PHILIPPINES SUÝT CHÚT NỮA ĐÃ TRỞ THÀNH “LÃNH THỔ LỊCH SỬ CÓ CHỦ QUYỀN KHÔNG THỂ TRANH CÃI” CỦA TRUNG QUỐC NHƯ THẾ NÀO?
Năm 1644, Trung Quốc bị người Mãn Châu chinh phục, lập ra triều đại nhà Thanh. Nhà Minh tới đây coi như kết thúc.
Trịnh Thành Công, con trai của một thương gia giàu có kiêm hải tặc người Hoa tên Trịnh Chi Long và người vợ Nhật Bản của ông, được sinh ra ở Hirado, Nhật Bản năm 1624, được nuôi dưỡng ở đó cho đến khi bảy tuổi và sau đó quay về Tuyền Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến.
Là một người trung thành với triều đại nhà Minh, trong nhiều năm ông đã không ngừng chống lại quân đội của Mãn Thanh ven bờ biển của Phúc Kiến và Triết Giang. Các lực lượng của Mãn Thanh dần trở nên áp đảo lực lượng trung thành với nhà Minh, Trịnh Thành Công không còn có thể chống lại họ trên đất liền và ông quyết định thôn tính hòn đảo Formosa đang do người Hà Lan kiểm soát và chuyển lực lượng của ông đến hòn đảo đó để tiếp tục lấy đó làm căn cứ chiến đấu lâu dài với người Mãn.
Trong 38 năm, Formosa (Đài Loan ngày nay) đã bị thống trị bởi người Hà Lan. Đây là một trung tâm thương mại đáng kể ở Đông Á, được bảo vệ bởi pháo đài Zealand và có một đạo quân đồn trú gồm 2.200 binh sĩ Hà Lan. Sau nhiều tháng chiến đấu, Trịnh Thành Công với một lực lượng áp đảo khoảng 15.000 người đã buộc người Hà Lan đầu hàng và hòn đảo xinh đẹp được chuyển sang quyền kiểm soát của ông ta với tên gọi là vương quốc Đông Ninh
Được khuyến khích bởi thành công trong việc chống lại người Hà Lan, Trịnh Thành Công quyết tâm chinh phục Philippines. Năm 1662 ông triệu tập nhà truyền giáo dòng Dominica người Ý, Vittorio Riccio, người đã từng sống ở tỉnh Phúc Kiến làm đại sứ đi gặp thống đốc Philippines để yêu cầu giao nộp quần đảo.
Manila đã rơi vào tình trạng hoảng loạn khủng khiếp bởi yêu cầu này. Kẻ chinh phạt Trung Quốc có vô số binh sĩ và vũ khí, hải quân của ông ta đã được tăng cường rất nhiều bởi sự đầu hàng của người Hà Lan. Tuy nhiên người Tây Ban Nha đã thống nhất là sẽ kháng cự tới cùng. Thống đốc Don Sabiano Manrique de Lara đã gửi trả lời một cách thách thức đến Trịnh Thành Công, và các biện pháp quyết liệt nhất đã được áp dụng để đặt thuộc địa vào tình trạng phòng thủ.
Mặc dù Philippines là thuộc địa của Tây Ban Nha, một cường quốc hàng hải nhưng vì ở quá xa các thuộc địa khác, đã lâu không xảy ra chiến tranh nên lực lượng đồn trú Tây Ban Nha khá yếu và không hề chuẩn bị gì cho chiến tranh. Không rõ lực lượng đồn trú Tây Ban Nha có quy mô như thế nào năm 1662 nhưng đúng một thế kỷ sau, năm 1762 khi quân Anh tấn công Manila cũng chỉ có vỏn vẹn 1.200 gia đình Tây Ban Nha và 400 quân đồn trú ở đây. Đạo quân đồn trú này thừa khả năng để trấn áp các vụ nổi loạn hay đảng cướp trong xứ nhưng so sánh với đạo quân hàng chục ngàn người và có tổ chức chặt chẽ của Trịnh Thành Công thì quá yếu ớt.
Có 25.000 người Hoa sống ở Parian, phía bắc sông Pasig, Manila. E ngại những người Trung Quốc này sẽ hợp tác với Trịnh Thành Công, tất cả họ đều được lệnh phải rời khỏi Quần đảo nhưng điều này đã kích động người Hoa nổi dậy và tấn công thành phố Manila. Kết quả là một vụ thảm sát kinh hoàng, gây thiệt mạng cho hàng ngàn người Trung Quốc. Những nhóm người Hoa còn sống sót phải lang thang vào vùng núi, nơi họ đã chết dưới tay thổ dân Philippines. Những người khác trốn thoát bằng thuyền đã gia nhập cùng Trịnh Thành Công ở Đài Loan.
Tháng 5 năm 1662, Toàn quyền Tây Ban Nha de Lara đã đưa Manila vào tình trạng phòng thủ, kêu gọi lực lượng Tây Ban Nha từ các tiền đồn của Mindanao và Ternate ở Moluccas quay về hỗ trợ bảo vệ Manila.
Nhưng cuộc tấn công không bao giờ xuất hiện. Trước khi Riccio về đến Đài Loan, Trịnh Thành Công đã chết do bệnh sốt rét và cuộc xâm lược đã chấm dứt trước cả khi nó bắt đầu.
Nếu như năm 1662 cuộc xâm lược của Trịnh Thành Công diễn ra và Philippines bị sáp nhập vào vương quốc Đông Ninh của ông thì năm 1683 20.000 quân Thanh của đô đốc Thi Lang (1621-1696) đã có thể thâu tóm cả Đài Loan lẫn Philippines vào Đại Thanh, biến Philippines trở thành một phần lãnh thổ của Trung Quốc cho tới bây giờ.