Phân liệt Bắc-Nam thực sự khi nào ?
Sử gia Tạ Chí Đại Trường nêu ra một góc nhìn khác về khoảng thời gian Trịnh – Mạc phân tranh, ông không xem thời kỳ này là Nam-Bắc triều hay theo hướng bắc-nam, mà theo hướng đông-tây hay xung đột Đông Kinh – Lam Kinh. Ông dẫn chứng:
Phan Huy Chú viết trong phần Dư địa chí: “Đến thời Mạc… từ phủ Trường Yên trở ra phía ngoài gọi là Đông Việt, trở vào phía trong gọi là Tây Việt. Từ Trung hưng trở về sau cũng gọi theo thế…” Đã có bia mộ của những viên chức, thân thuộc đương thời phát hiện ở Thanh Hoá, ghi là: “Tây Việt nhập nội Tư mã…”, “Tây Việt Quốc thái Phu nhân…” Trong trận Nguyễn Quyện của Mạc (1576) tung hoành đánh giết tướng Trịnh Lê đã có lời khen: “Các tướng vùng Giang Đông (đất Mạc, giọng điệu Tam Quốc chí diễn nghĩa) đều tự cho mình không sánh bằng”. Và khi Trịnh Kiểm cho Nguyễn Hoàng vào trấn Thuận Hoá (1558) thì chiếu vua Lê ghi nhiệm vụ: “để chống giặc phía đông”, nghĩa là đề phòng quân Mạc như ta thấy bằng cớ hiện diện của họ trong Ô Châu cận lục là sách của Dương Văn An, một ông nghè triều Mạc, sách có niên điểm thực hiện:1555.
Như vậy cả Trịnh Kiểm và Nguyễn Hoàng đều nằm cùng phe “thế hệ Lam Sơn thứ hai”. Nền trung hưng nhà Lê thường được gán công khởi đầu cho ông tổ nhà Nguyễn: Nguyễn Kim, gốc Gia Miêu, được cho là con của Nguyễn Hoằng Dụ, kéo lên đến Nguyễn Đức Trung, cha vợ Thánh Tông. Trịnh Kiểm cũng chả phải đùng một cái nhảy lên nắm quyền binh, quanh họ Trịnh khuất lấp mối quan hệ vướng víu giữa thế lực Lào Việt hóa và các tộc người Thái, Tày Nùng trong vùng tây Việt. Và Nguyễn Kim chọn con rể họ Trịnh hẳn không phải là không có lí do – lí do đi tìm vây cánh ở những nhóm thân tộc gốc Thái Lào trong vùng.
Họ Mạc cũng đã hiện diện lâu đời vùng đông Việt. Li Tana cho biết vua cuối cùng của họ Mạc khi cầu cứu vua Thanh đã kể lể rằng dòng họ mình có gốc Trung Quốc, ở Trà Hương, huyện Đông Quan, Quảng Đông. Có thể hiểu rằng đó là một cớ bám víu để mong được giúp đỡ thôi. Thật khó có bằng cớ nào khác để kiểm chứng thêm nhưng sử quan đã đưa ra phả hệ dòng họ Mạc Đăng Dung liên tục qua nhiều thế hệ, theo những đường đất di chuyển từ Mạc Đỉnh Chi của Trần đến nhân vật Minh thuộc, và còn cái bia 1470 của Mạc Ngọc Ỷ, có cha mang tước Vương, quê gốc làng Cổ Trai cũng như Mạc Đăng Dung, thì thật cũng nên tin rằng dòng họ Mạc đã cắm rễ lâu đời trên phần đất sát biển này vậy.
Cuộc tranh chiến Đông Việt Tây Việt không cho thấy sự phân liệt thực sự, vì nó diễn ra trong một xã hội quá thuần nhất về kỹ thuật, ý thức, nó chỉ chứng tỏ về tình trạng bất lực của một chính quyền tập trung ở Đông Kinh, không đủ khả năng để đàn áp các thế lực cát cứ địa phương. Ngay cả khi nhà Mạc chạy lên Cao Bằng cũng chưa xem là phân lập Bắc – Nam được vì nó chỉ thay đổi địa lý vùng cát cứ chứ vẫn là xung đột 2 thế lực đông-tây cũ, dù cho giờ đây nhà Mạc chỉ còn tàn dư và sống lay lắt dựa vào kế hiểm nhà Minh. Cái thực sự chia cắt Bắc – Nam là mâu thuẫn ngay trong nội bộ phe tây Việt: Trịnh – Nguyễn.
Ngoài sử nhà Nguyễn có ghi nội tình vụ Trịnh Kiểm hãm hại Nguyễn Uông, các sách sử khác như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư hay Đại Việt Thông Sử không có ghi vụ Nguyễn Uông chết, việc Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa cũng ghi trung dung và súc tích. Trong bao lâu nay sử xưa cứ cho thấy Trịnh Kiểm núp bóng Nguyễn Kim, gây ý tưởng rằng ông ta được trao quyền lớn vì là rể của ông công thần khai quốc lỡ làng. Nhưng hãy thấy rằng người dẹp kẻ “phản loạn” Trịnh Công Năng kia chính là Trịnh Kiểm, nghĩa là một người đã có thế lực riêng đủ để giải quyết mối tranh quyền nội bộ ngay từ lúc khởi đầu, người mà tính cách lãnh đạo vùng đã chứng tỏ trong lần phong chức năm 1539 chưa thấy có bóng dáng quyền lực Nguyễn Kim. Người đó về làm rể ông Nguyễn Kim hẳn không phải chỉ ở thế nhờ cậy mà chính là một thực lực cần nhờ cậy. Trung tâm đóng quân lúc đầu được ghi là vùng Tây Đô của họ Hồ nhưng chỉ một năm sau khi Nguyễn Kim chết là sử ghi “vua lập hành điện ở sách Vạn Lại”, nghĩa là bị lôi về đất Trịnh Kiểm, xác nhận trung tâm quyền lực mới. Ngay sau năm Nguyễn Hoàng đi, như loại trừ được một hình bóng đối kháng, Trịnh Kiểm liền cử người cùng họ trông coi ngự binh, nghĩa là kiềm chế vua Lê giành cho phe mình. Trên vùng đất kề nước Ai Lao mà tập đoàn chống đối Mạc còn cần nương tựa thì nhóm Trịnh Lào Việt tất phải có ưu thế hơn nhóm Mường Việt họ Nguyễn. Đến khi Trịnh Kiểm thấy mình sắp chết, hẳn cũng nhìn ra sự đối đầu tranh chấp của các con (Trịnh Cối – Trịnh Tùng) nên ông còn đẩy Nguyễn Hoàng đi xa hơn về phía nam, lấy cớ cho cai trị thêm đất Quảng Nam (1570). Ông nghĩ rằng đã tìm được an toàn cho con cháu mình hơn mà không ngờ đến sự thành lập của một lực lượng đối đầu sừng sỏ.
Về phần mình Nguyễn Hoàng cũng có tham vọng “mưu bá đồ vương” nên thuận nước đẩy thuyền vào đất Thuận Hóa theo mưu Ư Tỵ: “Vậy nên … xin vào trấn thủ Thuận Hóa, rồi sau sẽ mưu làm việc lớn”.Ta còn có thể thấy rõ nó qua lời di chúc cho đứa con thứ sáu Nguyễn Phúc Nguyên:”Đất Thuận Quảng phía bắc có Hoành Sơn và Linh Giang(sông gianh) hiểm trở, phía nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia vững bền.Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối,thật là đất dựng võ của người anh hùng.Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời.Ví bằng thế lực không địch được, thì cố giữ vững đất đai để chờ thời, chứ đừng bỏ qua lời dạy của ta”.
Lời trăn trối đó của Nguyễn Hoàng nghe thì có vẻ như Thuận Hóa đã tách riêng ra làm một cõi nhưng thật ra nó vẫn liền mạch và thậm chí ta có thể thấy một đường thương mại từ Thanh Nghệ qua Thuận Hóa tới Champa qua việc người Minh cho biết hai sứ thần họ Trịnh đi phân trần với Thượng quốc đã dùng thuyền buôn phát xuất từ các hải cảng Chiêm Thành. Như vậy là đã có một dòng lưu thông từ vùng Tây Việt đến phía nam.
Kể cả khi tranh chấp Trịnh – Nguyễn hằn rõ nét khi Nguyễn Phúc Nguyên không nộp thuế – Trịnh Tráng xua quân đánh xuống năm 1627 thì nước ta vẫn liền một dải, có đánh thì cũng như tranh chấp Đông Việt – Tây Việt thôi. Giáo sĩ Alexandre de Rhodes rời Đàng Trong ra Đàng Ngoài chính trong năm này, và nhận xét “cùng nói một thứ tiếng cùng chung một tập quán, họ lại yêu qúy lẫn nhau. Người Đàng Trong thường lấy làm vinh dự tự coi mình là dòng dõi đàng ngoài …”. Trên bản đồ Alexandre de Rhodes cũng vẽ cả cương vực Đàng Trong và Đàng Ngoài mà ông gọi chung là vương quốc An Nam.
Mọi chuyện khác đi khi Đào Duy Từ xây Lũy Thầy.
Theo lời giáo sĩ Alexandre de Rhodes, tại cửa ngõ vào miền nam và sát cạnh ngay miền bắc, có một hải khẩu gọi là Cửa Sài(cửa sông Đồng Hới – Quảng Bình) là nơi mà các chiến thuyền nhà Trịnh muốn vào đất Nguyễn tất phải qua.
Văn bia ở đò Cầu Dài (do Thiệu Trị dựng năm 1842) chép như sau:
“Mùa xuân, tháng hai, năm Canh Ngọ(1630) nhằm năm thứ 17, đời Hi Tôn Hiều Văn Hoàng Đế(chúa Sãi). Nội tán Đào Duy Từ tâu cùng vua rằng: Phàm mưu đồ sự nghiệp vương bá, cốt yếu là phải làm cách vạn toàn. Cổ giả có câu: không chịu khó nhọc một phen thì không được thong thả lâu dài, không chịu tốn kém một lần thì không được yên ổn mãi mãi. Thần xin đem quân dân hai trấn ra đắp Trường Lũy, chạy từ núi Trường Dục xuống đến phá Hạc Hải(phá: hồ lớn, cửa ăn thông ra bể), nhân theo địa thế hiểm yếu mà đặt đồn lũy để củng cố biên phòng, quân địch dù có kéo đến cũng không thể làm gì chúng ta được. chúa bèn nghe theo và sai làm ngay lũy Trường Dục.”
“Mùa thu, tháng tám, năm Tân Mùi (1631) nhằm năm thứ 18 đời chúa Sãi Vương, Đào Duy Từ lại xin chúa cho đi xem xét hình thể núi sông. Đến khi về, Duy Từ tâu lên cùng chúa rằng: Thần đã quan sát thấy từ cửa biển Nhật Lệ, cho đến núi Đầu Mầu, ngoài có khe sông chảy trên đất bùn sình lầy, nhân theo đó mà làm hào hố, trong đắp rặng lũy mới thì thế hiểm yếu của nó hơn thập bội lũy Trường Dục. chúa Sãi thuận và sai Đào Duy Từ làm”
Tuy công trình của Đào Duy Từ làm thành hai lần và có lẽ khi làm không phải với một ý định liên tục vậy mà vẫn tạo nên một hệ thống phòng thủ rất hòa hợp với địa thế.
Lũy Trường Dục là một rặng lũy lớn bắt đầu từ chân núi đá vôi chùa Non dọc theo bờ sông Rào Đá (sông Long Đại, hữu ngạn sông Nhật Lệ) và sông Kiến Giang. Lũy uốn theo tả ngạn sông Nhật Lệ, từ núi Trường Dục qua các làng Trường Dục, Xuân Dục, Cổ Hiền, chạy vòng xuống đến làng Bình Thôn, Quảng Xá rồi đến vùng động cát đầu phá Hạc Hải. Về cực tây lũy giáp xóm kho – nơi để chứa lúa cho vua. Lũy dài khoảng 10 – 12 km, vài nơi cao đến 3 m, chân rộng từ 6 m đến 8 m. Lũy này chống giữ con đường núi và án ngữ địch quân xuôi sông Nhật Lệ xuống. Năm 1648, họ Trịnh đến xâm lăng, khi ấy cha con Trương Phúc Phấn giữ lũy, binh họ Trịnh không phá nổi nên lũy còn được gọi là Phấn Cố Trì.
Lũy Động Hải (dân gian gọi là Lũy Thầy để tỏ lòng tôn kính Đào Duy Từ), những nhà truyền giáo gọi là bức tường thành của miền nam, bức lũy ngăn cách hai miền … Thiệu Trị gọi là Định Bắc Trường Thành. Giải Hoành Sơn có một ngọn núi cao tên là Đâu Mâu tỏa làm hai dãy núi trùng trùng điệp điệp, một dãy chạy thẳng đến sông Nhật Lệ, còn một dãy chạy dài xuống mé biển. Hai dãy tỏa hình như một càng cua vây bọc một cánh đồng bán nguyệt, lây lội binh mã không qua được, nhất là về mùa đông, nước đồng ứ trệ.
Luỹ Động Hải được chia làm 2 đoạn: đoạn thứ nhất chạy từ núi Đầu Mâu, dọc theo nam sông Lệ Kỳ ra đến cầu Dài ở phía nam Đồng Hới. (đoạn này còn gọi là lũy Đầu Mâu), đoạn thứ hai tiếp nối với lũy Đầu Mâu, chạy từ cầu Dài, vòng sang phía Tây thành Đồng Hới, bọc lấy làng Đồng Phú, qua Hải Thành ra đến cửa sông Nhật Lệ. (đoạn này còn được gọi là lũy Nhật Lệ). Luỹ cao tầm 6m, dài hơn 12 km, phía ngoài được đóng cọc bằng gỗ lim, phía trong đóng cọc tre, đổ đất lên 5 tầng cấp, voi ngựa có thể đi được. Cứ cách 12 đến 20 mét lại xây một pháo đài đặt súng thần công, cách một trượng (4 mét) lại đặt một súng phóng đá. Lũy cách lũy Trường Dục 20 km về phía Bắc.
Quân Trịnh từ bắc xuống nam tất phải theo hai đường: về phía đông theo dọc biển tức là đường cái quan, về phía tây thì đường núi hiểm trở khó trèo. Còn ở giữa thì đồng bằng Đồng Hới lầy lội, có qua được lũy Thầy (như năm 1648) thì còn lũy Trường Dục phía tây và một đồn binh hiểm yếu ở giữa thành Quảng Bình thuộc làng Võ Xá ngày nay. Tầm quan trọng và hiểm trở của Lũy Thầy đã đi vào tục ngữ, ca dao đương thời:
“Thứ nhất thì sợ Lũy Thầy
Thứ nhì sợ lầy Võ Xá”
“Có tài vượt nổi sông Gianh
Dẫu thêm hai cánh Trường thành khó qua”
“Khôn ngoan qua được Thanh Hà/Dẫu rằng có cánh khó qua Lũy Thầy”
Lũy Thầy đã giúp họ Nguyễn riêng biệt một cõi, hình thành thời kỳ “cắt đất Bố Chính làm hai phía, lấy một cây cỏ lau nhỏ làm giới hạn”, nó phân cách hai miền, cắt dứt miền bắc khỏi quá trình nam tiến của dân tộc, từ đó chỉ có Đàng Trong nam tiến, không có Đại Việt nam tiến, định hình một bản sắc Đàng Trong khác biệt với Đàng Ngoài. Để khi Quan Trung ra bắc đánh Trịnh năm 1786, gần 6 thế hệ Đàng Ngoài không biết Đàng Trong và ngược lại. Một tiến sỹ bắc hà như Ngô Thì Sĩ thú nhận “công việc nam hà cũng mơ màng không rõ gì cả”, còn nói gì đến dân thường. Chính trong tình trạng đó mà khái niệm “hai nước” hình thành dần trong ý thức và bộc lộ qua ngôn ngữ. Trên từng trang một sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí, cái thực tế hai nước đã mặc nhiên thừa nhận trong ngôn ngữ người đương thời.
Gia Long cũng ra bắc, thâu lượm những mảnh ghép đổ vỡ lại thành một mối, mang theo cả hệ lụy của quá trình phân rã trước đó như là một dấu chấm tròn cho một giai đoạn phân tranh, tạo nên đất nước phức tạp của Gia Long, như một sự nhức nhối chờ đợi những đổ vỡ.
—
nguồn:
Bài sử khác cho Việt Nam – Tạ Chí Đại Trường
Bối cảnh Đại Việt thời Alexandre de Rhodes đặt chân đến – Trần Viết Ngạc
Góp phần nhìn nhận thêm về sự kiện Nguyễn Hoàng làm trần thủ Thuận Hóa năm 1558 – Nguyễn Trọng Văn, Mai Phương Ngọc
Tạp chí Sử Địa số 11