MBTI có phải ngụy khoa học không?

MBTI có phải ngụy khoa học không?

A: John Purcell, tác giả của “Mind, Matter and the Universe”
____________________
Link: https://qr.ae/pNKM0G
____________________
Cái này còn phụ thuộc vào cách người ta sử dụng nó. Nếu có người bảo “Đây là bài kiểm tra tính cách; biết kết quả của bạn và liệu chúng ta có giống nhau không sẽ vui lắm đấy,” thì nó không phải ngụy khoa học.
Nhưng nhiều người có vẻ nghĩ nó không chỉ đơn giản là cho vui. Họ làm những điều giống với những người hay xem tử vi, với khả năng bào chữa lớn hơn tí. À, bạn là cung Nhân Mã/INTJ, bảo sao bạn thích đọc sách triết lý!
Nên tôi sẽ coi nó ít nhiều là ngụy khoa học, bởi vì người ta thường nhìn nhận nó hơi nghiêm túc quá. Nó không được tổng hợp bằng phương pháp phân tích cụm hay phân tích nhân tố, theo như tôi biết thì không có bài nghiên cứu nào tương quan với kết quả đời thực cả, ngoại trừ những bài do những người ủng hộ tự phong viết ra (những bài này không thể dùng để chứng minh một cách chủ quan được).
MBTI xứng đáng chịu những lời chỉ trích mà khái niệm IQ không xứng đáng phải nhận.
Để nói rõ, nếu không dùng cho mục đích khoa học thì nó không phải ngụy khoa học. Tôi có thể viết một cuốn sách với luận điểm rằng châu Âu đi xuống cũng do chính các lý do khiến Rome đi xuống, và đó sẽ không phải là ngụy khoa học – bở vì chả ai đi chứng minh nó là khoa học cả. Nếu ai đó cho rằng MBTI có gì đó về mặt khoa học, thì tôi sẽ nghĩ đó là ngụy khoa học, vì MBTI dường như không có cơ sở khoa học nào cả.
***
Có vẻ đây là vấn đề gây tranh cãi. Nghe này, để một thứ được coi là “khoa học”, nó phải đáp ứng được vài tiêu chí cụ thể. Nó phải có những tiên đoán vững chắc mà các giả thuyết cạnh tranh khác không thể đưa ra được. Những sự tiên đoán này phải đúng.
Nếu không làm được vậy, thì nó chỉ có thể “hay” và có thể hữu ích, chứ nó không phải khoa học. Nếu những người cho rằng nó là khoa học, thì như vậy nó sẽ trở thành ngụy khoa học. Nếu họ không coi nó là khoa học, thì nó không phải ngụy khoa học.
Các tác phẩm của Shakespeare, Kinh thánh và các tác phẩm của Plato đều chứa rất nhiều thông tin về bản chất con người và nhiều quan sát thâm thúy. Nhưng các tác phẩm đó không phải là khoa học.
Theo những gì tôi biết, MBTI có thể hữu ích với nhiều người và có thể chứa nhiều sự thấu hiểu. Tôi vẫn không thấy nó khoa học ở chỗ nào. Nó đưa ra những tiên đoán nào mà các giả thuyết khác không thể đưa ra, và thực sự chính xác?
Một khả năng dường như MBTI làm được, là cho rằng tính cách con người có thể được đánh giá theo 4 chiều. Nó làm như đây là bằng chứng khoa học. Nhưng 4 chiều của MBTI hình như sai hết; MBTI dùng 4 chiều tương quan nhau đáng kể, thay vì độc lập một cách tối đa. Hệ thống tính cách Big Five dùng phân tích nhân tố để đưa ra 5 yếu tố độc lập, vì thế có cơ sở khoa học mà MBTI không có.
Về cơ bản MBTI chỉ là một bọc các câu hỏi không có giá trị đặc biệt. Các công trình của Carl Jung không phải khoa học, và việc MBTI dựa trên chúng cũng không có ích mấy.
Điều mà MBTI có thể làm không khác gì bây giờ tôi ngồi xuống, phát minh ra một bài kiểm tra tính cách, nghĩ ra vài câu hỏi để đánh giá, và tự cho rằng công trình của tôi thực sự quan trọng. Tôi có nghĩ ra các yếu tố tương quan nhau không? Tôi có bỏ qua các mặt quan trọng của bản chất con người không? Có, tôi sẽ làm vậy, và đó là điều MBTI đã làm.
