Nhắc đến sói alpha (sói đầu đàn) thì hẳn trong đầu mọi người đã mường tượng ra hình ảnh 1 con sói mạnh mẽ, hung hăng, kẻ thống trị những con sói khác bằng bạo lực, được giao phối với bất kì con sói nào nó muốn nhỉ? Những kiến thức về con sói đầu đàn hung tàn đã thâm căn cố đế trong lòng người từ lâu, và càng được lan rộng khắp thế giới qua tiểu thuyết, phim ảnh, triết lý sâu sắc,… Cơ mà đời thì không như là phim, tạm bỏ mấy mớ phim truyện đó ra khỏi đầu rồi mình quay ngược thời gian lại 1 xí.
Ngày xưa rất xưa ấy có một nhà nghiên cứu… Thôi cũng hông xa lắm, năm 1947 Skenkel lựa chọn nghiên cứu trên 2 đàn sói và quan sát thấy rằng bọn chúng cạnh tranh khốc liệt để giành con cái (chỉ có 1 con cái mỗi đàn nhưng không xác định rõ nguyên nhân). Kẻ chiến thắng sẽ cùng con cái tách đàn để sinh sản, những kẻ thua cuộc chỉ có thể tiếp tục cuộc sống fa và lập nhóm cùng đám anh em. Á à, vậy là đủ kết luận, sói là 1 loài vật chiến đấu giành làm đầu đàn, con đực khỏe nhất sẽ thống trị các con khác và có được quyền giao phối, thế là khái niệm sói alpha ra đời, chỉ có 1 vài vấn đề ‘nho nhỏ’. Nghiên cứu của ông được thực hiện trong điều kiện nuôi nhốt, và thay vì bắt 1 đàn sói hoang dã về, các con sói từ các vườn thú khác nhau được đem về sống chung 1 chỗ, với diện tích rộng chưa tới 300 mét vuông. Ở ngoài hoang dã thì lãnh thổ của 1 bầy sói có thể lên tới hàng ngàn km vuông.
Đến năm 1970, thuật ngữ alpha này càng được lan rộng ra văn hóa đại chúng khi David Mech ra đời cuốn “The Wolf” sau nhiều năm quan sát sói trong điều kiện nuôi nhốt. Mech là người dành cả đời để nghiên cứu về sói, và vào 1 ngày đẹp trời, ông có được điều kiện nghiên cứu sói trong tự nhiên và nhận ra bọn sói không hề giống như mình vẫn nghĩ. Mech dành suốt 13 mùa hoa nở lá rụng quan sát sói hoang dã và khẳng định chưa từng thấy con sói alpha nào hết.
Một đàn sói, không như cách chúng mình được biết, trên thực tế chúng là một gia đình. Một gia đình gồm có cha mẹ, con cái, anh chị em, con sói alpha trong miệng chúng ta, thật ra chỉ là 1 ông bố/ bà mẹ đang vất vả kiếm miếng ăn nuôi gia đình mà thôi. Ơ thế còn việc thống trị, hay sói beta, omega thì sao? Sói ‘beta’ chính xác là mấy đứa con của cặp sói bố mẹ, mà đã là con cái thì nghe lời cha mẹ là chuyện hiển nhiên, con với chả cái, mình nuôi nó ăn học mà nó dám hông nghe lời mình, chắc mình kí đầu nó quá. Còn sói ‘omega’ bị cả những con ‘beta’ bắt nạt, chính là lứa con đời sau của bố mẹ, tụi nó là em mình, mình ăn hiếp là đúng rồi, có đứa em không bắt nạt nó thì bắt ai, nhưng mà thử đứa nào khác dám đụng nó xem, tới công chiện liền. Sói con thường ở với bố mẹ đến khi chúng được 1 tuổi, đôi khi có thể ở đến 3 tuổi, và sau đó sẽ tách đàn để tìm bạn đời và tạo ra bầy mới. Bọn sói con thiếu kinh nghiệm săn mồi, săn không hiệu quả, sói bố mẹ thường phải nai lưng ra để săn mồi và ăn trước sau đó chia phần cho bầy con. Trong trường hợp có sói con ốm yếu bé nhất, nó sẽ được ưu tiên cho ăn trước.
Năm 1999, Mech viết bài nghiên cứu “Alpha status, dominance, and division of labor in wolf packs” nhằm đính chính những thông tin sai trong cuốn sách của mình. Theo đó, ông cho rằng không nên dùng định nghĩa “alpha” để gọi những con sói, thay vào đó nên dùng “sói bố” và “sói mẹ”, vì chúng là một gia đình không khác gì xã hội chúng ta cả. Đồng thời, lúc bấy giờ mọi người đều đã quen thuộc với khái niệm sói đầu đàn, bất cứ phim truyện nào có sói cũng nhắc đến con đầu đàn, ông đã yêu cầu ngừng tái bản quyển sách đầu tiên nhưng ôi thôi chuyện đã rồi, quyển sách vẫn được đón nhận nhiệt tình. Giá mà ông có cơ hội được quan sát sói hoang dã sớm hơn. Giá mà có nhiều người đọc bài nghiên cứu đính chính của ông. Giá mà đem nấu canh chua thì ngon phải biết? Ơ khoan lạc chủ đề rồi quay lại. Sói alpha vẫn có tồn tại, điển hình là trong tình trạng nuôi nhốt, khi quăng những con sói từ bầy khác nhau không có họ hàng vào chung 1 chỗ, chúng sẽ tranh nhau để làm đầu đàn. Trường hợp thứ 2 rất hiếm xảy ra là khi trong bầy có nhiều cặp sói, do sói con kết đôi với sói khác bầy, lúc này con ‘đầu đàn’ sẽ là con sói mẹ. Cặp sói con có thể chọn tách ra lập đàn mới, hoặc trong điều kiện thức ăn dồi dào, có các con mồi lớn chúng vẫn sẽ ở chung. Không có chuyện cặp sói bố mẹ độc chiếm quyền đẻ con, giết con cặp khác, hay chỉ có sói ‘đầu đàn’ được giao phối, đấy toàn là con của tụi nó cả đó.
Sói là loài sống theo bầy có tính xã hội cao, vì thế khi thấy một con sói đơn độc, mọi người thường trầm trồ, ồ hẳn là nó mạnh lắm mới dám đi 1 mình, hẳn là nó thích cuộc sống tự do, không bị trói buộc bởi mệnh lệnh và phục tùng con “đầu đàn”. Con sói nó mà biết nói chắc nó giãy đạch đạch, gào rú oan quá Bao đại nhân mất. Hời ơi người ta lớn rồi nên rời xa vòng tay cha mẹ đi theo tiếng gọi tình yêu!! Một con sói cô độc hông phải là do nó không thích sống cùng bầy, chả qua là nó đang trên chuyến hành trình lang thang tìm bạn đời để xây dựng gia đình ở một lãnh thổ mới thôi. Đây là cách chúng duy trì nguồn gen khỏe mạnh của mình. Mấy đứa này sống theo kiểu ‘cho đến khi cái chết chia lìa đôi ta’, trừ phi bạn đời chết đi thì tụi nó mới tìm bạn đời mới. Và khi chàng sói đơn độc tìm thấy 1 bầy lạ khác, nó có thể xin gia nhập bầy theo cách thiện chí nhất có thể, chứ không phải ngồi thách kiểu “thằng alpha đâu ra đây, anh thách thức chú trong 1 trận đấu tay đôi, kẻ thắng được làm alpha, kẻ thua cuộc phải cút khỏi đây, bạn đời của chú sẽ là của anh và đàn này do anh làm chủ”, rồi 2 đứa cắn nhau còn đám sói ngồi dòm đâu nha. Gì dị ba? Dở hơi hả? Tự nhiên vô nhà người ta đòi đánh bố người ta, đòi giành mẹ người ta còn đòi ra lệnh? Nguyên bầy nó rượt đuổi cho chạy té khói ấy chứ không có vụ đánh tay đôi đâu ha. Một trường hợp khác cho việc sói đi một mình là sói bố đang kiếm ăn tha về cho sói mẹ vừa sinh con, chứ ai thèm thích sống cô độc 1 mình, oai với phong chỗ nào chưa biết chứ đói vì săn mấy con mồi bự hổng nổi là cái chắc.
Note: dù là viết về thông tin khoa học nhưng mình thường thích diễn đạt theo phong cách dí dỏm và chêm thêm những câu nói để nó không quá khô khan và dễ tiếp cận người đọc nên hong được nghiêm túc cho lắm, nếu bạn là 1 người đọc khó tính thì có thể đọc luôn ở các nguồn mình trích luôn ha.