Làm sao một người có thể kết hợp hiệu quả chủ nghĩa Khắc kỷ và chủ nghĩa Machiavelli (Xảo quyệt) trong đời sống hằng ngày?
A:Tonka Sukic, người hâm mộ nghệ thuật thứ bảy
https://qr.ae/pNsXvH
_________________
Để xem nào. Nếu những thuật ngữ trên được hiểu theo lối sơ xài, thiển cận thì đây sẽ biến thành bí quyết để trở thành một kẻ ái kỷ chống xã hội. Tôi thấy hai từ này thường được dùng khá nhiều để nói về một thứ không liên quan gì đến ý nghĩa ban đầu của chúng, đại loại như:
Chủ nghĩa Khắc kỷ – trở nên ngầu lòi nhờ thái độ thờ ơ không chút “cảm xúc”
Chủ nghĩa Machiavelli – thao túng người khác để bản thân được hưởng lợi nhiều nhất
Tôi thật sự ước rằng hai cụm từ đẹp đẽ này không bị hiểu theo lối ấy. Chủ nghĩa Khắc kỷ hầu như không liên quan gì đến thái độ thờ ơ vô cảm cả. Những người Khắc kỷ có một hệ thống đường lối đạo đức vững chắc với nền tảng là giáo dục và nuôi dưỡng các phẩm chất: Tiết chế, Thông thái, Can đảm, Công bằng. Chúng ta không thực hiện chúng bằng cách loại bỏ hết mọi cảm xúc mà bằng cách ý thức và vượt qua được những “đam mê” mang tính bị động, vô thức, và thiếu xem xét đã luôn gắn liền với con người chúng ta, và chúng cũng không thể nào bao hàm hết được cảm xúc của con người. Người Khắc kỷ phấn đấu nuôi dưỡng những cảm xúc tốt đẹp, đồng thời chế ngự những cảm xúc thụ động, bộc phát. Có một sự khác biệt rất lớn giữa nghĩa của hai từ có nguồn gốc Hy Lạp là “pathos” (cảm động) và “apatheia” (tĩnh tâm) và hai từ “pathetic” (thảm hại) và “apathetic” (vô cảm). Trở nên “pathetic” theo cách hiểu ở Hy Lạp cổ nghĩa là trải qua một trạng thái cảm xúc mãnh liệt. Theo cách hiểu này thì không phải mọi cảm xúc đều là pathe. Chữ “pathos” dịch theo cách hợp lý hơn sẽ mang nghĩa “ham muốn không kiểm soát được”. Người Khắc kỷ chủ yếu quan tâm đến việc sống một cuộc đời có khuôn khổ, có suy tính kỹ lưỡng bằng việc phát triển lý trí và tâm hồn bản thân.
Machiavelli, ngược lại, là một nhà tư tưởng chính trị nguyện dâng hiến lý tưởng của mình cho công cuộc thống nhất nước nhà, nước Ý, và rất muốn được đóng góp chút ít nào đó cho sự nghiệp ấy. Ông sinh ra và sống trong một thời kỳ biến loạn, khi mà việc những đứa con ngoài giá thú của Giáo hoàng chém giết lẫn nhau, ăn nằm cùng chị em gái của mình, và trừ khử bất kỳ kẻ nào cản trở được xem là bình thường. Bất kỳ ai cố gắng thống nhất nước Ý bằng những biện pháp chính nghĩa hơn đều cũng sẽ bị đầu độc chết và mau chóng mồ xanh cỏ dại. Liệu Machiavelli có cho rằng những biện pháp xảo trá, tàn nhẫn này là tốt? Không, nhưng ông coi chúng là cần thiết trong hoàn cảnh chính trị đương thời. Nếu bỗng chốc ông du hành thời gian đến năm trăm năm sau, liệu ông vẫn cho là thế? Rất có thể, bởi ông xem người dân như là một đám người dễ bị dắt mũi và cần phải được làm hài lòng bằng mọi giá. Tuy nhiên, phương pháp của ông lại là một cách sinh tồn trong một thời đại mà những người sống đúng với đạo đức luân lý thường dễ chết hơn. Ngày nay, việc thuật ngữ “Chủ nghĩa Machiavelli” bị xuyên tạc trong thế giới phương Tây là một điều ngu ngốc và đáng tiếc, khi ngày nay việc đảm bảo một cuộc sống thoải mái và giữ cho bản thân khỏi vạ miệng khi bàn tán về bất kỳ ai mà chúng ta cố gắng làm cho hài lòng là điều đơn giản.
Quay trở lại câu hỏi. Liệu có thể cùng phối hợp “hiệu quả” chủ nghĩa Khắc kỷ và Machiavelli trong đời sống ngày nay? Theo nghĩa ban đầu của hai từ này, hai thế giới quan và hệ thống tư tưởng có vẻ mâu thuẫn với nhau. “Mục tiêu” của người Khắc kỷ chính là đạt được niềm vui sống thông qua đức hạnh bằng cách kiểm soát những ham muốn của bản thân. Như các bạn có thể thấy, tự bản thân nó cũng đã là đích đến rồi. Còn “mục tiêu” đối với Machiavelli là một cái gì đó khác. Bạn có thể cho nó là sự sinh tồn, hay thống nhất nước Ý. Tôi xin trích dẫn Epictetus, một nô lệ được trả tự do và là một nhà triết học Khắc kỷ, từ quyển Cẩm nang (Enchiridion):
Một số thứ chúng ta kiểm soát được còn một số thì không. Những thứ ta kiểm soát được là chính kiến, mưu cầu, khát khao, ác cảm, và, tóm gọn lại, chính là những hành động do con người ta thực hiện. Những thứ ta không kiểm soát được là cơ thể, tài sản, danh tiếng, quyền lực, và tóm gọn lại, là những thứ không phải hành động của con người ta. Thứ ta điều khiển được mặc nhiên nó là tự do, nó không bị gò bó, không bị cản trở; nhưng thứ không phải do ta điều khiển nó lại mang tính yếu ớt, phụ thuộc, gò bó, thuộc về kẻ khác. Hãy nhớ, rằng nếu những thứ mặc nhiên nó bị phụ thuộc mà ta lại coi là tự do, và cái gì thuộc về người khác ta lại coi là của riêng ta, thì đó là lúc ta bị cản lối. Ta sẽ than trách, ta sẽ phiền toái, và ta sẽ bắt lỗi cả thần linh và thế nhân. Nhưng nếu những gì chỉ thuộc về ta mà ta cũng coi nó là như thế, và những gì thuộc về kẻ khác ta cũng thừa nhận nó như thế, thì sẽ chẳng có ai bắt buộc hay kiềm hãm ta. Hơn thế, ta sẽ chẳng bắt lỗi cho ai và cũng sẽ chẳng đổ lỗi cho ai. Ta sẽ không làm gì trái với ý muốn của riêng ta. Chẳng ai tổn thương ta, ta chẳng có kẻ thù, và không ai làm hại ta.
Bởi vậy, khi mưu cầu những điều lớn lao như thế, hãy nhớ rằng ta không được để bản thân bận lòng, dù là những ý định nhỏ nhất, về những điều nhỏ nhoi. Thay vào đó, ta phải hoàn toàn từ bỏ một số thứ và ngay tại hiện tại phải dời những thứ còn lại về sau. Nhưng nếu ta muốn tất cả những cái lớn lao trên, kèm theo quyền lực và giàu có, thì ta thậm chí sẽ không hề có được cái sau, vì mục tiêu của ta là cái đầu: và ta sẽ hoàn toàn đánh mất cái đầu, vì nhờ có nó mà mới có hạnh phúc và sự tự do.
Nhưng nếu bạn đang hỏi liệu bạn có thể trở thành một người thao túng nhẫn tâm, thì trên chính là cách tốt hơn để tiếp cận câu hỏi.
_________________
A: Gregory B. Sadler, nhà triết học | người diễn thuyết | huấn luyện viên | nhà tư vấn | nhà giáo dục
Nếu hiểu “Khắc kỷ” theo nghĩa là trường phái triết học và giáo lý thật, đơn giản mà nói, takhông thể kết hợp nó cùng chủ nghĩa Machiavelli được. Bạn hoàn toàn có thể thử, đương nhiên rồi, nhưng bạn sẽ dần thấy rằng càng tuân theo những tư tưởng của chủ nghĩa Khắc kỷ về cách đối nhân xử thế, nó sẽ càng trở nên không phù hợp với cái mà chúng ta thường hay gọi là “chủ nghĩa Machiavelli”.
Nhân tiện, người theo chủ nghĩa Khắc kỷ cổ điển hiểu rằng những người muốn theo trường phái của họ có thể mang theo rất nhiều quan điểm, thói quen và quan niệm mẫu thuẫn với chính chủ nghĩa Khắc kỷ, và rằng không thể giải quyết vấn đề đó chỉ bằng cách bảo họ “bỏ hết đi”. Khi chúng ta đọc tác phẩm của Epictetus chẳng hạn, ta thấy được ông hợp tác với mọi người, giảng giải cho họ hiểu rằng vì sao phương pháp động viên khích lệ tinh thần không hề tốt đối với họ, và sẽ không thật sự khiến họ thấy hạnh phúc một chút nào cả. Họ trở nên nhận thức được về những mâu thuẫn trong đời sống, các mối quan hệ, sự lựa chọn, và hành động, và quyết định xem liệu có nên giải quyết chúng hay không. . . .
Bây giờ, dĩ nhiên rồi, nếu ý người hỏi “Chủ nghĩa Khắc kỷ” chỉ là trở nên vô cảm, kiềm nén ham muốn và cả hành động đáp lại, hay “rắn rỏi” – một cách diễn đạt ngày nay của thuật ngữ này, vô cùng khác biệt so với bản chất thật sự của Khắc kỷ – thì có vẻ chúng ta có thể kết hợp nó với Chủ nghĩa Machiavelli. . .