhà Lý về và tiếp tục bị thua
Trong khối liên bang Chăm Pa thì có lẽ những cộng đồng người Tây Nguyên như Ê Đê, Jarai, Raglai, Churu hay K’ho đóng vai trò là các chư hầu, đồng minh và cả những thủ lĩnh phụ thuộc nhiều hơn là công dân chính chủ của vương quốc Chăm
Vai trò này của họ vẫn còn tiếp tục mãi tới thời sau khi thái tử Harijit Chế Mân trong cuộc chiến chống quân Mông Nguyên đã rút lên vùng Tây Nguyên, tập hợp nhân lực người Thượng liên thủ cùng quân đội dưới trướng để kháng chiến hay các vua như Po Rome cũng có gốc gác là người Churu trong 1 lần sang vùng của người Ê đê đã dạm hỏi con gái tù trưởng Ê Đê…hoặc các viên tướng Hồi Giáo dưới trướng vua Po Rome về sau đã rút về ở ẩn ở trong các khu vực của người Raglai cũng cho thấy tính đa dân tộc và vai trò của các cộng đồng người Tây Nguyên trong khối liên bang Chăm Pa
Ngoài ra theo Rừng Người Thượng của Henry Maitre trong cuộc nổi dậy Ja Thak Wa (1834-1835) thì có không ít sự tham gia của những đồng bào Tây Nguyên mà tổ tiên họ từng 1 thời phụng sự các vua chúa Chăm Pa
Chính các vua nhà Nguyễn cũng biết rõ điều này nên đã thi hành chính sách cộng cư da beo cũng như dồn đẩy các palei (làng) Chăm vào các khu vực chỉ định dành riêng cho họ cũng như di dân từ vùng khác tới định cư nhằm chặt đứt mối quan hệ cộng sinh giữa người Chăm ở đồng bằng và các nhóm người Thượng ở Tây Nguyên nhằm chấm dứt triệt để sự trợ giúp của người Thượng với sự tồn vong của vương quốc Champa
Thành phần quân đội Chăm Pa gồm đủ cả bộ binh, kỵ binh, tượng binh và cả hải quân
Quy mô quân số Lâm Ấp Chăm Pa thường là vài vạn , thường là 40,000 -50,000 người với tổ chức đơn vị là các nhóm chiến đấu 5 người và nếu như trong nhóm có 1 đồng đội đào ngũ thì 4 người còn lại sẽ bị tử hình
Hiệu lệnh hành quân của quân đội Chăm Pa là tù và với trống và khi bước vào trận chiến thì các hiệu lệnh tấn công là tiếng trống trận
Tại sa trường, đội hình chiến đấu cơ bản của quân đội là gồm mỗi 1 chiến tượng sẽ đực sự hỗ trợ của 5 kỵ binh cùng 30 lính bộ binh được chia làm 2 nhóm gồm 15 người ở phía trước và 15 người còn lại ở phía sau
Quân đội Chăm Pa được trang bị cung tên, nỏ, thương, lao và khiên mộc, dao găm…
Thương hay lao của chiến binh Chăm Pa được làm từ gỗ củi
Ngoài ra thì các binh sỹ Chăm Pa cũng có thể sở hữu cả dao găm Kris dài từ 15 tới 50 cm
Bên cạnh các vũ khí cận chiến thì các binh sỹ Chăm cũng sử dụng các vũ khí tầm xa như cung tên làm bằng tre hoặc là nỏ có mũi tẩm thuốc độc
Về giáp trụ thì các binh sỹ Champa sử dụng giáp trụ đan bằng các tấm mây
Bên cạnh bộ binh thì tượng binh là 1 trong các binh chủng xuất hiện từ lâu đời và có quan trọng trong quân đội Chăm Pa
Ước tính quân số voi chiến của Chăm Pa là khoảng 1000 con trong khi theo Odoric de Pordenone, người từng đến thăm các thành phố Champa vào thế kỷ 14 thì số voi chiến Champa lên tới 14,000 con
Tượng binh Chăm trang bị gần giống loại của quân Chân Lạp khi trên lưng voi có đặt bành và lọng che làm nơi ngồi của cấp chỉ huy
1 thớt voi chiến Chăm Pa gồm có quản tượng ăn vận quân phục như bộ binh cùng với binh sỹ chiến đấu được trang bị mũi lao sắt và cung tên
Voi chiến được sử dụng trong quân đội Chăm Pa nhưng công cụ xung kích, phá vỡ hàng ngũ kẻ thù
Trong 1 số trận như cuộc chiến với quân Tống thời Nam Bắc Triều Trung Quốc năm 446 thì vua Phạm Dương Mại Đệ Nhị của Lâm Ấp thậm chí đã cho triển khai voi bọc giáp (Thiết tượng) nhằm đẩy lùi quân Lưu Tống song do voi chiến còn xanh và non nên khi gặp người Tống cho triển khai ngựa đội lốt hình nộm sư tử thì đội thiết tượng lại tỏ ra sợ hãi và quay đầu lại bỏ chạy, dày xéo lên quân nhà làm trận ấy quân Lâm Ấp thua thảm
Trong số các lực lượng chiến đấu trên bộ thì lực lượng kỵ binh là góp mặt muộn nhất trong quân đội Champa
Thời điểm xuất hiện của kỵ binh trong quân Chăm là vào khi 1171 khi vua Chăm bấy giờ là Jaya Indravarman Đệ Tứ được binh sỹ Tống triều đào ngũ bị đắm tàu và dạt vào bờ biển Chăm Pa dạy cho kỹ thuật sử dụng ngựa chiến, chiến thuật kỵ binh cũng như kỹ thuật kỵ xạ
Tuy nhiên do ngựa nội địa không đáp ứng được yêu cầu nên vua Jaya Indravarman Đệ Tứ sai người sang đảo Hải Nam để mua ngựa
Ban đầu thì họ bị người dân địa phương từ chối song sau khi người Chăm điên tiết lên, cướp bóc, bắt bớ mọi người thì dân địa phương mới đồng ý bán ngựa và thế là bộ phận kỵ binh Chăm Pa được hình thành từ lúc đó
Sau này khi vua Tống biết chuyện và thiết lập lệnh cấm xuất khẩu ngựa chiến thì người Chăm cũng đã xoay xở được 1 ít kỵ binh
Khi vua Chăm Pa là Bàn La Trà Toàn tấn công ra Hóa Châu năm 1470 thì có 1 bộ phận không nhỏ quân Chăm trong đợt tiến công là kỵ binh
Bên cạnh đó thì trong lần thứ nhất hành quân kéo sang lãnh thổ đế quốc Khmer mà theo 1 số nguồn như Cao Miên sử thì quân số lên tới hàng ngàn cỗ xe thì có thể đây chính là những đoàn xe thồ do súc vật như trâu bò kéo dùng để vận tải quân nhu, quân trang, quân dụng cũng như là vận chuyển luôn cả các binh sỹ ra trận
Trong quân đội Chăm Pa , không thể không kể đến hạm đội thủy quân hùng mạnh của vương quốc Chăm Pa, công cụ để đưa Chăm Pa lên đỉnh cao thịnh vượng và quyền lực
Dù ngày nay, nhìn trên bản đồ thì 22 làng Chăm ở Ninh Thuận và 22 làng Chăm ở Bình Thuận đều nằm sâu trong nội địa, cách biển ít nhất cũng vài cây só, cá biệt như palei Pacam (Lạc Tánh) 73 miệt Tánh Linh là sâu trong vùng sơn địa núi non hơn là miền đồng bằng ven biển song tất cả những gì hôm nay chúng ta thấy là do chính sách của vua chúa người Việt trong quá trình đàn áp các cuộc khởi nghĩa của người Chăm như Ja Lidong, Katip Sumat hay Ja Thak Wa thông qua cách di dời làng mạc người Chăm vào nội địa, cô lập và ngăn cản họ có thể nhận được sự viện trợ từ lân bang
Song sự thật là người Chăm xưa là những thủy thủ tài ba và cự phách được chứng minh qua các văn bản sử thi của họ về thời kỳ quá khứ huy hoàng, tung hoành trên những ngọn sóng như Sử thi Po Riyak (Thần Sóng, Riyak nghĩa là sóng)
Thương thuyền người Chăm xưa đã từng rong ruổi đến không chỉ phía Bắc tới các cảng thị Trung Hoa mà phía nam còn ra tới các đảo thuộc vùng Đông Nam Á hải đảo (Nusantara)
Vào giai đoạn đầu thế kỷ 16, dù nước nhà đang chịu sức ép từ trò Nam tiến của người Việt thì vua Chăm thậm chí đã phái 1 hạm đội đang chi viện cho xứ Malacca khi Hồi quốc này đang bị quân đội Bồ Đào Nha xâm lược và áp đảo
Bên ạnh các thương thuyền chở đầy ắp sản vật thì bên cạnh các hải tặc người Trung Quốc, Nhật, Chà Và thì có lẽ cũng xuất hiện thành phần cướp biển người Chăm trong số các nhóm hải tặc từng rong ruổi trên vùng Biển Đông
Thuyền đi biển Champa theo các thư tịch Trung Quốc được gộp chung với nhóm các thuyền vùng Đông Nam Á ven biển – hải đảo với tên gọi chung cho nhóm này là thuyền Côn Luân, thuyền Phiên hay thuyền Man Di như
Trong Lãnh biểu lục dị của Lưu Hú thời Đường có miêu tả thuyền buôn Côn luân là loại thuyền khong đóng bằng đinh sắt mà chỉ dùng sợi dây quang lang để cột như chất keo từ cây cau vốn sẽ có tính chất là sẽ cứng lại khi khô cũng như sơn (sơn đây là sơn mài) để trám
Điều này cũng được xác nhận lại trong sách Nhất Thiết Kinh âm nghĩa của sư Huệ Lâm là thuyền không dùng đinh mà chỉ dùng xơ dừa để cột và nhựa cau để tram
Trong mục Thực Hóa Chí của Tống sử thì thuyền còn được phân ra làm nhiều loại là độc tường bạc là thuyền lớn nhất, tiếp là ngưu đầu bạc (thuyền đầu bò) có tải trọng bằng 1/3 độc tường bạc và tam mộc bạc thì có tải trọng chỉ bằng 1/3 của ngưu đầu bạc
Ngoài ra Chu Khứ Phi còn miêu tả loại thuyền lớn hơn có thể chở cả trăm hoặc ngàn người, tải trọng lên tới vạn hộc (1 hộc bằng 0,1 lít,, thời Pháp thuộc thì trọng lượng 1 hộc tương đương 1 tạ), đà lái dài 3 trượng (khoảng 10m) có thể đi được vài vạn dặm
Bên cạnh tàu vận tải, thuyền buôn thì theo Chư Phiên Chí thì người Chăm còn đóng cả thuyền đua với hình dáng của thuyền độc mộc có đầu mũi dài, thuôn nhọn, kích cao về phía trước, có lòng hẹp, thân thon dài về phía sau, dễ lướt nhanh lại ít bị nước cản
Ngoài các loại thuyền trên thì chiến thuyền Chăm Pa gồm nhiều loại là thuyền đi sông, thuyền đi biển hoặc loại lưỡng hợp cả 2
Thuyền chiến Chăm Pa thì gọn nhẹ và dù không hề lớn song lại có tải trọng vừa phải khi có thể chở được hàng chục binh sỹ, dễ dàng lướt nhanh cũng như xoay chuyển dễ dàng khi xông trận
Các tay chèo của chiến thuyền Chăm được gắn xuyên qua lỗ giữa tâm của các tấm khiên dài, và có dạng lưới mắt cáo bằng mây được gắn trên thuyền với tác dụng bảo vệ người trên thuyền
Trên các thuyền chiến có trang bị móc cặp mạn tàu có chiều dài từ 5 tới 6,5m dùng để ném từ mũi tàu qua mạn tàu đối phương rồi liên kết 2 tàu lại thành 1 sàn đấu giáp lá cà của thủy quân
Ngoài giáp lá cà trên sông thì chiến thuyền Champa cũng được trang bị 1 phần đầu gỗ lưỡi nhọn và hơi cong ngược lên dưới tàu có tác dụng như các súc gỗ đâm thủng mạn hay đuôi tàu địch để đánh đắm kẻ thù nếu như không thích hỗn chiến trên sông nước
Ngoài ra thì một số Chăm thông thạo binh pháp như Chế Bồng Nga còn dùng cả chiến thuật đắp đập xả lũ nhằm sử dụng sức nươc tấn công hạm đội kẻ thù
Bên cạnh dùng để thủy chiến thì người Chăm còn sử dụng thủy quân như là phương tiện chuyển quân nhanh gọn cũng như là lực lượng hỗ trợ bộ binh khi cần
Ngoài các thuyền chiến nhẹ thì hạm đội thuyền chiến Chiêm Thành cũng sở hữu cả thuyền lớn có trang bị tháp pháo
Quy mô hạm đội hải quân của người Chăm là khá lớn với quy mô lên tới vài trăm thuyền trong 1 số chiến dịch như năm 431, vua Phạm Dương Mại 2 lần cho thủy quân vào cướp Cửu Đức với hạm đội trước có hơn 100 thuyền cùng hạm đội sau do vua thân chinh đi tiếp ứng lên tới 300 chiếc
Bên cạnh tấn công thì người Chăm còn là những thợ xây dựng bậc thầy với những công trình thành quách phòng thủ bằng gạch nung, bằng đá hay đất sét kiên cố vững chắc
Các thành được miêu tả là có kích thước khá lớn với chiều dài theo hướng Đông Tây, chiều rộng hướng nam – bắc, chu vi 8 dặm 7 bộ (1 dặm tương đương 1 lý = 550m, 1 bộ tương đương 1,66m), cao 2 trượng ( 1 trượng tương đương 3,33m) với tường có lỗ châu mai hình vuông và cổng thành bằng gạch, trên tường có lát ván, trên mặt vác thì xây thang gác trong khi trên thang gác là phòng ốc và tên nữa là lầu cao…
Sau nhiều thế kỷ tồn tại và tranh hùng, Chăm Pa bước vào giai đoạn tàn lụi khi bị mất dần lãnh thổ trong khi dân cư nơi đó hoặc bị đồng hóa hoặc di cư đi nơi khác
Sau khi tái lập Thuận Thành Trấn, 1 bộ phận người Chăm di cư ra hải ngoại như Campuchia hay Mã Lai hoặc ra đảo Hải Nam (người Utsul)
Những người Chăm di cư qua Campuchia trở thành những lính đánh thuê người Hồi và ủng hộ vua Nặc Ông Chân (Ponhea Chan) của Cao Miên khi vị vua này trở thành vị vua Hồi giáo duy nhất trong lịch sử Campuchia
Tất nhiên việc vua theo Đạo Hồi và ưu đãi những người Chăm, Chà Và theo đạo Hồi đã làm người Khmer bản địa oán giận và họ đã mượn tay chúa Nguyễn hạ bệ vua Ponhea Chan
Ngoài ra trong các cuộc chiến giữa chúa Nguyễn và Cao Miên, người Chăm cũng đóng góp sức mình ở cả 2 phe như trường hợp 1 nữ sứ xinh đẹp Cao Miên gốc Chăm là Chiêm Dao Luật (Chiêm Dao Tân) chỉ với lời lẽ sắc bén và tuyệt kỹ “Mỹ nhân kế” của mình đã vô hiệu hóa trước sau 2 vị tướng sừng sỏ của chúa nguyễn cầm binh tiến đánh Cao Miên là Mai Vạn Long và Nguyễn Hữu Hào
Ngoài ra thì 1 bộ phận dân Chăm a.k.a Côn Man mà Nguyễn Cư Trinh mang về sau khi giải vây khỏi đại quân Cao Miên truy kích ở Vo Ta An do bởi thái độ phân biệt, kỳ thị của Cao Miên thời sau vua Ponhea Chan đối với việc người Chăm ủng hộ các hành động của vua Ponhea Chan đã được tái định cu ở khu vực biên giới Châu Đốc An Giang đã tạo thành cốt lõi Chăm Islam Nam Bộ sau này
Còn về bộ phận dân Chăm ở đất tổ miền Trung thì vướng vào cuộc chiến giữa Tây Sơn với họ Nguyễn
Sau khi phe Nguyễn Ánh thắng lợi, Nguyên Ánh phong ứng viên mình làm vua Thuận Thành Trấn, duy trì thể chế tự trị ở đâydưới quyền quản lý giám sát của tổng trấn Gia Định
Mỗi khi vua triều đình Huế cần gì thì vua Chăm ở Thuận Thành Trấn sẽ chi trả bằng hiện vật như gỗ, lúa mà vua nhà Nguyễn cần
Sự bất mãn về sức ép ngày càng tăng của vua nhà Nguyễn đối với Thuận Thành Trấn ngày càng gia tăng dẫn đến các cuộc nổi dậy của người Churu ở Phố Chăm năm 1809, khởi nghĩa Ja Lidong và phong trào Thánh chiến Katip Sumat.
Năm 1832, Minh Mạng bãi bỏ thể chế tự trị Thuận Thành Trấn, dẫn đến khởi nghĩa Ja Thak Wa
Năm 1835, sau khi đàn áp xong khởi nghĩa Ja Thak Wa thì Thuận Thành trấn bị bãi bỏ, vua cuối của Thuận Thành Trấn là Po Phak The (Phó Thừa hay Nguyễn Văn Thừa) bị Minh Mạng giết.
Chăm Pa – quốc gia, lãnh thổ của người Chăm sau hơn 15 thế kỷ tồn tại với nhiều tên gọi khác nhau tới đây thì chấm dứt