Phong trào Cách mạng 14/6 – Cộng hòa Dominica ”giăng bẫy” đặc nhiệm Cuba.
1/ Cộng hòa Dominica và chế độ độc tài Trujillo.
Cộng hòa Dominica là quốc gia nằm phía Đông đảo Hispaniola, chia sẻ với nước Haiti ở phía Tây. Đây là quốc gia xét lớn thứ 2 ở khu vực Carribean chỉ sau Cuba và cũng là một trong những nước phát triển nhất khu vực Mỹ Latinh. Điều này đối lập hoàn toàn với nước láng giềng Haiti – là nước kém phát triển nhất Tây Bán Cầu – dẫn đến hòn đảo Hispaniola được mệnh ranh là ”hòn đảo chia cắt nhất thế giới”.
Nhân vật nổi tiếng nhất lịch sử Cộng hòa Dominica là nhà độc tài Rafael Trujillo. Bắt đầu nắm lấy quyền lực từ năm 1930, Trujillo là nhà lãnh đạo đã đưa Cộng hòa Dominica từ một quốc gia thường xuyên vỡ nợ trở thành nền kinh tế phát triển hàng đầu khu vực. Tuy nhiên, sau thời gian đầu tự do hóa mạnh mẽ kinh tế giúp đất nước thịnh vượng, giai đoạn sau đó chứng kiến Trujillo trở thành một nhà độc tài cực kỳ sùng bái cá nhân. Những phần béo bở nhất của nền kinh tế bị Trujillo thâu tóm về cho gia đình và các quan chức thân cận của ông. Tuy nhiên, điều mà người ta nói nhiều nhất về Trujillo là chế độ độc tài hà khắc và việc quan hệ ”sóng gió” với các nguyên thủ khác ở Mỹ Latinh.
Dưới thời cai trị của mình, Trujillo đã đàn áp tàn khốc các nhóm đối lập. Là người theo chủ nghĩa bảo thủ và thiên vị người da trắng, trong thế chiến 2 Trujillo đã mở cửa cho hàng vạn người tị nạn từ nội chiến Tây Ban Nha và người Do Thái đến nước này. Tuy nhiên, sau thế chiến 2, Trujillo đã tiến hành đàn áp những người chủ nghĩa tự do, những người cánh tả và những nhân vật cấp tiến phản đối chế độ độc tài. Đặc biệt, Trujillo thù ghét người da đen từ Haiti – những người nghèo đói tràn sang Dominica kiếm ăn. Trong vụ thảm sát đẫm máu nhất trong thời kỳ cầm quyền, quân đội của Trujillo đã thảm sát ít nhất 17.000 người nhập cư Haiti vào tháng 10/1937.
Nhưng ngay cả như vậy, mối quan hệ của Trujillo với Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ cũng không hề yên ả. Một đặc điểm dưới thời Trujillo là ông thường xuyên cho sát thủ ám sát các nhân vật chống đối mình ngay từ nước ngoài. Người ta gọi chính sách này của Trujillo là ”khủng bố nhà nước” (State terrorism). Dưới sự bảo trợ của Trujillo, các nhóm sát thủ Dominica đã sát hại hàng trăm công dân Mỹ, Tây Ban Nha cùng nhiều nước Mỹ Latinh khác, nhiều nhất là Venezuela và Costa Rica – các quốc gia theo chủ nghĩa tự do sớm nhất ở Mỹ Latinh. Trong đó, mối quan hệ cá nhân giữa Trujillo và Tổng thống tự do của Venezuela Rómulo Betancourt thường trực căng thẳng, luôn luôn chỉ trích nhau thậm tệ.
Cuối cùng, thói quen kết oán không nể nang ai của Trujillo đã khiến ông trả giá. Năm 1960, tổng thống tự do của Venezuela – Rómulo Betancourt bị ám sát hụt. Xác định Trujillo là thủ phạm, Venezuela đã tổ chức bỏ phiếu trục xuất Dominica khỏi Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS). 1 năm sau, khi đang đi trên đường, nhà độc tài Trujillo đã bị một nhóm sát thủ xả súng bắn chết. Nhóm sát thủ tự nhận đã làm một mình, nhưng các điều tra sau đó chỉ ra tình báo CIA của Hoa Kỳ đã trừ khử nhà độc tài Dominica.
2/Phong trào ”14 tháng 6” và vụ ”giăng bẫy” đặc nhiệm Cuba.
Trong rất nhiều phong trào phản kháng chế độ độc tài Trujillo, năm 1959 có một nhóm những người cánh tả Dominica đã đến Cuba lập căn cứ. Lúc này cách mạng Cuba vừa thành công, nên nhà lãnh đạo Fidel Castro đã hỗ trợ cho nhóm du kích này.
Sau một thời gian, họ thu hút được khoảng 300 người Dominica tìm đến Cuba. Họ quyết định thành lập một lực lượng vũ trang dưới sự chỉ huy của sĩ quan Enrique Jiménez Moya, được Cuba hỗ trợ vũ khí, dự tính đổ bộ vào Dominica tiến hành cách mạng như Cuba.
Tuy nhiên, những người Dominica này tỏ ra nôn nóng muốn trở về. Trong khi đó, nhà độc tài Trujillo đã biết được kế hoạch của họ, vì vậy đã quyết định giăng một cái bẫy để tiêu diệt họ. Trujillo ra lệnh cho quân đội Dominica thả lỏng kiểm soát khu vực ven biển, để cho nhóm du kích dễ dàng đổ bộ.
Ngày 14/6/1959, nhóm du kích Dominica đổ bộ vào bờ (sau này phong trào của các sinh viên cánh tả lấy tên theo ngày 14 tháng 6). Cuộc đổ bộ diễn ra dễ dàng đến khó tin. Cho rằng quân đội Dominica không đề phòng, Cuba thậm chí đã cho máy bay Curtis C-46 trở lính Dominica đổ bộ xuống. Một tuần sau đó, 300 lính Dominica và 200 người Cuba đã đáp xuống phía Đông Bắc nước này. Họ chia làm 2 ngả tiến vào vùng rừng núi Dominica dự định lập căn cứ chiến đấu.
Tuy nhiên, đó cũng là lúc cái bẫy của Trujillo sập xuống. Ông cho hải quân Dominica khóa chặt vùng biển mà du kích vừa đổ bộ khiến họ không thể rút lui. Xác định được khu vực rừng núi mà du kích đang ẩn náu, Trujillo cho máy bay ném bom dữ dội và cử quân truy lùng. Bị kẹt trong rừng rậm, thiếu thức ăn, súng đạn, nhu yếu phẩm,… các du kích Dominica và Cuba bị thất thế và lần lượt bị tiêu diệt.
Sau một tháng bị truy lùng, nhóm du kích bị giết gần hết. Trong số hơn 500 người ban đầu, chỉ còn chưa tới 10 người sống sót. Chỉ có 2 người Cuba duy nhất còn sống, một trong số đó là Delio Gómez Ochoa – người sau này trở thành anh hùng Cuba. Ông chính là người được Trujillo chọn để đứng trước xác thủ lĩnh du kích Dominica – sĩ quan Enrique Jiménez Moya để chụp ảnh. Quân đội Dominica chụp bức ảnh, công bố rộng rãi để đe dọa người dân, và thậm chí còn có tin cho rằng nó được gửi đến lãnh đạo Cuba Fidel Castro, ghi thông điệp ”bọn tao biết việc mày làm”????
Các hành động đàn áp tàn bạo của Trujillo tuy dẹp bỏ được phong trào du kích, nhưng sự phản kháng chính trị lại tăng lên. Năm 1960, kỷ niệm một năm cuộc đổ bộ thất bại, hàng trăm nghìn người Dominica đã xuống đường phản đối chế độ độc tài Trujillo. Một năm sau thì Trujillo bị tình báo Hoa Kỳ ám sát. Nước Dominica rơi vào thời kỳ khủng hoảng chính trị kéo dài đến năm 1965, kết thúc bằng việc Hoa Kỳ cử lực lượng đến thiết lập trật tự để chờ bầu cử. Cuộc can thiệp khiến 44 lính Mỹ thiệt mạng, nhưng đã vãn hồi được trật tự ở Dominica, tạo tiền đề cho cuộc bầu cử sắp tới.
Cuộc bầu cử Dominica diễn ra vào năm 1966, đã khôi phục nền dân chủ cho nước này. Sau khi xóa bỏ chế độ độc tài, Dominica đã khôi phục danh dự cho những người bị chế độ Trujillo đàn áp, trong đó Enrique Jiménez Moya và những chỉ huy phong trào ”14 tháng 6” được coi là anh hùng quốc gia. Riêng binh sĩ Cuba Delio Gomez Ochoa, được thả ngay sau khi Trujillo bị ám sát và trở về Cuba, nơi ông trở thành anh hùng khi sống sót qua 2 năm trong nhà tù và bị tra tấn ở Dominica. Sau này, chính phủ Dominica trao quyền ”Công dân danh dự Dominica” cho Delio Gomez Ochoa. Người dân Dominica ngày nay cơ bản có cái nhìn tích cực về vai trò của Cuba trong công cuộc khôi phục nền dân chủ của nước này.