VÌ SAO THÁI LAN LÀ MỘT HÌNH MẪU CHO VIỆT NAM THAY VÌ HÀN QUỐC?
A: Ngo The Hoan, Kĩ sư phần mềm đam mê lịch sử
#161 #quora
T/N: Cá nhân mình không thích câu hỏi này lắm nên mong các bạn hãy tập trung vào câu trả lời và đừng quá triggered vì câu hỏi nhé.
Đối với tôi, Thái Lan và Việt Nam có một mối quan hệ khá là thú vị. Cả hai nước đều nằm trên cùng một bán đảo, với dân số, khí hậu và địa lý tương tự nhau. Nhưng mối quan hệ của hai quốc gia lại kiểu như “vừa thân thiết, vừa xa lạ”, “vừa là bạn nhưng cũng vừa là người dưng”.
Là người Việt Nam, cá nhân tôi cảm thấy rất gần gũi với Thái Lan về nhiều mặt. Đất nước này vô cùng quen thuộc, nhưng cũng thật khác biệt. Thông thường, người dân hai nước ít quan tâm đến nhau, ngoại trừ những dịp đụng độ trên sân cỏ.
Tôi tin rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng đã nhìn vào nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Thái Lan, để học hỏi cách phát triển kinh tế quốc gia.
Tuy nhiên, những người dân bình thường dường như không nghĩ về Thái Lan như một hình mẫu phát triển kinh tế. Không hẳn là họ không ấn tượng với Thái Lan, chỉ là do họ không được biết đến nhiều về nền kinh tế của quốc gia này.
Từ góc độ kinh tế, các chuyên gia phân tích Việt Nam đã tìm thấy một số đặc điểm chính của nền kinh tế Thái Lan mà Việt Nam chẳng hề muốn đi theo, đó là sự phụ thuộc vào ngành du lịch và công nghiệp lắp ráp.
Nếu nhìn vào kế hoạch của chính phủ Việt Nam, ta sẽ thấy một điều vô cùng rõ ràng rằng họ muốn hướng Việt Nam ra khỏi con đường trở thành một điểm du lịch, ngành du lịch chỉ được sử dụng như một cách để thu hút đầu tư ngoại tệ và bất động sản. Đó chính là một đặc điểm của mô hình kinh tế Thái Lan không thể nào áp dụng cho Việt Nam.
Đắc điểm thứ hai là Thái Lan rất phụ thuộc vào ngành công nghiệp lắp ráp ô tô. Điều này khiến cho Thái Lan phải phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản.
Trong khi chiến lược của Việt Nam là thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) để tự phát triển ngành công nghiệp lắp ráp, mục tiêu của Việt Nam là xây dựng được chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, với toàn quyền kiểm soát, không phải dựa vào các doanh nghiệp nước ngoài.
Tuy nhiên, một khía cạnh của nền kinh tế Thái Lan mà tôi nghĩ rằng Việt Nam phải nên học hỏi đó là chế biến thực phẩm. Thái Lan là nhà sản xuất lớn của nhiều sản phẩm từ nông nghiệp. Đây là một ngành giúp phát triển nền kinh tế cũng như quyền lực mềm của quốc gia.
Source: https://qr.ae/pNswsg