Phác họa bức chân dung về Lý Tú Thành

Cách chức, vi phạm mệnh lệnh và tự làm theo ý mình.

Nhà Thanh là một triều đại phổ biến việc sa thải và phục chức. Đại soái Hướng Vinh, người chiến đấu với quân Thái Bình 6 năm, từ thôn Kim Điền nhất lộ truy đuổi tới Hiếu Lăng Vệ, số lần bị hoàng đế Hàm Phong, tính tình nóng nảy, cách chức, phục chức, cách chức lưu nhiệm cũng không rõ bao nhiêu lần, có lúc vừa bị cách chức không tới mấy hôm lại thăng chức, cũng có lúc vừa nhận được các loại phần thưởng thì chiếu chỉ mới “tước bỏ lông công, để xem biểu hiện sau này thế nào” đã đang trên đường chuyển tới.

Thái Bình Thiên Quốc cũng không ngoại lệ, “Thiên Phụ thánh chỉ” không phải là cuốn sách chuyên ghi về những sự thay đổi nhân sự, nhưng tần suất cách chức và phục chức các quan lại cấp cao trong đó cũng đủ khiến người ta sợ hãi. Những nhân vật lớn như Tăng Thiên Hạo, Tần Nhật Cương, có lúc thậm chí còn đội hàm vị “nô”, vẫn tiếp tục phấn đấu vì Thiên Huynh Thiên Phụ trên cương vị cán bộ cao cấp, thực sự không biết bọn họ có ngại ngùng không.

Tuy nhiên không có ai bị cách chức, khiển trách với tần suất cao, số lần nhiều, ảnh hưởng lớn như Lý Tú Thành.

Lần đầu tiên ông bị khiển trách là vào năm 1856, sau khi giải vây cho Trấn Giang, ông nóng lòng muốn về thành nghỉ ngơi, bị Dương Tú Thanh phẫn nộ khiển trách, đe dọa “vi phạm sẽ xử trảm”, cuối cùng đành phải “mắng chửi binh sĩ” để phát tiết một trận, sau đó kiên trì đánh đại doanh Giang Nam, lần khiển trách này chỉ tính là “cảnh báo bằng miệng, không ghi vào trong hồ sơ”, mà cũng không phải nhắm vào cá nhân ông.

Lần thứ hai ông bị khiển trách là chuyện vào cuối năm 1857 đầu năm 1858.

Lúc này ông được phong làm Phó Chưởng Suất Hợp Thiên Hầu, cùng với Mông Đắc Ân, Trần Ngọc Thành tạo nên một nhóm “nội các” nhỏ gồm 3 người. Trong đó Mông Đắc Ân là cận thần của Hồng Tú Toàn, chưa từng bước chân ra ngoài, thuộc loại cán bộ hành chính chỉ biết phục tùng mệnh lệnh, Trần Ngọc Thành thì luôn chinh chiến ở bên ngoài, rất ít khi quay về, Lý Tú Thành thực sự cảm thấy “trách nhiệm nặng nề với mọi người”, tai nghe mắt thấy đủ thứ tệ nạn của Thái Bình Thiên Quốc, nên đề xuất một kế hoạch cải cách. Theo như cách nói của bản thân ông là “chọn nhân tài mà dùng, định chế tuất dân, thân nghiêm pháp lệnh, túc chính triều cương, minh chính thưởng phạt, theo cổ chế ban ân huệ cho bốn phương… lễ nhi tuất hạ, nói hình phạt khoan dung để đối đãi vạn phương, giảm nhẹ thuế cho dân, vẫn trọng dụng Dực Vương, không dùng An, Phúc Vương”; Quy nạp lại thì chính là 7 điều giảm thuế, giảm nhẹ hình, pháp kỷ nghiêm minh, thưởng phạt rõ ràng, đối xử tốt với dân chúng, trọng dụng nhân tài, loại bỏ những thân tín không đủ tiêu chuẩn.

Trong mắt người ngày nay, 7 điều này đã đánh trúng vào những tệ nạn đang tồn tại trong Thái Bình Thiên Quốc khi đó như hình phạt hà khắc tùy tiện, hệ thống chế độ rườm rà, thưởng phạt không công bằng, nhân tài thiếu hụt, chỉ tin dùng người nhà; Những điều vốn được coi là ưu điểm như quân kỷ nghiêm minh, thuế khóa nhẹ nhàng, đơn giản cũng bởi rất nhiều cách làm không hợp lý như kỷ luật quân đội buông thả, tạp thuế thì các nơi tăng thêm ngày một nhiều, cho tới “đánh Thái Bình tiên phong” (khẩu ngữ trong quân Thái Bình, chỉ những người ra ngoài trưng tập vật tư quân dụng, sắp xếp địa điểm cắm trại mà không chiến đấu gọi là đánh Thái Bình tiên phòng) mà trở nên khiến cho người ta nhìn đã thấy sợ.

Nhưng với Hồng Tú Toàn thì những kiến nghị này của Lý Tú Thành thật là “việc này mà chấp nhận được thì việc gì chẳng dám làm”; Là giáo chủ nửa thần nửa người, ông ta đã quen với việc dựa vào thần tiên, thần thoại để trị quốc, bảo ông ta buông bỏ tất cả, giống như một vị quân chủ bình thường dựa vào pháp lệnh, triều cương trị quốc, đích thân xử lý chính vụ thì đó là một sự sỉ nhục vô cùng to lớn. Ông ta xưa nay rêu rao quân quyền thần trao, đem việc tùy ý thưởng phạt, giết người nói thành “phép trời giết người”, “trảm tà lưu chính”, mà thế nào là “tà”, thế nào là nên chém, phải do ông ta “mặt trời” nói là được. Người em họ Hồng Nhân Can cẩn thận từng ly từng tí trích dẫn kinh điển, khuyên ông ta “không hiếu sát”, ông ta còn hung tợn chú thích “Gia lệnh thánh chỉ trảm tà lưu chính, giết yêu, giết kẻ có tội không thể xá miễn”. Hãy xem, ngay cả “Thánh kinh” nói “không hiếu sát” , ông ta cũng không phục, Lý Tú Thành, kẻ cùng lắm thì cũng chỉ đọc thuộc lòng “thập thiên điều” cũng dám nói “hình phạt khoan dung để đối đãi vạn phương”, đây chẳng phải là phản hay sao? Còn việc dùng Dực Vương, không dùng hai người anh bất tài của ông ta thì lại càng không được, Thạch Đạt Khai hiển nhiên là có năng lực, được lòng người, nhưng là người ngoài, lại là nguyên lão khởi sự thuở ban đầu, nếu như giống như Dương Tú Thanh, Vi Xương Huy, càng có năng lực, càng được lòng người không phải là càng hỏng chuyện hay sao? Hồng Nhân Phát, Hồng Nhân Đạt có ngu thế chứ ngu nữa cũng vẫn là huynh đệ nhà ta, ta muốn thần thánh hóa cha con ta, hai ông anh mù chữ này có thể biên soạn ngay ra sách để làm chứng, Thạch Đạt Khai, Lý Tú Thành có thể sao?

Vậy là Lý Tú Thành bị xét xử cách chức là điều không thể tránh khỏi rồi. Nếu như nhìn từ góc độ của Hồng Tú Toàn, Lý Tú Thành ngươi đề xuất biện pháp không đáng tin cậy, khiến trẫm khó có thể chấp nhận như vậy, thì việc cách chức xem ra vẫn còn là nhẹ.

Thời gian cách chức lần này chỉ vẻn vẹn có mấy ngày, nguyên nhân là tấu chương của Lý Tú Thành nhận được sự ủng hộ của toàn thể triều thần, thêm nữa Hồng Tú Toàn sau khi bình tĩnh lại suy xét cẩn thận, cuối cùng vẫn cảm thấy Lý Tú Thành vốn là muốn tốt cho mình, rốt cục cũng chẳng có ý kiến gì với tấu chương. Lý Tú Thành vẫn có thể tiếp tục làm Phó Chưởng Suất, việc trọng dụng trên cơ bản cũng không có thay đổi gì.

Lần thứ ba ông bị khiển trách là vào khoảng tháng 6 năm 1862.

Khi đó ông đang vây đánh Thượng Hải, liên tục giành thắng lợi, nhưng do Tương quân đột nhiên đánh tới Vũ Hoa Đài khiến Hồng Tú Toàn vô cùng sợ hãi, một ngày hạ liên tiếp ba đạo chiếu chỉ thúc giục Lý Tú Thành về kinh cần vương. Lý Tú thành quay về Tô Châu, sau khi cùng thương lượng với các tướng lĩnh của Thiên Kinh đã nhất trí rằng, Tương quân mới đến, sĩ khí đương cao, lại có ưu thế về đường thủy, đánh nhanh sẽ không có lợi cho quân Thái Bình, mà thành Thiên Kinh thì kiên cố, có thể phòng thủ lâu dài, nên trước tiên hãy thủ chắc, đợi Tương quân mỏi mệt sẽ quyết chiến. Hồng Tú Toàn sau khi nhận được tấu báo thì giận tím mặt, chất vấn Lý Tú Thành “biết pháp luật của trẫm không”, biểu thị “nếu không tuân lệnh, quốc pháp khó dung”, và phái Bổ Vương Mạc Sỹ Khuê tới thúc giục khởi binh.

Mạc Sỹ Khuê là “Thiên triều hình bộ chính thu quan”, tức quan viên tối cao phụ trách hình phạt của Thái Bình Thiên Quốc, dùng Mạc Sỹ Khuê làm sứ giả, thúc giục Lý Tú Thành xuất binh, ý đe dọa trong đó vừa nhìn đã thấy rồi. Cho dù lần khiển trách này không có cách chức, cũng không có bắt người (còn thăng quan nữa, chuyện này sẽ nói sau), nhưng trên thực tế mà nói thì là lần dao của Hồng Tú Toàn kề gân vào cổ Lý Tú Thành nhất.

Lần thứ tư ông bị khiển trách là sau khi hội chiến Vũ Hoa Đài không giành được thắng lợi, Hồng Tú Toàn cách chức ông, và yêu cầu ông “tiến bắc đánh nam”. Về lần cách chức và trách phạt này, bản thân ông và người đương thời đều không ghi chép nhiều.

Lần thứ năm ông bị khiển trách là sự kiện xảy ra vào hạ tuần tháng 12 năm 1863, Lý Tú Thành khi đó đã mất đi Tô Châu không để ý tới sự ngăn cản của em họ Lý Thế Hiền, quay về Thiên Kinh cùng tồn vong với Hồng Tú Toàn.

Như ở trên đã nói, Lý Tú Thành phân tích tình hình, cho rằng phải bỏ Thiên Kinh, “bỏ thành đi nơi khác” di chuyển vào nội địa, nhưng kiến nghị này trong cách nghĩ của Hồng Tú Toàn, giống như phủ nhận uy quyền thần thánh của Thiên Huynh Thiên Phụ “không gì không biết, không gì không thể, không chỗ nào không có mặt”, mà vứt bỏ “tiểu thiên đường” quay về những ngày tháng lang bạt kỳ hồ, không nơi cố định thì tuyệt đối không phải là điều mà “Thái Bình thiên tử” mong muốn, vì thế Hồng Tú Toàn đã nói ra những lời tàn nhẫn đến tuyệt tình: “trẫm phụng thánh chỉ của Thượng đế, phụng thánh chỉ của Thiên Huynh Jesu hạ phàm, làm chân chủ duy nhất của vạn quốc trong thiên hạ, có gì mà phải sợ? Không cần ngươi tấu, chính sự không cần ngươi xử lý, ngươi muốn bỏ ra ngoài, trẫm muốn ở Kinh, tùy ngươi thôi. Trẫm là thùng sắt của giang sơn, ngươi không phò, sẽ có người phò, ngươi nói không có quân, thiên binh của trẫm nhiều hơn nước, sợ gì tên họ Tăng nào đó? Ngươi sợ chết, chính là sẽ chết, chính sự không liên quan tới ngươi, Vương thứ huynh Dũng Vương chấp chưởng, Ấu Tây Vương ra mệnh lệnh, kẻ nào không tuân lệnh Ấu Tây Vương, toàn triều sẽ tru diệt nó.” Tới mức Lý Tú Thành nản chí ngã lòng, đứng trong điện gào lên lời bi phẫn “Bệ hạ cho thần một đao để thần chết đi, tránh sau này thần phải chịu nhục hình, rồi giàn dụa nước mắt bước ra khỏi triều môn. Lần khiển trách này không phải cách chức, mà chỉ kéo dài có một ngày, hôm sau, dưới sự khuyên can của triều thần, Hồng Tú Toàn đã bình tĩnh lại sai người mang long bào tới tặng cho Lý Tú Thành, cũng được coi là sự thừa nhận hiếm thấy mình đã phạm sai lầm.

Trình độ văn hóa của Lý Tú Thành cũng chỉ là học tư thục mấy năm, chữ cũng tính là viết cũng được nhưng liên tục viết sai, những lời giáo huấn, giọng điệu, thói quen dùng từ ngữ của Hồng Tú Toàn mà ông thuật lại đều rất ăn khớp với những chiếu chỉ của Thiên Vương còn được lưu giữ đến ngày nay, rõ ràng không phải là hư cấu. Hồng Tú Toàn động một tí là trách mắng, nghi ngờ nhưng lại phải trọng dụng ông, đến mức nhiều lần rơi vào vòng lặp vô tận trách phạt – vỗ về – lại trách phạt – lại vỗ về, đó là sự thật không cần tranh cãi.

Nhưng trong bản cung, Lý Tú Thành rất ít đề cập đến một phương diện khác, đó là Hồng Tú Toàn không phải một mực nghi ngờ ông, mà là vừa nghi ngờ vừa tin tưởng, và tin tưởng chiếm phần nhiều, với những kiến nghị của Lý Tú Thành, Thiên Vương bề ngoài dường như cự tuyệt tất cả, nhưng rồi sóng gió qua đi lại thường lặng lẽ tiếp thu.

Lần “theo cổ chế ban ân huệ cho bốn phương”, vẻ bề ngoài, Hồng Tú Toàn chỉ là phục chức cho Lý Tú Thành mà không tiếp thu tấu chương của ông, nhưng sau này ông ta đích thực tạm thời chỉnh đốn triều chính, những thân thích như Hồng Nhân Phát, Hồng Nhân Đạt “ân miễn lý sự”, trước khi Hồng Nhân Can đến, việc phong quan cũng không thể coi là lạm; Cho dù là trên phương diện dùng người mà ông ta phản cảm nhất, ông ta cũng thực hiện một số điều chỉ có mã ngoài để lấy lòng Thạch Đạt Khai, và phong Dương Phụ Thanh nghĩa đệ của Dương Tú Thanh làm trung quân chủ tướng, phong Vi Tuấn, em trai của Vi Xương Huy là hữu quân chủ tướng, hai chức vụ này là của Dương Tú Thanh và Vi Xương Huy khi khởi nghĩa ở Kim Điền, ý nghĩa tượng trưng của nó vừa nhìn là thấy. Rất rõ ràng, Hồng Tú Toàn không nói ra miệng, nhưng trên thực tế đã tiếp thu một số ý kiến của Lý Tú Thành.

Lần phái Mạc Sỹ Khuê đi thúc giục cứu binh, tuy rằng lời lẽ đe dọa, nhưng mặt khác lại đưa ra một sự vỗ về lớn – phong quân sư. Chính vào trước và sau thời điểm này, Lý Tú Thành có được chức vụ “hộ quốc quân sư”. Quân sư là chức quan duy nhất trong Thái Bình Thiên Quốc từ đầu tới cuối chưa từng bị lạm phong, cũng là chức vụ quân chính cao nhất. Khi đó ngoài trừ ba đửa trẻ Ấu Đông Vương, Ấu Tây Vương, Ấu Nam Vương, trong hai vị quân sư thành niên của Thái Bình Thiên Quốc, tinh trung quân sư Hồng Nhân Can bị “cách đi chức quân sư, không cách tước Vương”, tiên nhiệm khai quốc quân sư, hậu sửa công trung quân sư là Thạch Đạt Khai lúc này không những đã rời xa chính quốc mà còn đã rơi vào tay Thanh triều (ông chết ngày 27 tháng 6 năm 1863), chỉ là phía Thiên Kinh còn chưa biết mà thôi. Vì vậy chức quân sư này của Lý Tú Thành thực sự khiến ông trở thành thủ trưởng quân chính tối cao của Thái Bình Thiên Quốc, hoặc là “tổng tư lệnh” theo cách nói của người Anh Lindley. (Augustus Frederick Lindley, tác giả cuốn “ghi chép lại những điều đích thân trải qua trong cách mạng Thái Bình Thiên Quốc” đã chú thích rõ: “kính tặng Lý Tú Thành, tổng tư lệnh quân Thái Bình. Nếu như ngài đã qua đời, cuốn sách này là để tưởng niệm ngài).

Việc “cách chức” sau trận hội chiến Vũ Hoa Đài là không rõ ràng, nhưng từ đó về sau Lý Tú Thành vẫn lấy danh nghĩa Trung Vương để phát đi hiệu lệnh, và chức hàm quân sư của ông sau này từ “hộ quốc” trở thành “chân trung”, có thể suy đoán là chỉ cách đi chức quân sư mà không cắt bỏ vương hiệu. Chiến dịch lớn thất bại, chủ tướng phải chịu trách nhiệm nhất định là thông lệ của cả hai bên Thanh – Thái Bình thời đó, cách làm lần này của Hồng Tú Toàn cũng không ngoại lệ, trên thực tế Lý Tú Thành cũng không có dị nghị gì.

Trong lần xử phạt cuối cùng này, cảm xúc của đôi bên gần như là mất kiểm soát, xung đột là gay gắt nhất, nhưng thái độ nhận sai của Hồng Tú Toàn cũng là triệt để nhất. Tuy rằng Lý Tú Thành nói, về sau mình không thể phụ trách phòng vệ toàn thành, chỉ mang nghìn người đi mọi nơi để tiếp ứng, nhưng trong tự thuật của mình ông cũng đề cập, khi xảy ra vụ án Tống Vĩnh Kỳ (Tống là cậu vợ của Lý Tú Thành, trước khi Thiên Kinh thất thủ có ý định hàng địch, từng khuyên Lý Tú Thành đầu hàng quân Thanh nhưng không thành công, những tài liệu liên quan bị Bổ Vương Mạc Sỹ Khuê đến dự họp đọc được), Bổ Vương Mạc Sỹ Khuê, Chương Vương Lâm Thiệu Chương, Thuận Vương Lý Xuân Phát, Can tự quân Hồng Khôi Nguyên, thậm chí Hồng Hòa Nguyên, Hồng Lợi Nguyên con trai Vương trưởng huynh Hồng Nhân Phát đều hội họp trong phủ Trung Vương. Chế độ phẩm cấp của Thái Bình Thiên Quốc rất nghiêm ngặt, chỉ có cấp dưới có thể đến nhà thượng cấp họp, thượng cấp không tới nhà cấp dưới họp, thậm chí đến thăm, dự tiệc cũng không được. Hồng Nhân Can đã viết rất rõ ràng khi ông trả lời từ chối lời mời dự tiệc của quan phiên dịch nước Anh là Robert j. Forrest. Những quan lớn kể trên không có ai là thuộc hạ cũ của Trung Vương, Mạc, Lâm, Lý đều là triều thần, Hồng Khôi Nguyên là con của Hồng Nhân Can, lúc này Can Vương không ở trong thành nên anh ta là người đại diện, còn Hồng Hòa Nguyên, Hồng Lợi Nguyên là đại diện cho Vương trưởng huynh, Vương thứ huynh, hai người họ tham gia cuộc họp, là vì Hồng Nhân Phát, Hồng Nhân Đạt có địa vị đặc biệt, không tiện có mặt (cũng như vậy, Ấu Đông Vương, Ấu Tây Vương và Ấu Nam Vương đội trên đầu hàm quân sư của đời cha cũng không có mặt). Từ đó có thể thấy, cho dù không thể chen chân vào “đại gia đình thần thánh” của gia tộc Hồng thị, nhưng ở bình diện thế tục, Lý Tú Thành đích thực là “tổng tư lệnh” mà Hồng Tú Toàn dựa vào, ông có thể điều động các bộ tướng khác trong thành ngoại trừ họ Hồng, và ở một trình độ nhất định có được sự thỏa hiệp của họ Hồng.

Hồng Tú Toàn là một quân chủ nóng nảy, nghi ngờ và tầm thường, nhưng ông ta có thể trước sau loại bỏ Dương Tú Thanh, Vi Xương Huy mà mặt không đổi sắc, làm Thái Bình thiên tử 11 năm ở thành Thiên Kinh khó khăn dồn dập, đầu óc tuyệt đối không phải là vô giá trị. Đối với Lý Tú Thành, ông ta tuyệt đối không phải là chỉ có nghi ngờ, trách mắng và dùng quyền thuật lung lạc, cũng quả thực có chút cảm tình và tín nhiệm. Rốt cuộc không giống như người “huynh đệ” từng chung hoạn nạn Thạch Đạt Khai, Lý Tú Thành là hậu bối, không có sự uy hiếp đối với ngai vàng của Thiên Vương, điểm này ông ta hiểu rất rõ. Ngoại trừ Dương Tú Thanh thì Lý Tú Thành là người duy nhất có thể sử dụng chữ “Tú” trong tên của mình, mà cái tên này cũng do Hồng Tú Toàn ban cho, hàm ý trong đó là rất rõ ràng. Cho dù ông ta hết lần này đến lần khác nổi giận lôi đình chỉnh đốn Lý Tú Thành, nhưng cũng hết lần này đến lần khác lặng lẽ thỏa hiệp, vỗ về. Điều này đương nhiên là có cân nhắc lợi ích, nhưng nó cũng đồng thời cho thấy, Hồng Tú Toàn tuyệt đối không hoài nghi Lý Tú Thành hai lòng. Những lần nổi giận của ông ta, nếu nói là trừng phạt, chẳng thà nói rằng dù chết cũng phải mặt dày bảo vệ uy quyền cá nhân (cho dù biết sai cũng không thể sửa, ít nhất là cũng không thể sửa công khai), thậm chí là một loại nũng nịu biến tướng (cho dù ta dày vò như vậy, “vạn cổ trung nghĩa” như ngươi cũng sẽ không từ bỏ ta đâu).

Nói xong về cách chức và trách phạt, lại nói về việc vi phạm mệnh lệnh và tự làm theo ý mình của Lý Tú Thành.

Lý Tú Thành thường thể hiện ý thức độc lập, nhưng hầu hết thời gian cuối cùng đều sẽ thỏa hiệp, cho dù là trái ý muốn, có hai trường hợp ngoại lệ tương đối rõ ràng.

Lần đầu là vào nửa sau của năm 1860, Hồng Tú Toàn muốn ông “tảo bắc”, ông lại không tuân lệnh, tự mình xuất quân đi Giang Tây, Hồ Bắc. Lần hành động này, giới sử học truyền thống kiến giải rằng Lý Tú Thành phản đối chiến lược “Tây chinh” của Hồng Nhân Can và Trần Ngọc Thành, không chấp hành phương châm “vây Ngụy cứu Triệu” đã định là đánh Hồ Bắc để giải vây cho An Khánh. Nhưng trên thực tế, khi đó Trần Ngọc Thành, Hồng Nhân Can đều không đi “vây Ngụy cứu Triệu”, mà trái lại, phương hướng “trái lệnh xuất quân” của Lý Tú Thành lại chính là lộ tuyến “vây Ngụy cứu Triệu” – Giang Tây và Hồ Bắc, nói là làm trái “phương châm đã định” rõ ràng là khó có thể vo cho tròn được.

Từ phân tích sử liệu có thể thấy, nửa sau năm 1860 không có kế hoạch “vây Ngụy cứu Triệu”. Trần Ngọc Thành không phải đánh Vũ Xương mà là xông thẳng tới Hoản bắc, ý đồ muốn trực tiếp giải vây; Lý Thế Hiền, Dương Phụ Thanh, Lưu Quan Phương, Hoàng Văn Kim, Lý Nguyên Kế, thậm chí quân của Hồng Nhân Can đều đánh ngoặt về Hoản Nam, mục đích không phải là phối hợp Tây chinh, mà là mở rộng khu vực khống chế; Điều mà Lý Tú Thành vi phạm không phải là kế hoạch “vây Ngụy cứu Triệu” khi đó vẫn chưa tồn tại, mà là “tảo bắc” như ông đã nói trong tự thuật, tức là “kế hoạch vỹ đại” khi Hồng Tú Toàn, Hồng Nhân Can thấy liên quân Anh Pháp tiến công Bắc Kinh, muốn nhân cơ hội tiêu diệt Thanh triều – đó cũng là kế hoạch hoàn toàn không thiết thực.

Lần thứ hai chính là cái gọi là “Thiên Vương sửa đổi chế độ”.

Chỉ trong có khoảng thời gian ngắn ngủi một tháng một ngày, từ ngày 16 tháng giêng tới ngày 17 tháng 2 năm thứ 11 Tân Dậu (năm 1861), Hồng Tú Toàn thoát ly hiện thực đã hai lần “sửa đổi chế độ”, trước tiên sửa quốc hiệu là “Thượng Đế Thiên Quốc”, sau lại sửa thành “Thiên Huynh Thiên Phụ Thiên Vương Thái Bình Thiên Quốc”, đồng thời hủy bỏ các phiên hiệu trong hàm tước của các vương, thống nhất sửa thành 5 chữ “đỉnh thiên phù triều cương”, mục đích là để thần thánh hóa cha con mình, nhấn mạnh quân quyền thần trao, đồng thời cũng là tước bỏ tính độc lập của các vương. Đối với điều này, rất nhiều đại tướng như Trần Ngọc Thành, Lý Tú Thành, Lý Thế Hiền không cho là đúng, công khai kháng lệnh, Lý Tú Thành đã giải thích rất rõ trong bản tự thuật.

Tiên sinh Vương Khánh Thành từng nhận thấy, việc “kháng lệnh” của Lý Tú Thành chỉ là hành vi cá nhân, tước hàm của em trai ông Lý Minh Thành và rất nhiều đại tướng thuộc hạ như Trần Bính Văn là sửa đổi theo chiếu lệnh của Thiên Kinh; Không chỉ như vậy, quan ấn của bản thân Lý Tú Thành sau này cũng thêm 5 chữ này, và phát hiện Lý Tú Thành trong bản tự thuật nói “Lý Thế Hiền tới nay vẫn không tuân thủ sự sửa đổi”, chứ không nói mình cũng không phục. Vương tiên sinh cho rằng điều này nói rõ, mặc dù Lý Tú Thành bất mãn với chính trị hỗn loạn của Hồng Tú Toàn, nhưng sự chống đối là ôn hòa, có chừng mực và dừng lại đúng mức, không giống như Trần Ngọc Thành, Lý Thế Hiền chống đối đến cùng.

Nhưng đó chỉ là một khía cạnh của vấn đề, trên thực tế sự thỏa hiệp không nằm ở phía Lý Tú Thành.

Cuốn “Thiên triều chức tước danh xưng” có lẽ được viết thành sách vào năm 1862 và quan ấn trên giấy thông hành được ký phát gửi cho Lindley vào năm 1863, cho thấy rằng tước hàm của Lý Tú Thành là “điện tiền lại bộ hựu phó thiên liêu khai triều chân trung quân sư ngự lâm binh mã thân đề điều phụng chỉ lệnh chuyên chinh tiễu trung nghĩa túc vệ quân đỉnh thiên phù triều cương trung vương vinh thiên tuế”. Trong tước hàm dài dằng dặc này, phiên hiệu cũ “trung nghĩa túc vệ cũ” và hàm tước mới “đỉnh thiên phù triều cương” được đặt ngang nhau; Cùng lúc đó, Can Vương Hồng Nhân Can đương đi các nơi để hối thúc quân cứu viện, tước hàm dài 55 chữ lại là “điện tiền lại bộ chính thiên liêu bộ liêu lãnh tụ khai triều tinh trung quân sư ngự lâm binh mã kiến thiên triều sứ kiêm ngự lâm uyển nhất thiên sứ kiêm hựu chính tổng quyên khố chinh lương sứ đỉnh thiên phù triều cương khai triều vương tông can vương phúc thiên tuế”, không có khôi phục phiên hiệu “điện hữu quân” vốn có. Có thể thấy, việc khôi phục lại phiên hiệu trong hàm tước của Lý Tú Thành là tín hiệu cho thấy Hồng Tú Toàn đặc biệt muốn thỏa hiệp và vỗ về – đương nhiên, điều này chỉ giới hạn ở một mình Lý Tú Thành chứ không có trường hợp thứ hai.

Dùng người, luyện binh và yêu dân.

Sự tranh cãi về việc dùng người của Lý Tú Thành là tương đối nhiều.

Có người cho rằng ông chiêu hiền đãi sĩ, thuộc hạ trưởng thành nhanh, người tài giỏi có thể độc lập một mặt nhiều, đi tới đâu cũng tích cực chiêu hiền, cũng chú ý tranh thủ những quan lại Thanh triều bị bắt. Nhưng cũng có người cho rằng ông quá nhân từ với thuộc hạ, đến mức tới thời khắc nguy cấp thường xuất hiện kẻ phản biến; Chiêu hiền tuy có tích cực, nhưng kết quả có hạn, đại tài tử Vương Thao có ý báo đáp, ông lại bỏ qua; Thanh thủ những quan lại Thanh triều bị bắt đương nhiên là không tiếc chi phí, nhưng những trường hợp thành công lại ít đến đáng thương, chỉ có viên phó tướng thanh danh bê bối Trương Uy Bang, thành viên cũ của Tiểu đao hội, gió chiều nào theo chiều ấy Lý Văn Bính, một số nhân vật không mấy quan trọng như tri huyện Viên Trung Thanh, Lâm Phúc Tường, Mễ Hưng Triều, Lý Kim Sướng, Triệu Cảnh Hiền, những kẻ có uy vọng đều thà quay về để Thanh triều chặt đầu cũng không chịu ở Thái Bình Thiên Quốc “uy phong khoái hoạt”.

Muốn giải đáp vấn đề này, trước tiên đừng ngại xem qua bộ khung tướng lĩnh cơ bản của Lý Tú Thành.

Lý Tú Thành lần đầu độc lập đảm đương một mặt là vào năm 1857, ông đóng quân ở vùng Lục An, Hoắc Sơn, thủ hạ cơ bản dưới quyền chỉ có một số ít người ngựa được Dương Tú Thanh, Thạch Đạt Khai phân bổ cho từ trước. Khi xuất kinh năm 1858, bất quá “hơn 5000 tinh binh”, tướng lĩnh chí có mấy người Trần Khôn Thư, Ngô Định Thái, Tiêu Chiêu Sinh, Trần Bính Văn, Lục Thuận Đức. Trong mấy người này ngoại trừ Tiêu Chiêu Sinh không rõ tình hình thì Trần Khôn Thư là người Quế Bình Quảng Tây, năm 1854 đảm nhiệm điện tiền công tào phó thị vệ, từng trấn thủ Lư Châu, Sào huyện, có lẽ do cùng địa bàn phòng thủ với Lý Tú Thành, chức vụ thấp hơn nên quy thuộc, coi là công thần lão tướng; Lục Thuận Đức là người thôn Cổ Chế Đại Lê Lý, huyện Đằng, cách nhà của Lý Tú Thành ở thôn Tân Vượng chỉ có 3 dặm, nghe nói là ông chủ của Lý Tú Thành, khi Lý Tú Thành gia nhập quân Thái Bình thì ông ta cũng nhập ngũ, khi đó khoảng 16 tuổi, coi là tiểu huynh đệ của Trung Vương; Ngô Định Thái xuất thân không rõ, có lẽ là người Quảng Tây; Trần Bính Văn thì nhập ngũ vào năm 1853 khi quân Thái Bình đi qua Vu Hồ, quê quán ở Lư Giang An Huy, khi nhập ngũ là người chạy bàn quán trà ở Vu Hồ. So sánh với Trần Ngọc Thành, kết cấu tướng lĩnh của Lý Tú Thành ở giai đoạn này cũng là người Quảng Tây, đồng tộc, đồng hương bạn bè chiếm đa số, nhưng tỉ lệ tương đối nhỏ, thân tộc lại càng ít. Ở góc độ này là do tông tộc Trần thị phân bố khắp mấy huyện mà hội Thượng đế truyền bá, Trần Ngọc Thành tuy gia nhập muộn, nhưng thân tộc có thể dùng lại nhiều, còn thân tộc của Lý Tú Thành thì thua chị kém em, đã thế một bộ phận còn phân tán trong đội ngũ của người em họ Lý Thế Hiền; Ở góc độ khác, tuy rằng xuất phát điểm của hai người là gần như nhau, nhưng Trần Ngọc Thành từ năm 1854 đã cầm hai cơ quân độc lập một mặt, năm 1857 lại nhận được lệnh của Thạch Đạt Khai, thống lĩnh tinh binh phản công Ninh Quốc, còn Lý Tú Thành trường kỳ đảm nhận nhiệm vụ phòng thủ địa phương, tinh binh trong tay có hạn, các tướng lĩnh cũ của Lưỡng Quảng về quy thuộc cũng tương đối ít. Trong bản danh sách ban đầu này, không có người em trai đáng tin cậy nhưng năng lực hạn chế Lý Minh Thành, nhưng lại có ngôi sao sau này nổi lên như Trần Bính Văn, có thể thấy được chỗ độc đáo trong cách dụng người của Lý Tú Thành.

Trong thời gian năm 1858 – 1860, binh lực của Lý Tú Thành không có nhiều thay đổi, tuy rằng có được sự bổ xung nhưng cũng có sự tổn thất như Lý Chiêu Thọ phản bội, các lộ Niệm quân đã quay về bắc hoặc chuyển qua đầu quân cho Trần Ngọc Thành. Khi phá đại dianh Giang Bắc “chưa đến 5000”, khi vây Ngụy cứu Triệu công đánh Hàng Châu, ngoại trừ ba đội quân của Ngô Định Thái, Chu Hưng Long, Hoàng Kim Ái ở lại giữ Giang Bắc, binh lực trong tay chỉ có sáu bảy nghìn, đội tiên phong tấn công Hàng Châu cũng chỉ vỏn vẹn 1350 người. Sau khi công phá đại doanh Giang Nam, Lý Tú Thành chiếm giữ Thường Châu, Tô Châu, Tùng giang, Gia Hưng, binh lực mở rộng; Sau khi Tây chinh quay về, tiếp nhận quân khởi nghĩa ở Giang Tây và “phù triều thiên quân” ly khai khỏi đội hình của Thạch Đạt Khai, binh lực càng mở rộng. Nghe đồn chỉ riêng quân của Trần Khôn Thư đã tới 10 vạn, “phù triều thiên quân” còn hiệu xưng tới 20 vạn người.Trong khoảng thời gian năm 1862 – 1863, bộ thuộc cũ của Trần Ngọc Thành lũ lượt chuyển sang nhận sự điều động của Lý Tú Thành, ông hiệu xưng có “đông tới trăm vạn”, theo truyền thống “hai ngàn rưởi thành một vạn” của Thái Bình Thiên Quốc, thì cũng có tới 25 vạn nhân mã; Nhưng do đất phong bao gồm gần trăm huyện 7 quận ở Tô Nam, Chiết Bắc, Hồng Tú Toàn “chúng kiến chư hầu” dẫn tới các quận huyện chỉ lo cố thủ cho mình, binh lực cơ động ông có thể điều khiển luôn bị hạn chế. Trong thời gian này, bộ tướng có thể kể tên của Lý Tú Thành rất nhiều, trong đó có người Quảng Tây, như Hoàng Tử Long người huyện Đằng, Đàm Thiệu Quang người Quế Bình, Đàm Ứng Chi người Bình Nam; Có tướng lĩnh cũ, như Trần Chí Thư, là anh trai của Trần Khôn Thư, từ lâu đã là điện tả ngũ thập thất chỉ huy, Hồ Đỉnh Văn từ lâu đã là Đông điện tả ngũ thừa tuyên; Có thân thuộc, như con rể Hoàng Kim Ái, Thái Nguyên Long, người đồng tông Lý Khải Vận, Lý Khải Thuận, con thứ Lý Dung Phát, người cháu Lý Dung Xuân; Có người của Dực điện về quy thuộc, như Đồng Dung Hải, Cát Khánh Nguyên, Chu Y Điểm, Uông Hải Dương, Đàm Thể Nguyên; Có đội nhân mã trước đây là Thiên địa hội hoặc đến từ Thiên địa hội, như Chu Xuân, Trần Vinh, Chu Hưng Long, Lưu Dụ Cưu; Cũng có người đến từ các nơi thuộc “tam giang lưỡng hồ”, giống như Thái Nguyên Long đã đề cập ở trên là người Nhạc Châu Hồ Nam, Cáo Vĩnh Khoan, Uông An Quân là người Hồ Bắc, Đặng Quang Minh người Hồ Nam, Tiền Quế Nhân người Đồng Thành An Huy, Chu Văn Gia người Giang Tây, Phàn Ngọc Điền người Vô Tích, Lưu Chính Hoằng người Hồ Bắc, Đồng Dung Hải là người Vô Vi An Huy, Chu Y Điểm người Vạn Tải Giang Tây, Lạc Quốc Trung người Phượng Dương An Huy, Chung Lương Tương người Hán Dương Hồ Bắc, Lý Văn Bính, Hà Tín Nghĩa người châu Gia Ứng Quảng Đông, Thẩm Chi San người Thịnh Trạch, Ngô Giang Giang Tô, Hùng Vạn Thuyên người Trường Sa Hồ Nam. Có thể thấy, cùng với sự mở rộng đội ngũ, mở rộng biên chế, nguồn gốc, tịch quán, lai lịch các bộ tướng của Lý Tú Thành đã trở nên đa dạng hóa; Cho dù là người Quảng Tây cũng không chiếm ưu thế rõ rệt trong hàng ngũ tướng lĩnh cao cấp; Người đồng hương, người thân cầm quân tuy nhiều, nhưng tỉ lệ không tính là lớn và đa phần đều được công nhận là tướng lĩnh thiện chiến.

Cách dùng người “ngũ hồ tứ hải” này hoàn toàn trái ngược với cách dùng người “cùng một màu” người Quảng Tây, tướng cũ và người trong họ của Trần Ngọc Thành, Dương Phụ Thanh, không nghi ngờ gì nữa có lợi cho việc tuyển chọn nhân tài và mở rộng nhân sự nhanh chóng. Là tích cực và đáng khen ngợi. Một số người cho rằng làm như vậy “dễ có kẻ phản bội”, kỳ thực đó là một định kiến. Sự gia tăng phản biến trong quân đội nòng cốt của Thái Bình Thiên Quốc là có liên quan mật thiết đén sự suy tàn của quốc thế Thái Bình Thiên Quốc, mà trong “thời kỳ những kẻ phản bội gia tăng” này, rất nhiều tướng lĩnh cấp cao đều dao động, chứ không phải là người Quảng Tây đặc biệt đáng tin cậy. Quân của Trần Đắc Tài, trực thuộc Trần Ngọc Thành, lấy người Quảng Tây làm nòng cốt, sau khi Thiên Kinh thất thủ ngoại trừ Trần Đắc Tài tự sát thì 20 vạn đại quân đầu hàng tập thể, lập kỉ lục về quy mô và số lượng quân Thái Bình đầu hàng tập thể, trong đó người Quảng Tây Lam Thành Xuân thấy sau khi đầu hàng không được miễn tội chết, mới mắng chửi chịu hình, một người Quảng Tây khác là Lại Văn Quang sau khi biết được số phận của Lam Thành Xuân bèn lật lọng dẫn quân bỏ trốn. Cũng như vậy, khi quân của Dương Phụ Thanh bị tiêu diệt, những cốt cán trên danh nghĩa là huynh đệ của Đông Vương như Dương Hữu Thanh, Dương Anh Thanh cũng nhao nhao đầu hàng. Nếu như không phải Thanh triều đưa ra chính sách sai lầm “chuyên giết người Quảng Tây” thì người Quảng Tây đầu hàng e rằng còn nhiều hơn nữa.

Nhưng phải thấy rằng, Lý Tú Thành dám bổ nhiệm không phải là người Quảng Tây và người thân thuộc là có điều kiện khách quan.

Trên một phương diện, ông một mình cầm quân muộn, có được đất riêng càng muộn, tố chất của bộ đội được giao khi cầm quân cũng tương đối kém, không giống như Trần Ngọc Thành, Dương Phụ Thanh có thể “sống bằng thế lực cũ”, hoặc đem số lượng lớn tướng lĩnh địa phương thu nập về dưới trướng, đánh phải thu gom mọi thứ để bù đắp cho sự thiếu hụt; Ở phương diện khác, tuổi ông tương đối lớn, không những là người nhiều tuổi nhất trong những quân sư thời kỳ sau mà thậm chí so với những quân sư thời kỳ đầu như Tiêu Triều Quý, Thạch Đạt Khai còn lớn tuổi hơn, điều này khiến ông có cơ hội tuân theo phong tục của quân Thái Bình, dọc đường hành quân thu nhận rất nhiều con nuôi (tục gọi là mang theo em bé), những đứa con nuôi này luôn ở trong quân, bên cạnh mình, sau khi lớn lên thường trở thành tướng lĩnh trực thuộc, tuổi tuy không lớn nhưng rất có năng lực, và tịch quán của họ đương nhiên là nằm dọc theo tuyến đường hành quân, như Đàm Thiệu Quang, Thái Nguyên Long, Cáo Vĩnh Khoan đều là những đại tướng trưởng thành từ kiểu “con nuôi” như vậy.

Đương nhiên, Lý Tú Thành khi lựa chọn tướng lĩnh cũng đích thực có tầm nhìn dài hạn. Như Phàn Ngọc Điền ở trên đã đề cập, nhập ngũ tại Trấn Giang vào năm 1853, vì xuất thân thủy thủ nên rất nhanh chóng trở thành tướng lĩnh thủy quân, gia nhập quân của Lý Tú Thành có lẽ không sớm hơn chiến dịch phá đại doanh Giang Nam lần thứ nhất vào năm 1856; Năm 1860 khi tiến quân Tô Nam, con người quê gốc Tô Nam này lại trở thành một chuyên gia không thể thiếu trong việc chiếm lĩnh và thu phục Vô Tích. Một số tướng lĩnh mà Lý Tú Thành đề bạt đều có tài năng độc đáo, như Thái Nguyên Long giỏi dùng kế, Liêu Phát Thọ giỏi xây thành, Hùng Vạn Thuyên, Uông Hoằng Kiến giỏi việc dân chính, chứ không phải là một mực cứ giỏi đánh giỏi giết là làm quan lớn. Cách làm này, trên phương diện quan lại của quân Thái Bình, ngoại trừ Thạch Đạt Khai thì không ai có được tư duy như vậy.

Cần phải chỉ ra rằng, những tướng lĩnh từ “ngũ hồ tứ hải” được lựa chọn tuyệt đối không phải là công lao của một mình Lý Tú Thành, như trên đã đề cập, Uông Hải Dương, Đồng Dung Hải, Chu Y Điểm đều là do Thạch Đạt Khai tuyển lựa, Lý Tú Thành chỉ là nhặt được món hời – đương nhiên biết là món hời, dám nhặt, nhặt giỏi thì trong quân Thái Bình đã coi là không đơn giản rồi.

Về phương diện chiêu dụ hàng tướng của Lý Tú Thành thì quả thực là sấm to mà mưa nhỏ, nguyên nhân của nó đến từ bản thân ông, ví dụ như cách chiêu dụ của ông đơn điệu mà không cao minh, bất quá chỉ là những khuôn sáo cũ như hứa hẹn phong quan, cho tiền tặng gái đẹp. Nhưng loại khuôn sáo này, Hồng Tú Toàn, Hồng Nhân Can cũng đang dùng; Cũng giống như Lý Tú Thành, thành quả của bọn họ cũng có giới hạn, thậm chí còn không bằng cả Lý Tú Thành. Tục ngữ nói rất đúng, quân tử ngưỡng mộ việc nghĩa, tiểu nhân thì tham lợi, lý tưởng thời kỳ sau của Thái Bình Thiên Quốc nhợt nhạt, tương lai thì mịt mờ, bất luận là người quân tử hay kẻ tiểu nhân, có ai nguyện đồng hành cùng con tàu sắp đắm?

Về sự kiện Vương Thao, thì là một sai sót ngẫu nhiên khiến người ta không biết phải làm sao: Khi Vương Thao trình thư lên thì Lý Tú Thành không có ở Tô Châu, ông ta chỉ có thể nhờ người chuyển bức thư cho tướng giữ thành là Lưu Triệu Quân, mà vị Lưu Triệu Quân này lại khi tiến công Thượng Hải đã tao ngộ chiến một trận với quân Thanh ở chùa Vương Gia nơi Thất Bảo, lá thư bị thất lạc trong trận chiến, bị tướng Thanh là Hùng Triệu Chu nhặt được, từ đầu tới cuối, Lý Tú Thành đều chưa xem được bức thư tự tiến cử kiêm kiến nghị này.

Lý Tú Thành rất chú trọng việc luyện binh và cải thiện trang bị, trong bản cung ông từng nghiêm túc tổng kết sự khác biệt giữa vũ khí và chiến thuật của Trung Quốc với nước ngoài, đồng thời phân tích ưu nhược điểm của bản thân khi tác chiến với Tương quân, đội quân súng Tây, một cách rất mạch lạc, và nhận được sự đồng tình của Tăng Quốc Phiên. Theo ghi chép của người nước ngoài, bộ đội của ông không chỉ được trang bị súng Tây, mà còn bắt đầu sử dụng sách yếu lĩnh của phương Tây để luyện binh, còn thiết lập xưởng công binh ở Tô Châu, mô phỏng sản xuất pháo, giá pháo và đạn, đạn pháo theo kiểu phương Tây, thậm chí là có ý định mô phỏng thuyền máy. Để giành được thuyền máy, pháo Tây, ông cứ vắt óc suy nghĩ, cho tới cuối cũng cũng không ngừng nỗ lực. Trong trận chiến với đội quân súng Tây, ông đã đúc kết được nhiều chiến thuật để chống lại ưu thế hỏa lực, như tấn công tầm thấp, chiến hào có nắp che, pháo kích cà quét áp chế di chuyển, rất nhiều điều lần đầu tiên được thấy trên chiến trường Trung Quốc. Những nỗ lực này của ông, không chỉ gây ấn tượng sâu sắc với những tướng lĩnh Thanh triều đã giao tranh cùng ông, mà một số tướng lĩnh nước ngoài cũng ca tụng không ngớt. Chủ tướng quân thường thắng là Gordon, người từng gửi về nước một thanh “bảo kiếm của Lý Tú Thành”, trong bức thư cá nhân gửi cho mẹ mình đã thừa nhận, Lý Tú Thành là “nhà lãnh đạo dũng cảm nhất, có tài năng nhất, và có tinh thần gây dựng cơ đồ nhất.”

Sức chiến đấu của Lý Tú Thành cũng từng bị đánh giá thấp, như trong thời gian hội chiến ở Vũ Hoa Đài, Tăng Quốc Thuyên đã cho rằng ông “xảo quyệt thì có thừa nhưng dũng mãnh còn chưa đủ”, Vương Khải Vận nhận xét ông “hiếm khi chiến đấu”, trước khi hội chiến An Khánh, Tăng Quốc Phiên cũng cho rằng, sức chiến đấu của quân Lý Tú Thành ở chiến trường An Huy không bằng quân của Trần Ngọc Thành, càng không bằng quân của Tĩnh Đông chủ tướng Lưu Thương Lâm là đội tinh nhuệ nhất trong quân của Trần.

