phu-ne-mat,-co-cung-ham-vi-bien-chung-sau-dieu-tri-benh-ung-thu

Phù nề mặt, co cứng hàm vì biến chứng sau điều trị bệnh ung thư

Tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) vừa điều trị cho 1 bệnh nhân bị bệnh phù bạch huyết, di chứng của việc xạ trị điều trị ung thư. 

Bệnh nhân là em Đào T T (23 tuổi, trú tại Đầm Hà, Quảng Ninh) mắc bệnh ung thư vòm họng di căn phổi đã điều trị hóa chất và xạ trị. Bệnh nhân khám tại Bệnh viện Bãi Cháy với tình trạng phù nề toàn bộ vùng mặt, mắt hai bên, co cứng hàm, há miệng và ăn uống khó khăn, ho sặc. 

Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán phù bạch huyết vùng mặt trên nền bệnh nhân ung thư vòm họng di căn phổi. Bệnh nhân được điều trị bằng các phương pháp vật lý trị liệu gồm chống viêm, xoa bóp dãn lưu bạch huyết, kết hợp liệu pháp oxy cao áp tại khoa Thần kinh – Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng. Sau 3 ngày điều trị, tình trạng phù nề vùng mặt của bệnh nhân cải thiện rõ rệt, sức khỏe ổn định.

img

Sau khi được điều trị, việc phù mặt của bệnh nhân đã giảm bớt. Ảnh BVCC

Bác sĩ Trịnh Thị Hương, khoa Thần kinh – Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng cho biết: “Phù bạch huyết có thể xảy ra ở tay, chân hoặc vùng cổ, mặt của người bệnh ung thư hoặc đang trong quá trình điều trị ung thư. 

Các triệu chứng điển hình như: sưng nề dưới da vùng bàn tay, phù chân voi, sưng nề cổ, mặt, cảm giác căng da/cơ, nóng hoặc đau nhẹ tại vùng sưng khó vận động ở cổ và vai, khàn tiếng, nói khó, uống sặc, khó thở… 

Tình trạng này có thể xuất hiện cấp tính ở bệnh nhân ung thư ngay sau phẫu thuật hoặc xạ trị , hoặc xuất hiện muộn từ 1-2 năm đối với bệnh ung tư vú , bệnh nhân ung thư đầu – cổ sau xạ trị khoảng 2 – 6 tháng… 

Bệnh phù bạch huyết có thể khiến cánh tay hoặc chân dễ bị nhiễm trùng với các biến chứng như viêm mô tế bào, nhiễm trùng các mạch bạch huyết, ảnh hưởng đến ngoại hình và tâm lý của người bệnh”. 

Theo bác sĩ Hương, phương pháp điều trị bệnh phù bạch huyết thứ phát chủ yếu khống chế nguyên nhân, và một số phương pháp can thiệp để huy động dịch và các biện pháp dự phòng hàng ngày.

Các bác sĩ sẽ thực hiện xoa bóp dẫn lưu bạch huyết, băng ép vùng tổn thương ở các chi, tập luyện vận động dưới sự hướng dẫn của kỹ thuật viên phục hồi chức năng… 

Đặc biệt kết hợp với oxy cao áp mang lại hiệu quả nhanh chóng, khả quan trong điều trị phù bạch huyết, giúp tăng cường oxy nuôi dưỡng các mô, đặc biệt ở các vị trí tắc nghẽn hệ thống bạch huyết để giúp các mô và tế bào hoạt động tốt hơn, giảm sự tích tụ dịch bạch huyết, giảm tình trạng viêm và sưng phù; thúc đẩy quá trình tái tạo mô giúp cải thiện chức năng bạch huyết, giảm nguy cơ phù bạch huyết kéo dài và tái phát…

img

Bệnh nhân phù bạch huyết được điều trị tại Trung tâm oxy cao áp của Bệnh viện Bãi Cháy. Ảnh BVCC

Để phòng tránh bệnh phù bạch huyết đòi hỏi sự quản lý và chăm sóc sức khỏe lâu dài, đặc biệt là đối với những người có nguy cơ cao. 

Việc duy trì một lối sống lành mạnh, kết hợp với các biện pháp phòng ngừa và khám sức khỏe định kỳ có thể giúp giảm thiểu nguy cơ mắc phải và kiểm soát tình trạng nếu đã mắc bệnh. 

Bác sĩ Hương khuyến cáo một số biện pháp giảm nguy cơ và kiểm soát tình trạng bệnh bạch huyết:

– Tập luyện thể dục và vận động nhẹ: Vận động đều đặn giúp tăng cường lưu thông bạch huyết và tuần hoàn máu, giảm sự tích tụ dịch trong mô.

– Kiểm soát cân nặng có thể giảm áp lực lên hệ thống bạch huyết.

– Tránh nhiệt độ quá cao và hạn chế việc tắm nước nóng lâu, vì sức nóng có thể làm giãn mạch máu và tăng áp lực lên hệ bạch huyết.

– Thăm khám định kỳ với bác sĩ, đặc biệt là đối với những người có nguy cơ cao (sau điều trị ung thư hoặc phẫu thuật hạch bạch huyết), sẽ giúp phát hiện sớm những dấu hiệu của phù bạch huyết.

– Kiểm tra và theo dõi tình trạng bạch huyết: Đặc biệt trong trường hợp có tiền sử mắc bệnh ung thư hoặc đã trải qua phẫu thuật liên quan đến hệ bạch huyết, bạn cần theo dõi sát sao sự thay đổi về sức khỏe, bao gồm các triệu chứng như sưng tấy hoặc cảm giác nặng nề ở một số bộ phận của cơ thể.  

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *