Pháo hoa ban ngày (Phần 1/11)

51 Cha và con.

Có thể nói động cơ giết người của Hà Trường Xuân khiến cho mọi người không ai nghĩ đến, hắn ta giết chết chị dâu của mình, hoàn toàn là do ép buộc, hơn nữa hắn giết chết Từ Cương, âu cũng là vì lòng tham của Từ Cương quá lớn. Có thể có người nghe đến đây, cảm giác Từ Cương không đáng để được đồng cảm, nhưng cách nghĩ của tôi lại không giống với nhiều người.

Khi tôi đang ngậm điếu thuốc đứng ở cửa sổ, khoảnh khắc nhìn thấy thi thể của Từ Cương được đưa vào nhà tang lễ, tôi lại nhớ đến hồi Đại học, thầy giáo thường nói một câu, câu nói là lời độc thoại của một vị hoàng đế Đan Mạch trong vở kịch Hamlet: “Tồn tại hay là chết!”

Từ Cương, một người nông dân chất phác, cách nghĩ của anh ta rất đơn giản, chỉ là cố gắng kiếm tiền để nuôi bố mẹ, vợ con, điều này thực sự không có gì đáng trách. Khi một con người sống ở tận cùng xã hội, anh ta không thể có một tư tưởng giác ngộ quá cao. Trong lòng Từ Cương, việc kiếm tiền nuôi gia đình chính là mục tiêu cả đời phải hoàn thành của anh ta, cho nên khi đối đãi với Hà Trường Xuân anh ta mới tỏ ra tham lam tới vậy. Thử hỏi, đây là lỗi của ai? Bất cứ ai trong chúng ta cũng không thể đưa ra một đáp án chuẩn xác.

Cái chết của Từ Cương, khiến tôi vô cùng xúc động, là người cha của ba đứa nhỏ, không biết anh ta đã chịu đựng bao nhiêu áp lực trong cuộc sống, để rồi cuối cùng anh ta vẫn đem theo sự tiếc nuối mà rời khỏi thế gian. Lúc này tôi mới hiểu, tại sao khi ngã xuống, Từ Cương lại cố gắng dùng lực để vươn tay trái của mình ra, bởi vì anh ta không muốn chết, anh ta vẫn còn quá nhiều thứ chưa thể buông bỏ. Tôi không biết từ lúc nào mà mình lại trở nên cảm tính như vậy, phải chăng vì đã chứng kiến quá nhiều sự sinh ly tử biệt chăng?

“Bố” từ này cứ lẩn quẩn trong đầu tôi suốt cả ngày. Từ lúc tôi lên Đại học đến giờ, cũng đã gần 6 năm, tôi vẫn chưa thể có một cuộc nói chuyện đàng hoàng với bố mình. Bất luận bố vì lý do gì mà lên kế hoạch cuộc đời cho tôi, thì tôi cũng không nên ghét ông ấy đến như vậy. Khi chúng ta sống tự lập trong xã hội, bất cứ ai cũng có thể phản bội bạn, duy chỉ có bố mẹ bạn là không; Khi tất cả mọi người đề coi bạn là miếng xi-măng không dính tường, thì trong mắt bố mẹ, bạn vẫn luôn là báu vật mà không ai thay thế được.

Tiếng chuông báo hiệu 5 giờ chiều vang lên, tôi chào tạm biệt Minh ca, rồi lái chiếc xe điện của mình đến chợ. Sau khi chọn xong mấy món rau củ, tôi lại tiện đường mua cho bố một chai rượu trắng Nguyên Tương mà ông thích uống nhất.

5 giờ rưỡi, tôi háo hức mở toang cửa phòng rồi nói vọng vào trong buồng ngủ: “Bố ơi, con về rồi!”

“Tiểu Long đã về rồi à!” Bố tôi đáp lại bằng một giọng có vẻ đau đớn.

Tôi nghe thấy tiếng phát ra từ nhà vệ sinh, vội đặt túi rau trong tay xuống, nhanh chân bước vào nhà vệ sinh.

Cạch, cánh cửa phòng vệ sinh được tôi mở ra, lúc này cha tôi đang nghiến răng nghiến lợi, vịn vào tay nạng, ngồi trên bồn cầu một cách khó nhọc, từng chút từng chút kéo chiếc quần lót nỉ lên.

“Bố à, để con!” Trông thấy gân xanh nổi trên trán và biểu cảm đau đớn của ông ấy, nước mắt tôi tuôn trào.

“Tiểu Long à, không cần đâu con, cứ để bố.” Bố tôi vừa thở dốc vừa xua tay đáp.

Tôi lau nước mắt, không nói gì, ngồi xồm xuống để chỉnh lại quần cho bố, phủi đi lớp bụi trên người ông, rồi từ từ dìu ông về giường ngủ.

Chỗ chúng tôi là miền Nam, không có hệ thống máy sưởi, nên trời chỉ hơi trở lạnh, việc đi vệ sinh sẽ trở thành khó khăn lớn nhất đối với bố tôi. Tuy một bên chân của ông đã có cảm giác, nhưng so với người bình thường thì vẫn khác xa, việc đứng lâu sẽ gây cho ông một cảm giác đau đớn dữ dội, cho nên mỗi lần đi vệ sinh xong, ông đều ngồi xuống bồn cầu để nghỉ ngơi một lúc, mới có thể loạng choạng bước về phòng. Khoảng cách chưa đến 5m, nhưng bố tôi phải dựa vào tường để thở mất hai lần.

Bố trí cho ông xong, tôi lấy chậu rửa mặt ra, đổ vào đấy một chút nước nóng, dùng khăn ấm lau nhẹ đi phần mồ hôi trên trán của ông ấy. Bố tôi dựa vào thành giường, vui vẻ quan sát nhất cử nhất động của tôi.

“Tối nay hai bố con mình làm một chén được không bố?” Tôi cất khăn đi, ngồi bên cạnh giường nói cười vui vẻ.

“Một chén à?” Ông hỏi với vẻ vừa mừng vừa lo.

“Lúc tan làm, con có ghé qua chợ mua ít đồ ăn, đều là món bố thích, lát nữa con vào bếp đảo qua lại một tí, nhanh thôi ấy mà.” Tôi ngồi bên cạnh giúp ông dắt mép chăn lại.

Bố nghe xong, nhìn tôi chằm chằm hồi lâu, rồi gật đầu đáp: “Được! Tối nay hai bố con mình cùng uống một chén ra trò!”

“Vâng.” Tôi vội đứng dậy, đi ra khỏi buồng.

Thời gian ăn tối của nhà chúng tôi có hơi khác so với nhà khác. Bình thường mẹ tôi đều rời nhà vào đúng 5 giờ chiều để đi làm thêm, cả đời bà ấy đã làm giáo viên, bây giờ nghỉ hưu ở nhà, vì muốn kiếm thêm thu nhập, nên ra ngoài làm gia sư, thường 8 rưỡi tối mới về đến nhà, nên giờ cơm chính của nhà tôi thường vào khoảng 9 rưỡi. Hôm nào đơn vị không có việc, tôi sẽ làm trước mấy món đồ nhắm, nên đừng thấy tôi là đàn ông, việc bếp núc cũng gọi là có chút kỹ năng.

Nửa tiếng sau, một đĩa trứng rán sốt cà chua, một đĩa đậu xào thịt, một đĩa lạc rang, một tô canh cải bẹ được đặt trước mặt bố tôi.

Tôi buộc tạp dề rồi ngồi xuống bên thành giường, mở nắp chai rượu trắng Nguyên Tương mà bố mình thích nhất.

Hai chén rượu đầy, tôi đưa một chén vào tay bố, tự mình nâng một chén rồi đưa lên không trung.

“Không nói gì à?” Bố từ từ đưa chén rượu lên trước mặt, hỏi một cách tinh nghịch.

Tôi nghe bố nói vậy, ngây ra một lát, sau đó cụng nhẹ ly với bố, im lặng một hồi, có chút ăn năn nói: “Bố ơi, con xin lỗi.”

Ực. Tôi uống một hơi cạn rượu, chất lỏng chua cay như một con rồng lửa ở cuống họng đang chui tuột xuống dạ dày.

Bố tôi giơ chén giữa không trung, lặng lẽ quan sát cử động của tôi, chẳng nói chẳng rằng.

Tôi đặt chén rượu xuống, nhìn biểu cảm thất thần của ông một cách hoài nghi, hỏi: “Bố, sao bố không uống?”

Bố nghe tôi nói xong, mới định thần lại, cười đáp “À, uống!” Ực. Một hớp rượu xuống bụng, ông ấy chùi mép, cười nói với tôi: “Nếu giờ mẹ con về, bà ấy sẽ lột da hai bố con mình xuống mất.”

Tôi ngẩng đầu nhìn chiếc đồng hồ treo trên tường, cười đáp lại: “Mới hơn 6 giờ, còn lâu mẹ mới về, 1 tiếng là đủ để bố con mình giải quyết xong chỗ này.”

Vì lý do sức khỏe của bố, mẹ đã cấm ông ấy uống rượu, nhưng tôi biết bố khoái món này. Mỗi lần Minh ca đến xoa bóp cho bố, đều lén cất một chai rượu ở đầu giường để ông đỡ thèm. Nhớ có lần, tôi ở nhà khát khô cổ, lúc ấy bố đang ngủ say, vừa lúc tôi trông thấy dưới gối ông lộ ra một chai nước, liền vớ lấy rồi tu ừng ực, bị sặc mất nửa ngày mới tỉnh, từ đó mà tôi vô tình phát hiện ra bí mật nhỏ này của ông ấy.

Bố cười híp mắt nhìn tôi, không nói gì. Tôi lại rót cho ông ấy một chén nữa.

“Con trai, thật ra người nên nói lời xin lỗi phải là bố.” Bố nói xong, nhấc chén lên, một hơi uống cạn.

“Bố, bố đừng nói thế, con biết bố cũng chỉ muốn tốt cho con thôi.” Tôi đáp.

Bố tôi nghe đến đây, lắc đầu, dựa người vào thành giường nói: “Năm ấy ép con học trường cảnh sát, là ta có ý đồ cho riêng mình, thực ra bắt con nối nghiệp bố chỉ là cái cớ, lý do thực sự không phải thế.”

“Sao cơ? Không phải vì thế ư?” Nghe bố nói, tôi có chút ngạc nhiên.

“Nếu như bố còn khỏe, thì năm xưa đã không áp đặt con như thế.” Bố “đoạt” lấy chai rượu trong tay tôi, rót vào chén của mình rồi lại uống cạn.

Bố uống xong, cúi đầu xuống nhìn vào đống thức ăn vẫn còn nóng hổi kia, ngồi ngây người ra, rồi ra sức lấy tay vuốt mặt, mở miệng nói: “Bố đã làm cảnh sát cả đời, trừ trong ngành là còn một vài người bạn thân thiết, những ngành nghề khác bố không quen biết ai cả. Năm xưa khi phá vụ án xác chết trôi sông, bố đã bị tai nạn xe, khi bác sĩ nói sau này bố không thể xuống giường, suy nghĩ đầu tiên của bố là con trai mình sẽ thế nào, sau này mình sẽ phải chăm sóc cho nó ra sao.”

Nói đến đây, bố tôi lại nhấc chai rượu lên, uống thẳng rượu từ chai.

“Bố, đừng uống nữa!” Tôi giật lại chai rượu về trước mặt mình.

“Khụ khụ khụ!” Chắc ban nãy uống hơi sung, ông ấy ngồi đầu giường ho dữ dội.

Thấy thế tôi vội đứng dậy, bước ra sau bố, dùng tay vỗ vỗ lên lưng, để ông đỡ khó chịu. Mặt bố đỏ gay, ông xua tay về phía tôi.

Một lúc lâu sau, bố tôi bình tĩnh lại, dựa vào đầu giường, ánh mắt chăm chăm nhìn vào ánh đèn mờ ảo ở trên trần, đắm chìm trong hồi ức: “Khi bố ra khỏi phòng phẫu thuật, rất nhiều anh em đồng chí ở Sở Cảnh sát đến thăm nom, trước mặt họ bố đã nói ra những âu lo trong lòng, họ an ủi bố rằng, đợi khi con lớn, gửi gắm con vào đội ngũ cảnh sát, đến lúc ấy họ sẽ chăm sóc cho con. Nghe họ nói vậy, bố nghĩ đó quả thực là một ý tưởng không tồi. Từ nhỏ con đã ngang bướng, bố thực sự lo lắng nếu mình không ở bên cạnh, con sẽ bước sai đường. Bố cũng lo nếu con làm ngành nghề khác, một người người tàn tật như bố, sẽ làm con khó xử trước mặt đồng nghiệp.”

Nghe đến đây, những giọt lệ không sao kìm nén được nữa, chảy theo khóe mắt rơi bạt mạng xuống mặt đất.

“Đàn ông thì không được rơi lệ, đừng khóc nữa.” Bố giật lấy một miếng khăn giấy ở đầu giường rồi đưa cho tôi, động viên an ủi.

Tôi nhận lấy miếng khăn giấy, lau khóe mắt, nghẹn ngào gật đầu.

Bố trông tôi có vẻ ổn hơn một chút, liền đổi giọng nói: “Cái khác bố không dám nói khoác, nhưng địa vị ở Sở Cảnh sát là vẫn có. Tuy bố con nằm liệt trên giường, nhưng ở Sở chỉ cần nhắc đến Tư Nguyên Long là con trai bố, thì tuyệt đối không ai dám coi thường con.”

Bố nói xong, đưa tay vỗ ngực.

Tôi nhìn cử chỉ khôi hài của bố, nhoẻn miệng cười, tâm trạng tốt lên nhiều.

Bố nghiêng đầu nhìn tôi, sau đó nói: “Cho nên bố mới có ý định, chờ khi con lớn, nhất định phải cho con vào trường cảnh sát. Vì muốn con hiểu đôi chút về ngành nghề này ngay từ nhỏ, nên khi con còn bé, bố thi thoảng lại truyền thụ cho con những kiến thức về lĩnh vực này, thực chất mục đích chính là để con có thể tiếp nhận nó từ ngay trong lòng.”

“Bố à, đừng nói nữa, bây giờ con đã hiểu rồi.” Tôi gật đầu đáp.

Bố tôi mỉm cười, sau đó nói: “Mấy năm trước khi con tốt nghiệp trường cảnh sát, Khải Minh cũng lên làm chủ nhiệm Khoa kỹ thuật, nên bố mới bảo Khải Minh thu nhận con, như vậy thì bố cũng giải sầu được phần nào.”

“Thật ra lúc con vừa tốt nghiệp, vừa bước chân vào Khoa kỹ thuật, con đã biết đây là kế hoạch của bố rồi.” Tôi chuyển buồn thành vui.

“Con cũng có thể hiểu như vậy.” Bố tôi tươi cười nói.

“Minh ca hơn một năm nay cũng hành con không ít.” Tôi bĩu môi phàn nàn với bố.

“Bố thấy năm qua con cũng làm nó trăn trở không kém, tuy bố chỉ nằm trên giường, nhưng những gì con làm ngoài kia bố đều biết hết.” Bố cười rồi gõ ngón tay lên trán tôi.

Tôi xoa xoa chỗ bị ông ấy gõ, rót rượu vào chén rồi cười đáp:

“Con người Minh ca nói thực thì không tệ, chỉ là hơi quái gở.”

Bố cầm chén rượu lên, nhấp một ngụm nhỏ, thở dài nói: “Thực ra, Khải Minh là một đứa rất khổ, con thấy nó quái gở, là vì con không hiểu hoàn cảnh của nó.”

[Còn tiếp]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *