Trường An vào thời nhà Đường là một trong những thành phố lớn nhất và phồn hoa nhất thế giới bên cạnh Constantinopolis của Đông La Mã và Bagdad của nhà Abbas Ả Rập.
Trường An vốn trước đó từng là kinh đô của nhà Hán, và trước đó nữa từng là Hàm Dương của nhà Tần. Trường An từng là nơi có những cung điện đồ sộ như cung A Phòng của Tần Thủy Hoàng hay cung Vị Ương của Tây Hán. Tuy nhiên vào thời điểm Tùy Văn Đế Dương Kiên định đô tại đây, thì sau hàng thế kỷ chiến loạn cố đô Tần-Hán Trường An chỉ còn là tàn tích. Nhà Đường kế tục nhà Tuỳ cũng chọn Trường An làm kinh đô. Trường An thời nhà Đường được xây theo trục Nam-Bắc, theo mô hình kẻ ô vuông (bàn cờ) và được chia thành 108 phường, bao gồm hai khu chợ lớn ở phía Đông và phía Tây.
Tường thành Trường An có chiều cao trung bình vào khoảng 5,5 mét, mỗi cạnh dài khoảng 8 km, bao bọc một khu vực có diện tích 78km2 (bao gồm cả cung Đại Minh). Đường xá Trường An rất rộng, đường hẹp nhất cũng rộng tới 25 mét, còn đường chính nối cổng Minh Đức với cổng Chu Tước của Hoàng Thành thì rộng tới tận 150 mét.
Trường An có tổng cộng 6 con đường chính chia cắt thành phố thành 9 khu vực dân cư riêng biệt. Hai bên những con đường chính này được người dân cho trồng cây ăn quả.
Đường xá rộng rãi cũng phần nào giảm bớt sức công phá của hỏa hoạn. Điển hình là vụ hỏa hoạn năm 843 dưới thời Đường Vũ Tông, dù ngọn lửa đã thiêu trụi hơn 4000 nóc nhà và các công trình khác xung quanh khu chợ đông, nhưng các khu vực khác vẫn an toàn do ngọn lửa bị “cách ly” hoàn toàn ở khu đông.
Sự phồn hoa và tráng lệ của “kinh đô thế giới” Trường An đã khiến sứ thần các nước phải trầm trồ. Cố đô Nara (Nại Lương) và Heian-kyō (Bình An thành, tức Kyoto ngày nay) của Nhật Bản, hay kinh đô Gyeongju (Khánh Châu) của Tân La cũng được quy hoạch theo mô hình Trường An.
Trường An từng bị quân An Lộc Sơn và Hoàng Sào chiếm giữ, nhưng chỉ đến năm 904 khi quyền thần Chu Toàn Trung hạ lệnh phá hủy toàn bộ cung điện, ép thiên tử thiên đô về Lạc Dương. Đất đai cố đô bị sử dụng để làm đất canh tác, thành trì bị bỏ hoang phế, không được bảo trì, nhanh chóng xuống cấp và sụp đổ, đặt dấu chấm hết cho một thành phố hơn 200 năm phồn thịnh bực nhất thế giới.