Các chủ khách sạn tại Paris đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ kế hoạch tăng thuế du lịch cho Thế vận hội 2024, gọi đó là “một đòn đánh nặng nề” đối với ngành công nghiệp khách sạn. Mới đây, chia sẻ với truyền thông, các đại diện từ Hiệp hội Nhà hàng và Khách sạn UMIH cùng Nhóm chuỗi khách sạn GNC đã bày tỏ sự phản đối của họ đối với quyết định của chính phủ. Theo đó, chính phủ Pháp tăng ba lần mức thuế mà du khách phải nộp khi lưu trú tại các khách sạn trong năm 2024, thời điểm Paris đăng cai tổ chức Thế vận hội Olympic.
Pháp tăng thuế du lịch trong kỳ Thế vận hội 2024 gây tranh cãi
Hiện tại, mức thuế du lịch tại Paris biến động từ 0,25 euro (0,27 USD) mỗi đêm cho những chỗ ở cơ bản nhất đến 5 euro mỗi đêm đối với những khách sạn sang trọng. Kế hoạch tăng thuế ba lần này được chính phủ đưa ra nhằm hỗ trợ ngân sách năm 2024 và dự kiến sẽ được thông qua mà không cần bỏ phiếu trước kỳ nghỉ Giáng sinh.
Trong tuyên bố chung, UMIH và GNC cho biết: “Đây là một đòn giáng nữa vào khả năng cạnh tranh của ngành và cũng tác động đến hình ảnh của Pháp, đặc biệt là trong bối cảnh mọi sự chú ý đang tập trung vào Thế vận hội Paris 2024”.
Chính phủ đã đề xuất rằng việc tăng thuế du lịch lên đến 200% sẽ giúp tài trợ cho hệ thống giao thông công cộng. Tuy nhiên, các tổ chức đại diện cho ngành công nghiệp khách sạn cho rằng số tiền thuế này sẽ đạt tới 423 triệu euro mỗi năm, một con số cao hơn nhiều so với kế hoạch 200 triệu euro của chính phủ và cơ quan vận tải địa phương.
Catherine Querard, Chủ tịch của Hiệp hội Nhà hàng và Khách sạn GHR, cũng bày tỏ: “Chính phủ lo ngại về việc giá khách sạn tăng cao, nhưng lại đang thúc đẩy việc tăng thuế. Rồi họ sẽ đổ lỗi cho chúng tôi”.
Các khách sạn vốn đã có kế hoạch tăng giá trong thời kỳ diễn ra Thế vận hội từ ngày 26/7 đến ngày 11/8, tạo nên cuộc tranh cãi giữa các doanh nghiệp và chính phủ. Tổng thống Emmanuel Macron và chính phủ của ông sẽ viện dẫn điều 49.3 của hiến pháp Pháp để thông qua ngân sách năm 2024 mà không cần bỏ phiếu, mặc dù ông không giữ được đa số sau cuộc bầu cử năm 2022 và đã gặp nhiều phản đối khi sử dụng cơ chế này trong quá khứ, bao gồm cả việc áp đặt cải cách lương hưu gây tranh cãi vào đầu năm nay.