Phản biện bài viết của Quang Phan về vua Lê Long Đĩnh
Vừa qua có một bài viết của Quang Phan về vua Lê Long Đĩnh, thu hút được nhiều chú ý, nhiều sự tán đồng, gây được nhiều ảnh hưởng.
https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1224575087893792/
Tôi nhận thấy bài viết mắc rất nhiều vấn đề nghiêm trọng như trích dẫn sai tư liệu, ngụy biện, suy diễn thiếu căn cứ, từ đó phục vụ một số hướng xuyên tạc như sau:
1. Phóng đại về thành tích chiến đấu và vai trò các cuộc chiến của Lê Long Đĩnh.
“Trong 4 năm, nhà vua trẻ ít nhất 4 lần cầm quân ra trận, lần nào cũng chiến thắng. Cường độ cầm binh ra trận của Lê Long Đĩnh là không một vị hoàng đế nào của nước Việt sánh được, kể cả người cha vĩ đại của ông là Hoàng đế Lê Hoàn, hay nhà sáng lập Triều Lý là Lý Công Uẩn.
Nhờ tài năng quân sự và sự nghiêm khắc của Lê Long Đĩnh mà nước Việt không bị chia năm xẻ bẩy sau cái chết của hoàng đế Lê Hoàn.”
“Cai trị một quốc gia tiềm ẩn vô vàn những bất ổn, xung đột, nếu không có hình phạt nghiêm khắc và tài thao lược có lẽ Lê Long Đĩnh đã để quốc gia đi theo bánh xe đổ của họ Khúc, họ Dương và cả họ Ngô.
Lê Long Đĩnh giết anh (Long Việt) lên ngôi năm 20 tuổi. Trong 4 năm trị vì ngắn ngủi bất chấp bệnh tật và tiếng xấu giết anh, nhà vua trẻ đã thiết lập những nền tảng cho sự thịnh trị của vương triều kế tiếp và chứng tỏ năng lực chiến đấu phi thường của mình”.
Tác giả Quang Phan cho rằng với việc trong vòng 4 năm cai trị công tích dẹp được Ngự Bắc Vương và Trung Quốc Vương, dẹp giặc Cử Long, dẹp âm mưu làm phản của Lê Hấp Ni, dẹp loạn ở Đô Lương, Vị Long, ở Hoan Đường Thạch Hà thì cường độ cầm binh của ông là không có hoàng đế Việt Nam nào sánh nổi.
Trước hết, số lượng không thể là căn cứ duy nhất để có thể đưa ra được kết luận như thế. Một điều rõ ràng là các thân vương trên không thể có được lực lượng cũng như vị thế như Long Đĩnh nên chuyện họ bị đánh bại là không có gì là ghê gớm cả. Các lực lượng khác cũng chỉ là các thế lực cát cứ ít tên tuổi. Giặc Cử Long ở một khu vực nào đó ở Ái Châu hiện chưa xác định và không hề có một nhân vật nào còn lưu lại được tên tuổi trong sử sách. Loạn ở Đô Lương, Vị Long chỉ là ở khu vực ngoại vi thuộc các tộc người man. Vậy làm sao có thể so sánh được với việc dẹp 10 sứ quân của Đinh Tiên Hoàng, sự nghiệp cầm quân của Lê Hoàn, Lê Thái Tổ, Quang Trung được.
Vai trò của các cuộc chiến này được tác giả coi là quan trọng, đặt nền móng cho sự ổn định cho triều đại kế tiếp. Đây là một sự ngụy biện bằng cách lợi dụng trình tự thời gian, mà theo trình tự này thì các công tích trước đó của Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn còn có ý nghĩa hơn nhiều. Chính Lê Long Đĩnh lên ngôi mới làm cho đất nước trở nên bất ổn, mà người khiến cho đất nước ổn định là Lý Công Uẩn, vậy sao lại coi ông ta đặt nền móng cho được.
2. Phóng đại về ý thức và công tích cai trị của Lê Long Đĩnh
Quang Phan viết: “Ngay sau chuyến chinh phạt các thân vương phản loạn, Long Đĩnh đã cho chỉnh đốn lại triều cương. Ông ta cải cách quan chế và tăng quan, thiết lập quy củ triều đình theo mô thức nhà Tống. Ông đem về nước Cửu Kinh ( 9 cuốn sách kinh điển vĩ đại của Trung Hoa: Kinh Dịch, Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Xuân Thu, Hiếu Kinh, Luận Ngữ, Mạnh Tử và Chu Lễ;) và Đại Tạng Kinh.
– Việc thỉnh Cửu Kinh và Đại Tạng Kinh.
Cửu kinh đã phổ biến trong xã hội từ hơn một ngàn năm trước đó, nên không thể đến đời Long Đĩnh mới đem về nước ta, thư tịch đều không nói việc này, Quang Phan bịa ra mà thôi. Đại Tạng Kinh thì dĩ nhiên chỉ phục vụ cho hoạt động tôn giáo Phật giáo, vốn đã thịnh từ trước đó rồi.
– Về cái gọi là trổ tài kinh bang tế thế, Quang Phan cho rằng “Bên cạnh tài năng quân sự, Lê Long Đĩnh còn chứng tỏ năng lực lớn trong trị quốc và bang giao. Chỉ vài tháng sau khi đăng cơ, nhà vua cho sửa đổi lại triều đình theo cung cách nhà Tống, triều đình Đại Cồ Việt giờ mới có quy củ nề nếp.
Đây có thể nói là cuộc cải cách chính trị thứ hai của người Việt (trước đó là cải cách của Khúc Hạo 907 – 917). Cuộc cải cách của Lê Long Đĩnh chắc rằng sẽ tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ hoặc là nền tảng đối với sự thiết lập bộ máy cai trị của hai vương triều Lý, Trần.”
Toàn Thư còn chép Long Đĩnh phong con nuôi làm Sở Vương và Hán Vương, cho ngồi hai bên, đó là hành động ngộ nghĩnh tùy tiện, không hề có phép tắc. Việc sửa đổi quan chế theo Trung Hoa là việc làm thường xuyên dưới các triều đại phong kiến Việt Nam chứ không riêng gì vài triều vua. Trước đó thì Lê Hoàn cũng dùng một người Trung Hoa là Hồng Hiến, thông hiểu kinh sử, làm thái sư. Có phóng đại tối đa cũng chả thấy căn cứ nào để cho rằng Long Đĩnh đặt nền tảng cho bộ máy cai trị thời Lý, Trần. Khó thế mà ông Quang Phan cũng nghĩ ra được!
“Khi chinh phạt Ái Châu, vì việc người dân lội sông Vũ Lung thường bị hại (chết đuối), Lê Long Đĩnh cho đóng thuyền tại bốn bến sông để đưa người qua lại. Nhà vua cho đào mương, đắp đường dựng cột bia, sửa chữa đường sông ở vùng cửa Sót (Hà Tĩnh) để đi lại cho tiện. Những việc làm rất “dân túy” và minh mẫn trái ngược lại những ghi chép về tính hiếu sát bệnh hoạn của vua Lê Long Đĩnh”
Toàn Thư cho biết việc đắp đường dựng bia là ở Ái Châu chứ không phải ở vùng cửa Sót, và còn kể tên bọn Ngô đô đốc Kiển Hành Hiến dâng biểu xin, qua ông Quang Phan thì chỉ có tên Long Đĩnh mà thôi. Sự kiện ở cửa Sót thì không như ông viết. Toàn Thư chép: “Mùa thu, tháng 7, vua thân đi đánh các châu Hoan Đường, Thạch Hà. Đến Hoàn Giang, sai phòng át sứ là Hồ Thù Ích đem 5000 quân của châu Hoan Đường sửa chữa đường từ châu giáp song đến cửa biển Nam Giới để quân đi cho tiện”. Như vậy là làm đường để cho quân đi chứ có mục đích dân sinh dân túy đâu. Chỗ này Quang Phan lại xuyên tạc tư liệu để phục vụ cho mục đính phóng đại cái gọi là kinh bang tế thế của ông vua này.
3. Phóng đại về vị thế ngoại giao của Lê Long Đĩnh
Quang Phan viết: “Từ năm 1006 đến 1009, ít nhất hai lần quan chức nhà Tống mưu đồ tái chiếm lại nước Việt, nhưng vua Tống không đồng ý, ngược lại còn công nhận Lê Long Đĩnh là Giao Chỉ quận Vương. Nhà vua đòi (xin) nhà Tống cho áo mũ trụ giát vàng, lấy Cửu Kinh và kinh Đại tạng đem về nước. Vua yêu cầu Tống triều cho người Việt vào Ung Châu đặt trạm buôn bán, kết quả, vua Tống phải mở cửa trấn Như Hồng, và Liêm Châu cho thương nhân Việt.”
Tống Sử và Toàn Thư cho biết khi đó Giao Chỉ bất ổn, quan lại nhà Tống xin cất quân sang chiếm nước ta nhưng vua Tống không muốn. Vua Tống lại sai người sang bảo Long Đĩnh anh em phải hòa thuận không được giết nhau,nếu không sẽ sang hỏi tội thì họ Lê không còn sót mống nào. Long Đĩnh sợ nên xin sai em vào cống. Vua xin áo giáp mũ trụ trang sức bằng vàng, vua Tống bằng lòng cho. Vua lại cầu thông thương với Ung Châu, chỉ cho thông thương với Liêm Châu và trấn Như Hồng thôi.
Rõ ràng những chữ /đòi/ yêu cầu/ phải/ trong đoạn văn của Quang Phan ở trên hoàn toàn không đúng theo bối cảnh, có thể nói là bịa hoàn toàn để phục vụ cho mục đích phóng đại vị thế của Lê Long Đĩnh. Cũng không hề có việc lấy Cửu Kinh nào cả.
4.Phóng đại về mâu thuẫn của khối Phật giáo với chính thể của Lê Long Đĩnh, phóng đại về sự hiện diện của một phái gọi là thị tộc họ Lê
“Ngay sau chuyến chinh phạt các thân vương phản loạn, Long Đĩnh đã cho chỉnh đốn lại triều cương. Ông ta cải cách quan chế và tăng quan, thiết lập quy củ triều đình theo mô thức nhà Tống. Ông đem về nước Cửu Kinh ( 9 cuốn sách kinh điển vĩ đại của Trung Hoa: Kinh Dịch, Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Xuân Thu, Hiếu Kinh, Luận Ngữ, Mạnh Tử và Chu Lễ;) và Đại Tạng Kinh.
Phải chăng đây là nỗ lực của Long Đĩnh nhằm tìm kiếm tư tưởng trị quốc mới và cân bằng quyền lực Phật giáo tại vương quốc của ông? (Có thể), giới quý tộc, tăng lữ thấy rằng quyền lợi, quyền lực của họ bị đe dọa bởi một chàng trai mới ngoài 20 tuổi, đang tràn đầy tham vọng hiện đại hóa cơ chế quyền lực.”
Thứ nhất, thiết lập quy củ theo nhà Tống là việc triều đình nước ta thường làm, có Phật giáo hay không cũng thế. Thứ hai, xin lặp lại, là không có lấy Cửu Kinh. Thứ ba, việc lấy Đại Tạng Kinh đâu có ý nghĩa gì trong việc kìm chế Phật giáo. Vậy làm sao lại có thể cho rằng những việc này là để cân bằng với quyền lực Phật giáo, một cách để xác định rằng đã có mâu thuẫn quyền lợi giữa nhà vua và Phật giáo.
“Lê Long Đĩnh để tâm tới việc chứng tỏ năng lực của mình hơn là kính trọng các tăng lữ Phật giáo. Thậm chí “chiến binh hung hãn” này còn róc mía trên đầu một nhà sư phản loạn.”
Sử chỉ nói là Long Đĩnh cho róc mía trên đầu sư Quách Ngang, trong một chuỗi liệt kê những hành động tàn ác bệnh hoạn của nhà vua, chứ nào có nói gì đến việc nhà sư phản loạn. Quang Phan đã bịa ra chi tiết nhà sư phản loạn.
“Khi trở về kinh thành thì mọi việc đã trượt ra ngoài tầm khống chế của ông. Khắp nơi loang đi tin đồn rằng Lý sẽ thay Lê, giới quý tộc, tăng lữ Phật giáo chính thức đoạn tuyệt với ông.”
“Những thế lực thủ cựu đã ngay lập tức bầu “Tổng thống mới”, ứng viên duy nhất là Lý Công Uẩn. Cây cột chống duy nhất là Lê Long Đĩnh gãy đổ, thị tộc họ Lê buộc phải chấp nhận truyền thống bầu cử này, và đó lý do vì sao Lý Công Uẩn không vấp phải những cuộc biến loạn từ quý tộc họ Lê.”
Quang Phan đưa ra một sự đối kháng phe phái giữa những thế lực tăng lữ Phật giáo, được cho là thủ cựu, với những quý tộc thuộc thị tộc họ Lê.
Phật giáo có vai trò khá lớn trong đời sống chính trị nước ta ở thế kỷ 10. Một ví dụ khá rõ là vua Lê Hoàn đã tin cậy tham vấn vị sư Ngô Khuông Việt trong một sự kiện đối ngoại quan trọng. Các nhà sư hàng đầu cũng là những học giả uyên thâm kiến thức ở nhiều khía cạnh, họ hiện diện trong nhiều hoạt động chính trị. Không có chứng cứ nào cho thấy họ là lực lượng thủ cựu cản trở những đổi mới dưới thời Tiền Lê, tại sao lại gán cho họ là thủ cựu. Vậy đối lập với họ, một cộng đồng họ Lê theo tưởng tượng của Quang Phan, là tân tiến ư?
Những nhà sư này còn ủng hộ Lý Công Uẩn, người đã ổn định đất nước và mở ra một triều đại tồn bền vững, chấp dứt tình trạng tồn tại ngắn ngủi của các triều đại. Như thế mà gọi họ là thủ cựu!
Dưới triều đại nào cũng có những phe phái xung đột với nhau về quyền lợi, tuy thế không nhất thiết là quyền lợi dòng họ, mà có thể là về tính địa phương, về tư tưởng, lợi ích… Rất có thể phe ủng hộ Lý Công Uẩn cũng gặp phải chống đối, thế nhưng hoàn toàn không có chứng cứ nào về một thị tộc họ Lê đứng sau Long Đĩnh và sau đó là con trai ông ta cả. Đó chỉ là sự tưởng tượng của Quang Phan.
5. Nhìn nhận việc dời đô về Thăng Long của Lý Công Uẩn một cách phiến diện, chỉ như là một sự tranh chấp quyền lực.
Quang Phan cho rằng: “Lý Công Uẩn già dặn (lúc này đã 40 tuổi) và “biết” làm chính trị hơn chàng trai Lê Long Đĩnh, ông nhanh chóng chuyển chỗ ở ra Đại La xa hẳn Hoa Lư – trung tâm quyền lực của họ Lê, đồng thời dựa vào Phật giáo để trị quốc”
Quang Phan nhìn nhận sự dời đô như là một lựa chọn nhằm lánh xa trung tâm quyền lực của họ Lê, đảm bảo an toàn cho vương triều mới.
Thăng Long, trong phần lớn thời gian tồn tại của các triều đại phong kiến Việt Nam đã được chọn làm kinh đô, không phụ thuộc vào địa phương xuất xứ của các triều đại đó hoặc ưu tiên về sự an toàn. Một ví dụ khá rõ, là chính quyền Lê Trịnh, mặc dù phải luôn sử dụng lực lượng kiêu binh khá phiền phức lấy từ vùng đất khởi phát của chế độ để bảo vệ, nhưng vẫn duy trì kinh đô Thăng Long suốt hai trăm năm. Như vậy, đâu có thể chỉ quy việc chọn Thăng Long về lý do an toàn. Vị trí đó hẳn phù hợp nhất cho việc quản lý và phát triển đất nước, suốt gần một thiên niên kỷ. Bằng việc dời đô, Lý Công Uẩn chính là người tạo cơ sở cho sự phát triển của các nhà nước phong kiến Việt Nam, của đất nước Việt Nam.
Giả sử sau này người ta đặt vấn đề xem xét vị trí đó có còn phù hợp với thời đại mới hay không thì cũng không thể vì thế mà nhìn nhận sự lựa chọn mở đầu vĩ đại của Lý Công Uẩn thành một sự tầm thường như thế được.
6. Khẳng định nhà Lý đã đảo ngược hình ảnh của Lê Long Đĩnh, từ một ông vua tốt biến thành một ông vua xấu.
Quang Phan viết: “Đáng tiếc sử trong tay người chiến thắng. Một quân vương trẻ tuổi tài năng, lại bị vết đen ngàn năm bởi án vụ giết anh, bệnh tật và thói hiếu sát.Thương thay!”
Viết như vậy thì khác nào mặc định những vết đen ngàn năm là do những sử gia triều Lý bôi nhọ mà thành.
Sử trong tay người chiến thắng, không có nghĩa là triều đại sau nhất thiết phải bôi nhọ triều đại trước. Không có nhiều dấu hiệu cho thấy triều Trần tìm cách bôi nhọ triều Lý, hoặc triều Mạc bôi nhọ triều Lê sơ, vì thế những dấu ấn tốt đẹp của triều Lý và triều Lê sơ vẫn còn tồn tại đến nay. Có lẽ những người có sở thích đi bôi nhọ mới có suy đoán người khác cũng có hứng thú giống như mình.
Sử gia nhà Lê Sơ, dù đứng trên lập trường Nho giáo, ít thiện cảm với Phật giáo, cũng dành cho Lý Công Uẩn, vị vua soán ngôi và phát triển Phật giáo những lời tốt đẹp “Vua ứng mệnh trời, thuận lòng người, nhân thì mở vận, là người khoan từ nhân thứ, tính mật ôn nhã, có lượng đế vương” trong khi lại chỉ trích nặng nề vua Lê Long Đĩnh. Có những tiêu chuẩn đạo đức phổ quát nhất định, mà hệ triết lý nào cũng nhìn nhận, thì Lê Long Đĩnh lại là kẻ vi phạm.
Lê Long Đĩnh, một vị vua mà trong thời gian cai trị trong nước thường xuyên có loạn, không dám giao việc cầm quân cho người khác mà phải tự mình đi đánh khắp nơi, không được dân chúng tin tưởng, vậy thì không thể là một vị vua xứng đáng. Thế nhưng dưới ngòi bút của Quang Phan, qua các suy diễn, làm lệch, phóng đại thì nhận thức về nhà vua gần như lập tức đảo ngược trong mắt rất nhiều người.
Sự đáng tiếc ở đây có lẽ là người ta không sử dụng tư duy phản biện để phát hiện ngụy biện, không đối chiếu với sử liệu được trích dẫn để phát hiện ra những sự ngụy tạo chứng cớ. Đó là sự thiếu trách nhiệm với bản thân khi để kiến thức của mình bị lệch lạc. Nhiều bạn lấy lại đem những nhận thức sai lệch này để truyền cho người khác, thậm chí còn tự tin mạt sát những người phản biện. Đó là lý do tôi thấy cần phải lên tiếng.