Lý Tú Thành đích thực không thích chiến đấu, càng thích dựa vào hỏa lực súng ống để giảnh chiến thắng, điều này chủ yếu thể hiện trong việc tác chiến với Tương quân có hỏa lực lạc hậu, nhưng khi tác chiến với quân thường thắng, Hoài quân có ưu thế hỏa lực áp đảo, quân Lý Tú Thành lại nổi tiếng vì dám đánh giáp lá cà. Liêu Phát Thọ, Trần Khôn Thư, Đàm Thiệu Quang đều đã để lại ấn tượng sâu sắc cho kẻ địch vì điều này, bản thân Lý Tú Thành cũng từng dẫn mấy nghìn vệ binh đích thân huyết chiến với Gordon, “thân dẫn đầu quân lính, dũng mãnh không thể cản”. Có thể thấy chiến đấu hay không, là tùy thuộc vào đối thủ, mà càng dựa nhiều vào hỏa lực cũng là phù hợp với xu thế của thời đại. Điều đáng tiếc là, nguồn cung cấp vũ khí của Lý Tú Thành không đáng tin cậy, súng Tây tuy rằng thu thập rất nhiều, nhưng tính năng cọc cạch, hình thức lộn xộn, rất nhiều là đồ phế phẩm nhập lậu, xạ trình, uy lực khi sử dụng đều không thể đáp ứng được yêu cầu, độ an toàn lại càng kém, hiệu quả đương nhiên là giảm đi rất nhiều. Sự thật chênh lệch này cũng khiến Lý Tú Thành vô cùng thất vọng, trong cung từ khi thuyết phục Tăng Quốc Phiên phòng bị người nước ngoài xâm lược, ông từng kiến nghị ít mua pháo Tây, mua nhiều hỏa dược, giá pháo Tây dương, và “súng thần công kiểu Tây” do Quảng Đông tự chế tạo, lí do là hàng nước ngoài không dễ sử dụng bằng hàng Quảng Đông. Đây có lẽ là những lời gan ruột sau khi phải nếm trái đắng của việc dùng hàng lậu.

Về trận hội chiến An Khánh, sức chiến đấu của Lý Tú Thành bị đánh giá thấp, nguyên nhân của nó tương đối phức tạp.

Đầu tiên, đội ngũ cơ bản của ông không đông. Như ở trên đã giải thích, sau khi tiến vào Giang Tây, An Huy số lượng người ngựa tăng quá nhanh, rất nhiều tân binh thiếu huấn luyện và tổ chức, không có sức chiến đấu; Cho dù là người cũ của Dực điện và bộ đội Cờ Hoa mới gia nhập cũng cần phải có quá trình mài giũa lại. Lý Tú Thành mang đội quân to lớn cồng kềnh “đầu nhỏ thân to” như vậy vừa hành quân, vừa chiến đấu, vừa huấn luyện tổ chức biên chế, khó khăn là điều dễ nhận thấy. Ông hành động chậm trễ trong quá trình Tây chinh, không tích cực tiến công, cũng là vì tồn tại những băn khoăn ở góc độ này.

Thứ hai, do hệ thống phân chia đất đai và truyền thống của Thái Bình Thiên Quốc là mỗi đội tự lo hậu cần cho mình, các cánh quân bạn của Lý Tú Thành chiến đấu ở An Khánh là đất phân của Trần Ngọc Thành, việc cung cấp bổ xung hoàn toàn dựa vào bản thân, rất khó thu được hiệu quả như ở “sân nhà”. Điều này đương nhiên sẽ ảnh hưởng tới sức chiến đấu của các lộ quân Thái Bình ngoại trừ Trần Ngọc Thành. Vào thời khắc quan trọng của trận hội chiến An Khánh, bất kể là có quan hệ thân thiết với Trần Ngọc Thành như Ngô Như Hiếu, Hoàng Văn Kim, thậm chí trên danh nghĩa đều thuộc quyền chỉ huy của ông ta, hay như quân của Hồng Nhân Can, Lâm Thiệu Chương đến từ Thiên Kinh cũng đều vì vấn đề hậu cần mà hoặc sợ trước sợ sau, hoặc sức chiến đấu giảm sút. Lực lượng của Lý Tú Thành đông nhất, đương nhiên vấn đề cũng lớn nhất. Trên thực tế, đây cũng không phải là vấn đề của một mình An Khánh; Trận đại chiến Vũ Hoa Đài, đại quân của 13 vương về cần vương, chẳng phải là do vấn đề hậu cần mà không thể duy trì sức tấn công mạnh mẽ sao? Đầu năm 1864, Hồng Nhân Can đi các nơi ở Tô Nam, Chiết Bắc và Hoản Nam thúc giục cứu binh, các lộ quân chẳng phải cũng vì “e sợ không có lương” mà không dám xuất binh, cuối cùng dẫn tới Thiên Kinh thất thủ trong nạn đói mùa hè sao?

Lý Tú Thành có tiếng là yêu dân, trong cung từ của mình, ông nhiều lần nhắc tới giảm thuế, an dân, có nhắc tới sau khi chiếm lĩnh Tô Châu đã dũng cảm tay không đi vỗ về Đoàn luyện bên ngoài thành, cũng nói tới những hành vi yêu dân như bản thân mình đi phát chẩn khi Thiên Kinh bị vây khốn, cho tiền vốn để dân nghèo buôn bán nhỏ, và để dân đói xuất thành. Bên ngoài thành Tô Châu, tướng lĩnh địa phương từng dựng bia báo ân và miếu thờ ông. Cho dù một số nhà bình luận cho rằng, đây là bằng chứng xác đáng cho thấy quan lại địa phương như Tiền Quế Nhân nịnh hót a dua, bụng dạ khó lường, không thể chứng minh tấm lòng nhân từ của Lý Tú Thành, nhưng sau khi Tô Châu thất thủ, Lý Hồng Chương từng hỏi thân sĩ địa phương, vì sao lại dựng bia tô son điểm phấn cho Lý Tú Thành, “dân đáp vì giảm lương”. Có thể thấy Lý Tú Thành yêu dân là thật, và việc bách tính có ấn tượng tốt với những biện pháp này cũng là sự thật.

Nhưng với tư cách là lãnh tụ một phương, là một trong những lãnh đạo chủ chốt của Thái Bình Thiên Quốc, Lý Tú Thành tuy có tấm lòng yêu dân nhưng chỉ có thể ban ơn nhỏ giọt ở một số vấn đề vụn vặn; Đã không thể xoay chuyển được những chính sách không thiết thực của Thái Bình Thiên Quốc, sửa chữa những sai lầm “dựa vào trời không dựa vào người” của Hồng Tú Toàn, xây dựng thể chế bảo vệ xã hội, người dân, bảo vệ sự thịnh vượng của công thương nghiệp, nông nghiệp ở thành thị và nông thôn, cũng không thể chấn chỉnh một cách toàn diện những hiện tượng hại dân như buông lỏng kỷ luật quân đội, mạnh ai nấy làm, “đánh Thái Bình tiên phong”. Cho dù ông cũng giảm thuế, phát lương, mở điểm phát cháo, cấp tiền vốn cho người làm ăn nhỏ, nhưng nhận được ân huệ có mấy người? Đương nhiên, trách nhiệm này chủ yếu nên do những người như Hồng Tú Toàn, Hồng Nhân Can gánh vác, nhưng Lý Tú Thành (cũng như mỗi vị quan lớn trên mỗi phương diện của Thái Bình Thiên Quốc) đều khó có thể thoái thác trách nhiệm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *