PHẠM PHÚ THỨ-NGƯỜI CON ĐẤT QUẢNG CƯƠNG TRỰC.

PHẠM PHÚ THỨ-NGƯỜI CON ĐẤT QUẢNG CƯƠNG TRỰC

Ông tên thật là Phạm Hào, tự là Giáo Chi, hiệu Trúc Đường, biệt hiệu là Giá Viên, Trúc Ân, người làng Đông Bàn, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

23 tuổi đỗ cử nhân (thủ khoa trên 38 vị) năm Thiệu Trị thứ hai (1842); 24 tuổi đỗ đầu bảng Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Quý Mão (1843). Sau khi thi đỗ, ông được bổ nhiệm làm Tri phủ Lạng Giang, thăng dần lên Tổng đốc Hải An hay Tổng trấn Hải Yên (gồm 4 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Yên). Sau đó về kinh, ông được sung chức Thương chính đại thần, Tham tri bộ Binh. Ông đã từng giữ chức Khởi cư chú (thư ký ghi lời nói và hành động của vua), rồi sang tòa Kinh diên (phòng giảng sách cho vua); Thượng thư bộ Hộ – đồng thời sung Cơ mật viện đại thần; một doanh điền sứ, một nhà hoạch định chiến lược (tổ chức khẩn hoang hai huyện Nam Sách, Đông Triều), mở cảng chiêu thương Hải Phòng, biến “một dải sông Cấm thuyền xe tụ họp đông đúc thành ra nơi lạc thổ”.

Tuy nhiên, đường làm quan dài 38 năm của Phạm Phú Thứ lại có lắm bước gập ghềnh, thăng giáng, không được phẳng phiêu do bản tính cương trực, không chịu nhắm mắt làm ngơ trước quyền uy, dù đó là quyền uy của bậc thiên tử.

HAI LẦN VUỐT RÂU HÙM 

Lần thứ nhất vào năm 1850, khi mới 29 tuổi và chỉ là chức quan nhỏ ở Tòa Kinh Diên (Phòng giảng sách cho nhà vua). Khi thấy nhà vua lơ là trong việc chính sự, ông đã dâng sớ “phê bình”. Lời lẽ trong tờ sớ được đánh giá là “không kiêng kỵ, na ná như tính tình của Thứ”, “trách vua với lời lẽ nặng nề”, nội dung như sau: “Lễ đại đình ít thấy ra triều thị, nhạc nội uyển kèn trống suốt cả đêm, nhà Kinh Diên lâu không tới giảng, chốn triều đình lâu không ban hỏi, thần tử ở bốn phương phủ huyện cũng lâu không được thừa chỉ thanh vấn. Lại nói: thái y phương thuốc điều hòa, thực cũng quá ư nghệ thuật, quần thần dâng sớ thỉnh an, vì tình khuất cả lời nói”. 

Vua Tự Đức, lúc này mới 21 tuổi và mới lên ngôi được 3 năm nên rất tức giận. Mặc dù được triều thần xin khoan tha cho lời nói ngay của Phạm Phú Thứ, nhà vua vẫn quyết định lột hết chức vụ của ông và đưa đi làm lính ở trạm Thừa Nông (Huế). Tập thơ Nông giang thi lục được sáng tác vào thời gian này.

Rất may, lần này Phạm Phú Thứ được cứu bởi một người phụ nữ quyền lực, sáng suốt và nhân hậu. Đó là bà Từ Dũ, mẹ vua.

Chuyện kể: Khi biết chuyện Phạm Phú Thứ bị “kỷ luật”, một lần bà Từ Dũ hỏi Tự Đức: 

-“Ông Phạm dâng sớ khuyên con, ông ta được cái gì?”. 

-Vua đáp: “Dạ! Ông ấy không được gì cả. Nhưng con thấy làm bề tôi mà trách vua với lời lẽ nặng nề như thế là phạm thượng”. 

-Bà hỏi tiếp: “Thế từ khi bị giáng làm lính, ông ta có tỏ lời oán hận gì không?”. “Con không nghe chuyện ấy. Nhưng biết rằng, ông ta mỗi chiều thường thả thuyền trên sông ngắm cảnh làm thơ ngâm vịnh”.

Nghe vậy, Từ Dũ liền nghiêm mặt bảo: “Thế người này đáng trọng lắm! Dâng sớ trách như vậy vì thương vua, vì muốn vua lo việc nước tốt hơn. Thương vua, giúp vua lại bị nạn mà không một lời than van, đành cam chịu thế càng tỏ dạ trung thành. Đó là bậc trượng phu không vui ở chức tước được người trên trọng hay khinh mà vui ở việc làm chân chính. Con nên nghĩ lại!”.

Nhờ vậy, năm 1852, Tự Đực cho Phạm Phú Thứ về kinh, phục lại chức Biên tu, chức vụ mà ông đảm nhận trước đó… Năm 1854 cử đi làm Tri phủ Tư Nghĩa (Quảng Ngãi); năm 1855 được đề bạt Viên ngoại bộ Lễ; năm 1856 thăng Án sát Thanh Hóa, rồi Án sát Hà Nội. Năm 1860, được thăng Thị lang bộ Lại, rồi sau đó là Thự tả Tham tri bộ này.

Lần thứ hai vào năm 1866, lúc này Phạm Phú Thứ đang là Thự (Quyền) Thượng thư Bộ Hộ. Rút kinh nghiệm từ lần trước, lần này Phạm Phú Thứ “mời” thêm ba vị đại thần uy tín cùng đứng tên trong bản tấu của mình và lời lẽ cũng “nhẹ nhàng” hơn. Sớ viết: “Rất mong hoàng thượng cân nhắc việc làm, bỏ bớt hư phí, mà chú ý chấn chỉnh việc thực… Hiện nay việc đánh giặc đã xong, biên giới tạm yên nhưng dân còn ốm chưa tỉnh hết, giặc Tàu chưa sạch hết, giặc biển chưa yên hết, việc phải làm của các bộ còn nhiều, xin hoàng thượng xét định kỹ càng, gìn giữ cẩn thận, giảm bớt đi chơi, trước làm việc dễ, sau làm việc khó, tu sửa nơi gần rồi đến nơi xa…”.

Lần này Tự Đức không nổi giận như trước, mà rất “chân thành kiểm điểm”: “Các bậc đế vương tuyệt không vui chơi khó lắm, chỉ không dám bừa bãi mà thôi. Trẫm đức ít tài mọn chưa rõ mưu xa trị nước. Việc lỗi từ trước đã không lấy lại được, từ nay về sau vẫn muốn ít lỗi mà chưa được cho nên nhiều lần phê bảo đã thổ lộ hết, không dấu giếm gì, mà bụng nghĩ biết lỗi để sửa, chẳng lúc nào dám quên”

MỘT CHÍNH KHÁCH CÓ TẤM NHÌN TRƯỚC THỜI CUỘC

Dù bị Phạm Phú Thứ mấy lần “phê bình” nặng nề nhưng dưới mắt Tự Đức, họ Phạm luôn là “người tham bồi lâu năm, đáng tin cậy”!

Phần lớn những tấu trình của ông đều được nhà vua nghe theo và ra lệnh cho triều đình thực hiện, như việc khai thác thủy nông trên sông Vĩnh Điện, tăng cường bố phòng cảng Đà Nẵng, xây dựng cảng Hải Phòng, đặt 4 tuyên phủ sứ ở các địa đầu… Đặc biệt là nhà vua đã bổ dụng ngay những hiền tài mà họ Phạm tiến cử  như: Lâm Hữu Chánh (chức Tri huyện Kim Thành), Nguyễn Dục (chức Tế tửu Quốc tử giám), Ông Ích Khiêm (chức Tiễu phủ sứ). Với trường hợp Ông Ích Khiêm nhà vua còn tin tưởng “giao cho ngươi thiện hóa thêm”.Phạm Phú Thứ cũng nhiều lần được Tự Đức ban sâm, quế, gấm, trà quý, tiền bạc… và nhất là đề thơ để tặng.

Năm 1863, ông được cử làm Phó sứ cùng với Chánh sứ Phan Thanh Giản sang Pháp thương thuyết nhằm chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, nhưng không có kết quả.

Về đến Huế, ông dâng lên Tự Đức bản tường trình cùng nhiều tài liệu ghi chép những điều đã quan sát được, đặc biệt những phát minh về khoa học kỹ thuật cùng những cảm nghĩ, nhận định về văn minh phương Tây và mạnh dạn đề xuất một phương án canh tân đất nước như :”Tây hành nhật ký (nhật ký đi Pháp). Tây phù thi thảo (bản thảo thơ làm trong quá trình tham gia phái bộ đi Tây). Bác vật tân biên (sách nói về khoa học). Khai môi yếu pháp (phương pháp khai mỏ). Hàng hải kim châm (cách đi biển). Vạn quốc công pháp (cách thức giao thiệp quốc tế)”.Điều đáng tiếc là hầu hết những kiến nghị xác đáng, đầy tâm huyết của ông không được Tự Đức và cả triều đình chấp nhận.

Dù không được chấp nhận, nhưng vua Tự Đức vẫn rất cảm động về việc ông làm và tặng ông bài thơ có câu : 

              “Lịch thiệp dĩ thân nam tứ chí

              Mẫu thời vị tất phó không chương” 

  Dịch: Thỏa chí nam nhi khi lịch thiệp

           Lo thời chưa chắc để tờ không

Năm 1866, ông được thăng chức Thượng thư bộ Hộ. sung chức Cơ mật viện đại thần. Năm 1874, được cử làm Tổng đốc Hải Yên (Hải Dương, Quảng Yên) kiêm Tổng lý Thương chánh đại thần. Tại đây ông đã có nhiều biện pháp khắc phục nạn đói, nạn cướp bóc của bọn thổ phỉ Tàu Ô, tổ chức khai hoang ở hai huyện Đông Triều và Nam Sách, đặt nha Thương chánh ở Ninh Hải, mở cảng ngoại thương ở Hải Phòng, mở trường dạy tiếng Pháp (đây là trường ngoại ngữ đầu tiên ở phía Bắc và Trung Kỳ). Sau khi Phan Thanh Giản mất, triều đình cử ông làm người đối thoại với Pháp. Tuy nhiên, các sĩ quan Pháp tỏ thái độ không hài lòng về cách xử sự cứng rắn của ông luôn bảo vệ quyền lợi quốc gia và không khuất phục trước vũ lực, lấy cớ đó để đưa cuộc thương lượng vào thế đổ vỡ bằng sức mạnh, buộc triều đình phải thay người đối thoại. Do triều đình vốn chủ hòa, lại sợ mất lòng Pháp nên ông bị Ngự sử đàn hặc và bị gọi về kinh “hậu cứu”. 

Khi ông làm Tổng đốc Hải Yên nhà vua có tặng ông bài thơ thể hiện sự đánh giá rất cao tài năng, đức độ cũng như những kỳ vọng vào ông:           

Lưu hầu trạng mạo cự khôi ngô,

Cấp ngọa Hoài dương bệnh bất cồ.

Tuyền dũng chư thương nhiêu quốc phú,

Băng tiêu quần đạo tỉnh quân nhu

Thanh vân tảo đạt ưu nhưng học,

Bạch tủ không đàm mạn tự nho.

Đông hải hùng phong như tán tích

Bản Tào trùng tán Quảng Di Ngô.

Dịch nghĩa:

Trạng mạo nhà ngươi rất khôi ngô,

Cất nhắc người Hoài bệnh chửa lui

Suối mạnh nghề buôn gây quốc phú

Váng tan bọn giặc, đỡ quân nhu.

Đường mây sớm đạt nhưng còn học,

Tóc bạc bàn suông tự ngạo mình.

Gió mạnh Biển Đông công trạng tấn.

Hộ Tào lại nức tiếng Di Ngô.

NHỮNG NĂM CUỐI ĐỜI

Năm 1881, ông về trí sĩ tại quê nhà và biên soạn bộ Giá Viên thi tập gồm 26 quyển. Bên cạnh đó, trên cơ sở những kỹ thuật mà ông học hỏi được trong thời gian tham gia phái bộ, ông đã đưa vào ứng dụng một số cải tiến tại địa phương. Tương truyền, kiểu xe nước ngày nay còn thông dụng ở các tỉnh miền Trung (Quảng Nam, Quảng Ngãi…) là kiểu xe nước trâu kéo ở Ai Cập vào các thế kỷ trước do ông vẽ kiểu mang về áp dụng vào thời ấy.

Ông mất năm Nhâm Ngọ 1883, thọ 63 tuổi. Sau khi ông mất, triều đình truy tặng ông hàm Hiệp biện Đại học sĩ. Hiện nay, lăng mộ ông được chính quyền địa phương, con cháu dòng tộc Phạm Phú tôn tạo đặt tại quê nhà tại thôn Nam Hà, xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Lăng mộ ông được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá.

Vua Tự Đức thương tiếc người thầy, ban dụ: “Phú Thứ kinh lịch nhiều khó nhọc, đi đông sang Tây, dẫu yếu đuối cũng vâng mệnh không dám từ chối. Về việc trông coi Thương chính ở Hải Dương, khi tới nơi công việc đều có manh mối, sau này nên lấy đó noi theo.Những lưu dân, gian phỉ chứa ác ở Quảng Yên, Thứ tới kinh lý cũng được yên. Rồi mở đồn điền ở Nam Sách, thực là lo xa chu đáo, đó là công cán ngày thường rực rỡ đáng nêu. Gia ơn cho truy phục nguyên hàm Thự Hiệp biện Đại học sĩ và chuẩn cho thực thụ, cũng sắc cho địa phương tới tế một tuần”.

Ghi nhận những đóng góp của ông, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã quyết định đặt tên một con đường mang tên Phạm Phú Thứ dài 120m, rộng 6m, nối đường Bạch Đằng đến đường Trần Phú, thuộc quận Hải Châu.

-Đại Nam liệt truyện-

-Nhật ký đi Tây-

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *