PHƯỚC, TRỰC GIÁC VÀ UY LỰC

Có những doanh nhân đánh giá được tình hình diễn biến của thị trường và mạo hiểm đầu tư một doanh vụ lớn. Rồi họ thành công để trở thành triệu phú.
Những doanh nhân này còn có thể có trực giác đoán được công việc của đối thủ cạnh tranh, đoán được tâm tình của nhân viên bên dưới, đoán được khả năng đặc biệt của người cộng sự cần được khai thác… Chính cái trực giác biết vượt hơn người thường này đưa đến sự thành công vẻ vang cho họ.
Các nhà chính trị cũng vậy. Họ có trực giác rất mạnh đoán được ý nghĩ của người đối diện, đoán được mưu tính của đối phương từ xa, và sẵn sàng đối phó.
Cái gì sinh ra trực giác ?
Chính phước đã làm thành trực giác.
Thật vậy, do những thiện nghiệp trong quá khứ nên quả báo đời này dành cho họ là sự thành công trên doanh trường hoặc chính trường. Ở đây, trực giác đóng vai trò một cái DUYÊN trung gian để thúc đẩy họ đi đến thành công.
Đang lúc hưng thời, họ rất sáng suốt, đoán gì đúng nấy, vạch ra kế hoạch luôn luôn thành công. Đôi khi lúc nhỏ họ học hành rất dở. Đến khi phước hiện ra, họ trở nên khôn ngoan lạ lùng, biết tính toán đủ chuyện làm ăn, và tính đâu trúng đó.
Nếu phước không bền, vận tốt đã qua, cũng cái đầu đó mà trực giác biến mất, Ý thức họ không phán đoán nổi tình thế phải đương đầu và rồi họ phải chịu sự lụn bại dần dần.
Thế nên, người hiểu đạo thì không tự cao bởi cái khôn ngoan của mình vì họ biết rằng sự khôn ngoan là kết quả của thiện nghiệp quá khứ. Dù đang thành công, họ vẫn cẩn thận tránh điều ác, làm điều thiện để giữ gìn phước nghiệp bền bỉ.
Có một số người được phước tạo thành uy lực. Uy lực là một loại năng lực tâm linh vô hình, không thể nhìn thấy, nhưng sức tác dụng rất cụ thể. Đứng trước một người có uy lực, tự nhiên chúng ta bị buộc phải vâng lời không cưỡng lại nổi, dù người đó không cố gắng ép buộc. Các lãnh tụ quân sự, chính trị thường có uy lực khiến cho quần chúng bị cuốn hút theo.
Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ của Việt Nam là một tiêu biểu rõ nét cho loại uy lực này. Uy lực của ông thuộc loại siêu đẳng khủng khiếp nhất nhì trong lịch sử. Nó không chỉ tác động trực tiếp vào những người chung quanh mà còn lan mạnh vào quần chúng khắp nơi. Khi ông đã hướng tâm dồn vào viêc nào, nó biến thành một sức mạnh thúc đẩy trong tâm mọi người phải quyết tâm theo. Những người chỉ huy ít uy lực thường phải dùng nhiều phương pháp vừa thuyết phục, vừa đe dọa mới khiến cho người khác vâng lời. Đôi khi bên ngoài họ vâng lời mà bên trong họ phản kháng. Còn uy lực của vua Quang Trung mạnh mẽ như thôi miên khắp cả mọi người. Quyết tâm của ông trở thành quyết tâm của mọi người, do đó tạo thành sức mạnh bão tố quét sạch quân thù ra khỏi bờ cõi.
Cái phước gì tạo thành uy lực ?
Chúng ta biết mỗi loại phước tạo thành một loại sức mạnh tinh thần khác nhau. Có loại phước tạo thành sự thông minh uyên bác như Mạc Đỉnh Chi, Lê Qúy Đôn; Có loại phước tạo thành trực giác thần thông như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nostra Damus, Jean Dixon. Có loại phước tạo thành sự cuốn hút lòng thương kính của mọi người như Đức Phật, Chúa Jesus, Gandhi. Còn cái phước tạo thành uy lực thì khiến mọi người phải vâng lời.
Thường thì cái nhân kính trọng các bậc Thánh và ban ân cho mọi người rộng rãi và sẽ tạo thành uy lực về sau. Do lòng tôn kính bậc Thánh nên đời sau được mọi người kính trọng. Sự ban ân rộng rãi khiến mọi người vâng lời.
Nếu chỉ ban ân, đời sau người đó sẽ được may mắn đưa lên địa vị chỉ huy và cũng khiến nhiều người phải tuân phục, nhưng chỉ là sự tuân phục theo cơ chế tổ chức luật lệ. Còn có thêm lòng tôn kính bậc Thánh trong quá khứ, nó mới xuất hiện thêm cái sức thôi miên của uy lực để khiến mọi người phải nghe theo mình trong tận đáy lòng.
Nhưng nếu đã có uy lực – Là một dạng năng lực tâm linh – thì nó cũng hay kéo theo một số năng lực khác như trực giác phán đoán, sự thông minh trí tuệ… Vua Quang Trung cũng vậy, bên cạnh cái uy lực trùm phủ trời đất đó, ông còn có cái trí phán đoán sáng suốt phi thường. Ông nắm rõ mọi vấn đề của chiến trận chưa xảy ra như nắm rõ một trái xoài trên bàn tay. Trận đánh quân Xiêm ở Rạch Gầm, Xoài Mút lớn như vậy mà chưa khó bằng trận đánh 29 vạn quân Thanh ở phía Bắc. Kế hoạch ông vạch ra hoàn toàn đúng như diễn tiến. Hai mươi vạn quân Thanh được chuẩn bị rất kỹ nhưng chỉ một cuộc tấn công vài ngày là tan tành như tro bụi. Trong lịch sử nước ta, và có thể cả thế giới, không có một chiến công nào huy hoàng như vậy. Tiếc rằng, dân ta ít phước không được hưởng sự lãnh đạo của một lãnh tụ phi thường như thế.
Vua Quang Trung qua đời vội vã!
Còn các bậc Thánh như Đức Phật, Chúa Jesus, Thánh Gandhi… thì do tâm từ bi nhiều kiếp nên cảm thành cái phước được chúng sinh thương kính tự nhiên.
Phong cách thân yêu gần gũi của lãnh tụ Hồ Chí Minh cộng với đời sống vô cùng giản dị của ông cũng khiến mọi người quý mến. Ít có lãnh tụ nào ở ngôi cao nhất nước mà sống đơn sơ như một ẩn sĩ tu hành như thế.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *