PHẤT NGÂN CÔNG CHÚA – CUỘC HÔN NHÂN HẠNH PHÚC HAY MỘT NƯỚC CỜ CHÍNH TRỊ

PHẤT NGÂN CÔNG CHÚA – CUỘC HÔN NHÂN HẠNH PHÚC HAY MỘT NƯỚC CỜ CHÍNH TRỊ

Lê Thị Phất Ngân (黎氏佛銀) hay Lập Giáo hoàng hậu là một trong những Hoàng hậu đầu tiên của triều đại nhà Lý. Bà xuất thân hiển hách, là công chúa của vua Lê Đại Hành và Đại Thắng Minh Hoàng hậu. Các anh em trai của bà là Đinh Toàn, Lê Long Việt và Lê Long Đĩnh đều từng làm vua của Đại Cồ Việt. Bà nổi tiếng với thân phận ‘đặc biệt’ là công chúa có bố, anh em, chồng và con đều làm vua. Đến tuổi cập kê, Lê Đại Hành gả bà cho Lý Công Uẩn. Cuộc hôn nhân này là 1 sự sắp đặt của vua cha. Lý Công Uẩn trẻ tuổi, có tài đức lại mẫn cán. Hơn nữa, Lý Công Uẩn còn là môn đệ yêu quý của Thiền Sư Vạn Hạnh, người đứng đầu thế lực Phật giáo và có ảnh hưởng rất lớn trong triều đình lúc bấy giờ. Đáp lại mối nhân duyên này, hai thầy trò Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn tỏ ra rất mực trung thành với nhà Tiền Lê. Ngày 26 tháng 6 năm Canh Tý (1000), bà đã hạ sinh cho Lý Công Uẩn một người con trai, đặt tên là Lý Phật Mã, tức vua Lý Thái Tông. Sau khi Lê Đại Hành qua đời (1005), với nhãn quan thế sự sắc bén, Vạn Hạnh đã nhận thấy vận số nhà Tiền Lê không còn bao lâu, bởi vậy, ông đã tiến hành một cuộc vận động, khi ngấm ngầm, lúc công khai để chuẩn bị cho ngày đăng cơ của Lý Công Uẩn về sau. Đến khi hoàng đế cuối cùng của nhà Tiền Lê là Lê Ngọa Triều chết (1009), Vạn Hạnh đã tỏ rõ ủng hộ Lý Công Uẩn lên ngôi. Các triều thần đứng đầu là Đào Cam Mộc cũng thức thời, mau chóng khuyên mời Lý Công Uẩn. Sự kết hợp của hai thế lực bên trong và bên ngoài triều đình, một chính trị một tư tưởng – tôn giáo đã xoay chuyển cục diện mau lẹ, rốt cuộc thành công đưa Lý Công Uẩn lên thay nhà Tiền Lê. Theo “Ngọc phả các vua triều Lê” tìm thấy ở các di tích thuộc xã Liêm Cần, Thanh Liêm, Hà Nam thì: Thái Tổ Hoàng đế sinh thời hàng năm theo Thiền sư Vạn Hạnh vào hầu vua Lê Hoàn ở thành Hoa Lư. Thái Tổ được vua Lê yêu, cho ở lại kinh thành học tập quân sự. Vua lại gả con gái cả là Lê thị, sinh ra Lý Phật Mã và đặc phong cho Thái Tổ làm Điện tiền cận vệ ở thành Hoa Lư. Dần dần, Thái Tổ thăng lên chức Điện tiền Chỉ huy sứ, chức ấy chỉ dành cho hoàng tộc hoặc quốc thích mới được trao. Bước vào bộ máy quyền lực là điều kiện ban đầu để sau này Thái Tổ lên ngôi vua thay thế nhà Lê. Tiếp nhận thành công ngai vàng nhà Tiền Lê, vấn đề đặt ra trước hết cho Lý Thái Tổ là phải thu xếp hoàng tộc nhà Tiền Lê như thế nào để vừa giữ được ngai vàng vừa không để lại di họa về sau. Lý Thái Tổ có cách nghĩ và cách hành xử rất cao minh. Ông đã dựa vào địa vị là con rể của tiền triều, thông qua việc đối đãi với đích phu nhân để làm yên lòng những người thuộc hoàng tộc họ Lê. Bằng cách vượt lên trên điển lễ, dành cho Hoàng hậu Lập Giáo quy chế xe kiệu, áo mũ vượt hơn các Hoàng hậu còn lại, Lý Thái Tổ đã cùng lúc đạt được nhiều mục đích. Lập Giáo là công chúa nhà Lê, đối xử đặc biệt với Lập Giáo cũng tức là chứng tỏ được lòng biết ơn to lớn của ông đối với tiền triều, nơi mở đầu đế nghiệp của ông. Lập con bà làm Thái Tử, Lý Thái Tổ đã xoa dịu và đẩy lùi được nỗi oán giận của hoàng tộc nhà Lê đối với tân triều. Hoàng tộc nhà Lê oán giận bởi quyền lợi của họ bị xâm hại. Nay trước việc Lập Giáo được ưu ái, đám con cháu tiền triều ấy cũng cảm thấy yên lòng phần nào. Họ càng yên tâm hơn khi cùng lúc ưu ái Lập Giáo, Lý Thái Tổ đã ban quan tước cho họ, cử họ trấn giữ những vùng đất quan trọng và cho phép con cháu họ thừa kế chức vị của cha ông. Nhờ vào Lập Giáo, Lý Thái Tổ đã xóa tan mầm họa loạn đến từ tiền triều, giúp ông có điều kiện dồn tâm lực xây dựng vương triều và đất nước. Còn Lập Giáo Hoàng hậu cũng không phải bận tâm về tương lai của dòng họ mình và yên ổn vui hưởng phú quý đến hết đời. Năm 1028, Lý Thái Tổ mất. Thái Tử Lý Phật Mã nối ngôi đã phong Lập Giáo Hoàng hậu làm Linh Hiển Hoàng Thái Hậu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *