QUÂN ĐỘI CÁC NƯỚC CƯỜNG QUỐC MỸ, NGA, TRUNG CÓ BAO NHIÊU CĂN CỨ QUÂN SỰ Ở NƯỚC NGOÀI?

QUÂN ĐỘI CÁC NƯỚC CƯỜNG QUỐC MỸ, NGA, TRUNG CÓ BAO NHIÊU CĂN CỨ QUÂN SỰ Ở NƯỚC NGOÀI?

HOA KỲ
Tính cho tới năm 2015, mạng lưới các cơ sở quân sự của Hoa Kỳ có gần 800 căn cứ quân sự ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài biên giới nước Mỹ.
Tới thời điểm tháng Ba năm 2020, thành viên của Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ đã hiện diện tại 150 quốc gia. Do tính chất nhạy cảm, không có thông tin dữ liệu toàn diện về số lượng hoặc vị trí chính xác của tất cả các căn cứ, trạm và cơ sở vì nó liên quan đến thông tin được phân loại cao

Lực lượng Mỹ bố trí tại châu Á lớn nhất là ở Nhật Bản với 55.165 người (Hải quân cao nhất với 20.636 người), kế đó là Hàn Quốc với 26.184 người (Lục quân cao nhất với 17.618 người). Riêng khu vực Đông Nam Á lực lượng Mỹ hiện diện lớn nhất tại Singapore với 213 người. Tổng lực lượng Mỹ hiện diện tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương là 131.435 người với 36.099 người thuộc Lục quân, 38.400 thuộc Hải quân, 27.054 thuộc Thủy quân Lục chiến, 28.588 thuộc Không quân và 1.294 thuộc lực lượng Tuần Duyên (USCG).
Tại châu Âu lực lượng Mỹ đồn trú đông nhất ở Đức với 34.674 người, kế đó là nước Ý với 12.353 người và Anh với 9.394 người. Tổng lực lượng Mỹ hiện diện tại khu vực châu Âu có 63.361 người với 25.822 người thuộc Lục quân, 7.418 thuộc Hải quân, 2.212 thuộc Thủy quân Lục chiến, 27.856 thuộc Không quân và 53 thuộc lực lượng Tuần Duyên.
Tại khu vực Tây Á, Trung Á, Nam Á, Châu Phi…lực lượng Mỹ hiện diện đông nhất tại căn cứ ở Bahrain với 4.074 người, kế đó là UAE với 2.502 người, Kuwait 2.018 người, Thổ Nhĩ Kỳ 1.702 người. Tổng lực lượng Mỹ tại các khu vực này là 13.109 người.
Tại châu Mỹ lực lượng Mỹ đồn trú đông nhất là trên đất Mỹ với 1.140.206 người, kế đó là ở căn cứ Guantanamo trên đất Cuba với 813 người.
NATO và quân đội Hoa Kỳ đã tăng cường mạnh mẽ sự hiện diện của họ ở Đông Âu sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Những nỗ lực đó đã bao gồm triển khai lực lượng phản ứng nhanh của NATO, xây dựng các kho vũ khí, triển khai thêm lực lượng Không quân, Tăng Thiết giáp và thực hiện các bài tập huấn luyện tác chiến ngày càng phức tạp. Đối với các quốc gia vùng Baltic, mong muốn có sự hiện diện ổn định và mạnh mẽ hơn của Mỹ để ngăn chặn Nga là rất cao. Bộ trưởng Quốc phòng Litva Raimundas Karoblis cho biết: “[nước Mỹ] là đồng minh mạnh nhất và tác dụng răn đe không thể so sánh với các đồng minh khác. Tôi tin chắc rằng Nga sẽ không dám thử thách NATO nếu các đơn vị quân đội Hoa Kỳ được triển khai trên cơ sở bền vững ở ba quốc gia vùng Baltic”.
Ngoài ra Tổng thống Donald Trump cũng đã ký một tuyên bố chung về việc thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Ba Lan năm 2019 để gia tăng lực lượng Mỹ tại đây trong bối cảnh mối lo ngại về an ninh gia tăng đối với các hoạt động của Nga trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper cho biết Hoa Kỳ muốn đầu tư nhiều căn cứ hơn ở châu Á – Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn Trung Quốc bành trướng trong khu vực.

NGA
Liên Xô từng có sự hiện diện quân sự ở rất nhiều quốc gia trên thế giới nhưng sau khi quốc gia này sụp đổ, nước Nga kế thừa Liên Xô đã dần rút lui khỏi các căn cứ quân sự bên ngoài lãnh thổ. Các căn cứ Tình báo Lourdes ở Cuba hay căn cứ Hải quân Cam Ranh ở Việt Nam đều bị đóng cửa năm 2002.
Liên bang Nga hiện đang duy trì các căn cứ quân sự tại các quốc gia cựu Liên Xô như Armenia, Belarus, Kazashtan, Kyrgizstan, Tajikistan. Ngoài ra Nga còn hiện diện quân sự ở các vùng ly khai Transnistria nằm giữa Moldova và Ukraine, hai vùng ly khai Abkhazia (4.500 người) và Nam Ossetia (3.500 người). Vùng lãnh thổ duy nhất không thuộc Liên Xô có lực lượng đồn trú Nga là Syria với các căn cứ Hải quân ở Tartus, Không quân ở Khmeimim, Tiyas và Sheyrat.
Ngoài ra Nga còn có các căn cứ quân sự trên bán đảo Crimea của Ukraine sau hành động chiếm đóng và sáp nhập không được cộng đồng quốc tế công nhận năm 2014.
Với mong muốn của Tổng thống Vladimir Putin về việc đưa Liên bang Nga trở thành siêu cường thế giới một lần nữa, tháng Hai năm 2014 Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, nước này có kế hoạch sẽ mở rộng sự hiện diện quân sự thường trực của mình ở bên ngoài biên giới bằng việc đặt thêm các căn cứ quân sự ở một số nước khác. Theo Bộ trưởng Shoigu, danh sách các nước này bao gồm Việt Nam, Cuba, Venezuela, Nicaragua, Seychelles, Singapore và một số nước khác. Tuy nhiên sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea kèm theo căn cứ hải quân ở Sevastopol vào Nga thì không còn nghe Shoigu và truyền thông Nga nói gì về việc này nữa.

TRUNG QUỐC
Bắc Kinh hiện chỉ có một căn cứ quân sự ở nước ngoài, tại Djibouti nhưng được cho là đang lên kế hoạch cho những căn cứ khác, bao gồm cả Pakistan, vì Trung Quốc có tham vọng trở thành một siêu cường toàn cầu. Djibouti là một cảng chiến lược trên cửa Biển Đỏ, dễ dàng tiếp cận với Biển Ả Rập, Vịnh Ba Tư và Ấn Độ Dương. Căn cứ của Trung Quốc đủ lớn để neo đậu tàu sân bay, tàu đổ bộ tấn công hoặc các tàu chiến lớn khác cũng như bốn tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Trong báo cáo thường niên trước Quốc hội về quân đội Trung Quốc và phát triển an ninh, Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc sẽ tìm cách thiết lập các căn cứ quân sự bổ sung tại các quốc gia có mối quan hệ thân thiện lâu dài và các lợi ích chiến lược tương tự Trung Quốc (như Pakistan), và từng có tiền lệ cho quân đội nước ngoài đóng quân đồn trú.
Trung Quốc từng thảo luận về một căn cứ trong hành lang Wakhan ở Tây Bắc Afghanistan. Ngoài ra, Washington Post gần đây đã xác định nhiều binh sĩ Trung Quốc xuất hiện ở một tiền đồn phía đông Tajikistan, gần ngã ba chiến lược của hành lang Wakhan, nối giữa Trung Quốc, Afghanistan và Pakistan.

Các địa điểm mục tiêu cho căn cứ quân sự có thể bao gồm Trung Đông, Đông Nam Á và khu vực Tây Thái Bình Dương. Báo cáo cũng cho biết Bắc Kinh đang tận dụng lực lượng kinh tế, ngoại giao và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc để thiết lập ưu thế trong khu vực và mở rộng ảnh hưởng quốc tế.





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *