“PHƯỚC BÁO VÔ LƯỢNG”

Chuyện kể rằng: có một nhà sư đi quyên tiền xây chùa, tới nhà một phú hộ, chỉ gặp được anh người ở ngoài cổng. Anh ta vào nhà thưa bẩm nhưng phú hộ keo kiệt không quyên góp. Anh ta liền nói: “Thưa ông, con ở với ông, tiền công mỗi năm 240 đồng, nay con xin ứng 200 đồng, còn 40 đồng, xin tặng lại ông”.

Phú hộ thấy lãi 40 đồng, bèn bắt người ở lăn tay xác nhận. Anh này cầm 200 đồng ra cổng đưa cho sư, sư nhận rồi đi mà quên hỏi họ tên để cầu an cho anh ta, anh ta cũng không hỏi sư tên gì, chùa ở chỗ nào.

Ba tháng sau, người ngày bỗng dưng mù mắt, phú hộ thấy anh ta không thể làm việc, bèn đóng cửa đuổi đi.

Anh mù lang thang xin ăn, vô tình gặp vị sư dạo trước. Sư hỏi thăm rồi cho anh về ở trong chùa, hàng ngày dọn dẹp trải chiếu cho phật tử tới thăm.

Thời gian ngắn sau anh lại bị phong cùi, người lở loét hôi thối, phật tử xa lánh chùa. Sư bèn cất một lán nhỏ sau vườn, hàng ngày mang cơm nước nuôi anh ta.

Một hôm, sư có việc đi trai đàn 3 ngày, anh mù ở nhà đói khát, mò ra ao, không may sẩy chân chết đuối.

Sư về buồn lắm, chôn cất tử tế, thấy người này cúng dường như vậy mà bị đui mù, phong hủi, lại chết đuối thương tâm, thì không tin vào nhân quả nữa, bèn khắc lên bia mộ anh ta: “TRỜI ĐẤT KHÔNG MẮT, THÁNH THẦN VÔ MINH”.

Một thời gian sau, nhà vua nước sở tại sinh ra một hoàng tử khôi ngô tuấn tú nhưng mắc bệnh khóc từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau, ngày nào cũng vậy, hai tay nắm chặt nhất định không mở. Tất cả danh y đến chữa đều không được, trong đó có một vị là phật tử tâu với nhà vua: “Bệnh của Hoàng tử là bệnh nghiệp chứ không phải bệnh thường, cần phải mời nhà sư đạo cao đức trọng mới có thể chữa trị”. Lúc này, vị sư kia nổi tiếng nhân từ, được vua đòi đến chữa bệnh. Ông rất lo lắng vì trước giờ tu hành, không biết y thuật, nhưng lệnh vua ban xuống, không thể không đi. Khi vào cung, vua vừa kể xong thì đem ngay hoàng tử tới, đứa bé nhìn thấy sư liền cười tươi, xòe hai tay ra, sư kinh ngạc nhìn thấy trong lòng bàn tay có dòng chữ “TRỜI ĐẤT CÓ MẮT”, tay kia lại có dòng chữ ‘THẦN THÁNH CÔNG MINH”.

Hóa ra, đây chính là người ở đã cúng dường năm trước, ông bị nghiệp báo phải chịu mù, hủi, chết trôi trong 100 kiếp, nhưng nhờ việc cúng dường đã đạt được “tam luân không tịch” nên không những trả hết nghiệp trong 01 kiếp mà còn được đầu thai làm hoàng tử.

————-

Vậy “tam luân không tịch” là gì mà có phúc báo to lớn thế?

Thứ nhất là vật cho đi, cho là xả. Thứ hai là xả không cần danh, không tính toán. Thứ ba là không cần biết người tiếp nhận là ai, sử dụng mục đích gì. Đó gọi là tam luân. Việc cho đi không cần ai chứng kiến. Đó gọi là “không tịch”.

Anh người ở đã mang số tiền lớn, là mồ hôi nước mắt của một người nghèo khổ cho đi mà không tính toán, không cần biết sư là ai, xây chùa nào, cũng không cần ghi tên cầu an cho mình. Người cho và người nhận, sự vật và sự việc, tất cả đều phát tâm tùy cảnh, không ai biết, chẳng cần hay, nên đã đạt được “Tam luân không tịch”, vì thế mà trả hết nghiệp dữ, được hưởng phúc mới.

———–

Người hi sinh mình cứu nước, cứu người, hiến tạng…thì phúc báo sẽ lớn. Tuy nhiên, việc xả thân như vậy thật không dễ dàng. Hãy bắt đầu bằng cách cho đi những vật ngoài thân, đó có thể là tiền bạc, vật chất, câu nói, nụ cười, kiến thức…

Hãy coi việc xả bớt đi là hành động mang lại niềm vui, là lẽ sống, tạo thành thói quen và lan tỏa nó ra ngoài xã hội…

Nếu làm được như vậy, dần dần sẽ được “PHƯỚC BÁO VÔ LƯỢNG”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *