Tại sao nhiều người lại phản đối việc “đổ lỗi nạn nhân”? Nếu như thực sự phần lớn lỗi thuộc về nạn nhân thì sao?
A: Feifei Wang
Tư duy “đổ lỗi nạn nhân” bắt nguồn từ giả thuyết “thế giới công bằng” (gốc: Just-world hypothesis). Nói ngắn gọn, giả thuyết Thế giới công bằng là một thiên kiến nhận thức (cognitive bias: Thiên kiến nhận thức là một sai sót có tính hệ thống trong nhận thức một người do ở trong môi trường nhất định) cho rằng chúng ta sống trong một thế giới công bằng, nơi mà mọi người nhận được thứ họ xứng đáng. Chuyện xấu chỉ xảy đến với người xấu, không có chuyện xấu xảy đến với người tốt.
Liên quan đến việc “đổ lỗi nạn nhân”, mọi người thường cho rằng phụ nữ bị xâm hại vì họ mặc quần áo hở hang, vì họ đi về nhà một mình, hay vì họ lả lướt với nhầm người. Một cửa hàng bị cướp vì người chủ xấu tính với mọi người xung quanh. Một doanh nhân bị móc ví vì anh ấy mở ví đếm tiền ở nơi công cộng… Tất cả những sự buộc tội trên đều không có căn cứ vì điểm cốt yếu là: Hiếp dâm là sai, cướp bóc là sai, ăn trộm là sai. Những điều nạn nhân làm không thể nào biện mình được cho những hành động này.
Nhưng nếu điều xấu đôi khi xảy ra với những người tốt một cách ngẫu nhiên, mọi người sẽ luôn cảm thấy bất an. Tôi nhớ đã đọc một bài báo nói về việc tâm lý con người không thể chấp nhận được sự hỗn loạn của thế giới, vì vậy họ cố tìm ra một cách để hợp lí hóa những tai nạn ngẫu nhiên xảy ra với những người ngẫu nhiên. Và kết quả là chúng ta có “đổ lỗi nạn nhân”, chúng ta có “nghiệp”, “gieo nhân nào gặt quả nấy”,…
Nhưng sự thật đáng buồn là trong thế giới vô thường này, đời người là bất định. Chẳng có lí do chính đáng nào cho việc này cả, cũng như việc đổ lỗi cho nạn nhân.
(Bài gốc: https://qr.ae/pNvEBL )
__