Bài đánh giá của tôi có gây tổn thương người khác không? Có lẽ có. Nhưng khi ta nói vi lượng đồng căn không có tác dụng, hoặc thực phẩm chức năng bổ sung vitamin hại nhiều bằng lợi và thường vô dụng, hoặc phần lớn Kinh Thánh không chính xác, chúng ta đang làm tổn thương cảm xúc của người khác. Có những người đã xây dựng cả cuộc đời của mình xoay quanh những thứ này. Tuy vậy, chúng ta vẫn phải trả lời những câu hỏi đó trung thực nhất có thể. Chúng ta không thể để sự thật trở thành thương vong của sự nhạy cảm được. Theo tôi, mỗi người trong chúng ta đều có nhiệm vụ nói lên sự thật.
Điều mỉa mai là, có vài người yêu MBTI lại đi chỉ trích Kinh Thánh hoặc vi lượng đồng căn. Thế mà khi họ được mời thứ gì đó hơi hợp sự nhạy cảm của họ – hơi khả thi về mặt khoa học – là họ nhanh chóng vồ lấy, và giờ họ bảo vệ nó khỏi mọi sự tấn công. Tất cả những gì mà một ý tưởng mập mờ cần làm để được người khác ủng hộ, là đội lốt thứ gì đó trông gần giống khoa học. Họ tự nhận mình là những người hoài nghi, nhưng thực ra họ chỉ đang cần thứ gì đó trông như khoa học.
Tôi có sai không? Hãy cho tôi xem những bài nghiên cứu nào chỉ ra rằng MBTI tốt hơn các “bộ thử tính cách” mà tôi có thể nghĩ ra trong đầu. Cho tôi xem nó tốt hơn những nhận định phổ thông như thế nào (dù những nhận định đó sai nhiều hơn là chính xác).
Tôi thấy là ở cái khoản mà MBTI đúng, đơn giản nó chỉ đang nhắc lại các kiến thức phổ thông thôi. Đúng rồi, nhiều người thích dành thời gian ở một mình hơn những người khác, nhưng đấy không phải là một thông tin hay. Đoạn nào mà tách khỏi kiến thức phổ thông là y rằng đoạn đó sai, hoặc không thể chứng minh được rằng nó chính xác hay hữu ích. Vì thế, nó không phải khoa học; căng nhất thì nó cũng chỉ nằm chung thể loại với một tác phẩm hư cấu hay mà mọi người cảm thấy như đang tiết lộ bản chất của con người.
Tôi không nói mọi người nên vứt bỏ MBTI. Tôi chỉ bảo rằng nó không phải khoa học, vậy thôi. Tôi cũng không ủng hộ việc vứt bỏ Kinh Thánh hay các tác phẩm của Shakespeare hoặc Plato. Tôi không cho rằng MBTI có thể chung mâm được với những thứ khác, nhưng chắc chắn nó là một công trình kinh điển đương đại. Các bạn cứ việc vui chơi với nó. Đừng nói với tôi rằng nó là khoa học là được, trừ khi có các nghiên cứu để chứng minh điều đó. Nếu bạn thấy MBTI hữu ích hay thú vị hay gì đó, ờm, người ta cũng cảm thấy vậy về Kinh Thánh và vi lượng đồng căn, hoặc các tác phẩm của những người theo chủ nghĩa Stoic thôi; chả có gì khiến chúng là khoa học cả.
Cuối cùng, đây là một đoạn trên Wikipedia. Wikipedia hay nói lung tung lắm, nhưng trong trường hợp này tôi nghĩ nó nói quá chính xác.
Trắc nghiệm tính cách Myers-Briggs – Wikipedia

Tuy MBTI trông giống một vài giả thuyết tâm lý học, nó thường được coi là ngụy khoa học, đặc biệt là do nó đi đôi với những khả năng được cho là có thể tiên đoán. Bài trắc nghiệm biểu lộ sự thiếu hụt đáng kể về mặt khoa học (tâm trắc học), đáng kể nhất bao gồm giá trị thấp (không thể đo được thứ nó ngụ ý muốn đo, không có khả năng tiên đoán), độ tin cậy thấp (một người ra nhiều kết quả khác nhau ở các lần làm khác nhau), đo lường các phạm trù không độc lập (vài yếu tố phân đôi được ghi nhận có tương quan với nhau), và không bao hàm toàn diện (không có sự nhạy cảm).

____________________
Dịch bởi Tuan Anh Nguyen

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *