Phân tích nhân vật Toru Oikawa

Khi Oikawa lần đầu tiên xuất hiện, cậu ấy đã được xây dựng như một diễn viên chính đứng trên sân khấu, nổi bật hơn bất cứ vai diễn nào khác – một chàng trai tự mãn, đào hoa và rất vênh váo, được biết đến với cái tên “Quý ngài nổi tiếng” cùng rất nhiều cô gái vây quanh và yêu thích (ngay cả trong anime, cứ đến cảnh cậu ấy nhảy lên để giao bóng là y như rằng cái theme mỗi lúc đấy sẽ rất sáng, rất hào nhoáng để nhấn mạnh hơn sức mạnh cũng như là sức nặng mà cậu ấy đặt và cú giao bóng) – một dấu hiệu nhận biết quá rõ ràng đối thủ của team main/một nhân vật phản diện (?). Tuy nhiên, lúc này Oikawa chỉ được hiện lên và giới thiệu sơ qua dưới góc nhìn của team main. Khi các backstory của Oikawa được khai thác thêm, cậu ấy lại hiện lên là một nhân vật khá phức tạp với nhiều mặt tính cách khác nhau. Nếu chúng ta đi sâu vào phân tích về Oikawa thì tất cả những động lực, những sức mạnh, hay cả những điểm yếu, những sai sót, rồi sự đấu tranh trong chính cậu và tất cả những gì ở giữa hai đầu đối lập ấy sẽ cho ta thấy rằng Oikawa phức tạp hơn những gì ta thấy được ở cậu ấy lúc đầu. 

Một nét đặc trưng khá tiêu biểu ở Oikawa chính là sự đối lập giữa bề nổi với bề chìm trong tính cách và tâm hồn của cậu ấy. Ẩn dưới những nụ cười, những cái nháy mắt, rồi những trò đùa trẻ con là một mặt khác của cậu ấy và nếu đặt trong một vài tình huống nhất định thì khía cạnh ấy khá nghiêm trọng. Những mặt mâu thuẫn bên trong sẽ đấu tranh và quyết định xem rằng cậu sẽ thể hiện mình ra bên ngoài như thế nào. Cậu ấy có thể là một gã gở khá láu cá và nhỏ nhen (xinh đẹp nữa), nhưng Oikawa cũng là một chàng trai có niềm đam mê vô cùng mãnh liệt và sẵn sàng làm mọi điều để theo đuổi đam mê ấy – kiểu người ban ngày thì vui vẻ dừng lại bên đường chỉ để chụp một bức ảnh đôi lúc khá ngớ ngẩn rồi vừa đi vừa ngâm nga một giai điệu nào đó, đến ban đêm thì lại sang một mode khác: thức đêm để tập trung xem lại từng trận đấu một để phân tích và vạch ra những chiến lược cho đội của mình. 

Những điều miêu tả về Oikawa mà tôi cho rằng khá đúng với cậu ấy là tham vọng, tinh thần cạnh tranh cao, nhưng lại mặc cảm tự ti vì những người giỏi hơn mình – điều này như một con dao hai lưỡi. Con dao ấy khiến cậu thể hiện ra những điều tệ nhất về mình nhưng cũng là thứ khiến Oikawa bộc lộ ra những cái tốt nhất của cậu ấy; nó thúc đẩy Oikawa phải làm quá sức mình, đôi khi còn ảnh hưởng đến sức khoẻ của cậu. Nhưng cũng chính con dao ấy, mang tới động lực cho Oikawa, mang tới sự liều lĩnh cho Oikawa để theo đuổi hình mẫu hoàn hảo của một đối thủ đáng gờm trên sân đấu. “Một khi đã tấn công thì hãy tiếp tục cho đến khi đối thủ gục ngã!” – một phương châm của Oikawa, cũng có thể hiểu là “Nếu đã nỗ lực, hãy nỗ lực đến cùng.” Ngay cả tên của cậu ấy cũng mang ý nghĩa là sự kiên trì. “Tooru” (徹) có nghĩa là vượt qua một điều gì đó, thường đi cùng với sự quyết tâm không ngừng nghỉ, hay có thể hiểu theo nghĩa là nỗ lực tới cùng.

Xét theo chức năng của nhân vật trong mạch truyện thì Oikawa có thể được coi như một nhân vật nền giúp cho một nhân vật chính khác là Kageyama phát triển. Mối quan hệ giữa Oikawa và Kageyama ngày trước chính là cốt lõi cho arc về quá khứ của Oikawa và là nguồn gốc cho xung đột giữa hai người hồi trung học – cả thể xác lẫn tinh thần – để rồi dẫn đến trận đấu tuyệt vời giữa hai đội trước giải toàn quốc (T/N: có lẽ OP nhắc đến là hai trận giữa Seijoh và Karasuno, một là giải liên trường, hai là giải Mùa xuân). Tương tác giữa hai người từ trước được Kageyama nhắc tới trong trận đấu tập với Seijoh và được Oikawa nói đến trong một lần khác với Iwaizumi. Nhưng mãi đến trận đấu chính thức đầu tiên giữa Seijoh và Karasuno, mối quan hệ của hai người trong quá khứ mới lần đầu tiên được kể lại qua flashback của Oikawa. 

Biết được thêm về backstory của Oikawa, chúng ta mới thấy được một khía cạnh mới của cậu ấy tới giờ vẫn được cậu khéo léo giấu đi dưới lớp vỏ bọc cứng chắc của mình. Cậu ấy vẫn còn những thiếu sót; cậu ấy dễ bị tổn thương; cậu ấy vẫn phải vật lộn để vượt qua những nỗi sợ hãi của riêng mình; suy cho cùng cậu ấy cũng chỉ là một con người mà thôi. Nguồn gốc của sự tuyệt vọng trong Oikawa trước nhất là ở việc không thể đánh bại Ushijima, sau đó Kageyama – một “thiên tài” – xuất hiện như một mối đe doạ tới vị trí chuyền hai của Oikawa lại càng khiến cậu thêm chìm sâu vào nỗi tuyệt vọng và sợ hãi, đến nỗi phải điên cuồng luyện tập để bản thân mình giỏi hơn. Điểm yếu của cậu ấy thực sự nằm ở chỗ: bị lấn át bởi những cảm xúc tiêu cực. Những cảm xúc méo mó ấy được đẩy lên đến đỉnh điểm khi một Kageyama ngây thơ và không chút hoài nghi gì đến tìm senpai của mình để hỏi anh dạy cách giao bóng. Nhưng rồi tất cả những gì trong mắt Oikawa chỉ là một đứa trẻ đầy mưu mô quỷ quyệt đến để đánh bại mình. Cái hay ở anime là hình ảnh có màu sắc. Phía studio đã rất sáng tạo khi để màu mắt của Ushijima và Kageyama là màu đỏ để nhấn mạnh hơn sự chơi vơi của Oikawa khi đó. Nhưng điều còn thú vị hơn nữa là chính Oikawa cũng hiện lên với đôi mắt mang sắc đỏ – tôi đoán là điều này cho ta thấy chính Oikawa cũng tự ghê tởm chính bản thân mình, ở một mức độ nào đó, vì không thể chạm được tới tiêu chuẩn mà mình đã đặt ra. Ngay lúc này, kẻ thù lớn nhất của Oikawa chẳng phải một ai khác, mà chính là bản thân cậu ấy. Chính sự khủng hoảng này của Oikawa đã chứng tỏ rằng: ta không thể xem thường sự ảnh hưởng của nỗi sợ hãi bị thay thế và cảm giác bản thân là một kẻ bất tài tác động tới tâm lí con người. Trong khi phần lớn câu chuyện đề cao cái nhìn “lý tưởng” và cụ thể về các môn thể thao mang tính cạnh tranh cao, thì thông qua Oikawa, chúng ta lại thấy được mặt tối, mặt mơ hồ và không rõ ràng ở những môn thể thao ấy.

Mục đích của arc về Oikawa là để sau arc này, Oikawa sẽ học được cách chế ngự con quỷ sâu bên trong mình, giữ vững lập trường của mình khi đứng trước những đối thủ “tài năng” hơn và không ngừng theo đuổi mục đích mà mình hướng tới dẫu phải đối mặt với biết bao chông gai thử thách.

Mối quan hệ giữa Oikawa và Kageyama xứng đáng có được một đoạn viết riêng trong bài này. Nhưng về cơ bản thì cả hai đều mang trong mình một thứ tài mà người kia không có và mỗi người đều cần nỗ lực nhiều hơn để lấp đi những khiếm khuyết ấy. Cả hai hiểu rõ điều này hơn ai hết. Kageyama có tài năng chuyền hai thiên bẩm mà Oikawa phải nỗ lực gấp đôi bất cứ ai khác để đạt được tới trình độ đó. Khả năng thấu hiểu cùng sự quan sát tinh tế của Oikawa đã khiến cậu ấy – với tư cách là một chuyền hai và là một thành viên của đội – có thể phát triển hơn năng lực và sức mạnh của bản thân, trong khi đó lại là thứ mà Kageyama thiếu và phải cố gắng để có được nó. Kageyama gặp khó khăn trong việc hợp tác với các thành viên trong đội và cần nỗ lực hơn nữa để làm được điều đó bởi sự hợp tác là một điều cần thiết để trở thành một chuyền hai nói riêng, và một thành viên chính thức của một đội nói chung. Hiểu theo một cách nào đó thì trường hợp của hai người này khá giống với câu thành ngữ “Đứng núi này trông núi nọ” đấy.

Được xây dựng là chuyền hai xuất sắc nhất của tỉnh, là hình mẫu để Kageyama vươn tới và vượt qua, Oikawa là nhân vật đầu tiên mà Furudate lựa chọn để gửi gắm tư tưởng, suy nghĩ và truyền tải vai trò quan trọng nhất của một chuyền hai. Là một chuyền hai, khả năng đặc biệt của Oikawa là phát huy được 100% sức mạnh và thực lực của các tay đập trong đội, dường như đã trở thành một điều hiển nhiên phải có ở một chuyền hai. Sau đó vai trò này của chuyền hai đã được những chuyền hai khác trong truyện nhắc tới và đánh giá. Bản chất của Oikawa là một người chú trọng vào việc lập chiến lược và lối chơi của mỗi đội cũng như sẵn sàng thử nghiệm những chiến thuật mới – một cách chơi đối lập hoàn toàn với Shiratorizawa. Ở Shiratorizawa thì vai trò của chuyền hai được hạ thấp và hạn chế hơn để nhằm giúp Ace phát huy được thế mạnh của mình, hay như Ushijima từng nói về chức năng của chuyền hai là “phục vụ cho Ace”.

Chính điều này về Shiratorizawa có khả năng cao là một trong những nguyên nhân chính khiến Oikawa không vào Shiratorizawa, bên cạnh nguyên nhân thứ nhất là từ hồi trung học Oikawa đã luôn gắng sức cải thiện kĩ năng của mình và khao khát đánh bại Ushijima. Oikawa là kiểu người phù hợp với vị trí lãnh đạo và có thể tự do dẫn dắt đồng đội của mình hơn là trở thành một cọng lông vũ để làm nền cho chiếc mũ tím nổi bật của Shiratorizawa. Có thể sẽ có người phản biện rằng chẳng phải nếu không vào Shiratorizawa, Oikawa sẽ mất đi tấm vé vào được giải toàn quốc mà cậu ấy hằng mong ước có được hay sao? Nhưng chính việc Oikawa không vào Shiratorizawa, không cùng đội với Ushijima lại là động lực cho cậu ấy thêm khao khát đánh bại Ushijima và trở thành một Oikawa Tooru của hiện tại. Tình yêu và đam mê với bóng chuyền là lí do đầu tiên và quan trọng nhất để Oikawa lựa chọn bộ môn thể thao này, nhưng chính viễn cảnh đối mặt với đối thủ mạnh hơn mình lại là thứ thắp lên ngọn lửa đam mê trong cậu để khiến nó rực cháy hơn nữa. Và cũng chính vì thế mà cái “niềm tự hào rẻ rách” của Oikawa trở thành một con dao hai lưỡi nhọn hoắt.

Có bốn nhân vật – dù gián tiếp hay trực tiếp, dù cố ý hay vô tình – đã góp phần vào char dev của Oikawa và làm nên một Oikawa mà chúng ta biết. Đó là Ushijima, Kageyama, Iwaizumi và huấn luyện viên của Kitagawa Daiichi xuất hiện trong flashback của Oikawa – người đóng vai trò quan trọng giúp Oikawa thay đổi góc nhìn vào lúc cậu đang chìm dưới vực sâu. 

Trong bốn người này thì ta không thể bỏ qua Iwaizumi – người đã đồng hành và giúp Oikawa thêm trưởng thành. Vào lúc Oikawa yếu đuối nhất, Iwaizumi trở thành chỗ dựa tinh thần, giúp Oikawa lấy lại lý trí của mình. Oikawa, người bị tuyệt vọng và ham muốn che mờ mắt, đang dần chơi theo lối chơi “một mình” (T/N: không phải độc tài như của Kageyama mà mình nghĩ là kiểu tập trung vào bản thân quá mà quên mất mình đang chơi cùng mọi người). 

“Với sáu người thì kẻ mạnh sẽ càng mạnh hơn, đồ ngốc!” – Đây là một lời cảnh tỉnh cho Oikawa, một bước ngoặt để khiến nhân vật này phát triển thêm. Câu nói này của Iwaizumi đã tác động rất lớn đến Oikawa, lớn đến nỗi sau này cậu ấy vẫn luôn tự nhắc lại câu nói này trong trận đấu. 

Phía trên là một vài yếu tố ngoại cảnh quan trọng tác động trực tiếp đến char dev của Oikawa trong arc về cậu ấy. Nhưng có lẽ không bất cứ điều gì miêu tả Oikawa rõ hơn lời độc thoại nội tâm của cậu ấy trong trận tái đấu giữa Seijoh với Karasuno tại giải Mùa xuân.

“Tới đi. Dùng đòn tấn công tối thượng của chú mày mà tới đi, Tobio!”

Có thể coi đó là thách thức của Oikawa dành cho Kageyama, cũng có thể là cho chính bản thân cậu ấy. Cách nhìn của Oikawa đã có sự thay đổi, trước kia cậu ấy nhìn Kageyama – một tên “thiên tài” bẩm sinh – như một mối đe doạ. Nhưng giờ đây, Kageyama đối với Oikawa Tooru, là một sự thách thức.. Có một sự khác biệt rất rõ rệt ở đây – ta tránh xa một mối đe doạ nhưng với một thử thách, ta chấp nhận nó. Dù việc ta thất bại có rõ rành rành như ban ngày thì đó vẫn là một chiến thắng vinh quang nếu ta tự tin chiến đấu với mọi kĩ năng mình có thay vì trốn tránh đối thủ, trốn tránh thực tại tàn nhẫn rằng đối thủ của ta mạnh hơn ta. Kiểu như là ta dang rộng vòng tay chấp nhận thách thức, sẵn sàng đối mặt với chúng nhưng rồi nhận lấy thất bại (T/N: khá giống với câu “Thà chết vinh còn hơn sống nhục”.). Và đó cũng là lí do vì sao vào cuối trận đấu, dẫu có thua, Oikawa vẫn có thể nhìn thẳng vào mắt Kageyama và nói “Giờ thì hoà nhau rồi nhé.”. Ngay sau đó là đối mặt với Ushijima – một đối thủ truyền kiếp – và nói rằng bản thân dù không thể tiến vào giải toàn quốc vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi đam mê bóng chuyền của mình. Hơn tất thảy, sau khi trận đấu kết thúc, Oikawa đã đập vào lưng Iwaizumi như một sự động viên, một sự tín nhiệm của chuyền hai dành cho Ace. Một điều khá thú vị ở đây là vai trò của Oikawa và Iwaizumi lúc này đổi ngược cho nhau. (Anime đã thêm chi tiết Oikawa quay sang nhìn Iwaizumi để chắc chắn rằng Iwaizumi vẫn ổn sau khi thua cuộc, cùng với Seijoh xếp thành hàng để cảm ơn những khán giả đã cổ vũ, ủng hộ họ trong suốt trận đấu).

Tất cả những điều trên nếu đặt cạnh để so sánh với con người của Oikawa hồi còn trẻ – một người đã từng bị ám ảnh với sự thua cuộc và rất có thể sẽ bị suy sụp. Thì Oikawa của bây giờ đã thay đổi, trở thành một con người hoàn toàn khác – một người sẵn sàng dũng cảm ngẩng cao đầu để đối mặt với thất bại. 

Điều gì không khuất phục được bạn sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn. Mọi kết thúc đều là một khởi đầu mới. Do đó, tất cả những gì Oikawa đã trải qua và học được từ sự nỗ lực của chính mình sẽ là thứ hành trang quý báu giúp cậu ấy tiếp tục trên hành trình theo đuổi đam mê. Quãng đường 3 năm mà Oikawa trân trọng, nói một lời cảm ơn chân thành nhất, Oikawa bật khóc trước những người đồng đội của mình: “Cảm ơn vì ba năm vừa qua!”. Đây là một trong những khoảnh khắc hiếm hoi mà Oikawa lấy hết dũng khí để nói ra và khiến mình được là chính mình.

Cuối cùng nhưng không hề kém phần quan trọng trong char dev của Oikawa (có chứa manga spoiler). Iwaizumi đã nói rất đúng rằng Oikawa là kiểu người sẽ không ngừng theo đuổi, không ngừng leo lên cao hơn bởi dù đã chạm tới bức tường cao nhất, cậu ấy cũng sẽ không bao giờ hài lòng – như một chu kỳ, dù đã chạm tới cuối bức tường nhưng rồi cậu ấy lại đứng dậy bằng đôi chân của mình và sẵn sàng leo cao hơn nữa. (T/N: OP chơi chữ đoạn này khá hay, “hit the proverbial wall” và “crash headlong agaisnt the wall again”: kiểu Oikawa là người đi tới cuối con đường rồi nhưng vẫn sẽ không ngừng tìm thêm lối đi nữa để bắt đầu một con đường khác. Cậu ấy không bao giờ hài lòng với điểm kết thúc ấy. Vậy nên Iwaizumi mới nói Oikawa sẽ chẳng bao giờ hạnh phúc ngay cả khi về già).

Oikawa, một nhân vật có thể coi như là một “Anh hùng bi kịch” (Tragic Hero). Cách mà cậu ấy khắc phục những khuyết điểm của mình, những xung đột nội tâm, rồi sự đấu tranh và sự trưởng thành của cậu ấy đã khiến Oikawa không chỉ trở thành một nhân vật “phản diện” cuốn hút mà còn là một nhân vật có char dev rất tốt. 

2 comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *